Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mít đơn giản, hiệu quả kinh tế cao

Cây mít là cây trồng ăn quả được yêu thích, múi mít rất ngọt và thơm nhiều giá trị dinh dưỡng. Mít có thể ăn trực tiếp hoặc đem đi sấy khô, làm mứt, làm bánh kẹo hoặc chế biến thành một số món ăn khác. Hiện nay ở nhiều vùng nước ta đã trồng mít để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tới bạn kỹ thuật trồng mít đơn giản, đạt năng suất hiệu quả cao.

Thời vụ trồng mít

Mít có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nguồn nước tưới, nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa vào tháng 6 – 7 dương lịch đề giảm chi phí công tưới và cây dễ sống hơn.

Đồng bằng Bắc Bộ trồng vào tháng 2 – 4 và tháng 8 – 10. Tốt nhất, bạn nên trồng vào tháng 3 – 4. Trung du miền núi phía Bắc trồng từ tháng 4 đến tháng 6. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trồng từ tháng 11 đến tháng 12. Nam Bộ trồng vào đầu mùa mưa, tháng 4 – 5 và khi trồng cần tưới đẫm nước, giữ ẩm.

Chuẩn bị trước khi trồng mít

1. Làm đất trồng

Dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng

Phương pháp cơ học: Có thể dùng dao, cuốc,… để dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật để loại bỏ nơi trú ngụ và lưu tồn của các loài dịch hại đối với cây mít.

Dọn sạch cỏ dại trước khi trồng cây.

Phương pháp hoá học: Sử dụng các loại thuốc như hoạt chất Glufosinate Ammonium: Basta 15SL, Glusat 200SL, Sinate 150SL, BM Diuron 80WP, D – ron 80WP.

Làm đất

Sau khi dọn sạch tàn dư thực vật cần san phẳng và xới cho đất thông thoáng. Ruộng cày phơi đất tới ải trắng. Nếu đất trồng có độ dốc thấp từ 1 – 5 độ, không cần đắp mô, đào hố trồng có kích thước 40 x 40 x 40 cm. Nếu đất có độ dốc cao trên 5 độ, đào hố có kích thước 40 x 40 x 60 cm (sâu 60 cm).

Chuẩn bị hố trồng cây.

Phơi ải hố 5 – 7 ngày mới tiến hành bón phân lót và lấp đất. Khi lấp hố, đưa lớp đất mặt xuống đáy, lớp đất đáy trộn đều với phân bón lấp lên trên, khi trồng không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân bón.

2. Thiết kế vườn trồng

Ở nước ta, có thể trồng mít ở hầu hết các nơi, kể cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, bà con nên chọn đất trồng khô ráo, thoát nước tốt, không bị ngập úng kéo dài, có đủ nước tưới để cây sinh trưởng. Chọn đất có tầng canh tác dày, mực nước ngầm thấp dưới 1 m. Vườn trồng mít phải thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, quanh vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh.

Vùng Đông Nam Bộ và các vùng có tầng canh tác dày, mực thủy cấp thấp: cần đào hố để trồng và chủ động được lượng nước tưới trong mùa khô.

Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồi núi miền Trung đổ ra các tỉnh phía Bắc: Có thể quy hoạch trồng mít kết hợp chăn nuôi thủy sản và công nghệ chế biến.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tầng canh tác mỏng, mực thuỷ cấp cao, đất bị phèn, mặn: cần đào mương lên liếp và thoát nước tốt trong mùa mưa để tránh ngập úng.

Đào mương, lên liếp trồng mít ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tùy theo địa hình của đất cao hay thấp để đào mương thoát nước cho phù hợp.  Đào mương chính đào rộng và sâu khoảng 0,5 – 0,7 m. Mương phụ rộng và sâu khoảng 0,3 – 0,4 m. Vùng đồng bằng, vùng trũng chỉ trồng mít ở những chân đất có đê bao vững vàng và phải vun mô cao 0,3 – 0,8 m, tùy mức thủy cấp cao hay thấp.

Đắp mô trong vườn mít.

3. Các kiểu lên liếp trồng mít ở ĐBCSL

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tầng canh tác mỏng, mực thuỷ cấp cao, đất bị phèn, mặn nên cần phải đào mương lên liếp và thoát nước tốt trong mùa mưa để tránh ngập úng. Có các kiểu lên liếp như sau:

Lên liếp kiểu cuốn chiếu

Ở những vùng có lớp đất mặt mỏng, lớp đất dưới không tốt, có phèn… thì có thể lên liếp theo kiểu cuốn chiếu. Đào lớp đất mặt ở mương thứ nhất đưa qua liếp thứ nhất bên trái, sau đó đưa lớp sâu của mương thứ nhất trải lên làm chân liếp thứ hai bên phải, tiếp đến lấy lớp đất mặt ở mương thứ hai trải lên làm mặt liếp thứ hai. Lấy lớp đất sâu của mương thứ hai trải làm chân liếp thứ ba và đảo lớp đất mặt mương thứ ba trải lên làm mặt liếp thứ ba, tiếp tục như vậy cho đến liếp cuối cùng. Lên liếp rộng từ 4 – 6 m, chiều rộng của mương thường bằng chiều rộng của liếp theo tỷ lệ 1:1. Chiều cao từ mặt nước đến mặt liếp từ 60 – 80 cm.

