Nội dung bài viết
Dự báo thời tiết tháng 4 năm 2024 tại các tỉnh phía Bắc
Theo thông tin từ Weatherplus, thời tiết tại các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc trong tháng 4/2024 vẫn có khả năng có 1 đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng đến Bắc Bộ. Tuy nhiên, nhiệt độ giảm không đáng kể.
Nhiệt độ
So với tháng 4 – 2023, nhiệt độ trong cả nước cao hơn 1°C – 2°C
Tây Bắc Bộ, khả năng có 1 đợt nắng nóng, nhiệt độ từ: 24°C – 26°C, vùng núi cao từ: 21°C – 23°C.
Đông Bắc Bộ, nhiệt độ từ : 24°C – 26°C, vùng núi cao từ: 21°C – 23°C.
Lượng mưa
So với tháng 4 – 2023, lượng mưa trong cả nước thiếu hụt hơn tại nhiều nơi. Tại các tỉnh Bắc Bộ có khả năng xuất hiện 1 – 2 đợt mưa trên diện rộng.
Tây Bắc Bộ, lượng mưa từ: 50mm – 100 mm. Đông Bắc Bộ, lượng mưa từ: 80 mm – 160 mm.
Chú ý: Giai đoạn chuyển mùa, tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoạn như: dông sét, lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh tăng cao. Ngoài ra cần có các biện pháp phòng chống kịp thời để làm giảm thiệt hại trong nông nghiệp. Bạn có thể xem bài viết chi tiết hơn về Dự báo thời tiết tháng 4/2024 tại miền Bắc.
Tháng 4 trồng rau gì ở miền Bắc: Lời khuyên chuyên gia
Trên cơ sở dự báo thời tiết miền Bắc tháng 4 năm 2024 , TS.Phạm Thị Liên đã đưa ra khuyến cáo “Tháng 3-4-5 trồng rau gì ở miền Bắc” như sau:
Rau ăn lá cực ngắn ngày (30 – 35 ngày) trồng bằng cách gieo hạt và thu hoạch 1 lần: rau dền, cải mơ, cải ngọt.
Các loại rau này có thể gieo trồng quanh năm (9 lứa rau/năm, đặc biệt khuyến cáo cho “nông dân” sân thượng tập trung trồng loại rau này có thể chủ động tránh được các lứa sâu).
+ Cách làm đất và bón phân:
Các loại rau này thích hợp trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, giàu mùn, pH đất từ 6-6,5. Đất cần được làm nhỏ, trước khi làm đất nên rắc vôi bột với lượng 10 -15 kg/sào Bắc Bộ (360 m2), kết hợp với bón phân lót (không bón thúc vì thời gian trồng ngắn, đảm bảo rau an toàn). Thường sử dụng các loại phân như: phân Hữu Cơ hoai mục, phân Vi Sinh hoặc phân Trùn Quế (1 trong 3 loại phân trên) và phân bón tổng hợp cho cây trồng, phân có hàm lượng đạm cao hơn lân và kali (ví dụ: tỷ lệ N:P:K là 30:10:10), lượng bón như sau:
- Nếu dùng phân hữu cơ hoai mục: 500 kg/1sào Bắc Bộ.
- Nếu dùng phân vi sinh: 200 kg/sào Bắc Bộ.
- Nếu dùng phân trùn quế: 150 kg/1 sào Bắc Bộ.
- Nếu kết hợp 3 loại phân: Dùng mỗi loại 1/3 lượng phân trên.
- Kết hợp với phân bón tổng hợp với lượng: 15 – 20 kg/sào Bắc Bộ.
Sau đó làm nhỏ đất để phân được trộn đều với đất, lên luống để tránh bị ngập úng (nếu có mưa lớn) sau 2 – 3 ngày rồi tiến hành gieo hạt.
+ Gieo hạt và chăm sóc, thu hoạch:
Hạt rau nhỏ cho nên khi gieo nên trộn thêm với cát, gieo nhiều lần để hạt được phân bố đều trên luống. Rắc phủ 1 lớp trấu sau khi gieo để giữ độ ẩm liên tục cho cây và tránh bị trôi hạt khi tưới nước (thường xuyên giữ ẩm cho cây). Sau 30-35 ngày, cây được thu hoạch, thu 1 lần sau đó chuẩn bị trồng vụ mới.
Rau ăn lá ngắn ngày thu hoạch nhiều đợt/năm: rau đay, rau mồng tơi.
+ Cách làm đất gieo hạt, đất trồng cây và bón phân lót: giống cách làm đất và bón phân cho rau ăn lá cực ngắn ngày.
+ Gieo hạt, trồng cây và chăm sóc: Hạt rau loại này tương đối to cho nên khi gieo không cần trộn thêm với cát, tuy nhiên vẫn phải gieo nhiều lần để hạt được phân bố đều trên luống. Sau gieo 20 – 25 ngày, có thể nhổ cây con và trồng trên luống đất đã chuẩn bị sẵn. Trồng cây với khoảng cách: cây cách cây 20 cm, hàng cách hàng 25 cm. Luôn giữ ẩm cho cây. Sau trồng 20 – 25 ngày có thể thu hoạch đợt 1. Xem chi tiết cách trồng rau mồng tơi tại đây
+ Bón phân thúc (bón bổ sung): Sau thu hoạch đợt 1, cần bón bổ sung phân bón cho cây bằng cách rắc 10 – 15 kg phân/1 sào Bắc Bộ, loại phân bón tổng hợp cho cây trồng. Sau bón tối thiểu 15 ngày, thu hoạch lần tiếp theo. Cứ sau mỗi lần thu hoạch lại bón bổ sung1 lần phân bón như trên và thu hoạch cho đến khi hết tháng 9 dương lịch có thể nhổ bỏ cây để chuẩn bị đất trồng cây rau vụ Đông.
