Bật mí kỹ thuật trồng nhãn nâng cao năng suất, chất lượng

Nhãn là một loại cây ăn trái dễ trồng được thị trường ưa chuộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu kỹ thuật trồng nhãn cơ bản nhất, dễ đạt song song 2 tiêu chí năng suất và chất lượng ngay tại bài viết dưới đây.

Quả nhãn không những có vị ngọt, ngon mà nó còn tốt cho sức khỏe như cải thiện tuần hoàn máu, đẹp da, phòng bệnh dạ dày, giảm căng thẳng,… Vì cây nhãn được trồng để lấy quả nên sẽ có những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cần đảm bảo trong quá trình chăm sóc. Hiểu được điều đó, mobiAgri sẽ giúp bà con nắm vững kỹ thuật trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ trong bài viết này.

Đặc điểm chung về cây nhãn 

Cây nhãn có quả tròn vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn. Hạt đen, có phần thịt màu trắng đục bao bọc. Mùa quả nhãn chín vào khoảng tháng 7-8. Cây nhãn là loài cây ưa sáng mạnh, phát triển ở nơi nhiệt độ cao (20-35 độ), chịu hạn tốt, thích ẩm nhưng lại sợ đọng nước. 

Cây nhãn là cây ăn quả không kén đất nên bà con có thể trồng trên rất nhiều loại đất từ vùng nước ngọt đến đất nhiễm mặn. Tuy nhiên, đất trồng nhãn thích hợp nhất là có độ pH từ 5-7 như đất cát, cát pha, đất phù sa ven sông và không phù hợp trồng trên đất sét nặng.

Chuẩn bị trước khi trồng cây nhãn

Mùa vụ trồng nhãn

Cây nhãn có thể trồng quanh năm nhưng tùy theo vùng miền bà con sẽ có thời vụ trồng khác nhau để phù hợp với điều kiện khí hậu. Cụ thể:

– Với vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, bà con thường trồng vào tháng 6-7.

– Với vùng duyên hải Nam Trung Bộ thường trồng vào tháng 9. Còn tỉnh miền Bắc thường trồng vào mùa Xuân tháng 2-3 hoặc mùa Thu tháng 9-10. 

Lưu ý, nếu bà con trồng vào mùa mưa tháng 4-5 thì chú ý tiêu thoát nước vì mưa nhiều dễ làm cây nhãn bị chết do nghẹt rễ.

Chọn và nhân giống nhãn

 Chọn giống

Hiện nay, trên thị trường có nhiều giống nhãn khác nhau phù hợp để trở thành đặc sản của vùng.

Không thể không nhắc đến một số giống nhãn đặc sản theo vùng như: nhãn lồng Hưng Yên, nhãn đường phèn khu vực sông Đáy thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nhãn da bò, nhãn xuồng cơm vàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,… Bên cạnh đó những giống nhãn đặc sản vùng miền còn có một số giống khác như nhãn super, nhãn hương chi, nhãn chín muộn, nhãn cùi,…

Bà con khi chọn giống cần đảm bảo cây khỏe, cứng cáp, sai quả, cùi dày thơm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhân giống

Có 2 phương pháp nhân giống cây nhãn là gieo hạt và chiết cành. Cụ thể như sau:

Gieo hạt: Khi mang hạt giống về cần xử lý bằng cách ngâm hạt nửa ngày, sau đó vớt ra và tiếp tục ngâm với nước vôi trong 2-3 giờ. Sau đó, vớt hạt ra ủ vào đất cát ẩm 2-4 ngày.

Chiết cành: Đây là phương pháp nhân giống được bà con áp dụng phổ biến vì có ưu điểm vượt trội như ra trái nhanh, cây con giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, bộ rễ ăn cạn nên phù hợp đất có mực thủy cấp cao như khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế là cây dễ bị đổ ngã nếu bị gió bão vì rễ ăn cạn.

Kỹ thuật trồng nhãn

Mật độ trồng

Bà con cần chú ý duy trì mật độ trồng phù hợp để cây nhãn có không gian phát triển hiệu quả, từ đó giúp tăng năng suất. Cụ thể, cây nhãn trồng theo hàng với khoảng cách giữa 2 cây khoảng 5-6m tương ứng với 300 – 350 cây/ha.

Làm đất trồng nhãn

Khi bà con có kế hoạch trồng nhãn, việc đầu tiên cần làm là xử lý đất trước khi trồng giúp cây nhãn phát triển thuận lợi, mang lại hiệu quả cao. Tiếp theo, bà con tiến hành đào hố với kích thước tiêu chuẩn phù hợp là 60 x 60 x 60cm hoặc 80 x 80 x 80cm giúp cây con có không gian phát triển tốt.

Bón lót trước khi trồng nhãn

Sau khi làm đất xong thì việc bón lót là công đoạn không thể thiếu trước khi trồng giúp làm giàu dinh dưỡng cho đất và tăng độ tơi xốp.

Kỹ thuật bón: Mỗi hố trồng nhãn, bà con bón lót khoảng 20-25kg phân chuồng hoai, 1-2kg supe lân, 100g Ure và 100g Kali hoặc 2kg phân NPK. Sau đó, dùng cuốc trộn đều phân và đất lấp gần đầy hố. Việc đào hố và bón lót được thực hiện trước khi trồng tối thiểu 1 tháng.

Các bước trồng nhãn đúng kỹ thuật

Bước 1: Đầu tiên, bà con hãy dùng dao và rạch lỗ nhỏ ở trên cây cho vừa bầu cây con.