Lên liếp kiểu đắp mô

Trong trường hợp đắp mô thì lớp đất mặt được tập trung đắp thành các mô để trồng cây sau khi thiết kế phần đất xấu của mương được đắp vào phần còn lại của liếp và thấp hơn mặt mô. Lên liếp rộng từ 4 – 6 m. Lấy lớp đất mặt đắp mô cao 25 – 30 cm, rộng 60 – 80 cm, khoảng cách từ mô đến mặt nước từ 70 – 90 cm.

Kỹ thuật trồng mít

1. Mật độ và khoảng cách trồng

Tùy theo từng loại đất, phương pháp nhân giống mà có thể trồng ở mật độ, khoảng cách khác nhau. Đối với phương pháp nhân giống bằng hạt cây lớn thì mật độ và khoảng cách trồng thích hợp là 6  x 6 m, hoặc 6 x 7 m. Tuy nhiên đối với những giống nhập nội, nhân giống bằng phương pháp ghép có tán cây nhỏ như mít Thái siêu sớm thì mật độ trồng thích hợp là 3,5 x 3,5 m hoặc 3,5  x 4,0 m. Mật độ từ 700 – 800 cây/ha.

2. Đào hố, đắp mô

Vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Bắc do có tầng canh tác dày, mực thủy cấp sâu cần đào hố để trồng và chủ động được lượng nước tưới trong mùa khô. Đất bằng phẳng phải được lên luống cao 30 – 50 cm, rộng 1,3 – 1,5m. Rãnh rộng 30 – 40cm. Đào hố trồng có kích thước 40 x 40 x 40 cm. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng trũng có tầng canh tác mỏng, mực thủy cấp cao, đất bị phèn, mặn nên đắp mô cao 40 – 70 x 40 x 40 cm (cao x dài x rộng) – tùy theo mực thủy cấp của từng nơi để chống úng vào mùa mưa.

3. Chuẩn bị cây giống

Cây giống phải khỏe, có nhiều rễ, không sâu bệnh, không gãy ngọn. Đối với cây giống ghép phải được trồng trong túi nilon có kích thước 11 x 25 cm, chiều cao cây tối thiểu 35 – 40 cm, đường kính gốc ghép 0,5 cm, vết ghép tiếp hợp tốt, lá đang giai đoạn già. Đối với cành chiết, đường kính cành phải trên 1 cm. Trước khi đưa đi trồng 2 tuần phải ngừng bón phân, giảm tưới nước và phun thuốc phòng chống sâu bệnh. Cây giống mít được vận chuyển đến nơi trồng không được dập nát và được đặt ngay cạnh miệng hố trồng.

4. Kỹ thuật trồng

Xác định vị trí trồng tiến đến đào lỗ (lớn và sâu hơn bầu mít khoảng 15 – 20 cm) và trộn đều với hỗn hợp phân bón: 2 kg phân hữu chuồng hoai mục + 200 gram phân hữu cơ Vian CAT + 200 gram phân Lân Văn Điển. Dùng dao, kéo cắt đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại.

Đặt bầu vào lỗ đã móc sẵn và rút nhẹ túi đựng bầu ra, lấp đất xung quanh bầu cây, nén nhẹ, cắm cọc níu giữ cho cây giống thẳng, không bị ngã đổ. Đất có độ dốc thấp < 5 độ đặt bầu ngang mặt đất. Đất có độ dốc cao > 5 độ đặt mặt bầu thấp hơn mặt đất từ 20 – 30 cm. Cây ghép: khi trồng cần xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tránh bị tách chồi ghép.

Nếu đất khô phải tưới cho cây ngay, dùng rơm rạ, trấu, mùn cưa, cỏ rác… đậy xung quanh bầu để giữ ẩm. Sử dụng phân bón lá hữu cơ sinh học như DS Gold (2cc/1 lít nước) + Root Well (1cc/1 lít nước) kích thích cây ra rễ mạnh và cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Dùng cây chống buộc cố định để cây không bị đổ ngã.

Lưu ý

Đối với những vùng đất bị nhiễm phèn có pH < 5. Trước khi trồng khoảng 7 – 10 ngày tiến hành bón vôi (100 kg/1000 m²), rửa phèn. Rãi đều vôi trên mặt liếp và mô sau đó tưới nước chi vôi tan và thấm đều mặt đất. Trồng trong mùa mưa cần tránh ngập nước. Đặt mắt ghép cùng hướng với chiều gió tránh gãy nhánh ghép. Khi đặt mặt bầu phải ngang bằng mặt liếp (mặt mô).

Hi vọng thông qua bài viết, bạn đã bổ sung thêm kiến thức trồng cây mít đạt năng suất cao.

1.7/5 - (4 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!