bệnh đạo ôn-bác biếu

Phòng ngừa bệnh đạo ôn hại lúa

Lúa là lương thực được tiêu thụ và nuôi sống gần một nửa nhân loại trên thế giới. Đáng tiếc, bệnh đạo ôn là bệnh có sức tàn phá mạnh nhất trong tất cả các bệnh gây hại trên cây lúa, gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm.

Từ nhiều năm gần đây, nhiều tổ chức cả cấp quốc gia, cấp địa phương, các trung tâm khoa học lớn đều đã dành công sức, tiền bạc để nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã ứng dụng nấm đối kháng, tảo, hóa chất an toàn với môi trường… để hạn chế nấm đạo ôn phát triển và mặc dù vậy, bệnh đạo ôn vẫn là mối nguy thường trực ở nhiều vùng trồng lúa.

Để phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, một số hiểu biết và đặc điểm nấm gây bệnh, đặc điểm xâm nhiễm, sinh học của cây lúa… là rất cần thiết.

💥Những điều cần biết về nấm gây bệnh đạo ôn trên lúa

Nấm gây bệnh đạo ôn có tên khoa học là Pyricularia oryzae Cavara. Tên khác P. grisea Sacc, tên khoa học giai đoạn hữu tính là Magnaporthe grisea (Hebert) Barr gây ra. Về phân loại khoa học, nấm thuộc Giới Fungi (Nấm), Ngành: Ascomycota (Nấm túi), Lớp: Sordariomycetes, Bộ: Magnaporthales, Họ: Magnaporthaceae, Chi: Magnaporthe.

Quan sát dưới kính hiển vi, có thể thấy sợi nấm (mycelium) có màu trắng hoặc xám, phát triển nhanh trong điều kiện ẩm ướt.

Một số nghiên cứu đã cho thấy, từ một vết bệnh đạo ôn đặc trưng, trong một đêm có thể sản sinh ra 4.000 – 5.000 bào tử nấm nếu gặp điều kiện thuận lợi (mưa ẩm và nhiều sương về ban đêm), quá trình sản sinh bào tử này có thể kéo dài từ 10 – 15 ngày. Như vậy, từ mỗi vết bệnh có thể sản sinh tới 75.000 bào tử. Bào tử có thể phát tán và bay cao đến 24m, thậm chí đến 10.000 m và lây lan sang các ruộng lân cận. Điều này giúp lý giải vì sao bệnh bùng phát rất nhanh và gây hại nặng nếu không được thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến của bệnh và thời tiết. Mặt khác, sau khi xâm nhập thành công vào phiến lá, cổ bông, gié bông lúa, trên hạt lúa, cứ sau 4 – 5 ngày ủ bệnh, vết bệnh mới sẽ lại xuất hiện.

Ngoài khả năng sinh sản vô tính, một trong những đặc điểm thú vị là nấm gây bệnh đạo ôn cũng có khả năng sinh sản hữu tính.

Bào tử hữu tính được hình thành bên trong các perithecia (thể quả), là những cấu trúc hình cầu hoặc hình quả lê sinh ra sau sự giao chéo của các sợi nấm. Các perithecia này phát triển trên bề mặt hoặc trong mô cây chủ bị nhiễm bệnh, bên trong perithecia, hình thành các túi chứa bào tử (ascus), đặc trưng sinh sản của nấm thuộc ngành nấm túi Ascomycota. Trong các túi chứa các bào tử hữu tính (ascospores).

Điều kiện môi trường là nhân tố quan trọng quyết định thời điểm nấm sinh sản hữu tính như: Độ ẩm cao, nhiệt độ từ 20-25°C là tối ưu cho sự hình thành bào tử hữu tính. Ngoài ra, ánh sáng thông qua chu kỳ sáng tối (quang chu kỳ cũng quyết định quá trình sinh sản hữu tính.

Như vậy, có thể thấy hiểu biết về hai kiểu sinh sản vô tính và hữu tính giúp giải thích về tính phúc tạp của bệnh

Sinh sản vô tính: Giai đoạn này giúp nấm Magnaporthe oryzae lan truyền nhanh chóng và gây bệnh trên diện rộng trong thời gian ngắn. Bào tử vô tính dễ phát tán qua không khí, nước và côn trùng, làm cho bệnh đạo ôn dễ bùng phát.

Sinh sản hữu tính: Quá trình này chính là lý do vì sao nấm bệnh thích ứng rất nhanh với các giống lúa mới, có nhiều chủng có tính độc và dễ dàng hình thành tính kháng thuốc, tạo ra sự đa dạng di truyền và giúp nấm thích nghi nhanh với môi trường thay đổi và tăng khả năng kháng thuốc. Bào tử hữu tính cũng có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt hơn so với bào tử vô tính, giúp nấm duy trì sự sống qua nhiều năm và có khả năng lan truyền qua các mùa vụ khác nhau.

