su-dung-chau-chau-lam-thuc-pham-1

[Ý kiến chuyên gia]: Sử dụng châu chấu làm thực phẩm

Trong thời gian gần đây, ở nước ta, châu chấu tre luôn được coi là đối tượng cần được theo dõi chặt chẽ, luôn được chú trọng phòng trừ nhưng vẫn luôn thường trực nguy cơ có thể bùng phát thành dịch gây hại cho sản xuất nông nghiệp bất cứ lúc nào nhưng việc sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý chưa được chú trọng đúng mức. Trong bài viết hôm nay TS. Nguyễn Văn Biếu đã đưa ra quan điểm sử dụng châu chấu làm thực phẩm với đa dạng công dụng. Mời bạn đọc theo dõi!

Châu chấu thuộc họ Châu chấu (Acrididae), bộ Côn trùng cánh thẳng (Orthoptera) thuộc nhóm biến thái không hoàn toàn (chỉ có 3 pha trong quá trình phát triển: trứng, châu chấu non và châu chấu trưởng thành) với khoảng gần 7.000 loài đã được phân loại và phân bố rộng khắp, nhất là ở vùng có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới.

su-dung-chau-chau-lam-thuc-pham-3

Các loài châu chấu cũng có tập tính sống, đặc điểm sinh học khác nhau để phù hợp với môi trường sống. Trong số các loài này, một số loài châu chấu có khả năng sinh sản lớn, có thể tập hợp thành bầy đàn lớn và di chuyển tìm thức ăn (di thực) với khoảng cách xa, có khả năng gây hại lớn, thậm chí có thể hủy hoại 80-100% cây trồng nông nghiệp và đồng cỏ, khiến đất trồng bị xói mòn do mất lớp che phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái và đời sống con người.

Tuy nhiên, phần lớn các loài châu chấu chỉ tồn tại với mật độ thấp, chúng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái đồng cỏ, thực hiện và góp phần vào phân hủy chất hữu cơ, cải thiện độ phì của đất, tái chế chất dinh dưỡng, hình thành cấu trúc quần thể thực vật và đóng vai trò là nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật khác trong hệ sinh thái.

Dù gây hại nhưng chính tác động này cũng góp phần kích thích sự phát triển của thực vật, góp phần tạo dựng cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Chỉ có vài loài châu chấu đàn như châu chấu tre, châu chấu sa mạc… có khả năng nhân nhanh số lượng trong thời gian ngắn đến mức trở thành mối nguy hiểm cho con người và toàn bộ hệ sinh thái.

>>>XEM THÊM: Cách phòng trừ châu chấu tre lưng vàng ĐẶC BIỆT HIỆU QUẢ

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu làm nóng lên toàn cầu đáng tiếc lại là điều kiện thuận lợi dẫn đến sự sinh sản, phát triển của châu chấu. Trong khoảng năm 2019-2021, Đông Phi, Châu Á và Trung Đông đã chứng kiến dịch châu chấu sa mạc chưa từng có, với quy mô bầy đàn kỷ lục trải rộng trên diện tích 2.400 km2, làm cho khoảng 20 triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực.

Những biện pháp quản lý dịch châu chấu đã áp dụng như phun thuốc trừ sâu phổ tác động rộng, thậm chí phun rải trên diện rộng bằng máy bay… đáng tiếc lại tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường. Các chiến lược kiểm soát châu chấu bền vững khác như sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chất điều hòa sinh trưởng côn trùng, sử dụng thiên địch và bẫy bả hóa học… lại chưa được chú trọng, chưa được áp dụng rộng rãi nên đem lại hiệu quả rất thấp.

Tiềm năng khai thác công dụng của con châu chấu

Trong thời gian gần đây, ở nước ta, châu chấu tre luôn được coi là đối tượng cần được theo dõi chặt chẽ, được chú trọng phòng trừ nhưng vẫn luôn thường trực nguy cơ có thể bùng phát thành dịch gây hại cho sản xuất nông nghiệp bất cứ lúc nào nhưng việc sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý chưa được chú trọng đúng mức.

Đánh giá tiềm năng của việc khai thác châu chấu cho những mục đích sử dụng có lợi cần được xem xét như là một chiến lược quản lý bền vững. Cần nghiên cứu, tuyên truyền và khai thác giá trị dinh dưỡng của châu chấu để làm làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các ứng dụng khác sẽ góp phần vào giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên có giá trị này.

su-dung-chau-chau-lam-thuc-pham-2

Châu chấu – nguồn thực phẩm đa đạng

Việc sử dụng châu chấu làm thức ăn cho con người và vật nuôi đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra châu chấu chứa một lượng protein cao, tương đương và thậm chí cao hơn nhiều loại thịt truyền thống. Protein từ châu chấu cung cấp nhiều loại axit amin thiết yếu mà cơ thể con người cần. Mỡ châu chấu cũng chủ yếu là các loại axit béo không no, rất có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Châu chấu cũng giàu các khoáng chất như sắt, kẽm, magie và canxi, cùng với các vitamin nhóm B… Nguồn thực phẩm từ châu chấu sẽ cung cấp đa dạng và phong phú hơn các chất dinh dưỡng, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan. cải thiện sức khỏe cho con người.

Ở một số quốc gia, thậm chí đã có những trang trại do con người làm để nuôi châu chấu làm thực phẩm. Châu chấu ăn ít và sinh sản nhanh nên chi phí nuôi châu chấu cũng thấp hơn so với nuôi nhiều loại động vật khác, chúng lại có chu kỳ sinh trưởng ngắn, chỉ cần vài tuần cho mỗi chu kỳ sản xuất nên giúp tăng tốc độ sản xuất, đảm bảo cung cấp thực phẩm đều đặn.

Trong quá trình phát triển, châu chấu tre phát thải ít khí nhà kính hơn so với các loại động vật khác, ít gây ô nhiễm môi trường và góp phần giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, có thể nuôi châu chấu ngay ở các diện tích nhỏ, thậm chí trong các khu vực đô thị, nông thôn, quy mô gia đình, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

Từ châu chấu, có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng, từ chiên, nướng, xào cho đến làm thành bột protein làm thực phẩm chức năng hay bổ sung vào các món ăn hàng ngày. Thực phẩm châu chấu cũng ít nguy cơ gây dị ứng và không chứa các hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh như một số loại thịt khác.

Với nhiều lợi ích như vậy, nhiều quốc gia đã tổ chức hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế, nhiều tác giả đã phát hành sách hướng dẫn về sử dụng côn trùng, trong đó có chấu chấu làm thực phẩm. Chấu chấu còn đi vào văn hóa ẩm thực và được bán phổ cập trên đường phố như ở Thái Lan, Campuchia, Philippines.

Ngay ở nước ta, châu chấu còn được gọi với tên mới rất hay và thú vị “tôm bay”, được nông dân nhiều vùng thu bắt, được bán với giá cao và coi như món ăn đặc sản, được chế biến thành các món ăn ngon và nhiều người ưa thích.

Hãy sử dụng châu chấu làm thực phẩm để góp phần ngăn chăn dịch châu chấu tre một cách thực tế, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn trái đất của chúng ta xanh và bền vững.

TS. Nguyễn Văn Biếu

5/5 - (1 vote)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!