Hoa cúc vàng là loại hoa được sử dụng phổ biến ở nước ta. Loài hoa này vừa được dùng để làm cảnh đẹp không gian, vừa sử dụng trong những dịp lễ, Tết, tục lệ thờ cúng của người Việt. Vì vậy hoa cúc vàng được trồng rất nhiều, để phục vụ nhu cầu của người dân. Kỹ thuật trồng hoa cũng không hề phức tạp, dễ đạt năng suất nếu áp dụng đúng. Hãy tìm hiểu trong bài viết này để có thể tự trồng được chậu hoa cúc vàng tươi ngay tại nhà.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về loài hoa cúc vàng
Tên tiếng Anh của hoa cúc vàng là Chrysanthemum. Loài hoa này có nguồn gốc từ loài hoa cúc dại từ Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa cúc vàng ngày nay là sản phẩm của quá trình lai tạo. Loài hoa này được du nhập vào nước ta khoảng thế kỉ XV. Cúc vàng là loài hoa phong thủy, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, là biểu hiện của sự thanh cao, vĩnh cửu. Vì vậy mà hoa cúc có tên tứ đại cây cảnh của Việt Nam: “Tùng, cúc, trúc, mai hay mai, lan, cúc trúc”.
Hoa cúc được phân bố rộng khắp trên thế giới, tuy nhiên được trồng chủ yếu tại các nước Châu Âu, Bắc Phi, Nhật Bản, Việt Nam, Trung quốc. Loài hoa này có sức sống mãnh liệt, dễ thích nghi với điều kiện của môi trường, vì vậy cúc vàng có thể trồng quanh năm.
Cây cúc vàng có đặc điểm hình thái là loại cây thân thảo nhỏ, thân nhiều đốt giòn, rất dễ gãy. Dáng cây thường mọc thẳng hoặc có dạng bò, thân cây có nhiều ống tiết nhựa mủ màu trắng. Lá cây hoa cúc vàng thường mọc so le nhau, bản lá có hình tựa lông chim, mặt dưới của lá có một lớp lông tơ mỏng.
Cách trồng cây hoa cúc vàng
Thời vụ trồng hoa cúc vàng
Hoa cúc có sức sống cao, dễ phát triển, dễ thích nghi với điều kiện môi trường. Vì vậy có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên vụ đông xuân người dân thường trồng nhiều, để hoa ra đúng dịp Tết. Vì vậy hạt giống hoa cúc vàng thường được gieo trồng vào tháng 11 để hoa nở đúng vụ.
Chuẩn bị trước khi trồng cúc vàng
Trước khi tiến hành trồng hoa cúc vàng, cần chuẩn bị các điều kiện phù hợp cho cây hoa phát triển tốt. Dưới đây là những điều cần phải chuẩn bị trước khi gieo hạt giống hoa cúc vàng.
Đất: Loại đất phù hợp để trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, có độ tơi xốp, tốt nhất là đất phù sa mới. Bề mặt đất trồng phải bằng phẳng, có khả năng thoát nước, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, độ pH phù hợp từ 6-7.
Nếu trồng ở diện tích lớn nên cày sâu bừa kỹ, phơi ải để đất tơi xốp và tiêu diệt vi sinh vật, nấm mốc có hại. Nên làm luống cao 20-30cm trước 10-12 ngày trồng. Sau đó tiến hành bón phân lót, trải đều trên mặt luống. Có thể tự trộn phân bón lót gồm phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ. Sau đó nên dùng nilon che đậy lại tránh nước mưa rửa trôi và cỏ mọc, đợi đến khi trồng thì bỏ nilon che đậy.
Tiêu chuẩn chọn giống hoa cúc vàng
Hiện nay có 2 loại cúc vàng chính đó là cúc có nhiều cành, nhiều hoa (Cúc pha lê, cúc vàng hè, HL1,…). Loại thứ 2 là cúc đơn dạng cây chỉ có 1 hoa như giống vàng Đài Loan, CN42, CN93,… Để tăng năng suất, chất lượng hoa trồng nên chọn giống cây nuôi cấy mô. Loại cây giống này có chiều cao từ 5-7cm, thân khoảng 0,2cm, rễ từ 0,5-3cm và phải có nhiều hơn 4 rễ. Hoặc có thể gieo trồng để lên cây con, sau đó mới tiến hành chọn lọc cây giống tốt để trồng.
