Cập nhật giá sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay (8/5) và tìm hiểu những bí quyết để tăng khả năng đậu quả cho cây sầu riêng.
Nội dung bài viết
Giá sầu riêng hôm nay
Tại chợ đầu mối Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ hôm nay, giá sầu riêng hạt lép chỉ còn 75.000 đồng/kg. So với cách đây 1 tuần, giá sầu riêng hạt lép đã giảm 2.000 đồng/kg.
Bí quyết tăng khả năng đậu quả sầu riêng
Để tăng tỷ lệ đậu quả của sầu riêng, bạn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
– Trồng nhiều giống sầu riêng trong vườn theo tỷ lệ nhất định
Trong các cây ăn quả thì sầu riêng là cây khó thụ phấn nhất vì hoa của sầu riêng lưỡng tính nhưng thời gian tung phấn và nhận phấn lại không cùng một lúc vì thế nếu trong vườn cây trồng quá ít sầu riêng hoặc những cây sầu riêng ở quá xa nhau thì cây của bà con sẽ có khả năng thụ phấn kém vì vậy Bà con nên trồng nhiều giống sầu riêng khác nhau trong vườn theo một tỷ lệ nhất định để cây thụ phấn chéo giúp tăng khả năng thụ phấn, cây đậu nhiều quả.
– Nuôi ong giúp thụ phấn cho hoa
Đặc điểm của phấn hoa sầu riêng kết thành hình khối, dính vì thế không thể thụ phấn bằng gió nên nhiều nơi sử dụng phương pháp nhờ côn trùng (ong) hoặc dơi để truyền phấn ở cây sầu riêng.
Nếu có điều kiện nuôi ong được rất tốt.
– Thụ phấn bổ sung
Bà con cũng có thể tự thụ phấn cho cây sầu riêng bằng tay. Buổi chiều bà con lấy hoa và thu nhị đực của cây cần lấy hạt phấn cho vào lọ, chén, bát thủy tinh hoặc sứ phủ lớp vải màn lên để nơi khô ráo cho đến lúc nhị tung phấn và hoa ở trên cây nở nhiều khoảng 20 – 22 giờ đêm thì tiến hành thụ phấn bằng tay.
Cách làm: Dùng cọ mịn hoặc bông gòn quấn vào đầu thanh tre, chấm nhẹ vào dụng cụ đựng phấn để hạt phấn thấm vào cọ hoặc bông gòn.
Sau đó quét phấn lên núm nhụy và chùm hoa, cần làm nhẹ nhàng để không tổn thương đầu nhụy và hoa. Khi thụ phấn bằng tay bà con sẽ thấy quả phát triển đều, không bị lép do thụ phấn không hoàn toàn.
Thời điểm hoa sầu riêng nở là vào khoảng 5h chiều. Nhụy cái sẽ thực hiện nhận phấn từ thời điểm hoa sầu riêng nở cho đến sáng ngày hôm sau. Trường hợp những bông hoa nào không được thụ phấn sẽ bị rụng. Bao phấn của nhị đực nở và tung phấn ra lúc 7h tối và qua 4h đồng hồ sau sẽ rụng (tức là qua 11h). Thời điểm này là thời điểm lấy phấn thích hợp nhất. Dựa vào đặc điểm này, lấy phấn và thụ phấn cho hoa từ 20 – 22 giờ là tốt nhất.
– Tưới nước nuôi hoa
Khi thấy mầm hoa xuất hiện (mắt cua nhú) tiến hành giỡ vải nhựa đậy mặt liếp (ở vùng Tây Nam Bộ), bón phân và tưới nước cho mầm hoa phát triển (cho nước vào mương từ từ và giữ nước cách mặt liếp 60 – 80 cm).
Thời điểm tưới:
Khi mầm hoa ra sáng đều (dài 3 – 4 cm) trên các vị trí để quả, thì tưới nước trở lại. Không nên tưới sớm (khi mầm hoa vừa nhú mắt cua, nhú chân chim) sẽ có các tác hại sau:
Các bông ở đầu cành phát triển mạnh (nơi không khuyến cáo để quả vì dễ bị gãy cành). Còn các mầm hoa ở vùng mang quả bị rơi vào trạng thái ngủ (đui bông) nên sẽ mất sản lượng.
Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm bông, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu quả, nuôi quả.
Cách tưới:
Tưới xòe đều nước chầm chậm từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước. Nếu xuất hiện trời mưa thì rễ này không thể hút thêm nước nên không xảy ra tình trạng sốc nước gây rụng hoa, quả non.
Lần tưới tiếp theo khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô, khoảng 2 – 5 ngày sau khi tưới, tùy theo loại đất (cát, thịt, sét), không tưới quá nhiều trong 1 lần gây sốc nước.
