Quả na hay còn gọi là mãng cầu ta, là loại trái cây được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Loại cây này có thể trồng thành công ở nhiều nước khu vực ôn đới và nhiệt đới. Ở nước ta cây na được trồng ở nhiều tỉnh thành và trở nên nổi tiếng, bởi chất lượng thơm ngon như: Na Đồng Bành Lạng Sơn, na Mai Sơn, na Nữ Hoàng, na Bồ Lý,… Việc trồng cây na đem lại năng suất, chất lượng cao cũng không quá khó nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách trồng cây na sai quả ngay dưới bài viết.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin về cây na
Quả na hay còn gọi là mãng cầu ta, là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng được trồng rộng rãi trên nhiều tỉnh thành nước ta. Cây na thuộc loại thân gỗ nhỡ, có chiều cao từ 2,5-3,5m, đường kính thân từ 8,4-10cm. Tán tạo không đều, dạng tháp hoặc tán tròn. Lá cây na có dáng thuôn dài, có từ 5-7 cặp gân nổi qua trục lá, lá mỏng có màu xanh lục. Hoa của cây na có hương thơm nhẹ, là loại hoa phức hợp, lưỡng tính, đài hoa có 3 cánh màu xanh lục. Hình dáng hoa thuôn dài nhưng khe cánh hoa hẹp vì vậy khả năng thụ phấn nhờ gió hầu như không có, mà phải nhờ đến côn trùng hoặc thụ phấn nhân tạo.
Khoảng thời gian thu hoạch tính từ lúc na được thụ phấn đến khi chín, khoảng 110 ngày hoặc từ khi tuốt lá khoảng 125 ngày.
Chuẩn bị trước khi trồng cây na
Thời vụ trồng na
Thời gian thích hợp trồng na ở miền Bắc từ tháng 2 đến tháng 3. Ngoài ra có thể trồng vào vụ thu tháng 8 hoặc tháng 9. Đầu mùa mưa tháng 4, tháng 5 là khoảng thời gian phù hợp để trồng na ở miền Nam
Đất trồng na
Tiến hành làm hố trồng
Trước khi trồng cần đào hố rộng và sâu khoảng 50cm. Nếu chưa trộn sẵn đất thì có thể tiến hành bón lót chưa khi trồng. Tỉ lệ thành phần bao gồm: Phân chuồng + phân kali + phân lân trộn đều cùng đất mặn. Kích thước khoảng cách trồng na tham khảo: 3mx3m hoặc 3mx4m.
Dụng cụ trồng
Bạn có thể trồng cây na với diện tích lớn ở vườn hoặc đất đồi, khu vực đất phù sa,… Ngoài ra bạn có thể tận dụng chậu cây, thùng xốp, bao tải, bao xi măng để trồng khu vực ban công hoặc trước hiên nhà. Yêu cầu các dụng cụ trồng đều có lỗ thoát nước dưới đáy.
Chọn giống trồng
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống na đa dạng cho bạn lựa chọn, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường hoặc sở thích để lựa chọn giống na. Có thể lựa chọn các giống na sau đây:
Giống na quả xanh có vỏ quả toàn bộ màu xanh. Khi chín, màu của quả dần sáng hơn và chuyển sang màu xanh nhạt. Trong khi đó, giống na đỏ, tím có lá xanh đậm và vỏ quả có màu đỏ, tím đặc trưng, dễ nhận biết.
Ngoài ra, việc dựa vào đặc trưng của thịt quả cũng mang đến nhiều sự lựa chọn cho chúng ta. Cụ thể, có hai loại giống cây mãng cầu phổ biến là mãng cầu dai và mãng cầu bở. Cây mãng cầu dai có vỏ mỏng, dễ dàng tách vỏ khỏi thịt quả khi ăn. Mỗi quả có nhiều múi thịt, nhiều hạt, quả chắc và ngọt đậm. Phần hạt dễ tách được khỏi thịt quả. Cây mãng cầu bở có đặc trưng vỏ màu xanh, phần thịt ở dạng bở, bóc vỏ khó hơn so với mãng cầu dai và quả thường hay nứt khi chín. Thịt quả mãng cầu bở ngọt nhưng không chắc như mãng cầu dai.
Ngoài ra còn có rất nhiều giống na như: Na Nữ Hoàng, na Thái, na tím,… Mỗi loại đều có những đặc trưng về hương vị, màu sắc, năng suất riêng.
Tiến hành trồng cây na
Cây na có thể được nhân giống bằng hạt hoặc phương pháp ghép cành. Tuy nhiên đối với loại đất nhiễm mặn hoặc đất bị phèn mặn theo thủy triều thì nên ghép trên gốc bình bát. Đối với phương pháp trồng bằng hạt hoặc ghép cành, khi cây con đủ ngày tuổi tiến hành đem trồng ngoài hố trồng đã chuẩn bị. Dùng dao nhọn rạch bỏ nilon bao bọc bầu cây giống, đặt cây vào vị trí trung tâm hố và lấp đất trộn sẵn, lớp đất phủ cao hơn mặt bầu từ 2-4cm. Sau đó chèn đất xung quanh bầu và khoanh vòng tưới nước, phủ thêm rơm rạ hoặc thực vật khác để giữ ẩm gốc. Nên dùng dây và 2 cọc tre để buộc cố định cây na, giúp cây chắc chắn hơn trước tác độngg của mưa gió.
