Cây sầu riêng (Durio zibethinus L.) thuộc họ Cẩm Quỳ Malvaceae là một trong những cây trồng quan trọng và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong hệ thống cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Những năm gần đây, giá trị kinh tế của cây sầu riêng tăng đáng kể do nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong nước và xuất khẩu nên cả diện tích trồng và sản lượng đều tăng mạnh.
Cùng với việc gia tăng diện tích trồng, người sản xuất cũng phải đối mặt với một số loại bệnh phát sinh mạnh và có lúc, có nơi gây hại nặng. Bệnh thán thư trên cây sầu riêng thường xuất hiện và gây hại lá nêu dưới đây thường gây lúng túng trong nhận dạng, thiếu thông tin chung về các đặc điểm của bệnh và cách phòng trừ.
Hy vọng bài viết hôm nay của TS. Nguyễn Văn Biếu -Chuyên gia tư cấn của mobiAgri sẽ giúp ích cho bà con trồng sầu riêng và góp phần phát triển bền vững cây sầu riêng ở nước ta.
Nội dung bài viết
Nguyên nhân gây bệnh thán thư trên cây sầu riêng
Bệnh thán thư hại sầu riêng do chi nấm có tên khoa học là Collectotrichum thuộc họ Glomerellaceae gây ra. Nấm có tên khoa học giai đoạn sinh sản hữu tính là Glomerella spp. Tên tiếng Anh của bệnh thán thư là Anthracnose. Chi nấm thán thư gồm nhiều loài và có thể có một hay nhiều loài cùng phát sinh gây hại trên từng loài cây ký chủ, tùy vùng sinh thái…
Triệu chứng bệnh thán thư hại lá sầu riêng
Biểu hiện lá sầu riêng bị nấm gây bệnh thán thư
Nấm gây bệnh có triệu chứng khá phức tạp tùy thuộc vào loài cây bị hại, giai đoạn sinh trưởng, đặc điểm kháng bệnh của giống…
Trên sầu riêng, bệnh thường xuất hiện ở lá già nằm giữa tán lá trở xuống. Đầu tiên, xuất hiện những đốm tròn ướt, xuất hiện trước tiên ở chóp hoặc rìa lá, sau đó lớn dần và có tâm màu xám trắng. Vùng bị bệnh có nhiều vòng đồng tâm và trên vòng có nhiều chấm nhỏ màu đen. Vùng mép quanh vết bệnh có màu nâu đỏ, xung quanh có quầng vàng trắng. Các lá bị nhiễm bệnh nặng thường rụng sớm.
Mức độ phổ biến và tác hại bệnh thán thư trên cây sầu riêng
Bệnh thán thư gây hại khá nghiêm trọng và phổ biến trên một số cây rau quả như cà chua, bầu bí, dưa, ớt…và trên cây ăn trái như chuối, đu đủ, thanh long… Đặc biệt, bệnh cũng gây hại rất nghiêm trọng trên sầu riêng, tỉ lệ cây bị bệnh trong vườn có nơi tới 60% ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bệnh gây hại làm chết cây con mới trồng và ảnh hưởng đến năng suất của cây trưởng thành.
Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại cây sầu riêng
Các biện pháp phòng bệnh
- Tuân thủ tốt chương trình One Health – Sức khỏe trên hết. Sức khỏe cho cả đất và hệ Vi sinh vật đất, sức khỏe cho toàn hệ sinh thái và cho cả con người (người sản xuất và người tiêu dùng).
- Bảo đảm cải tạo tốt nền đất trồng sầu riêng, đất cần tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Thực hiện tốt quy trình bón phân theo từng giai đoạn: Sinh trưởng, ra hoa, nuôi quả và phục hồi cây sau thu hoạch. Ưu tiên bón các loại phân hữu cơ hoai mục, chế phẩm vi sinh có nấm, vi khuẩn đối kháng Chaetomium, Trichoderma, EM… Bảo đảm bón cân đối NPK, trung và vi lượng.
- Giữ đất ẩm nhất là trong mùa khô bằng cách giữ những cây cỏ dại hay các vật liệu hữu cơ làm vật che phủ đất.
- Thường xuyên cắt tỉa, tạo tán cho cây hợp lý để vườn thông thoáng, nhất là cắt và tiêu hủy cành, lá bị bệnh nặng để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan ra vùng cây khác..
- Thường xuyên thăm, kiểm tra vườn theo hướng dẫn của chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM để phát hiện sớm bệnh hoặc sinh trưởng bất thường và xử lý kịp thời.
- Phun hóa chất BVTV có đồng để phòng nếu có nguy cơ nấm bệnh xuất hiện gây hại, nhất là đối với vườn ươm cây con. Chú ý che mát cho cây ở vườn ươm.
Các biện pháp trừ bệnh
- Nhà vườn cần tiến hành cắt tỉa các cành lá, hoa quả nhiễm bệnh và đem đi tiêu hủy để hạn chế và tránh nguồn nấm bệnh lây lan.
- Sử dụng thuốc BVTV có đồng, thuốc siêu đồng (có thể sử dụng luân phiên với chế phẩm vi sinh có nấm, vi khuẩn đối kháng Chaetomium, Trichoderma, EM). Bảo đảm phun ướt toàn bộ thân, cành, lá theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Một số hóa chất BVTV có thể trừ nấm thán thư là những hóa chất có chứa hoạt chất Propineb, Hexaconazole và cần tuân thủ đúng những hướng dẫn của nhà sản xuất về liều lượng, nồng độ, thời điểm phun…
TS Nguyễn Văn Biếu
Biên tập bởi mobiAgri