Hiện tại có một số địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ra khuyến cáo lịch gieo sạ đầu vụ Đông Xuân 2024-2025. Thời gian bắt đầu từ 05/10 đến 25/12/2024. Để chuẩn bị tốt cho 1 mùa vụ thắng lơị, bà con cần tuân thủ theo lịch khuyến cáo của địa phương để sạ đồng loạt nhằm né dịch rầy, sâu hại và hạn mặn cuối vụ.
Ngoài ra, ThS. Lê Thanh Hùng cũng đưa ra 1 số lời khuyên để bà con tham khảo trước khi thực hiện gieo sạ như sau:
Nội dung bài viết
🌾Chuẩn bị giống
Cần sử dụng giống lúa xác nhận, ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện mặn phèn, thiếu nước ngọt vào cuối vụ.
Các giống lúa nên sạ theo khuyến cáo của địa phương hoặc cùng 1 diện tích lớn trong vùng để có đầu ra thuận lợi.
Lượng giống gieo sạ ở đầu vụ không nên quá dày. Bà con có thể áp dụng 120 – 160kg/ha (tùy vùng). Nếu sạ được với lượng giống 80 – 120kg/ha theo khuyến cáo càng tốt.
⛏Khâu làm đất
– Đối với những vùng sạ lúa vụ 3 vừa xong cần phải cày bừa kỹ, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm Trichoderma, cần giãn cách 2 – 3 tuần trước khi sạ vụ mới để hạn chế rầy nâu bay sang và có thời gian cho rơm rạ phân hủy
+ Hóa giải độc chất hữu cơ: Sau khi sạ lúa được 2 tuần, cần rút kiệt nước ruộng cho đến khi đất nứt chân chim rồi bơm nước mới vào và lặp lại như vậy khi cây lúa được 4 tuần.
– Làm đất kỹ từ 1 – 2 lần, san phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước rộng từ 20 – 30 cm, sâu 15 – 20 cm, khoảng cách giữa các rãnh từ 20 – 40cm để thuận lợi cho việc thoát phèn, đưa nước vào ruộng và đi lại bón phân, quản lý dịch hại.
Với những vùng phù sa, đất xám cần tăng cường cày sâu bừa kỹ để bộ rễ lúa ăn sâu, giúp cây sinh trưởng và phát triển khỏe, tăng sức chống chịu hạn hán vào cuối vụ. Trước khi làm đất cần kiểm tra độ chua, độ mặn của đất để có biện pháp rửa mặn phèn và điều chỉnh lượng phân bón lót cho phù hợp.
🦗Quản lý dịch hại đầu vụ
– Phòng trừ cỏ dại: Áp dụng giải pháp diệt mầm đầu vụ và hậu nảy mầm để giải quyết cỏ sót còn lại sau đợt diệt mầm. Nếu lúa cỏ, lúa rày nhiều cần áp dụng diệt mầm trước sạ và sau sạ 1- 2 ngày hoặc áp dụng sạ ngầm để quản lý lúa cỏ cao hơn.
– Diệt ốc bươu vàng: Thu gom ốc và ổ trứng; đào rãnh thu gom ốc trong ruộng và xung quanh ruộng; dùng lưới chắn ốc ở những chỗ có đường nước chảy vào ruộng; thả vịt vào ruộng ăn ốc; có thể dùng thuốc rải vào những chỗ có nhiều ốc.
– Ngăn ngừa rầy nâu, bù lạch và bệnh lúa von: Xuống giống đồng loạt và đúng theo lịch thời vụ của địa phương để chủ động né rầy; trộn giống lúc ủ với những loại thuốc có khả năng phòng chống rầy nâu, bù lạch và bệnh lúa von ở giai đoạn đầu của cây lúa…
💥Quản lý dinh dưỡng
Dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa trong giai đoạn đầu từ 2 nguồn thức ăn chính đó là từ bản thân hạt giống (phôi nhũ) và từ môi trường đất. Trong khoảng 10 hay 11 ngày đầu sau khi gieo, hạt lúa hút nước để thủy phân tinh bột, protein, chất béo… thành những chất dinh dưỡng dễ tiêu cung cấp cho cây lúa non.
Bà con cần cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây lúa hấp thu và phát triển. Tùy theo vùng đất trũng thấp, đất cao hay đất phèn, Bà Con cần đi phân bón thích hợp. Có thể bổ sung kèm các dòng phân bón hữu cơ, trung vi lượng để cải tạo đất cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cây lúa phát triển, nở bụi, phát triển rễ.
Ở vụ Đông Xuân các vùng ngâm lũ hoặc cày ải phơi đất nên giảm lượng phân bón 10 – 20%, hạn chế sử dụng quá nhiều phân Đạm vì thời tiết vụ Đông Xuân thuận lợi cho nấm Đạo Ôn phát triển mạnh.
Bà con có thể cung cấp dinh dưỡng qua lá và các chất điều hòa sinh trưởng giúp cây lúa phát triển tốt khi gặp điều kiện bất lợi: phèn, ngộ độc hữu cơ, nắng gắt, thiếu nước…
ThS. Lê Thanh Hùng