Thời tiết tháng 5 năm 2025 dự báo sẽ có những biến động đáng chú ý ở khắp các vùng miền Việt Nam. Với những đợt nắng nóng đầu hè, những cơn mưa đầu mùa cùng sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực, thời tiết tháng 5 không chỉ ảnh hưởng lớn tới đời sống thường nhật mà còn các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu chi tiết thời tiết tháng 5 năm 2025 và những khuyến cáo quan trọng cần lưu ý.
Nội dung bài viết
Thời tiết Bắc Bộ: Xuất hiện nắng nóng gay gắt xen kẽ mưa to
Bước sang tháng 5, câu hỏi “Bao giờ miền Bắc nắng nóng?” được nhiều người quan tâm. Theo dự báo, Bắc Bộ sẽ xuất hiện khoảng 02–03 đợt nắng nóng diện rộng, trong đó các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ khả năng có nắng nóng gay gắt ngay từ những ngày đầu tháng 5. So với năm 2024, nền nhiệt độ của khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ.
Nhiệt độ trung bình: 26.5-27.5°C; vùng núi cao 19-21°C; đồng bằng 27.5-28.5°C.
Lượng mưa: Dao động từ 15-–250mm, có nơi trên 250mm nhưng ít mưa hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy lượng mưa ít hơn, người dân Bắc Bộ không nên chủ quan bởi tháng 5/2025 vẫn tiềm ẩn nguy cơ mưa lớn do rãnh áp thấp bị nén, kéo theo hiện tượng tố lốc, sấm sét, gió giật mạnh.
Khuyến cáo:
Sinh hoạt: Chủ động chống nắng, bổ sung nước, dinh dưỡng hợp lý.
Nông nghiệp: Tích trữ nước, chủ động tiêu úng trước nguy cơ mưa lớn bất chợt.
Thời tiết Trung Bộ: Khô nóng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu
Không nằm ngoài xu thế chung, Trung Bộ cũng sẽ trải qua khoảng 02–03 đợt nắng nóng trong tháng 5/2025, đặc biệt tập trung ở Bắc Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình dao động từ 27.5–30°C.
Lượng mưa: 100–200mm, xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù nắng nóng gay gắt, lượng mưa vẫn tương đối ổn định, giúp hạn chế phần nào nguy cơ hạn hán kéo dài. Tuy nhiên, bà con nông dân cần hết sức lưu ý đến những biến động thời tiết xen kẽ này.
Bà con cân nhắc điều chỉnh lịch gieo trồng, đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý, kết hợp phòng trừ sâu bệnh do điều kiện nóng ẩm.
Thời tiết Tây Nguyên: Mùa mưa gõ cửa
Liệu tháng 5 khu vực Tây Nguyên có mưa không? Câu trả lời là có! Mưa sẽ bắt đầu xuất hiện trong khoảng 9-14 ngày trong tháng 5, chủ yếu rơi nhiều vào nửa cuối tháng 5/2025. Ngoài ra, dự báo gió mùa Tây Nam sẽ bắt đầu hoạt động vào khoảng tuần thứ 2 của tháng 5. Do vậy, mưa có xu hướng xuất hiện đều hơn từ thời điểm này và hiện tượng nắng nóng trong giai đoạn đầu và giữa tháng 5 cũng sẽ giảm và kết thúc sớm vào cuối tháng 5.
Nhiệt độ trung bình: 24-27°C.
Nhiệt độ thấp nhất: 19-21°C (Yaunpa: 23-25°C).
Nhiệt độ cao nhất: 35-37°C (Yaunpa: 37-39°C).
Số ngày nắng nóng: 4-8 ngày, riêng Yaunpa (Gia Lai) có 10-15 ngày nắng nóng.
Lượng mưa: 150-200mm, với những ngày có thể đạt 50-70mm trong 24 giờ.
Mùa mưa về cũng đồng nghĩa với sự khởi đầu cho một vụ mùa mới. Nhưng đi kèm với đó là những thách thức do mưa lớn bất chợt gây ngập úng, phát sinh sâu bệnh.
