Bí quyết chăm sóc sầu riêng giai đoạn nuôi trái đạt năng suất cao

Hiện nay, cây sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang ở giai đoạn ra hoa; đậu trái, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cây sầu riêng. Việc chăm sóc đúng kỹ thuật trong thời điểm này sẽ quyết định năng suất, phẩm chất và hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng. Sau đây, mobiAgri xin chia sẻ cách chăm sóc sầu riêng trong giai đoạn nuôi trái để bà con tham khảo.

Cách tỉa hoa sầu riêng

Một cây dù ra bao nhiêu bông đi nữa nhưng cũng chỉ mang được tối đa 300 quả (những cây lâu năm, khỏe). Tỉa hoa nhằm loại bỏ bớt hoa mọc ở những vị trí không cần thiết, giúp tập trung dinh dưỡng để nuôi dưỡng hoa còn lại tốt hơn.

Xác định số lần tỉa hoa

Cây sầu riêng ra rất nhiều hoa nhưng thường tập trung thành 3 đợt chính.

Hoa cần được tỉa thưa theo 2 cách sau:

  • Tỉa thưa hoa của đợt 1 và đợt 3, không tỉa hoa ra đợt thứ 2
  • Tỉa thưa hoa ra đợt thứ 2, không tỉa những hoa ra đợt 1 và đợt 3.

Tỉa hoa theo cách nào là tùy thuộc vào ý định thời điểm thu hoạch quả của nhà vườn, nhưng không nên giữ lại tất cả các hoa ảnh hưởng đến việc thụ phấn và đậu quả. Như vậy, có thể tỉa hoa 2 lần (đợt hoa thứ 1 và đợt hoa thứ 3), hoặc tỉa hoa 1 lần (đợt hoa thứ 2).

Tỉa chùm hoa

Thời điểm: Khi chùm hoa hình thành 3 – 5 cm.

Cách làm: Dinh dưỡng từ lá di chuyển vào nuôi hoa, nuôi quả nên những quả trên cành cao sẽ to lớn và ngon hơn. Do vậy cách tỉa hoa như sau:

Đối với cành cấp 1, vị trí để chùm hoa đầu tiên cách thân từ 0,5 – 1,8 m tùy tuổi cây. Cây càng lớn, cành ở dưới thấp thì vị trí để chùm hoa đầu tiên càng cách xa thân. Nếu để hoa, quả gần thân thì hoa, quả ở vị trí này phát triển rất kém.

Đối với cành cấp 2, giữ lại những chùm hoa ở vị trí cành to, khỏe, ở nách cành cấp 2. Không để hoa ở đầu cành, vì nếu đậu quả dễ bị gió giật gây tổn thương các cành lân cận và khó thu hoạch.

Chọn các chùm hoa khỏe hướng xuống dưới (không để các chùm hoa hướng ngang hoặc mọc sai vị trí). Tùy sức khỏe của cành mà để 4 – 10 chùm hoa/cành.

Khoảng cách giữa các chùm bông cách nhau 20 – 25 cm. Không để dày làm cho hoa nhỏ, đậu phấn kém.

Tỉa bớt hoa trong một chùm

Thời điểm tỉa: Khi hoa dài khoảng 8 – 10 cm.

Cách làm: Số lượng hoa trong chùm rất nhiều, có chùm lên đến trên 45 hoa. Vì vậy cần tỉa bớt những hoa trên cùng một chùm. Ưu tiên giữ lại những nụ hoa ra cùng đợt và những hoa tròn, mập, cuống hoa khỏe, hoa không bị nhiễm sâu bệnh. Để không quá 10 bông/chùm.

Việc tỉa hoa được kết thúc 1 tháng trước khi hoa nở. Thời gian từ khi bắt đầu hình thành nụ hoa đến khi hoa nở khoảng 45 – 60 ngày.

Sau khi tỉa hoa nếu thấy cây chưa nhú đọt non bón bổ sung DAP nhằm kích thích ra đọt non, đồng thời tưới đều nước và luôn giữ mặt đất có độ ẩm ổn định.

Phân biệt các đợt hoa xả nhị (Tung phấn)

Phân biệt các đợt hoa xả nhị để có biện pháp chăm sóc riêng biệt cho những cây có cùng thời gian xả nhị, từ đó xác định chính xác thời điểm thu hoạch những quả xả nhị cùng đợt.

Có 2 phương pháp phân biệt các đợt hoa xả nhị đó là:

Đánh số cho từng cây, ghi chép sổ sách cụ thể ngày xả nhị của từng cây trong trường hợp để 1 đợt hoa/cây.

Đánh dấu sơn các màu khác nhau cho từng lứa hoa xả nhị khác nhau trên cây trong trường hợp cây để 2 đợt hoa.

Chăm sóc sầu riêng giai đoạn nuôi trái

Chăm sóc giai đoạn này quyết định đến năng suất, chất lượng quả sầu riêng.

Sau khi đã tỉa bớt hoa trong chùm, khoảng 10 hoa /chùm. Hầu hết số hoa này đều đậu quả, tỉa bớt quả nhằm để lại những quả ở vị trí thích hợp, tạo cho quả phát triển tốt, đảm bảo về chất lượng, trọng lượng và mẫu mã đẹp.