💥Điều kiện phát sinh nấm gây bệnh đạo ôn

Nấm đạo ôn thường có thể tồn tại ở dạng sợi nấm, bào tử trong rơm rạ và hạt giống bị bệnh. Ngoài ra, nấm còn tồn tại trên ký chủ phụ sinh trưởng phát triển quanh năm (cỏ dại). Trong điều kiện môi trường khô, bào tử có thể sống hơn một năm, sợi nấm sống gần 3 năm.

Nấm phát triển tốt nhất và dễ phát sinh thành dịch trong điều kiện khí hậu mát mẻ, nhiệt độ từ 24-28ºC, ẩm độ cao >80% hoặc mưa phùn, sương mù, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao. Bào tử nấm sẽ nảy mầm khi gặp lớp nước tự do trên lá hay không khí bão hòa nước, xâm nhập vào tế bào lá bằng cách mọc thành đĩa áp, chọc thủng vách tế bào lá lúa.

Lý giải về sự hình thành mô chết trên bộ phận bị hại, nấm đạo ôn có khả năng tiết ra độc tố pyricularin có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzyme của cây, kìm hãm sự sinh trưởng của cây lúa, gây độc và làm cháy đen vết bệnh.

💥Hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn chi tiết

🍀Các nguyên tắc chung:

Trước hết, cần lưu ý để phòng bệnh đạo ôn nói riêng và cả các sâu bệnh khác hại lúa nói chung, người trồng cần tuyết đối tuân thủ các biện pháp được nêu ra trong Quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM Integrated Pest Management), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM – Integrated Plant Health Management), canh tác lúa cải tiến (System of Rice Intensification – SRI), Sức khỏe trên hết One Health (cả cây, đất, môi trường, con người… trong hệ sinh thái).

Sử dụng đồng bộ tất cả các biện pháp phòng bệnh (biện pháp sinh học, hóa học, canh tác…) để đạt hiệu quả phòng cao nhất.

Cần  thường xuyên thăm đồng và theo dõi sự phát triển của bệnh thường xuyên, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các dấu hiệu sinh trưởng bất thường. Quan sát cả trên đồng ruộng và các biểu hiện của cây lúa.

🍀Các biện pháp cụ thể:

Biện pháp phòng ngừa:

– Sử dụng giống kháng bệnh: giống lúa kháng hoặc ít nhạy cảm với bệnh đạo ôn sẽ giảm thiểu sự phát sinh và lây lan của bệnh.

– Không trồng lúa quá dày để giảm độ ẩm trong ruộng, tạo điều kiện cho cây lúa khô ráo và giảm nguy cơ bào tử nấm nảy mầm và xâm nhiễm.

– Điều chỉnh chế độ tưới tiêu hợp lý, tránh tình trạng nước đọng lâu ngày trong ruộng, làm giảm độ ẩm tán lá có thể giúp kiểm soát bệnh.

– Với những vùng đã có dịch bệnh nặng, cần luân canh và thay đổi trồng các giống cây không phải là ký chủ của nấm đạo ôn nhằm làm giảm bớt nguồn bệnh.

– Xử lý hạt giống trước khi trồng bằng nước ấm (50°C) hoặc thuốc diệt nấm trước khi gieo để diệt và loại bỏ lượng bào tử có thể tồn tại trên hạt giống.

– Chú ý dọn sạch tàn dư có mang mầm bệnh cũng như những phần cây lúa bị bệnh để giảm nguồn lây lan của nấm, làm sạch cỏ dại xunh quanh ruộng để hạn chế nguồn bệnh có thể tồn tại trên cỏ.

– Phòng nấm bệnh đạo ôn bằng cách tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh có nấm, vi khuẩn đối kháng Bacillus subtilis, Chaetomium, Tricoderma, EM…  Dùng các chế phẩm sinh học như Chitosan để phòng bệnh.

Biện pháp trừ bằng hóa chất BVTV:

– Chú ý theo dõi dự báo thời tiết, nhất là trước khi lúa trỗ. Nếu thời kỳ đó có mưa ẩm kéo dài,  ẩm ướt…sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Nếu trên đồng ruộng đã có xuất hiện đạo ôn lá, đây là nguồn nấm sẽ xâm nhiễm gây hại cổ bông, cổ gié.

– Cần phun phòng trừ ngay bằng thuốc có chứa các hoạt chất như: Tricyclazole, Fenoxanil, isoprothiolane… khi thấy xuất hiện đạo ôn lá và cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Để đề phòng đạo ôn gây hại cổ bông, cổ gié, cần chú ý sử dụng thuốc phun phòng có các hoạt chất trên. Thời điểm cần phun là trước khi lúa trỗ khoảng 1 tuần (phòng đạo ôn cổ bông) và nhắc lại sau đó 7-10 ngày (phòng nấm hại cổ gié).

TS.Nguyễn Văn Biếu

5/5 - (1 vote)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!