Trồng và chăm sóc cây rau, hoa sau mưa to kéo dài

Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết bất thuận như nắng nóng, rét đậm, rét hại hay mưa với cường độ lớn trong thời gian dài. Cơn bão số 3, số 4 vừa qua và tiếp theo là những trận mưa lớn kéo dài, đã làm thiệt hại cực kỳ lớn đến người nông dân. Không những thế, nó còn làm ảnh hưởng đến độ phì của đất, gián tiếp ảnh hưởng đến cây trồng sau mưa bão, trong đó có cây rau và cây hoa.

Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, TS. Phạm Thị Liên sẽ chia sẻ với bà con nông dân những chú ý cơ bản trong trồng, chăm sóc cây rau, hoa sau khi mưa cường độ lớn kéo dài.

1. Ảnh hưởng đến đất

Mưa lớn kéo dài làm cho dinh dưỡng trong đất bị rửa trôi, đặc biệt là Kali. Kali là nguyên tố giúp tổng hợp đường bột, cellulo, giúp tăng màu sắc để hoa tươi bóng hơn.

Kali làm cho cây rau, cây hoa cứng chắc, ít đổ ngã, tăng cường khả năng chịu úng, chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu bệnh. Như vậy, đất thiếu Kali và không được bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây rau, cây hoa ngắn ngày.

Mặt khác, mưa lớn kéo dài làm cho đất bị dí và thiếu ô xy. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Pseudomonas solanacearum Smith gây bệnh héo xanh và một số loại nấm Fusarium oxysporum gây bệnh héo vàng phát triển, phá hại cây rau màu và cây hoa.

BenhHeoXanhTrenOtChuong

Bệnh héo xanh trên cây ớt chuông (Ảnh: Internet)

Vi khuẩn có thể lan truyền từ đất qua cây giống,  gió, nước, côn trùng, vết thương cơ giới qua công cụ chăm sóc, qua những lỗ hở tự nhiên trên cây. Đặc biệt tưới nước nhiều, tưới ngập rãnh đều là điều kiện tốt cho bệnh xâm nhiễm phát triển mạnh, lan truyền dễ dàng.

Nấm gây bệnh héo vàng rất dễ lây lan nhờ gió, mưa và kể cả các hoạt động của con người. Đây là loài nấm có thể tồn tại rất lâu trong đất, tàn dư cây trồng. Nấm gây bệnh xâm nhập qua các vết thương ở rễ hoặc trên thân do quá trình chăm sóc hoặc bị côn trùng cắn phá.

benhheovang

Bệnh héo vàng trên cây cà chua (Ảnh: Internet)

2. Biện pháp khắc phục

– Biện pháp canh tác:

+ Sau mưa, cần dọn sạch các tàn dư trên ruộng vườn. Cày lật, xới đất làm cho đất khô và thực hiện các bước xử lý đất bằng vôi bột để cân bằng pH đất, loại trừ các mầm bệnh gây hại (vi khuẩn và nấm), kết hợp với phân hữu cơ ủ hoai mục với lượng nhiều gấp 1,2 – 1,3 lần so với trước khi bị mưa lớn kéo dài.

+ Chọn các giống cây rau màu và cây hoa khỏe mạnh, giống sạch bệnh và xử lý giống kỹ trước khi trồng.

+ Làm các hệ thống, mương đào, lên liếp cho ruộng vườn để tránh tồn đọng nước.

+ Trong quá trình xới đất, vun gốc không được gây ra các vết thương cho rễ, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm bệnh xâm nhập.

+ Đảm bảo chế độ phân bón hợp lý, chú ý dùng phân có hàm lượng Kali cao hơn 1,2 – 1,3 lần so với lượng Kali bón vào đất trước khi mưa. Tránh bón thừa Đạm, nhất là vào thời điểm cây bị bệnh.

+ Quản lý ruộng, vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn bệnh hại. Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây bị bệnh khi tỷ lệ bệnh còn thấp.

– Biện pháp sinh học:

Sử dụng thuốc trừ bệnh sinh học có hoạt chất là Chitosan hoặc một số loại nấm đối kháng như Trichoderma có thể phòng bệnh phổ rộng cùng nhiều chủng vi khuẩn, xạ khuẩn và nấm gây bệnh héo vàng.

Trên đây là những chú ý trong trồng và chăm sóc cây rau, cây hoa sau thời gian dài mưa cường độ lớn. Chúc bà con thành công!

TS. Phạm Thị Liên

5/5 - (1 vote)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!