Nông nghiệp là một trong những ngành tạo nên các nguồn phát thải khí nhà kính làm gia tăng sự nóng lên của toàn cầu. Việt Nam là đất nước có hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu của nền kinh tế. Theo TS. Đặng Bá Đàn vấn đề đặt ra là phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó cần chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo kết quả nghiên cứu, ngành nông nghiệp Việt Nam tạo ra khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Ba tác nhân chính liên quan đến cây trồng, vật nuôi có lượng phát thải lớn bao gồm:
+ Canh tác lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e) chiếm 50%;
+ Hoạt động chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e chiếm 19%;
+ Quản lý đất đai và sử dụng vật tư phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e chiếm 13%.
Ba loại khí làm tăng phát thải khí nhà kính trong hoạt động canh tác lúa, chăn nuôi và quản lý đất, phân bón là CH4, N2O và CO2.
Các khí này sinh ra từ hoạt động sử dụng phân bón, nước tưới, xử lý tàn dư thực vật, rơm rạ; từ quá trình nhai lại của động vật, chất thải, phân giải, bay hơi do phân giải, sử dụng nhiều phân vô cơ (đạm Urê)…
Nội dung bài viết
Thực hành, hoạt động giảm phát thải
– Đối với trồng trọt, canh tác một số cây trồng chủ lực, có diện tích lớn, chiếm tỷ trọng chủ yếu, một số biện pháp giảm phát thải kiến nghị gồm:
🍀Canh tác lúa:
Các chất hữu cơ bị phân hủy trong điều kiện yếm khí tại các ruộng lúa cũng gây phát thải khí nhà kính. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Thay đổi chế độ nước trước và trong quá trình trồng lúa nước, tăng thời gian để ruộng khô trước thời vụ, tăng cường phơi ruộng để ruộng ẩm trong quá trình canh tác, đặc biệt là thời kì đạt số dảnh tối đa đến làm đòng.
Áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm.
Mở rộng mô hình luân canh lúa – tôm, chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
🍀Canh tác cây cà phê:
Cây cà phê với diện tích gần 700 ngàn ha, tập trung chủ yếu vùng Tây Nguyên. Canh tác cà phê cần đầu vào vật tư lớn như phân bón vô cơ, nước tưới, do vậy cần có những nghiên cứu, hướng dẫn để phát triển cà phê theo hướng sinh thái, tuần hoàn.
Một số biện pháp kỹ thuật trong canh tác để giảm phát thải khí nhà kính được thảo luận khuyến cáo bao gồm:
+ Tăng cường đa dạng sinh học, trồng xen, canh tác đa tầng theo mô hình Nông lâm kết hợp;
+ Sử dụng phân bón theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, theo kết quả phân tích đất; kết hợp phân bón với hệ thống tưới, sử dụng tối đa phụ phẩm của quá trình sản xuất cây cà phê như thân già già cỗi, cành lá, vỏ quả, bã thải, nước xử lý..;
+ Tận dụng năng lượng mặt trời trong phơi sấy, chế biến..;
+ Không sử dụng thuốc diệt cỏ, quản lý cỏ dại hợp lý, sử dụng máy cát cỏ, tạo thảm phủ.
🍀Canh tác hồ tiêu:
Cây hồ tiêu là cây trồng mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân, cây được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, với diện tích khoảng hơn 106 ngàn ha, chiếm chủ yếu tại Tây Nguyên, các tỉnh có diện tích lớn như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai.
Với điều kiện thâm canh và giá cả tiêu thụ được cải thiện, cây hồ tiêu đang được sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới để tăng nhanh năng suất, dẫn đến phát triển kém bền vững, ảnh hưởng đến môi trường.
Để góp phần cân bằng phát thải, hấp thu CO2, các khuyến cáo cho canh tác cây hồ tiêu là:
+ Sử dụng cây trụ sống, trồng xen, trồng cây đai rừng chắn gió, trồng thảm phủ trong vườn, quản lý cỏ dại hợp lý;
+ Sử dụng phân bón trên cơ sở phân tích đất, bón cân đối đa trung, vi lượng;
+ Sử dụng phân bón thế hệ mới, tan chậm, phân dạng lỏng;
+ Tăng cường sử dụng phân vi sinh..;
+ Sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, kết hợp bón phân, phòng trừ sâu bệnh..
🍀Đối với chăn nuôi:
Sử dụng công nghệ tiên tiến như Biogas và Biomass để chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng tái tạo, giúp giảm phát thải CH4.
Áp dụng công nghệ giám sát, thay đổi khẩu phần ăn của gia súc, xử lý chất thải thành phân bón hoặc năng lượng tái tạo.
🍀Đối với quản lý đất và sử dụng phân bón hợp lý:
Tăng cường sức khỏe đất, tạo môi trường đất thông thoáng, bổ sung chất hữu cơ để cải tạo đất, bón phân vi sinh có phối hợp với các vi sinh có lợi.
Không bón quá nhiều phân vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, nhất là các loại phân đạm như ure, hóa chất chậm tan.
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đang là hoạt động chủ đạo trong nền kinh tế của đất nước, việc tuyên truyền thực hành các biện pháp canh tác hợp lý trong trồng trọt, chăn nuôi, nhằm cân bằng, giảm phát thải cần được tăng cường nhận thức và phổ biến rộng khắp cho người dân, hướng tới mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí CH4 vào năm 2030 và thực hiện Net Zero, đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
TS. Đặng Bá Đàn