[CHUYÊN GIA TƯ VẤN]: Quy trình trồng cây ăn quả không có bầu đất

Trồng cây ăn quả không có bầu đất có cơ sở khoa học từ canh tác thủy canh, một phương pháp trồng cây trong nước đã được sử dụng từ rất lâu để sản xuất rau, hoa và cây ăn quả. Bài viết dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Văn Biếu – Chuyên gia tư vấn của mobiAgri sẽ giúp bạn nắm bắt được Quy trình chuẩn trồng cây ăn quả không có bầu đất.

Kỹ thuật trồng cây bằng bầu đất cũng đã phổ biến từ lâu ở nhiều quốc gia và gần đây, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và xây dựng “Quy trình trồng cây ăn quả không cần bầu đất” nhờ lợi ích lớn cho sức khỏe cây trồng, phù hợp với quy trình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” mà Cục Bảo vệ thực vật đang phát động.

Một số bước cần lưu tâm trong quy trình mà người trồng cây không cần bầu đất cần lưu ý:

1. Lựa chọn đất trồng

Nhiều loại đất ở Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây ăn quả như: đất đỏ, đất phù sa ven sông, đất phù sa cổ, đất cát pha thịt… Mỗi loại đất ở từng vùng khí hậu sẽ phù hợp với từng loại cây ăn quả khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu sinh thái của mỗi loài cây.

Đặc điểm chung của những loại đất này là đất có tầng canh tác dày, độ pH nằm trong khoảng trung tính (6 – 7), khả năng tiêu thoát nước tốt để tránh việc ngập úng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ. Nếu những khu vực trồng thoát nước kém, hay bị ngập úng, người trồng cần cải tạo để trồng cây bằng cách tạo luống, mô cao để trồng, tránh cho bộ rễ cây bị ngập úng.

2. Chọn giống tốt

Khi trồng cây ăn quả không có bầu đất, đây có thể coi là yếu tố hàng đầu, quyết định chất lượng và tốc độ sinh trưởng của cây về sau. Một giống cây tốt khi chọn cần lưu ý là:

  • Loài cây lựa chọn có nhu cầu sinh thái phù hợp với điều kiện địa phương.
  • Cây con sạch sâu bệnh có khả năng chống chịu với các loài sâu bệnh thường phát sinh ở vùng lựa chọn trồng. Nếu trồng bằng hạt thì phải chọn hạt to tròn, phát triển đều, không bị dị dạng và nếu cây giống được chiết từ cây mẹ thì cần chú ý đến tình trạng sinh trưởng tốt và tiềm năng năng suất cao và chất lượng quả tốt.
  • Nguồn gốc của giống cây phải rõ ràng, nhất là các loại cây nhập khẩu.

3. Kỹ thuật trồng cây ăn quả không có bầu đất

Trước khi trồng

  • Trước khi trồng khoảng 1 tháng, cần tiến hành khử trùng đất bằng cách sử dụng vôi bột, vừa có tác dụng diệt trùng, vừa là nguồn cung cấp nguồn Canxi, một loại phân trung lượng và vừa cải thiện pH đất trồng.
  • Nên dọn sạch cỏ xung quanh khu vực trồng, sau đó, đào hố có kích thước phù hợp với cây.
  • Cần bón lót trước cho cây bằng phân chuồng đã ủ mục (20-30kg) + 1 – 2kg super lân + 0,1kg kali + 0,3 – 0,5kg vôi bột cho mỗi hố trồng. Nên ưu tiên sử dụng thêm một số loài vi khuẩn, nấm đối kháng Chaetomium, Trichoderma…
  • Chú ý trộn đều hỗn hợp phân nói trên với lớp đất mặt, lấp đất và tưới nước nhẹ để các chất dinh dưỡng ngấm và phân tán đều quanh vùng rễ cây.

Hướng dẫn trồng cây ăn quả không có bầu đất

  • Trồng cây ăn quả không có bầu đất từ hạt: Nên gieo hạt trồng vào khu vực ươm với khoảng cách phù hợp để tiết kiệm công và vật tư chăm sóc. Khi hạt bắt đầu lên mầm, chuyển cả mầm và bộ rễ (chú ý không để rễ bị thương tổn khi di chuyển) để trồng vào hố đã xử lý ở trên. Chú ý đặt cây đúng vị trí, đầm chặt đất xung quanh lại để bảo vệ bộ rễ và tránh cây bị lay động do tác động của gió (có thể sử dụng que, cọc cứng, cắm chặt và cố định cây.
  • Trồng cây ăn quả không có bầu đất bằng cây con: Cần lưu ý chọn cây con có kích thước đồng đều, khỏe mạnh để trồng ngay vào hố đã xử lý. Giai đoạn đầu, cần chú ý chăm sóc và bảo vệ cây mới trồng như với cây con đã nêu ở trên.

Để hạn chế mất nước và dí đất khi tưới, nên rải rơm sạch xung quanh hố trồng cây ăn quả. Nếu có điều kiện, nên lắp đặt hệ thống tưới tự động để luôn đảm bảo đủ nước theo nhu cầu của cây. Thường xuyên thăm vườn và kiểm tra, loại bỏ những cành, nhánh mọc gần sát đất, cành nhánh bị sâu bệnh để diệt sớm nguồn bệnh, tránh lây lan. Chăm sóc được cây khỏe sẽ giúp cây tăng được sức đề kháng với những bất lợi của thời tiết và sâu bệnh hại.

