Cam là một loại quả giàu dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Hiện nay ở nước ta đã nhiều vùng thâm canh loại cây này như: Cam Vinh, Sơn La, Hòa Bình, Lai Vung,… Nhiều vùng ở nước ta đã có mô hình trồng cam rất hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Nếu bạn có ý định thử sức với loại cây này, hãy cùng mobiAgri tìm hiểu kỹ thuật trồng cam chi tiết ngay tại bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng cây cam
Ở các tỉnh phía Bắc
Vụ Xuân: Tháng 2 – 4 hay vụ Thu: tháng 8 – 10 đều trồng được cam nhưng tốt nhất là trồng vào vụ Xuân có độ ẩm không khí cao và có mưa xuân nên tỷ lệ cây sống cao.
Ở các tỉnh phía Nam
Trồng đầu mùa mưa (tháng 4 – 6) để tiết kiệm công tưới nhưng phải phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh nhất là rầy chổng cánh tấn công các đợt đọt non. Có thể trồng cuối mùa mưa (tháng 10 – 11) để hạn chế sâu bệnh hại nhưng cần phải tưới nước đầy đủ cho cây cam phát triển.
Chuẩn bị trước khi trồng cây cam
1. Chuẩn bị đất trồng
Xử lý đất
Trước khi trồng khoảng 2 tháng tiến hành làm đất, cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, gốc rễ cây (nếu đất khai hoang), xử lý đất bằng vôi bột (500 kg/ha) hoặc dùng thuốc bảo vệ thực vật xử lý đất. Cày phơi đất.
Làm đất
Làm đất, chuẩn bị cho việc trồng cây có múi phải đạt được các yêu cầu sau đây: Hạn chế đến mức tối thiểu sự phá vỡ kết cấu đất, tăng cường độ thông thoáng, tơi xốp của đất. Đất sau khi làm phải bằng phẳng, sạch cỏ dại và mầm mống sâu bệnh. Độ sâu làm đất đủ để tạo cho lớp đất mặt tơi xốp tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.
Chuẩn bị đất
Đất mới: Ở những vùng đất thấp của đồng bằng sông Cửu Long phải đào mương lấy đất lên liếp để xả phèn và nâng cao tầng canh tác. Khi đào mương lấy đất, chú ý không được đem lớp đất sinh phèn (nếu có) lên mặt liếp. Nếu đất chua cần bón thêm vôi để nâng cao độ pH lên khoảng 5,5 – 6,0. Ở vùng có tầng canh tác dày mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm (như chuyển đổi từ đất ruộng lúa) thì có thể lên liếp theo kiểu đắp mô rồi trồng cây lên mô. (chỉ cần đào mương tạo luống, sau đó đắp mô và trồng cây trên mô) Ở những vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm sau khi lên liếp cần đắp mô rồi mới trồng cây lên mặt mô, mô cao từ 0,3 – 0,5 m (tuỳ theo mặt vườn cao hay thấp); rộng 0,6 – 0,8 m.
Trên mặt mô tạo hố để bón lót phân chuồng trước khi trồng. Xung quanh vườn, xây dựng hệ thống bờ bao để có thể bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết. Ở những vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ hay vùng đồi ở trung du Bắc Bộ… phải chọn nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô. Không cần phải đào mương lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước trong mùa khô nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây có thể bị chết và bị bệnh thối gốc chảy mủ khi bị úng nước. Hố trồng đào rộng 0,6 – 0,7 m; sâu khoảng 0,5 m.
Đất cũ: Chọn vị trí mới để đắp mô hoặc đào hố trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây mới trồng và hạn chế cỏ dại.
Vệ sinh đồng ruộng: Chặt bỏ các cây có múi bị bệnh virus hoặc tương tự virus ở vùng xung quanh.
2. Chuẩn bị mô hố, bón lót
Đắp mô
Vườn áp dụng đắp mô
Ở vùng đồng bằng nơi có tầng canh tác dày mực thuỷ cấp thấp và không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hàng năm. Cách làm: Tạo luống, giữa các luống có rãnh thoát nước, không cần đào mương. Trên các luống đắp mô rồi trồng cây lên mô. Đất làm mô trồng thường là đất mặt hoặc đất bãi ven đồi, ven sông.Ở những vùng thấp thường bị nước mưa làm ngập hàng năm. Cách làm: Sau khi lên liếp cần đắp mô để nâng cao tầng canh tác rồi mới trồng cây lên mặt mô. Cách lên liếp như kiểu 1, đất đắp mô nên được lấy từ đất mặt ruộng hoặc đất bãi ven đồi, ven sông. Ở những vùng có lớp đất mặt mỏng nhưng lớp đất dưới lại không tốt lắm, thậm chí có chút ít phèn. Cách làm: Lớp đất mặt đào ở mương lên được tập trung đắp thành các mô, phần đất xấu ở phía dưới được đưa vào phần còn lại của líếp.
