Quy trình chăm sóc cây sầu riêng con phát triển khỏe mạnh

Trong giai đoạn đầu chăm sóc cây sầu riêng con rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn quyết định cho sự phát triển sau này của cây sầu riêng. Nhưng làm thế nào để đảm bảo rằng cây sầu riêng con của bạn được chăm sóc đúng cách, khỏe mạnh và phát triển nhanh chóng? Dưới đây là quy trình chăm sóc cây sầu riêng con phát triển khỏe mạnh từ mobiAgri, mời bà con tham khảo.

Điều kiện ngoại cảnh

Khí hậu

Sầu riêng, một loại cây phù hợp với khí hậu nhiệt đới, dễ thích ứng với điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm. Nhiệt độ trung bình để cây sầu riêng con sinh trưởng và phát triển là 24 – 30 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc cao quá đều có thể khiến cây sầu riêng con chậm phát triển.

Độ ẩm, phù hợp trung bình từ 65 – 80% và lượng mưa hàng năm nên duy trì ở mức khoảng 1800 – 2000mm để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây sầu riêng.

Đất trồng

Cây sầu riêng có thể sinh trưởng phát triển được trên nhiều loại đất: Đất thịt pha cát, đất thịt, đất phù sa, đất đỏ bazan,… tốt nhất là đất thịt, không thích hợp trồng ở những nơi đất cát.

Đất thoát nước tốt, có mực nước ngầm từ 1-1,2 m, gần nguồn nước, đất không bị ảnh hưởng mặn (hàm lượng muối trong đất phải dưới 0,02%), độ pH từ 4,5 – 6,5. Sầu riêng thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn dưới 1‰).

Cây sầu riêng thích hợp trồng ở những vùng đất màu mỡ, thoát nước tốt. Đất có nhiều chất hữu cơ sẽ giúp cây đạt năng suất cao.

Trong quá trình trồng cần chú ý cải tạo đất và tạo hệ thống cấp, thoát nước tốt để phòng ngừa nấm Phytophthora spp gây bệnh xì mủ thân, cháy lá và rụng lá khiến cây sầu riêng bị chết. Cây thích hợp trồng trên đất bằng phẳng, không quá dốc.

Quy trình chăm sóc cây sầu riêng con

Giai đoạn đầu của quá trình sinh trưởng và phát triển, cây sầu riêng rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như: sâu bệnh và thời tiết. Vì vậy, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng con cần được thực hiện một cách cẩn thận và tỉ mỉ. Việc quan sát, chăm sóc đều đặn của người trồng là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của cây. Nếu không, việc lơ là trong quá trình này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến cả mùa vụ. Do đó, khi trồng cây sầu riêng con, cần đảm bảo hai yếu tố chính sau đây:

  • Khi mở bọc nilon từ bầu đất, cẩn thận và tránh để bầu đất bị vỡ. Sau đó, đặt cây nhẹ nhàng vào hố, lấp đất vừa qua mặt bầu, ém đất xung quanh gốc nhưng không quá sát.
  • Sử dụng các cọc cắm dọc theo thân của cây sầu riêng con và cột dây để giữ cho thân cây thẳng đứng. Điều này giúp hạn chế tác động của gió làm lung lay gốc cây.

1. Tưới nước cho cây sầu riêng con

Cây con cần được tưới nước đầy đủ để giảm tỉ lệ cây chết, giúp cây khỏe, nhanh cho quả. Trong mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt.

Tưới sau khi trồng

  • Dùng thùng tưới có gắn vòi hoa sen tưới nhẹ nhàng quanh gốc.
  • Lượng nước tưới vừa đủ ẩm, không được tưới nước bằng ống nước có dòng nước xối mạnh làm rửa trôi, tróc gốc, đất bị váng, cây khó ra rễ.
  • Sầu riêng mới trồng nên tưới đủ ẩm, không để thiếu nước. Sau đó chỉ tưới khi gặp hạn. Ở Tây Nguyên khoảng 3 – 5 ngày tưới 1 lần với lượng nước khoảng 15 – 20 lít/cây.
  • Tủ gốc bằng rơm, cỏ khô sẽ bớt được công tưới. Vào mùa mưa nên bỏ rơm tủ đi vì dễ gây bệnh và cũng là ổ chứa mối hại cây sầu riêng.

Tưới nước giai đoạn kiến thiết cơ bản

  • Khi thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải tiến hành tưới nước ngay.
  • Lượng nước tưới tùy theo mức độ khô hạn và phương pháp tưới, thông thường tưới 20 – 30 lít nước/cây cho 1 lần tưới.
  • Khoảng cách giữa 2 lần tưới từ 15 – 25 ngày tùy vùng sinh thái và điều kiện khô hạn. Nếu số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại. Lượng nước tăng dần theo tuổi cây.

2. Che nắng cho cây sầu riêng con

Che nắng cho cây sau trồng giúp giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, tránh lá và cành non bị cháy nắng.

Cản gió để tránh lá bị tổn thương cơ giới. Giảm sự thay đổi đột ngột ẩm độ không khí và đất chung quanh cây.

Thời gian che nắng

Từ khi bắt đầu trồng đến hết tháng thứ 4 sau trồng.

Vật liệu dùng che nắng

Là các vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, lá chuối, cây ngô, bao xác rắn, lá dừa khô, lưới cước.

