Giá lúa gạo hôm nay (5/3) tại khu vực ĐBSCL biến động. Trong đó, giá lúa tươi và lúa khô đồng loạt tăng từ 100 – 500 đồng/kg, giá gạo ổn định.
Nội dung bài viết
Giá lúa khô, giá lúa tươi hôm nay (5/3)
mobiAgri cập nhật giá lúa gạo mới nhất tại khu vực ĐBSCL.
Tại Hậu Giang, giá lúa tươi và lúa khô tăng từ 100 – 500 đồng/kg. Trong đó:
Giá lúa tươi TS24 tăng 500 đồng/kg, lên mức 8.300 đồng/kg; giá lúa tươi đài Thơm 8 tăng 300 đồng/kg, lên mức 7.900 đồng/kg; giá lúa tươi RVT tăng 200 đồng/kg, lên mức 8.000 đồng/kg; giá lúa tươi IR50404 và lúa tươi OM 18 tăng nhẹ 100 đồng/kg, lên mức 7.500 – 7.600 đồng/kg.
Giá lúa khô đồng loạt tăng nhẹ 100 – 200 đồng/kg, mức giá dao động từ 7.600 – 9.000 đồng/kg; riêng lúa khô ST24 tăng 400 đồng/kg, đẩy mức thu mua lên 9.400 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá lúa ST (khô) tăng 500 đồng/kg, lên mức 8.700 đồng/kg; giá lúa OM 4900 (khô) tăng 300 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg; các loại lúa khô còn lại duy trì ở mức 6.300 – 7.500 đồng/kg.
Thị trường giá lúa gạo hôm nay (5/3)
Giá lúa gạo hôm nay tại khu vực ĐBSCL giữ mức ổn định.
Tại Bến Tre, giá gạo RVT ở mức 20.000 đồng/kg; giá gạo đài thơm 8 đi ngang ở mức 19.300 đồng/kg; giá gạo OM 18 đi ngang ở mức 19.000 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay tiếp tục ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá gạo 25% tấm ở mức 570 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 594 USD/tấn; gạo 100% tấm đi ngang ở mức 498 USD/tấn.
Bản tin lúa gạo tuần vừa qua
Thị trường gạo quốc tế
Ấn Độ: Dù đang hạn chế về xuất khẩu gạo, nhưng Chính phủ Ấn Độ sẽ cung cấp 110.000 tấn gạo tới 3 quốc gia châu Phi bao gồm Guinea-Bissau, Djibouti và Tanzania vì lý do nhân đạo.
Sản lượng gạo của Ấn Độ có thể giảm lần đầu tiên sau 8 năm trong niên vụ 2023/2024 do lượng mưa dưới mức trung bình. Sản lượng gạo giảm làm tăng khả năng chính phủ Ấn Độ sẽ mở rộng hạn chế xuất khẩu gạo để kiềm chế giá lương thực tăng cao trước cuộc tổng tuyển cử.
Campuchia: Theo Liên đoàn lúa gạo Campuchia (CRF), quốc gia này hiện đứng thứ 10 trong số các nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, cả về tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, thay vì tập trung vào sản xuất theo số lượng, mục tiêu của Campuchia là nâng cao chất lượng gạo và giảm chi phí sản xuất cho nông dân.
Malaysia: Malaysia có kế hoạch đạt được 80% khả năng tự cung tự cấp về sản xuất gạo vào năm 2030. Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực đặt mục tiêu sản xuất 2.030.846 tấn gạo trắng trong năm nay, 2.006.803 tấn vào năm 2025, 2.119.389 tấn vào năm 2026, 2.171.757 tấn vào năm 2027 và 2.224.229 tấn vào năm 2028. Mục tiêu là đạt được tỷ lệ tự cung tự cấp gạo 75% vào năm tới và 80% vào năm 2030. Hiện nay, tỷ lệ tự cung tự cấp gạo của Malaysia chỉ ở mức 62,6%.
Thị trường trong nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới:
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, mặc dù tình hình thị trường lương thực toàn cầu trong năm 2023 đã đối diện với nhiều biến động bất thường, tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng với nỗ lực của người nông dân và doanh nghiệp, thị trường lúa gạo của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo đã tăng mạnh, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia.
Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn còn những vấn đề cần giải quyết như: thiếu nguồn vật tư đầu vào, giá cả không được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, và thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp.
Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý của một số doanh nghiệp và người nông dân. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh và minh bạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: tổ chức thu hoạch lúa theo đúng thời vụ; kiểm tra, giám sát, theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới; xây dựng thí điểm các mô hình đưa “thương lái” vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo; triển khai hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo.
Nguồn thông tin giá: Viện chính sách