Khuyến cáo chung:
Sinh hoạt: Chủ động lên kế hoạch lao động tránh những ngày có mưa lớn.
Nông nghiệp: Bà con chuẩn bị tốt hệ thống tiêu thoát nước, theo dõi diễn biến mưa dông để kịp thời xử lý sâu bệnh hại.
TS. Đặng Bá Đàn gợi ý khuyến cáo nông vụ tháng 5 cho các cây trồng chính vùng Tây Nguyên
* Cây sầu riêng:
– Chuẩn bị thiết kế lô, hố trồng, giống để trồng mới, trồng dặm khi có mưa đều. Cây giống nên được huấn luyện, điều chỉnh dàn che để trồng ra đồng;
– Kiểm tra vườn cây đã cho quả về thời gian xả nhụy, đậu quả để tỉa quả, bón phân nuôi quả, phun Canxi – Bo.
– Kiểm tra sâu hại, nấm bệnh phát sinh để phòng trừ; Lưu ý rệp sáp, sâu đục ngọn, bọ phấn, nấm lá.
– Theo dõi khả năng đi đọt của cây sầu riêng trong vườn để hạn chế canh tranh dinh dưỡng gây rụng quả.
* Cây cà phê:
– Hiện tại đã có mưa, tùy vào thực tế vườn cây. Sử dụng phân bón chuyên dụng đầu mùa mưa, có tỷ lệ NPK: 20-5-6 + TE; 19-12-6 +TE
– Kiểm tra pH, để bón vôi, chế phẩm cân bằng đất.
– Tỉa cành vô hiệu, chồi vượt; kiểm tra rệp sáp, rệp vảy xanh, cưa ghép cây kém hiệu quả, cây bị bệnh gỉ sắt nặng.
* Hồ tiêu:
– Tạo hình, cắt tỉa dây lươn, cành vô hiệu, vệ sinh đồng ruộng.
– Sử dụng thuốc có gốc đồng để rửa vườn.
– Bón phân kết hợp tưới duy trì vườn cây, phục hồi sau thu hoạch, phân NPK tỷ lệ 20-5-6 + TE
– Kiểm tra hệ thống thoát nước, đảm bảo thông thoáng, tránh ngập úng.
– Kiểm tra tình hình sâu bệnh để phòng trừ kip thời, lưu ý rệp sáp, rệp muội, bệnh vùng rễ.
– Chuẩn bị cây giống để trồng mới, trồng dặm.
* Bơ:
– Tùy vào giai đoạn sinh trưởng của vườn cây, giống bơ để sử dụng dạng, lượng phân bón phù hợp. Cây giai đoạn quả non, khi có mưa đủ ẩm, sử dụng phân NPK, có tỷ lệ 15-5-20-6S +TE, giúp quả phát triển nhanh, đảm bảo chất lượng.
– Chuẩn bị hố trồng mới, bỏ phân bón lót, huấn luyện cây trước trồng trong điều kiện tự nhiên khoảng 2 tuần
* Cây lương thực, rau màu:
Chuẩn bị giống, làm đất, phân bón khi mưa đủ ẩm để gieo trồng kịp thời vụ.
Thời tiết Nam Bộ: Chuyển mình sang mùa mưa
Thời tiết Nam Bộ tháng 5 năm 2025 được dự báo có sự chuyển biến rõ nét khi số ngày mưa gia tăng từ giai đoạn tuần thứ 2 của tháng 5 trở đi, khi gió mùa Tây Nam bắt đầu có xu hướng hoạt động, báo hiệu mùa mưa đã gõ cửa. Do vậy, nắng nóng trong giai đoạn đầu và giữa tháng 5 cũng sẽ suy giảm nhiều.
Nhiệt độ trung bình: 28-29°C.
Nhiệt độ thấp nhất: 24-26°C.
Nhiệt độ cao nhất: 35-37°C.
Số ngày nắng nóng: 8-13 ngày.
Lượng mưa: Tổng lượng 150-200mm, với những ngày mưa lớn đạt 40-60mm.