XEM THÊM:

Nên trồng cây ăn quả gì trong vườn nhà

Top 10 cây ăn quả trồng chậu đẹp và nhanh thu hoạch

4. Kỹ thuật chăm sóc

Tưới nước

Trong thời gian đầu khi mới trồng cây ăn quả không có bầu đất, cần tưới đủ nước cho cây, khoảng 3 – 4 lần/ngày, Giai đoạn này, cây cần nhiều nước để ổn định và phát triển bộ rễ. Khi cây đã phát triển ổn định, có thể giảm số lần tưới xuống còn 1 – 2 lần/ngày nhưng lượng nước tưới mỗi lần phải tăng lên theo độ lớn của loại cây ăn quả.

Khi thời tiết nắng nóng, ngoài việc hạn chế nước bốc hơi bằng cách tủ rơm, có thể sử dụng thêm kỹ thuật che bạt hoặc lưới quanh gốc cây. Chú ý để lại khoảng 20cm xung quanh cây để dễ theo dõi và diệt sâu bọ gây hại nếu thấy xuất hiện.

Bón phân

Khi bón phân cho cây ăn quả không có bầu đất, nên dùng dụng cụ tạo rãnh xung quanh gốc, rộng dần theo kích thước tán cây. Độ sâu rãnh có thể từ 15 – 30cm tùy thuộc vào mức độ phát triển của rễ, độ rộng rãnh khoảng 10 – 20cm.

Cần lưu ý liều lượng phân và cách bón nên điều chỉnh phù hợp với loài cây, giai đoạn sinh trưởng, điều kiện thời tiết nhưng cần lưu ý chí sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục cùng với các loại phân khoáng, bảo đảm đủ cả đa, trung và vi lượng.

Sau khi bón, cần trộn đều hỗn hợp vào đất trong rãnh đào, lấp đất lại và tưới bằng nhẹ để hỗn hợp phân tan và ngấm đều vào đất.

Dọn sạch cỏ

Khi cây còn nhỏ cần thường xuyên nhổ cỏ quanh gốc và các khu vực xung quanh vườn để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng với cây. Tuyệt đối không dùng các hóa chất diệt cỏ hoặc đốt cỏ vì sẽ gây ảnh hưởng đến cây. Ngoài ra, cũng có thể ngăn ngừa cỏ bằng cách phủ bạt sẫm màu để ngăn chặn cỏ phát triển.

Theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây

Hàng ngày, bạn nên theo dõi sự phát triển của đây đồng thời giúp phát hiện sớm các loại sâu, bệnh hại phát sinh trên cây trồng để xử lý sớm, kịp thời. Khi trồng cây ăn quả không có bầu đất, bạn nên áp dụng phương pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (Integrated Plant Health Management – IPHM).

IPHM là một hệ thống quản lý cây trồng dựa trên nền tảng IPM – Integrated Pest Management) mà các giải pháp dụng dựa trên điều kiện môi trường cụ thể (đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích) nhằm giảm tối đa những tác động gây bất lợi cho cây trồng và phát huy tối đa khả năng thích ứng, quy luật tự đền bù, tiềm năng thích nghi hạn chế tác hại của sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Mục tiêu của IPHM là đảm bảo sức khỏe cây trồng, bảo vệ môi trường sinh thái và duy trì ổn định đa dạng sinh học; xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững cùng với duy trì và bảo tồn sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng hợp lý và hiệu quả vật tư nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người, cả người sản xuất và người tiêu dùng. Góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người nông dân về đối tượng cây trồng; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, trang bị và cập nhật kiến thức về chuỗi giá trị nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật.

IPHM dựa trên 6 nguyên tắc cơ bản gồm:

(1) Đất khỏe (đất giúp điều tiết nước và các chất hòa tan đi xuống hoặc qua đất; đất duy trì sự sống của thực vật và động vật, sự đa dạng và năng suất của các sinh vật sống phụ thuộc vào đất; đất lọc và làm giảm, ngăn ngừa các ô nhiễm tiềm tàng; đất giúp sự ổn định và hỗ trợ về mặt vật lý);

(2) Cây trồng khỏe (gồm giống tốt, mật độ phù hợp, dinh dưỡng hợp lý, sinh vật gây hại thấp, đảm bảo năng suất chất lượng,…);

(3) Đầu tư thông minh (chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cao);

(4) Bảo vệ môi trường sinh thái (bảo vệ địa chất, đất, không khí, nước và tất cả các sinh vật sống);

(5) Giám sát và kiểm tra đồng ruộng (người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết, nắm được tình hình sinh trưởng phát triển cây trồng, biết được dịch hại, thời tiết, đất, nước và đánh giá so sánh được vụ này với vụ khác, năm này với năm khác để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời);

(6) Nông dân chuyên nghiệp và có trách nhiệm (người nông dân phân tích, nhìn nhận, so sánh các yếu tố trên đồng ruộng, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý, tuyên truyền kinh nghiệm, kiến thức, chia sẻ cho người nông dân khác, bảo vệ an ninh lương thực cho địa phương, quốc gia).

Tóm lại, khi áp dụng trồng cây không có bầu đất, cây con sau khi trồng sẽ có sức đề kháng cao, dễ dàng thích ứng với môi trường hiện tại và bộ rễ cũng bám vào đất tốt hơn. Nhờ vào khả năng thích nghi tốt nên phương pháp trồng này cũng giúp cho cây ít bị nhiễm sâu bệnh hại, cây cũng phát triển đồng đều nhờ được chọn giống tốt, chăm sóc khoa học.

TS. Nguyễn Văn Biếu

Biên tập bởi mobiAgri

5/5 - (2 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!