Rau ăn lá dài ngày: rau ngót
Rau ngót là loại rau ăn lá dài ngày, trồng 1 lần có thể thu hoạch được nhiều năm.
+ Thời vụ trồng: trồng quanh năm nhưng thời kỳ trồng tốt nhất là vào đầu tháng 4 dương lịch, khi thời tiết ấm dần.
+ Làm đất, bón phân lót: Đất trồng rau ngót cũng được làm kỹ giống như trồng các loại rau ăn lá, trước khi làm đất cần bón phân lót với lượng phân bón:
- Nếu dùng phân hữu cơ hoai mục: 500 kg/1sào Bắc Bộ.
- Nếu dùng phân vi sinh: 200 kg/sào Bắc Bộ.
- Nếu dùng phân trùn Quế: 150 kg/1 sào Bắc Bộ.
Sau đó làm nhỏ đất để phân được trộn đều với đất, lên luống để tránh bị ngập úng (nếu có mưa lớn).
+ Cách trồng và chăm sóc: cây rau ngót có thể trồng cây đã được giâm có rễ hoặc trồng bằng cành cắt dài 15 – 20cm chưa ra rễ. Khoảng cách trồng: cây cách cây 10 cm; hàng cách hàng 15 – 20cm, luôn giữ ẩm cho cây.
- Với cây giống đã có rễ: sau trồng 15 ngày, bón phân thúc cho cây bằng cách rắc 10 – 15 kg phân/1 sào Bắc Bộ, loại phân bón tổng hợp cho cây trồng. Sau trồng 35 – 40 ngày có thể thu hoạch đợt 1, sau mỗi lần thu hoạch cần bón bổ sung phân cho cây với lượng phân bón như trên.
- Với cây trồng từ cành chưa có rễ: sau trồng 35 – 40 ngày cần bón nhử phân bằng cách pha loãng phân Ure với lượng 20 – 30gr/10 lít nước, tưới đều cho cây, sau đó tưới lại bằng nước lã tránh cây bị sót. Khi cây được thu hoạch, sau mỗi lần thu hoạch cần bón phân bổ sung với lượng 10 – 15 kg phân/1 sào Bắc Bộ, loại phân bón tổng hợp cho cây trồng.
Rau ăn quả dài ngày: các loại rau thuộc họ Bầu, Bí, mướp; các loại họ Cà (trừ cà chua) và đậu đũa, đậu bắp.
Các loại rau này thường trồng sớm hơn. Tuy nhiên đầu tháng 4 dương lịch vẫn có thể trồng được.
+ Làm đất, bón phân lót: Làm đất và bón phân lót như trồng cây rau ăn lá, đảm bảo đất tới, xốp, vôi và phân được trộn đều với đất.
+ Gieo hạt, trồng cây, cắm giàn và chăm sóc: Các loại rau này có thể trồng bằng cách gieo hạt trực tiếp trên đất đã được làm nhỏ và bón phân lót như trồng rau ăn lá ngắn ngày.
Chú ý trồng các loại rau ăn quả dài ngày cần phải được cắm giàn (cách cám giàn tùy người trồng), bấm ngọn, tỉa những nhánh nhỏ không cần thiết khi cây bắt đầu lên giàn (trừ đậu bắp và các loại cà nên bấm ngọn khi cây cao khoảng 30 – 50 cm).
Chú ý giữ ẩm cho cây nhưng tránh để cây bị ngập úng. Bón phân bổ sung định kỳ sau 20 – 25 ngày/lần bằng cách rắc phân bón tổng hợp cho cây trồng với lượng 5 – 10gr/gốc cây.
Những lưu ý khi trồng rau trong tháng 4/2024
Bước vào tháng 4, thời tiết chuyển ấm dần, lượng mưa thấp, điều kiện này rất thuận lợi để rệp, các loại chích hút, bọ nhảy, sâu ăn lá đồng thời nấm bệnh phấn trắng xuất hiện và phát triển rất mạnh. Do vậy, nhóm rau ăn lá cực ngắn ngày và ngắn ngày cần chú ý đề phòng các loại sâu ăn lá, bọ nhảy (theo dõi phát hiện sớm những ổ trứng, ổ sâu non chưa phát tán để ngắt bỏ và tiêu hủy).
Nếu cần có thể phun 1 lần thuốc trừ sâu sinh học có độ an toàn cao và thời gian cách ly ngắn như thuốc trừ sâu sinh học có hoạt chất là Emamectin. Đối với bọ nhảy phá hại các loại rau cải cần phải xử lý đất trước khi gieo bằng cách để đất khô, rắc vôi bột. “Nông dân” sân thượng có thể dùng giá thể trồng SFARM (không cần xử lý) để tránh bọ nhảy và không cần bón dinh dưỡng (giá thể đã có đủ dinh dưỡng).
Nhóm rau ăn quả dài ngày cần chú ý kiểm tra và phòng trừ các loại rệp, các loại chích hút khác và nấm bệnh phấn trắng, bệnh lở cổ rễ. Nếu cần có thể phun thuốc trừ rệp sinh học có hoạt chất là Emamectin hoặc thuốc trừ nấm bệnh sinh học có hoạt chất là Chitosan nhằm an toàn cho người và môi trường
TS. Phạm Thị Liên
Biên tập bởi mobiAgri