Vào thời điểm 1 tuần trước khi hoa nở, giảm 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới không thay đổi), giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu quả tốt (bởi vì hạt phấn sẽ chết khi có nhiều nước).
Tuy nhiên, khi giảm nước cần theo dõi cẩn thận để tránh hiện tượng héo cây, héo hoa ảnh hướng xấu đến việc đậu quả.
Sau khi đậu quả, tưới tăng dần lượng nước đến mức trở lại bình thường, giúp quả phát triển khỏe, chất lượng cao.
Như vậy thời điểm, cách tưới nước cho sầu riêng giai đoạn ra hoa đậu quả rất quan trọng, quyết định đến năng suất vườn sầu riêng.
– Phun phân bón qua lá
Giai đoạn này cây rất cần các nguyên tố trung lượng, vi lượng để hình thành hạt phấn, sức sống của hạt phấn và tạo độ dai chắc cho cuống hoa.
Giai đoạn này khuyến cáo sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây, không nên dùng phân bón gốc vì rất dễ ra lá non ở các chùm bông, khi đó dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu quả, nuôi quả.
Thời điểm phun: Khi nụ hoa hình thành rõ. Phun phân bón lá NPK 20-20-20 + TE và Botrac. Phun định kỳ 7 – 10 ngày cho đến khi quả được 60 ngày tuổi.
Lưu ý: Trong lần phun khi hoa chuẩn bị nở, nên phối hợp với thuốc Agri – Fos 400, nồng độ phun 0,5% tương ứng 0,5 lít/100 lít nước, để hạt phấn hoa khỏe, giúp đậu quả tốt hơn và kháng bệnh xì mủ thân. Có thể kết hợp với thuốc trừ sâu để phòng sâu ăn hoa. Phun ướt đều mặt trên và mặt dưới lá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Trường hợp cây đang ra nụ mà ra đọt non thì sử dụng NPK 20-20-20, với liều lượng gấp đôi bao bì hướng dẫn. Xịt lúc trời mát. 7 – 10 ngày xịt 1 lần, liên tục cho đến khi lá già mới thôi.
Trong trường hợp hoa xả nhị (hoa nở) mà cây ra đọt non thì phải phun phân MKP 0-52-34 với liều lượng 4 kg/phuy 200 lít để hạn chế đọt non, lá non phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả non gây rụng quả non.
– Tỉa hoa
Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, qua đó cây sẽ tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn.
Xác định số lần tỉa hoa: Cây sầu riêng ra rất nhiều hoa nhưng thường tập trung thành 3 đợt chính.
Tỉa thưa: Hoa cần được tỉa thưa, có 2 cách sau: Tỉa thưa hoa của đợt 1 và đợt 3, không tỉa hoa ra đợt thứ 2 hoặc tỉa thưa hoa ra đợt thứ 2, không tỉa thưa những hoa ra đợt 1 và đợt 3.
Tỉa hoa theo cách nào là tuỳ thuộc vào ý định thời điểm thu hoạch quả của nhà vườn, nhưng không nên giữ lại tất cả các hoa ảnh hưởng đến việc thụ phấn và đậu quả. Như vậy, có thể tỉa hoa 2 lần (đợt hoa thứ 1 và đợt hoa thứ 3), hoặc tỉa hoa 1 lần (đợt hoa thứ 2).
Tỉa chùm hoa: Khi chùm hoa hình thành 3 – 5 cm.
Cách làm: Dinh dưỡng từ lá di chuyển vào nuôi hoa, nuôi quả nên những quả trên cành cao sẽ to lớn và ngon hơn. Do vậy cách tỉa hoa như sau:
Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5 – 1,8 m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.
Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch. Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Tùy sức khỏe của cành mà để 4 – 10 chùm hoa/cành. Khoảng cách giữa các chùm bông cách nhau 20 – 25 cm. Không để dày làm cho hoa nhỏ, đậu phấn kém.
Tỉa bớt hoa trong một chùm:
Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8 -10 cm.
Cách làm: Số lượng hoa trong chùm rất nhiều, có chùm lên đến trên 45 hoa. Vì vậy cần tỉa bớt những hoa trên cùng một chùm. Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.
Công tác tỉa hoa được kết thúc 1 tháng trước khi hoa nở. Thời gian từ khi bắt đầu hình thành nụ hoa đến khi hoa nở khoảng 45 – 60 ngày.
Sau khi tỉa hoa nếu thấy cây chưa nhú đọt non bón bổ sung DAP nhằm kích thích ra đọt non, đồng thời tưới đều nước và luôn giữ mặt đất có độ ẩm ổn định.
*Cùng tìm hiểu thêm nhiều bí quyết trồng sầu riêng chất lượng, trái ngon, phòng sâu bệnh tại mục Kỹ thuật canh tác trên ứng dụng mobiAgri.