Thời gian đắp mô
Mô được đắp trước khi trồng 20 – 30 ngày kết hợp bón lót. Kích thước mô: cao 40 – 60 cm, đường kính 80 – 100 cm, tùy theo từng giống cây.
Đào hố
Áp dụng ở những vùng đất cao như miền Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, miền núi và trung du phía Bắc… nơi có nước tưới hoặc nước ngầm để tưới vào mùa khô. Không cần phải đào mương, lên liếp, chỉ đào hố, trồng ngang quanh mặt đất và đắp bờ vồng xung quanh để khi tưới nước trong mùa khô nước không bị tràn ra ngoài. Đến mùa mưa phá bờ vồng để cây khỏi bị úng nước, nếu không cây có thể bị chết và bị bệnh thối gốc chảy mủ khi bị úng nước. Áp dụng cho luống theo kiểu cuốn chiếu, lớp đất mặt dầy, tốt và lớp đất dưới không xấu lắm (không có phèn), luống đã được đắp cao.
Cách làm: Hố được thiết kế theo đường thẳng ở đất đồng bằng hoặc theo đường đồng mức ở đất đồi theo kiểu nanh sấu. Hố được đào trước trồng 1 tháng kết hợp bón lót.
Kích thước hố:
Hố trồng cam có thể đào theo kích thước: 40 cm x 40 cm x 40cm, 60 cm x 60 cm x 60 cm hoặc 70 cm x 70 cm x 70 cm tùy theo từng loại đất có thể kích thước khác nhau. Đất xấu bón nhiều phân hữu cơ cần đào kích thước rộng hơn. Ở các vùng đất cứng, thoát nước kém hố đào sâu có thể trở thành vũng nước mưa, gây nghẹt rễ, cần có biện pháp thoát nước.
Bón lót
Lượng phân bón
Phân chuồng 30 – 50 kg (hoặc phân hữu cơ sinh học với lượng 10 – 15 kg) Phân vô cơ
Lưu ý: Bón lót trước khi trồng 1 tháng. Phân hữu cơ bón từ 30 – 50 kg/gốc (có thể thay phân hữu cơ bằng phân hữu cơ vi sinh có bán sẵn trên thị trường). Vôi bón từ 0,5 – 1 kg, tùy theo độ chua của đất. Nếu dùng phân đơn: đất có pH thấp (đất chua) nên dùng phân lân nung chảy. Phân đạm và kali cho cây cam nên dùng dạng sunphat (đạm sunphat/SA, kali sunphat). Công thức bón gợi ý: Phân chuồng 30 – 50 kg (hoặc phân hữu cơ sinh học với lượng 10 – ) + 0,5 kg supe lân (hoặc lân nung chảy) + 1,5 kg vôi (có thể bổ sung 200 gram DAP: 18%N, 46%P2O5 hoặc NPK 16 – 16 – 8) Kết hợp xử lý thuốc trừ sâu để trừ mối, kiến, dế….
Cách bón
Bón cho mô (ụ): Đất đắp mô được trộn đều với toàn bộ lượng phân bón và thuốc trừ sâu trên (nếu bón phân tổng hợp NPK không bón phân đơn thì chỉ trộn phân chuồng, vôi và thuốc sâu), sau đó đắp thành mô theo kích thước phù hợp với từng giống. Phân tổng hợp NPK sẽ được bón khi trồng cây.
Bón cho hố: Trộn đều lượng phân chuồng (hoặc phân hữu cơ sinh học), phân lân (có thể bổ sung 200 gram DAP: 18%N, 46%P2O5 hoặc N, P, K 16 – 16 – 8) với lớp đất mặt và lớp đất giữa (khi đào hố để riêng). Trả lớp đất dưới xuống hố, tiếp đó lấp phân và đất đã trộn xuống hố, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng 2 – 3 cm. Tiếp đó bơm nước vào đầy hố, khoảng 10 – 15 ngày sau bón thuốc sâu trên mặt hố, dùng cuốc đảo trộn đều khoảng 15 ngày sau là trồng được.