Tuy nhiên, nền nhiệt ở Nam Bộ trong tháng 5 năm 2025 vẫn thấp hơn so với tháng 5/2024, khiến điều kiện sinh hoạt và sản xuất phần nào dễ chịu hơn. Giai đoạn nửa cuối tháng 5 sẽ là thời điểm xuất hiện nhiều mưa hơn, giúp cải thiện tình hình hạn hán đầu mùa.
Khuyến cáo chung:
Sinh hoạt: Thực hiện các biện pháp chống nóng, đảm bảo an toàn điện khi sử dụng nhiều thiết bị làm mát.
Nông nghiệp: Chủ động xuống giống vụ lúa hè thu, tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phòng tránh các bệnh do ẩm ướt như đạo ôn, thối nhũn.
ThS. Lê Thanh Hùng gợi ý khuyến cáo nông vụ tháng 5 cho các cây trồng chính vùng Nam Bộ
* Sầu riêng:
– Các vườn sầu riêng khu vực miền Tây bước vào giai đoạn thu hoạch và phục hồi sau thu hoạch.
+ Giai đoạn thu hoạch: Bà con chú ý giai đoạn lên cơm, chống sượng bằng việc dọn sạch cỏ, ngừng tưới nước 3-5 ngày. Chú ý quản lý cơi đọt, hạn chế rầy gây hại, quản lý sâu đục trái và thối trái và lưu ý thời gian cách ly 7-14 ngày.
Không sử dụng các hoạt chất có tính bám dính cao Mancozeb, gốc đồng ảnh hướng đến phẩm chất và giá trị thương phẩm.
+ Giai đoạn sau thu hoạch: Cần cho cây nghỉ sau 1 tuần. Sau đó tiến hành xới mô đất, cách gốc 3-5 tấc. Tưới phòng ngừa nấm bệnh và tuyến trùng vào đầu mùa mưa. Tiến hành phun rửa vườn kết hợp các nhóm thuốc sâu quản lý.
Ngoài ra, bà con cũng chú ý mọt đục cành, bệnh nứt thân xì mủ. Cần kiểm tra pH đất cung cấp dinh dưỡng hữu cơ qua lá và bộ rễ giúp cây phục hồi tốt.
Một số gốc thuốc quản lý: tuyến trùng (Cartap Abamectin), thối rễ (Metalaxyl, Propamocard), nhóm gốc đồng, mọt đục cành (Cypermethrin Abamectin, Quinaphos, Permethrin…).
* Mít ruột đỏ:
Cây mít đang vào vụ xử lý làm bông, do đó bà con cần tiến hành chặn đọt mạnh khi gặp mưa, phun tạo mầm liều cao. Có thể sử dụng Hexaconazole kết hợp MKP để chặn đọt, phun tạo mầm 2-3 đợt, cắt tỉa cành tăm, đọt để giúp quá trình chuyển hóa tốt hơn.
* Lúa:
Lúa đang giai đoạn nghỉ vụ và chuẩn bị sạ. Bà con chú ý thời tiết nắng mưa xen kẽ, phèn mặn và bọ trĩ gây hại đầu vụ. Thúc cây lúa đẻ nhánh sớm, tăng cường bón phân, đặc biệt bổ sung thêm Canxi để hạn chế phèn.
Dự báo một số địa điểm 10 ngày đầu tháng 5/2025
Chú thích: nhiệt độ – T (độ C); lượng mưa – R (mm); màu xanh cảnh báo mưa vừa (R >16mm).
Thời tiết tháng 5 năm 2025 sẽ có nhiều thách thức cho các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là với bà con sản xuất nông nghiệp. Miền Bắc và miền Trung đối mặt với nắng nóng xen kẽ những đợt mưa lớn, Tây Nguyên và Nam Bộ chuẩn bị bước vào mùa mưa. Sự chủ động thích ứng và ứng phó kịp thời với điều kiện thời tiết sẽ là chìa khóa giúp người dân đảm bảo đời sống ổn định và vụ mùa bội thu.
Nguồn thông tin thời tiết: Weatherplus
Thông tin khuyến cáo cây trồng: TS. Đặng Bá Đàn
ThS. Lê Thanh Hùng