Kỹ thuật trồng cây đậu rồng ĐẦY ĐỦ, CHI TIẾT

Cây đậu rồng là một loại rau khá phổ biến, bộ phận sử dụng là lá, hoa và quả, được nhiều người lựa chọn trồng và được sử dụng khá rộng rãi. Trong bài viết hôm nay, TS. Nguyễn Văn Biếu – Chuyên gia tư vấn của mobiAgri sẽ chia sẻ với bạn đọc Kỹ thuật trồng cây đậu rồng đầy đủ, chi tiết.

Đậu rồng có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus thuộc họ đậu Fabaceae. Tên tiếng anh: Winged bean, Goa bean, Asparagus pea, Fourangled bean, Dragon bean và có nguồn gốc từ châu Phi, New Guinea, sau đó đã lan rộng và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới. Đậu rồng còn có những tên gọi tiếng Việt khác như đậu khế, đậu vuông, đậu xương rồng hay đậu cánh.

Đặc điểm thực vật học của cây đậu rồng

Đậu rồng là cây thân thảo, thân cây mềm, nhẵn, không lông, nhiều lóng và đốt. Rễ chính có dạng rễ củ to, có hình trụ dài và cũng được dùng làm thực phẩm. Đậu rồng là cây đa niên (có thể sống 4-6 năm hoặc hơn nếu được chăm sóc tốt), có thể thu hoạch củ sau 120-250 ngày và thường được thu lá, hoa quả non làm rau. Thân cây thường bám leo vào trụ đỡ và xoắn ngược chiều kim đồng hồ, thân có thể dài 3-4 m hoặc hơn 4 m.

cach-trong-cay-dau-rong-1

  • Lá kép: có 3 lá chét hình tam giác, lá có màu xanh đậm, mỏng và nhẵn. Mỗi lá chét thường dài từ 8-15 cm.
  • Hoa: thường mọc ra từ nách lá thành chùm 3-6 bông có màu trắng hoặc tím, kích thước 2,5-3,5 cm
  • Quả đậu rồng: thuộc loại quả giáp có hình 4 khía, mép quả có hình răng cưa, thắt lại ở hai đầu, quả dài khoảng 15 – 30 cm, rộng 3 cm, có màu vàng xanh và chuyển màu tím khi chín. Quả có chứa nhiều hạt bên trong, dễ tách đôi để hạt rơi ra khỏi vỏ quả.
  •  Hạt: trong mỗi quả có thể có đến 20 hạt, mỗi hạt khi chín nặng khoảng 3 gram. Hạt gần như hình cầu, màu sắc có thể vàng, trắng hay nâu, đen tùy theo giống.

Yêu cầu sinh thái của cây đậu rồng

  • Ánh sáng: Đậu rồng là cây ưa sáng
  • Nhiệt độ: thích hợp nhất để cây sinh trưởng và phát triển trong khoảng 18 – 30 độ C
  • Đất: Cây đậu rồng ưa thích được trồng ở những nơi đất mùn màu mỡ, hoặc đất thịt nhẹ cát pha, tơi xốp, thông thoáng và thoát nước tốt nhưng vẫn có thể phát triển tốt trên đất nặng, đất chua. Khoảng thích ứng pH rộng (4,3-7,5)

cach-trong-cay-dau-rong-2

Kỹ thuật trồng cây đậu rồng chuẩn xác nhất

Thời vụ trồng đậu rồng

Nhìn chung, cây đậu rồng có thể trồng quanh năm ở nước ta do có khí hậu nhiệt đới phù hợp. Một số bạn có hỏi “trồng đậu rồng vào tháng nào là tốt nhất?”, mobiAgri xin tư vấn rằng: Để cây sinh trưởng tốt nhất, thời vụ trồng đậu rồng ở miền Bắc là khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8, cây sẽ cho quả tháng 10-12 và có thể thu hoạch quả đến hết tháng 3-4 năm sau. Ở miền Nam nên gieo trồng vụ Xuân (tháng 2 trở đi) hoặc vụ Thu (từ tháng 8).

Giống

Hiện nay, trong sản xuất đã có nhiều giống đậu rồng được trồng ở Việt Nam như đậu rồng tứ quý, đậu rồng Đài Loan, đậu rồng Thái Lan, đậu rồng lai F1, đậu khế…

Kỹ thuật trồng

cach-trong-cay-dau-rong-3

Bạn có thể trồng trong vườn, ruộng hoặc trồng trong chậu.

Đậu rồng thường được trồng từ hạt do tự sản xuất từ quả già vụ trước hoặc mua ở đại lý hạt giống.

Hạt giống nên được ngâm nứt nanh trước khi gieo bằng nước ấm. Sau khi gieo, cần phủ một lớp đất mỏng, phủ rơm rạ để giữ ẩm cho hạt nảy mầm (khoảng 3-4 ngày) và chú ý bảo đảm cây đủ ẩm.

