Nhà vườn hướng dẫn chi tiết cách tạo hình bưởi Tài Lộc, bưởi thỏi vàng, bưởi bàn tay Phật đem lợi nhuận lớn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nội dung bài viết
Cách tạo hình quả bưởi Tài Lộc, bưởi hồ lô, bưởi bàn tay Phật
Với màu sắc quả đa dạng (màu đỏ, da xanh…), thời vụ thu hoạch dài, rải ra các tháng trong năm, quả lại dễ bảo quản trong thời gian dài nên cây bưởi thực sự là loài cây đem lại giá trị đáng kể cho người trồng.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều hộ nông dân trồng bưởi còn sáng tạo trong tạo hình quả thành những hình lạ đẹp mắt, tạo chữ nổi trên quả, viết thư pháp trên quả… và thực sự đã tạo được thị trường tiêu thụ các loại quả này, nhất là vào những dịp lễ, tết…
Trong dịp cuối năm 2023, chuyên gia của mobiAgri đã đến thăm vùng bưởi đỏ xã Tráng Việt, Mê Linh, được chứng kiến người dân đang bận rộn chăm sóc những quả bưởi đỏ đang được tạo hình thành thỏi vàng, trên quả được làm nổi các chữ thư pháp Phúc, Lộc, Thọ. Tạo hình bưởi hồ lô, bưởi có bàn tay phật… Những chậu bưởi cảnh được ghép quả…
Anh Lương Xuân Phương, người đầu tiên trong xã tạo hình chữ Tài Lộc đã chia sẻ với đoàn về bí quyết tạo hình và chữ trên quả: Để có được quả đẹp, đòi hỏi người nông dân phải chăm sóc cây từ khi còn nhỏ. Trước khi trồng cây giống, đất phải được xử lý kỹ, luống phải đạt tiêu chuẩn về độ cao, đảm bảo khoảng cách trồng. Mỗi cây chỉ giữ lại từ 80-100 quả, hoặc ít hơn, chú ý cắt tỉa cành đúng thời điểm.
Kinh nghiệm của các nhà vườn trong việc đưa quả vào khuôn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị khuôn và chọn quả cân đối, khỏe và không bị vết sâu bệnh hại
– Đánh dấu quả sau khi đậu 2 – 2,5 tháng
– Kiểm tra và lau sạch bụi bẩn ở khuôn và ốc vít
Bước 2: Ốp khuôn vào quả đã được chọn
– Ốp khuôn vào quả bưởi sao cho phần cuống bưởi nằm ở vị trí cuống khuôn
– Chỉnh cho quả bưởi thẳng đứng giữa khuôn
Bước 3: Bắt vít trên dưới đối xứng nhau, tránh bắt lệch mất cân đối dễ vỡ khuôn
Chú ý, để quả phát triển đúng như ý muốn, cần quan sát và tỉa bớt quả xung quanh để cây có điều kiện tập trung dinh dưỡng vào quả được chọn.
Được nhìn thấy tận mắt, thăm vườn, chúng tôi thực sự khâm phục sự sáng tạo của bà con nông dân.
Bưởi là một trong số 14 loài cây ăn quả được chú trọng phát triển
Việt Nam là quốc gia nằm trong vành đai nhiệt đới gió mùa, khí hậu có nhiều nét độc đáo và đa dạng. Khí hậu thay đổi từ khí hậu nhiệt đới điển hình ở vùng núi thấp phía Nam, đến khí hậu mang tính chất Á – nhiệt đới vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc. Điều kiện tự nhiên nêu trên đã thực sự ưu đãi cho đất nước và con người Việt Nam, tạo ra một hệ sinh thái phong phú và đa dạng và có tiềm năng to lớn trong phát triển nhiều loài cây ăn quả có giá trị.
Để phát huy các lợi thế về điều kiện thời tiết khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 qua quyết định số 4085 ngày 27/10/2022 và Bưởi là một trong số 14 loài cây ăn quả được chú trọng phát triển.
Vườn bưởi đỏ xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội
Bưởi (Citrus grandis) là một trong những loài cây ăn quả có múi được trồng khá phổ biến ở nước ta cũng như các nước khu vực châu Á khác như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippin,… Tại Việt Nam, cây bưởi có phổ thích nghi tương đối rộng, có thể trồng được ở nhiều nơi và thực tế đã hình thành nên những vùng quả đặc sản cho từng vùng sinh thái khác nhau như bưởi Phúc Trạch, bưởi Năm Roi, bưởi Phú Diễn, bưởi Đoan Hùng, cam Hàm Yên, quýt Bắc Sơn…
Cây bưởi đã thực sự mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân ở nhiều vùng sản xuất ở nước ta. Trong thực tế, một cây bưởi sau trồng 4 đến 5 năm có thể thu lãi trên 40-100 triệu đồng/ha/năm, năng suất có thể đạt trên 250 quả/cây. Trong những năm vừa qua, bưởi cũng đem lại giá trị xuất khẩu đáng kể và đóng góp nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Cây bưởi cũng là đối tượng quan trọng tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường sinh thái.
Ngoài giá trị giá trị dinh dưỡng như nhiều loài cây ăn quả khác, sản phẩm từ bưởi cũng có giá trị dược liệu rất lớn trong chăm sóc sức khỏe con người. Trong 100g phần ăn được có: 89 g nước, 0,5 g protein, 0,4 g chất béo, 9,3 g tinh bột, 49 IU vitamin A, 0,07 mg vitamin B1, 0,02 mg vitamin B2, 0,4 mg niacin và 44 mg vitamin C…. Trong lá, hoa, vỏ quả bưởi đều chứa tinh dầu. Vỏ quả bưởi còn có pectin, naringin (một loại glucozid), men tiêu hoá peroxydaza và amylaza, đường ramoza, cùng nhiều loại men tiêu hóa amylaza, peroxydaza…
Định hướng phát triển đến 2030, Việt Nam sẽ trồng khoảng 110-120 ngàn ha, sản lượng 1,2-1,6 triệu tấn. Bộ cũng đã có quy hoạch các tỉnh sản xuất bưởi trọng điểm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang), vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang).
TS. Nguyễn Văn Biếu
Biên tập bởi mobiAgri