3. Chuẩn bị cây giống
Cây giống được đưa về từ vườn ươm cây giống của đơn vị, gia chủ hoặc được mua từ các nhà vườn cây giống. Vườn cây giống phải đảm bảo rõ nguồn gốc giống. Cây giống đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 9302 – 2013, với yêu cầu về kích thước cây giống khi xuất vườn như sau:
Cây giống trước khi trồng có thể tỉa bớt lá trên cây giống (nếu nhiều lá). Trong một số trường hợp cần cắt rễ cọc, để tránh rễ ăn sâu gặp tầng phèn hoặc thủy cấp cao dễ bị thối rễ. Cây giống trước khi trồng hay bán nên tưới thuốc trừ sâu lưu dẫn vào bầu cây con, để xử lý côn trùng có thể gây hại bộ rễ khi đưa từ vườn ươm ra ngoài. Tưới trước trồng 10 ngày. Cây giống đưa về tốt nhất nên trồng ngay. Nếu chưa trồng được ngay phải để nơi thoáng mát, có mái che mưa nắng, tưới nước hàng ngày.
Kỹ thuật trồng cây cam
1. Xác định mật độ và khoảng cách
Tùy vào từng loại đất, khả năng đầu tư phân bón, nước tưới, thời gian khai thác ngắn hay dài để bố trí mật độ trồng cho phù hợp. Thông thường ở những nơi đất xấu thường bố trí trồng dày hơn, những nơi đất tốt thường bố trí mật độ thưa hơn vì khả năng phát triển cành ở đất tốt thuận lợi hơn. Khoảng cách trồng phổ biến là hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 4 m (5 m x 4 m), tương đương mật độ trồng khoảng 500 cây/ha với các cây ghép trên gốc ghép gieo hạt; và có thể trồng dầy hơn đối với cây giống chiết, cây ghép trên gốc ghép nhân vô tính, khoảng cách 4 m x 3 m hay 3 m x 3 m, tương đương mật độ 800 – 1000 cây/ha.
2. Cách trồng cây cam
Trồng cây
Vườn đào hố
Khi trồng, đảo lớp đất trộn phân đã có trong hố, đào một hố sâu hơn bầu một ít, đặt cây vào giữ tháo bỏ bầu (nếu bằng nilông) và lắp đất lại cao hơn mặt bầu khoảng 2 – 3 cm (không lấp quá sâu), nén chặt và tưới nước.
Vườn đào hố.
Vườn đắp mô
Đào hố ở giữa mô và bón vào đáy hố lượng phân lót kali (hoặc phân DAP, hoặc phân tổng hợp NPK) sau đó phủ lên trên phân một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa hố làm thế nào để mặt bầu cây nhô cao khoảng 2 – 3 cm so với mặt mô, sau đó lấp đất xung quanh bầu cây, ném nhẹ, kéo bao nilông từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu, tưới nước.
Vườn trồng cam đắp mô.
Cách đặt cây
Cây mắt ghép: Khi đặt cây phải xoay mắt ghép hướng về chiều gió để tránh gãy nhánh. Sau khi trồng cắm cọc giữ chặt cây con. Cây giâm cành và cây chiết có nhánh phân bố đều nên đặt thẳng. Cây chiết ít nhánh cần đặt nghiêng nhằm giúp các đọt bên mọc lên để tạo tán.
Đặt cây hơi nghiêng với cây chiết ít nhánh.
Các kiểu trồng
Cách trồng cam có thể thay đổi tùy theo giống cây trồng. Có thể trồng dầy trong giai đọan đầu sau đó tỉa bớt khi cây giao tán để giữ khoảng thích hợp. Cần kết hợp khoảng cách với kiểu trồng thích hợp.
Hình chữ nhật và hình vuông: Là kiểu trồng phổ biến trên líếp trồng hai hàng theo dạng hình vuông hay hình chữ nhật, kiểu trồng này dễ dàng áp dụng cơ giới hóa và chăm sóc.
Nanh sấu: Được trồng 2 hàng so le, kiểu trồng này thích hợp cho trồng dầy.
Chữ ngũ: Được trồng 3 hàng, 2 hàng bìa trồng theo kiểu hình vuông thêm một hàng ở giữa. Kiểu trồng này tăng được 15% số cây, nhiều hơn so với kiểu hình vuông.
Tam giác: Được trồng 3 hàng, 2 hàng bìa trồng theo kiểu hình chữ nhật thêm một hàng ở giữa. Kiểu trồng này tăng được 50% số cây, nhiều hơn so với kiểu hình chữ nhật.
Như vậy thông qua bài viết bạn có thể hiểu kỹ thuật trồng cam cơ bản. Tuy nhiên thông tin giai đoạn chăm sóc và thu hoạch hãy tìm hiểu thêm ở bài tiếp theo. Chúc bạn có thể áp dụng thành công những kiến thức này vào trong thực tiễn.