Cách che nắng

Dùng vật liệu che nắng tạo thành mái che, sao cho che khoảng 35 – 40% ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Mái che cao hơn ngọn sầu riêng để không ảnh hưởng đến sự phát triển của ngọn cây.

3. Bón phân và chăm sóc

Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản rất quan trọng giúp cho cây có khỏe, sinh trưởng mạnh, phân cành hợp lý tạo điều kiện ra hoa kết quả nhiều ở những năm sau.

Liều lượng và số lần bón phân trong năm cho sầu riêng kiến thiết cơ bản như sau:

Lưu ý: Tùy theo đất, vùng miền, giống và sinh trưởng của cây lượng phân bón của mỗi loại có thể tăng giảm 15- 20%. Phân bón vô cơ không nên chứa chứa chất Clo, nên sử dụng phân bón chứa SO4 (SA, K2SO4). Vùng Tây Nguyên lượng vôi được bón tùy theo pH của đất.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Cách bón: 

Bón phân chuồng, vôi 1 lần vào đầu mùa mưa, rải quanh bồn ở phía ngoài rìa tán lá, xới nhẹ và đều, lấp lớp đất mỏng lên trên.

Cách bón phân vô cơ: Xới nhẹ đất trong tán, rải đều phân, cách gốc 20cm và phủ một lớp đất mỏng lên trên.

Ở Tây Nguyên, bón vôi cho sầu riêng được khuyến cáo dựa trên pH của đất:

  • pHKCl < 4: 1000kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  4,0 – 4,4: 800 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  4,5 – 4,9: 600 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.
  • pHKCl từ  5,0 – 5,4: 400 kg/ha; 2 năm bón 1 lần.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất:

Vùng Tây Nam Bộ

Sử dụng phân N:P:K:Mg loại 18:11:5:3 hoặc 15:15:6:4

Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Sử dụng phân NPK loại 16:16:8

4. Tỉa cành, tạo dáng cho cây sầu riêng con

Việc tỉa cành, tạo tán giúp tạo bộ khung của cây, cành khỏe, phân phối đều trong tán cây. Cây quang hợp tốt, hạn chế sâu bệnh hại.

Giúp vườn cây phân phối đều ánh sáng qua đó tăng hiệu quả quang hợp. Quang hợp tốt sẽ tổng hợp được nhiều chất hữu cơ, đường, bột, chất béo và cả chất đạm làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Làm mất đi nơi ở lý tưởng cho sâu bệnh phát triển và khi xịt thuốc để xử lý sâu bệnh.

Giúp tạo cho cây bộ khung cành khỏe, phân phối đều trong tán cây để có thể mang một khối lượng quả lớn.

Tạo tán

  • Khi cây còn nhỏ không nên tỉa bỏ ngọn cây. Nên tỉa bỏ những cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau trên thân cây.
  • Cây non – đốn tạo hình: Tuyển chọn lại 4 – 5 cành phân bố đều theo các hướng, cách nhau 30 cm. Cành thứ nhất cách mặt đất 50 – 80cm, nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

Tiêu chuẩn tạo hình cây sầu riêng chuẩn:

  • Có 1 thân chính khỏe và mọc thẳng.
  • Có 4 – 5 cành cấp 1. Cành cấp 1 đầu tiên được giữ lại cách mặt đất ít nhất 50 cm.
  • Các cành mọc đều các hướng. Tán lá tròn đều, cân đối.

Tỉa cành

  • Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ
  • Cành mọc đứng, cành bên trong tán, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất.
  • Nên giữ lại: Cành khoẻ mạnh, cành ở độ cao 50cm so với mặt đất.

Xác định vị trí cắt cành

  • Cắt chồi mọc từ gốc ghép, cắt tất cả các cành mọc cách mặt đất trên hoặc 50 cm.
  • Để lại các cành trên thân chính cách nhau 30cm, còn những cành khác mọc ra trên thân chính thì nên cắt bỏ.
  • Cùng một vị trí trên cây nếu có 2 cành mọc ra thì để 1 cành còn cắt bỏ 1 cành.
  • Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất để cây phát triển tốt.

Cách cắt tỉa cành

  •  Khi cây nhỏ chỉ để 1 ngọn, tỉa bỏ hết chồi gốc, cắt hết cành mọc ra từ gốc ghép (chỉ thực hiện năm đầu tiên, sau sẽ hết), cành đầu tiên để cách mặt đất trên 50cm, sau đó để các cành nhỏ trên thân chính cách nhau từ 8 – 10cm, khi cây lớn khoảng cách không nên dưới 30 cm.
  • Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất. Nếu trên một cây có 2 cành mọc cùng 1 vị trí thì cắt đi 1 cành. Không cắt ngọn cây vì tự nó đã có dạng hình tháp.
  • Thực hiện cắt tỉa cành vào những ngày trời mát, thoáng gió.
  • Tỉa cành tạo tán cần được tiến hành thường xuyên, liên tục mới có thể tạo được cây sầu riêng có bộ tán thông thoáng cân đối.

Việc chăm sóc cây sầu riêng con, thực hiện đúng quy trình là chìa khóa quan trọng để đảm bảo cây phát triển mạnh mẽ và đạt được năng suất cao. mobiAgri đồng hành cùng bà còn trên mọi nẻo đường làm nông.

Biên tập bởi mobiAgri

2.3/5 - (3 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!