Theo Cục Bảo vệ thực vật trong tháng 7/2024, bà con trồng lúa tại các địa phương như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu đã bị thiệt hại hơn 10.000 ha lúa do bị bệnh lem lép hạt.
Bệnh lem lép hạt ở lúa không chỉ làm giảm năng suất mà còn làm giảm chất lượng của hạt gạo, gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân. Ngoài ra, lúa bị lem lép hạt không thể dùng làm giống.
Nội dung bài viết
Triệu chứng của bệnh lem lép hạt trên lúa
Hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen, từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu; bao gồm cả trên hạt lúa có gạo và hạt lúa lép không có gạo ở giai đoạn cây lúa còn trên đồng ruộng trước khi thu hoạch.
Nấm có thể bám trên vỏ trấu hạt lúa sau khi thu hoạch, lưu tồn và tiếp tục gây hại làm hạt bị lem.
Nguyên nhân, điều kiện phát sinh gây hại bệnh lem lép hạt lúa
Bệnh gây ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có khoảng 12 loại nấm, vi khuẩn khác nhau gây nên loại bệnh này trên hạt lúa và đây chính là nguyên nhân gây lem lép hạt.
📌Do vi khuẩn: Pseudomonas Glumae (hay Burkholderia Glumae), vi khuẩn này làm thối đen hạt hoặc gây vết bệnh trên vỏ hạt.
📌Do các loại nấm: Alternaria Bipolaris Oryzae, Fusariumsp, Curvularia Lunata, Microdochium Oryzae, Phoma sp, Pyricularia Oryzae, Sarocladium Oryzae, Septoriasp, Tilletia Barclayana, Ustilaginoidea Virens.
📌Do nhện gié: Nhện gié thường sống trong các bẹ lá lúa. Khi mật độ cao chúng có thể bò lên trên bông lúa chích hút các gié lúa đang phát triển. Các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng và phần lớn số hạt đều bị lép.
📌Chân đất ruộng nhiễm phèn, nhiễm mặn thì các bệnh gạch nâu, đốm nâu sẽ phát triển mạnh và cũng làm cho hạt lúa bị lem lép về sau.
📌Thời kỳ cây lúa dễ mẫn cảm với bệnh là từ trỗ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, lượng mưa lớn và số ngày mưa nhiều.
XEM THÊM:
Biện pháp phòng ngừa bệnh lem lép hạt hại lúa
🌾Chọn giống sạch bệnh, tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt.
🌾Trước khi ngâm ủ, sạ lúa phải phơi khô, rê sạch để loại bỏ những hạt lép lửng, biến màu và sau đó xử lý hạt giống.
🌾Chọn mùa vụ thích hợp sao cho khi trỗ không trùng với thời kỳ mưa gió nhiều và khi lúa làm đòng, trỗ bông không nên để ruộng lúa bị khô hạn.
🌾Nên phun thuốc phòng trước trỗ 10 ngày và sau trỗ hoàn toàn 5 ngày.
Cách sử dụng thuốc BVTV phòng ngừa bệnh lem lép hạt trên cây lúa
– Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi lượng sâu bệnh phá hại nhiều.
– Biện pháp xử lý bằng thuốc hóa học vẫn được xem là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng trị bệnh lem lép hạt.
– Chú ý phun thuốc phòng bệnh là tốt nhất. Nếu bệnh đã xâm nhập vào hạt lúa thì việc phun thuốc trị bệnh sẽ cho hiệu quả thấp, phải phun đi phun lại nhiều lần rất tốn kém.
– Sử dụng thuốc BVTV cần đọc kỹ thông tin trên bao bì và sử dụng theo 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách.
– Không nên phun khi có mưa, sắp mưa hoặc thời tiết nắng gắt.
– Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát.
– Nên phun thuốc trước trỗ 10 ngày và sau trỗ hoàn toàn 5 ngày.
Các hoạt chất BVTV:
- Ascorbic acid 2.50% + Citric acid 3.00% + Lactic acid 4.00%
- Azoxystrobin 200.00g/l + Difenoconazole 125.00g/l
- Chitosan 5.00g/l + Kasugamycin 20.00g/l
- Bacillus subtilis
- Chitosan
- Hexaconazole
>>>>Xem thêm Quy trình Kỹ thuật canh tác cây Lúa trên ứng dụng mobiAgri
Biên tập bởi mobiAgri