Kỹ thuật trồng hoa cúc vàng
Tùy thuộc vào việc bạn trồng ở luống đất hay chậu cây sẽ quyết định số lượng cây con. Nếu chọn trồng trong chậu có kích thước 30x20x15cm, có thể trồng 5 cây/chậu. Hướng dẫn trồng hoa cúc trong chậu: Cho giá thể đất đã chuẩn bị vào chậu, cách miệng chậu khoảng 5cm. Sau đó tiến hành trồng các cây giống vào và phân bố đều xung quanh miệng chậu, giúp tán cây phát triển đều.
Cách chăm sóc cây hoa cúc vàng
Tưới nước cho hoa cúc
Tưới theo định kỳ 2 lần/ngày khi mới trồng cúc xuống đất, điều này giúp cây nhanh bén rễ, hồi xanh. Độ ẩm thường xuyên duy trì ở mức 65-70% tạo điều kiện thuận lợi để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Lưu ý: Cúc là loài hoa rất háo nước, ưa ẩm vì vậy phải thường xuyên tưới nước. Giai đoạn từ 7-10 ngày sau trồng nên tưới ngập một lần từ 1-2 giờ, sau đó tháo nước để cây phát triển tốt hơn.
Bón phân cho hoa cúc vàng
Cần lưu ý bón lót đầu vụ trước khi trồng từ 10-12 ngày. Bón phân hóa học theo định kỳ 10 ngày/lần, theo tỉ lệ 20kg phân kali _ 20kg phân ure cho mỗi vụ. Lượng phân bón tùy chỉnh theo diện tích trồng hoa.
Tỉa cành, bấm ngọn cho hoa cúc vàng
Đối với từng giống hoa cúc mà áp dụng phương pháp bấm ngọn khác nhau. Ví dụ: Đối với hoa cúc bông lớn như cúc đại đóa hay cúc vàng Đà Lạt sau trồng 15-20 ngày là có thể tiến hành bấm ngọn, chỉ nên để lại 3-5 cành.
Đối với giống cúc bông nhỏ, thời gian bấm ngọn cũng tương tự. Tuy nhiên nên thực hiện 2-3 lần bấm ngọn để cây tạo thành nhiều nhánh nhỏ. Khi cây đã cho ra nụ chính nên thực hiện bấm nụ nhỏ thường xuyên, để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nụ bông chính.
Điều chỉnh hoa nở đúng dịp lễ, Tết
Vào khoảng thời gian thời tiết chuyển lạnh cây cúc sẽ sinh trưởng chậm, ngọn rụt lại, nụ ngậm không nở bung, vì vậy điều chỉnh sao cho hoa nở đúng dịp lễ, Tết rất quan trọng với người trồng. Người trồng cần lưu ý những điểm sau khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ dưới 12 độ C:
- Đất để trồng hoa cúc phải tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, có khả năng thoát nước tốt.
- Mật độ cây trồng không quá dày, ảnh hưởng đến sự phát triển của hóa, hấp thụ ánh sáng, nhiệt độ.
- Bón phân cân đối theo giai đoạn, tỉ lệ, tránh việc thiếu phân làm cây còi, thừa phân bón cũng sẽ khiến cây bị vống cao.
- Nhiệt độ dưới 12 độ nên làm giàn che và thắp đèn điều chỉnh ánh sáng, giúp hoa nở đúng vụ.
Hoa cúc là loại cây ít sâu bệnh, tuy nhiên không nên chủ quan. Thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện cây nào sâu bệnh cần tiến hành nhổ bỏ, tránh làm lan sang cây khác.
Thu hoạch hoa cúc vàng
Nếu trồng ở chậu để làm cảnh thì bạn có thể giữ nguyên hoặc uốn dáng, tỉa cắt. Đối với hoa trồng ngoài cánh đồng, nên nhổ cả cây, nụ bọc nilon để giúp hoa tươi lâu hơn.
Bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn cách trồng hoa cúc vàng đơn giản nhất. Chúc bạn trồng thành công, nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế.