Bệnh chết nhanh là bệnh nguy hiểm đối với cây hồ tiêu. Đây cũng là bệnh khiến người trồng tiêu ở vùng Tây Nguyên “sợ nhất” bởi những hậu nặng nặng nề khi vườn tiêu nhiễm bệnh.
Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2024, bà con tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông cần lưu ý, thăm vườn hồ tiêu thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh chết nhanh, nếu có.
Nội dung bài viết
🍀Triệu chứng cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh
Trên lá, chồi non và gié quả: Xuất hiện những vết màu đen, những vết này bắt đầu lan rộng và nhanh chóng tạo thành những vết hoại tử lớn. Sau 7 – 10 ngày lá, chồi và gié nhiễm bệnh đều bị thối đen và rụng.
Tất cả lá trên cây héo, chuyển vàng có khi còn xanh và rụng. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp hiện tượng lá héo, vàng và rụng chỉ xảy ra trên 1 dây tiêu, dây tiêu còn lại vẫn sinh trưởng bình thường. Thời gian từ khi xuất hiện lá bị héo cho đến khi toàn bộ cây rụng lá và chết rất nhanh chỉ trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày.
Trên thân ngầm và hệ thống rễ: Khi đào đất lên sẽ thấy gốc rễ cây thâm đen, hư thối, đôi khi trơn nhớt và có mùi khó chịu.
🍀Nguyên nhân và điều kiện phát sinh gây bệnh chết nhanh ở hồ tiêu
👉Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu do nấm Phytophthora spp. gây ra.
👉Nấm gây hại trên hầu như tất cả các bộ phận của cây tiêu như hệ thống rễ, cổ rễ, thân, lá, gié và chồi non. Tuy nhiên, chỉ khi nấm tấn công và gây hại tại cổ rễ và thân ngầm làm tắc toàn bộ hệ thống mạch dẫn nước và dinh dưỡng nuôi cây thì mới gây ra hiện tượng chết nhanh và chết hàng loạt.
👉Nấm Phytophthora spp. tồn tại trong đất, trong mùa khô (mùa nắng) nấm ở trạng thái ngủ nghỉ (không hoạt động), trong mùa mưa khi độ ẩm đất cao nấm bắt đầu hoạt động và nhân nhanh sinh khối.
👉Nấm Phytophthora spp. lan truyền từ cây này sang cây khác chủ yếu thông qua môi trường nước. Khi mưa lớn có nước chảy, các bào tử nấm sẽ phát tán và lan truyền theo nước. Ngoài ra, nấm Phytophthora spp. còn lan truyền thông qua việc làm cỏ, con người, động vật.
🍀Biện pháp phòng ngừa bệnh chết nhanh hồ tiêu
* Biện pháp canh tác kỹ thuật:
Bón phân hợp lý: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã qua ủ với các chế phẩm Trichoderma để tạo bộ rễ khỏe. Sử dụng phân hữu cơ chức năng Humic, bón phân khoáng đầy đủ và cân đối. Sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho cây hồ tiêu.
Trồng bổ sung cây che bóng: Đối với những vườn tiêu trồng bằng trụ chết thì việc trồng cây che bóng giúp bảo vệ vườn tiêu là cần thiết, giảm thiểu sự ảnh hưởng của những hiện tượng thời tiết bất thường.
Khi trồng bổ sung cây che bóng trong vườn tiêu cần lưu ý không ảnh hưởng đến việc làm cỏ, thu hoạch và chăm sóc tiêu.
Đối với vườn tiêu trồng trên cây trụ sống cần chú ý rong tỉa trong mùa mưa để điều chỉnh lượng ánh sáng thích hợp cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển.
Tiêu thoát nước trong mùa mưa: Đối với vườn tiêu mới trồng cần đào hệ thống mương thoát nước. Đào mương xung quanh vườn để không cho nước mưa từ nơi khác chảy vào. Mương chính sâu 50 – 60 cm, rộng 40 cm. Mương phụ sâu 30 cm, rộng 20 – 25 cm, việc đào mương thực hiện trong mùa nắng.
Cắt bỏ các các dây lươn và các cành nhánh ở dưới thấp, đặc biệt trong mùa mưa, để tạo độ thông thoáng ở phần gốc thân và hạn chế các lá ở tầng thấp tiếp xúc với đất là nơi có nhiều nguồn nấm Phytophthora spp.
* Biện pháp sinh học:
Sử dụng chế phẩm sinh học hoặc phân hữu cơ vi sinh có chứa các sinh vật đối kháng với dịch hại trong đất như nấm Trichoderma, nấm Metarhizium Anisopliae, nấm Peacilomices spp. vi khuẩn Bacillus,… để bón cho vườn tiêu.
* Biện pháp trừ sâu bệnh:
Đào bỏ, đem ra khỏi lô tiêu huỷ những cây bị chết nhanh vì nấm Phytophthora có thể tồn tại trong thân cây tiêu bị bệnh và trong đất nhiều tháng.
🍀Thuốc trị bệnh chết nhanh ở cây hồ tiêu
Bà con trồng hồ tiêu có thể sử dụng 1 số hoạt chất BVTV dưới đây để trị bệnh chết nhanh ở hồ tiêu:
- Difenoconazole 50.00g/l + Hexaconazole 100.00g/l
- Dimethomorph
- Fluazinam 500.00g/kg + Metalaxyl-m 180.00g/kg
- Fugous proteoglycans
- Kresoxim-methyl
- Mancozeb
- Mancozeb 640.00g/kg + Metalaxyl-m 4.00%
- Mancozeb 64.00% + Metalaxyl-m 4.00%
- Ningnanmycin
- Phosphorous acid
- Pseudomonas fluorescens
- Thảo mộc (bã quả trẩu, bã thanh hao hoa vàng, bã vỏ hạt điều) 70.00% + Trichoderma harzianum 106.00cfu/g + Bacillus subtilis 106.00cfu/g + Metarhizium anisopliae 106.00cfu/g + Azotobacter beijerinckii 106.00cfu/g + Bacillus gisengihumi 106.00cfu/g + Streptomyces owasiensis 106.00cfu/g
- Trichoderma spp
- Trichoderma viride
– Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi mức độ bệnh hại nhiều.
– Sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
– Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
– Những vườn đã có ổ bệnh chết nhanh từ vụ trước, tiến hành xử lý phòng bệnh bằng thuốc hóa học 1 lần vào đầu mùa mưa. Xử lý ổ bệnh vào đầu hoặc giữa mùa mưa, xử lý thuốc 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày.
Ban biên tập mobiAgri