Đất trồng cần được làm kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Nên bón lót vôi trộn với đất và phơi nắng để diệt mầm bệnh. Sau đó, làm luống trồng cao 15 – 20cm, rộng 1 – 2m, rãnh luống rộng 20cm, mỗi liếp trồng 2 hàng cách nhau 50 – 60cm. Trồng cây con ra ruộng khi cây đạt kích thước 20-25 cm.

Chăm sóc và bón phân

Đậu rồng là loài thực vật có nguồn gốc nhiệt đới nên ở các nước có khí hậu nhiệt đới khu vực đông nam Á, cây rất dễ trồng, ưa ánh sáng, chịu hạn tốt, không kén đất, ít sâu bệnh. Là cây trong họ đậu, rễ cây có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nên có khả năng tổng hợp được đạm từ khí trời ở các nốt sần vùng rễ và do vậy, cây có khả năng sinh trưởng mạnh và nhu cầu phân đạm ít hơn. 10-15 ngày sau trồng, cần làm giàn để cây bám vào và leo cao. Nêu không làm giàn leo, cây có thể mọc bò trên mặt đất.

Dù cây đậu rồng có nhu cầu dinh dưỡng không quá cao như nhiều loài rau khác, cây vẫn cần bảo đảm đủ ẩm suốt thời kỳ sinh trưởng nhưng không chịu được ngập úng. Nên ưu tiên sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân vi sinh có nấm đối kháng Chaetomium, Trichoderma… để bón lót và tưới cho cây sau mỗi đợt thu hoạch rộ. Cần chú ý bổ sung Kali cho cây sau khi trồng và sau mỗi lứa thu hoạch.

Sâu bệnh hại đậu rồng

Như các loài rau khác, cây đậu rồng cũng có thể mắc một số bệnh như bệnh đốm lá (Ascochyta pisi), héo cây do nấm và một số loài sâu như: rệp (Aphididae), sâu vẽ bùa, sâu xanh… nhưng sâu bệnh hại đậu rồng cũng ít hơn các loài rau khác.

Với mỗi đối tượng gây hại, cần chú ý áp dụng tốt Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ nên sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc thuốc thảo mộc khi cần và hạn chế tối đa hóa chất BVTV độc hại.

Thu hoạch

Sau trồng khoảng 40 – 70 ngày (tùy giống), khi cây đã leo phủ kín giàn, cần cắt tỉa bớt lá để cây ra hoa và đậu quả. Có thể thu hái quả non dài 4-7cm khi hoa đã héo, lá non và nụ hoa để làm rau ăn dưới dạng các món xào, nấu canh, luộc, ăn gỏi salad…

Thường có thể thu hoạch thành nhiều đợt kéo dài từ 20 – 30 ngày hoặc quanh năm tùy giống và kỹ thuật chăm sóc. Sau mỗi lần thu hoạch, cần bón thêm phân, tưới nước, vun gốc và xới đất quanh gốc cây.

Trồng cây đậu rồng bao lâu có trái?

Nhìn chung, đậu rồng là loài cây có khả năng sống lâu năm nên sau mỗi năm, có thể cắt bỏ phần trên mặt đất và chăm sóc để cây tiếp tục sinh trưởng và phát triển vào năm sau. Thời gian sinh trưởng cũng tùy thuộc vào giống và điều kiện chăm sóc. Tuy nhiên, đến nay, khi người sản xuất trồng làm rau, sau thời gian thu hoạch 2-3 tháng, nhà vườn có thể bỏ và trồng lại lứa mới.

Cây đậu rồng có tác dụng gì?

  • Làm thực phẩm: Quả đậu rồng có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều protein, carbohydrate, axit amin, chất xơ, khoáng chất và nhiều vitamin và được dùng làm thực phẩm.
  • Tác dụng dược lý: Do có chứa rất nhiều khoáng chất và axit folic, vitamin (A, C, B12…) nên đậu rồng có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm quá trình lão hóa ở da, kiểm soát bệnh hen suyễn, ngăn ngừa tình trạng dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, bổ sung thêm sắt cho phụ nữ sau sinh, hỗ trợ giảm cân, giảm các bệnh về thiếu máu, đái tháo đường, bệnh viêm khớp… Tuy vậy, đậu rồng cũng không phù hợp với những người có tiền sử sỏi tiết niệu, gout…

Trên đây là hướng dẫn cách trồng cây đậu rồng chi tiết, dễ thực hiện ngày tại vườn nhà. Nếu bạn có thắc mắc cần chuyên gia tư vấn xin đặt câu hỏi tại Phần bình luận dưới bài viết. Bạn cũng có thể tải ứng dụng mobiAgri để theo dõi nhiều nội dung nông nghiệp hữu ích cho nhà nông.

TS. Nguyễn Văn Biếu

vai-tro-va-tac-dung-cua-co-dai

Biên tập bởi mobiAgri

3/5 - (2 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!