Bước 2: Tiến hành cắt mặt đáy bầu và cho cây vào giữa mô đất đã đào đảm bảo mặt bầu bằng mặt trên mô đất.

Bước 3: Tiếp theo, rạch lớp nilon ngoài bầu đất cây giống. Chú ý làm cẩn thận để không làm tổn thương rễ.

Bước 4: Lấp đất quanh hố trồng, nén đất nhẹ nhàng quanh gốc

Bước 5: Bà con có thể cắm cọc tre cho cây không bị tác động bên ngoài làm gãy, đổ.

Lưu ý, sau khi trồng xong bà con hãy dùng rơm khô ủ kín mô đất và tưới nước đầy đủ để duy trì độ ẩm thích hợp.

Chăm sóc cây nhãn sau trồng

Một trong những công đoạn quan trọng để cây nhãn sinh trưởng và phát triển tốt là kỹ thuật chăm sóc sau khi trồng. Bà con có thể thực hiện đơn giản trong quá trình canh tác và cần chú ý đến các công việc sau:

Tưới nước

Cây con mới trồng cần giữ ẩm thường xuyên, mưa nhiều bà con cần kịp thời tiêu thoát nước. Cây nhãn là loại cây cần nhiều nước nhưng rễ chịu úng kém nên việc tưới tiêu cần chú ý không tưới quá nhiều một lần sẽ dễ gây hiện tượng nghẹt rễ. Vì vậy, vào mùa nắng tưới 1 lần/ngày với lượng 3-3.5 lít/gốc nếu tưới nhỏ giọt và 4-5 lít/gốc khi tưới béc thông thường.

Bồi đắp mô đất

Bà con cần tiến hành đắp thêm đất khô trong 2 năm đầu tiên để mô đất trồng nhãn cao và rộng hơn. Đến năm thứ 3 trở đi thì vét bùn non bồi thêm một lớp 2-3cm sau khi làm gốc, bón phân. Nếu bà con trồng nhãn trên đất sét thì nên bón phân hữu cơ hàng năm để đất thông thoáng, tạo điều kiện rễ phát triển.

Làm cỏ, xới xáo

Bà con cần làm cỏ thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng của cây nhãn. Đồng thời, hạn chế nơi ẩn nấp, xâm nhập của sâu bệnh hại. Ngoài ra, bà con cũng cần xới xáo để đất thông thoáng giúp rễ trao đổi chất.

Bón phân

Trong 3 năm đầu tiên, mỗi năm bà con cần bón 0.2-0.4kg đạm urê, 0.5-0.7kg phân lân và 0.3-0.5kg kali. Với những vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ 1 tạ quả tươi/năm thì bón 4.2kg đạm ure, 5.5kg lân, 4kg kali. Đợt 1: Bón ngay sau khi thu hoạch 80% lân, 30% đạm và 30% kali. Đợt 2: Khi cây phân hóa mầm hoa vào đầu tháng 2 với lượng 30% đạm, 20% lân và 30% kali. Đợt 3: Tháng 3-4 để chùm hoa phát triển bón từ 10-20% đạm. Đợt 4: Tháng 6-7 để cho quả phát triển, bón hết lượng đạm, kali còn lại.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Cây nhãn thường bị một số loại sâu bệnh hại chính sau:

  • Bọ xít: Tìm và ngắt các ổ trứng xuất hiện trên lá, trị bọ xít khi có quả non bằng cách phun Basudin nồng độ 0,2% hoặc Diazinon Nồng độ 0,04%; Dipterex nồng độ 0,015-0,1%, Trebon nồng độ 0,15-0,2%. Bà con phun 2 đợt cách nhau 1 tuần vào cuối tháng 4.
  • Sâu đục thân: Dùng dao khoét lỗ sâu, sau đó dùng gai mây hoặc dây theo để kéo sâu ra hay bơm thuốc Polytrin hay Sumicidin nồng độ 0,2%. Tiếp theo, dùng nước vôi đặc quét lên thân để không cho sâu sinh trưởng và đẻ trứng.
  • Rệp sáp: Cần kiểm tra thường xuyên vườn nhãn, nếu thấy rệp xuất hiện thì phun đều lên tán tập trung vào chùm hoa, quả bằng thuốc Sherpa; Trebon hoặc Actara.
  • Dòi đục cành hoa: Điều trị dòi bằng thuốc Monitor nồng độ 0,2%, Trebon nồng độ 0,15%.
  • Bệnh sương mai: Để điều trị bệnh này, bà con có thể phun thuốc Bordeaux nồng độ 1% hoặc Ridomil – MZ nồng độ 0,2%, Anvil nồng độ 0,2%, Score nồng độ 0,1%, hoặc hỗn hợp Ridomil – MZ nồng độ 0,2% + Anvil nồng độ 0,2%.
  • Bệnh vàng lá gây chết cây do bón nhiều đạm. Cách xử lý là bà con chú ý bón cân đối đạm, lân, kali.
  • Xỉ than do trồng sâu thì cần cào bới đất ra. Còn nếu bệnh do nấm thì bà con có thể dùng thuốc Benlate C hoặc Rizocid lượng dùng 8-10 lít pha tưới vào gốc cây.

Tóm lại, kỹ thuật trồng nhãn và quy trình canh tác có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng quả. Chúc bà con sẽ áp dụng đúng và đầy đủ kỹ thuật trồng nhãn để có hiệu quả kinh tế cao như mong muốn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các bài viết khác của mobiAgri để cập nhật những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Đánh giá bài viết

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!