Chế độ chăm sóc cây na
Tưới nước
Việc cung cấp đủ nước là điều cần thiết cho cây na, nhất là vào mùa khô hoặc giai đoạn ra trái, lúc quả sắp chín. Ngoài ra nên thường xuyên làm cỏ dại, phủ gốc bằng cây phân xanh, xới gốc 2-3 lần.
Bón phân
Sử dụng từ 20-30kg phân chuồng để bón cho cây trồng. Tùy từng độ tuổi của cây để bón phân với liều lượng sau: 2 năm đầu bón 20kg/năm. Từ năm thứ 3 trử đi 30kg/năm, nên chia đợt bón thành 2-3 lần trước và sau mùa mưa hoặc sau khi thu trái. Sử dụng thêm phân khoáng để bón thêm cùng phân chuồng, tỉ lệ tham khảo phân NPK 16-16-8:0,5kg/cây na. Từ năm thứ 2 trở đi, mỗi năm thêm 0,5kg phân khoáng. Ngoài ra để quả thêm ngọt có thể sử dụng thêm phân kali để bón, áp dụng từ năm thử 3 trở đi cho 0,5kg/cây.
Phòng trừ sâu bệnh
Na ít bị nhiễm sâu bệnh, tuy nhiên vẫn cần chú ý đến việc phòng trị rệp sáp, một vấn đề phổ biến trong các vườn trồng ít được chăm sóc. Khi cây Na chưa bị rệp sáp bám vào mặt dưới của lá, dễ nhận biết qua màu sáp trắng và các tụ sáp xung quanh, mọc lên từ đó. Khi cây có trái, rệp sáp sẽ bám vào trái và hút nhựa từ khi trái còn non đến khi chín, thường xảy ra ở vùng giữa hai múi vì vỏ ở đây mỏng. Việc này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của trái, gây khó khăn trong việc tiêu thụ, mà còn làm giảm chất lượng trái do mất đi hương vị.
Để điều trị, có thể sử dụng các loại thuốc như Supracide, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,… Hãy xịt thuốc vào cuối mùa vụ, khi cây không còn trái. Khi cây có trái, xịt thuốc cả lên trái và lá. Gần khi trái sắp chín, không nên tiếp tục xịt thuốc để tránh gây hại cho người tiêu dùng
Tỉa bớt cành lá
Từ năm thứ 3 trở đi quả na sẽ cho trái nhỏ hơn, chất lượng kém đồng đều hơn. Những cành phát triển trên cao sẽ khó thu hoạch hoặc khó chăm sóc để được chất lượng quả tốt. Vì vậy nên tiến hành cắt tỉa bớt những cành già, hỏng, cỗi. Thông thường cây na được trồng xen kẽ vụ mới, đốn bỏ cây già cỗi kém năng suất.
Thụ phấn nhân tạo
Hiện nay để tăng năng suất cho cây trồng, việc hỗ trợ thụ phấn sẽ giúp tăng khả năng đậu trái. Nên lấy phấn hoa đực từ nhưng bông có có cánh hé nở, phần nhị màu kem. Tiến hành thụ phấn nhân tạo vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để giảm tình trạng mất nước. Dùng que bông tăm chấm vào những hộp phấn đã thu và đặt nên phần nướm nhụy hoa 1 cách nhẹ nhàng. Nên chọn những hoa ở cành to, có sức sinh trưởng tốt.
Thu hoạch quả na
Có thể nhận biết dấu hiệu của trái Na chín thông qua sự xuất hiện màu trắng ở các kẽ giữa hai múi và việc các kẽ này trở nên đầy và đỉnh của múi giảm xuống (na mở mắt). Một số giống Na có thể xuất hiện các kẽ nứt và trong trường hợp của giống “na bở”, các kẽ này có thể toác ra. Để tránh trái Na cọ sát vào nhau, làm vỏ trái nát và thâm lại, gây mất đi vẻ đẹp và khó bán, ta nên đặt lá tươi hoặc lá chuối khô dưới trái.
Sau khi hái trái, nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, đặc biệt khi trái đã chín. Ngay cả đối với giống Na Thái, trái cũng dễ nát khi đã chín.
Như vậy mobiAgri đã cùng bạn tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây na cơ bản. Tuy nhiên cách trồng, chăm sóc có thể thay đổi phụ thuộc vào kinh nghiệm của người trồng, cách trồng của từng vùng miền. Bạn có thể tham khảo cách trồng na cơ bản tại bài viết, tham khảo thêm kiến thức của chuyên gia.