Cách tỉa và thời điểm tỉa quả

Lần 1: Quả được 3 – 4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, quả méo, quả bị sâu bệnh (để lại 6 – 8 quả/chùm).

Lần 2: Quả được 8 tuần sau khi hoa nở: Tỉa quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3 – 4 quả/chùm).

Lần 3: Quả được 10 tuần sau khi hoa nở: Cắt tỉa những quả có hình dạng không đặc trưng của giống. Tạo thuận lợi cho phát triển cơm, kích thước và hình dáng quả. Chỉ để 1 – 4 quả/chùm. Số quả/cây tùy tuổi cây, tình trạng cây và từng giống sầu riêng, nếu cây có đường kính tán lá từ 7 – 8 m, thì chỉ nên để 70 – 100 quả trên cây.

Không để quả mọc trên thân chính, quả ở những cành nhỏ, quả ở trên ngọn cây (trừ những quả ở sát thân chính).

Trong trường hợp đang nuôi quả mà có hiện tượng rụng quả thì tiến hành tỉa bớt một số quả, ưu tiên tập trung dinh dưỡng để nuôi các quả còn lại (không còn hiện tượng rụng quả).

Lưu ý:

Sau khi tỉa quả tiếp tục thực hiện việc bón phân, tưới nước theo quy trình đã hướng dẫn.

Thường xuyên theo dõi để phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại cho sầu riêng.

Phun phân qua lá dưỡng quả

Từ giai đoạn nuôi hoa đến khi quả được 60 ngày tuổi. Phun định kỳ 7 – 15 ngày/lần bằng phân bón lá NPK 20-20-20 + TE để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả.

Trong thời điểm này cây có hiện tượng ra đọt non thì phun MKP (10 g/lít nước, 2 kg/phuy) hoặc KNO3 (200 – 300gram/bình 16 lít) định kỳ 3 ngày/lần (có thể phun luân phiên 2 loại phân này) để hạn chế đọt non, lá non phát triển tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa lá và quả gây rụng quả non.

Trong lần phun cuối cần phối hợp với thuốc Agri – Fos 400 để kháng lại bệnh thối quả, xì mủ thân (giai đoạn này quả nở gai rất mẫn cảm với bệnh thối quả do nấm phát triển). Nồng độ thuốc phun 0,5%.

Bón phân nuôi quả

Việc bón phân còn tùy vào đất đai, năng suất, sinh trưởng, tuổi cây…để bón.

Cách 1

Ở Tây Nam Bộ

Lần 3: Khi quả sầu riêng lớn bằng quả chôm chôm cần bón phân có hàm lượng Kali cao theo công thức N:P:K:Mg (12:12:17:2) với liều lượng 2 – 3 kg/cây.

Lần 4: Trước khi quả chín 1 tháng bón 2 – 3 kg phân như NPK (16 – 16 – 8) kết hợp với 1 kg – 1,5 kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả.

Ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Lần 3: Giai đoạn đậu quả bón 1,5 kg – 2,0 kg NPK 17 – 17 – 17 hoặc 16 – 16 – 16

Lần 4: Giai đoạn tăng trưởng quả bón 1,5 kg – 2,0 kg NPK 16 – 7 – 17 hoặc 15 – 7 – 17

Lần 5: Trước khi thu hoạch 1 tháng bón 0,5 kg Kali Sun-phát/cây K2SO4 (Kali trắng Con cò Pháp).

Cách 2

Lần 1: Khi quả được 60 ngày tuổi (quả sầu riêng bằng quả trứng gà) bón phân NPK 15-15-15 YARA.

Lượng bón: Bón 0,5 kg/cây/lần/2 đợt, cách nhau 10 – 15 ngày.

Cách bón: Đợt 1 bón 200 – 300g/cây/lần rắc quanh tán cây. Nếu đất không đủ ẩm phải tưới nước để phân tan. Sau 10 – 15 ngày bón tiếp đợt 2 với lượng phân còn lại.

Lần 2: Khi đậu quả được 80 – 85 ngày: Chia 2 đợt bón.

Loại phân bón: NPK có công thức 12 – 12 – 17 + TE hoặc 12 – 7 – 17 + TE.

Cách bón: Lượng phân bón 0,15 – 0,25 kg/cây/đợt, bón đợt tiếp theo sau đó 10 – 15 ngày.

Lần 3:

Loại phân: K2SO4 (Kali trắng Con cò Pháp).

Lượng phân và thời điểm bón:

Đợt 1: Khi quả được 105 ngày (sầu riêng Monthong), bón 0,3 kg/cây; tùy lượng quả trên cây.

Đợt 2: Sau khi bón lần 1 được 7 ngày; bón 0,3 – 0,5 kg/cây.

Lưu ý:

Đối với giống sầu riêng Ri6 do thời gian thu hoạch sớm hơn sầu riêng Monthong 15 – 20 ngày. Vì vậy thời gian bón phân cho giống Ri6 giai đoạn nuôi quả cần sớm hơn so với giống Monthong khoảng 10 – 15 ngày.

Kết thúc bón phân 1 tháng trước khi thu hoạch.

Bón thừa phân, đặc biệt là phân Đạm sẽ có tác dụng kích thích sinh trưởng làm cho cây sầu riêng ra đọt non ở thời điểm khi hoa nở sẽ giảm tỉ lệ đậu quả và từ ngày thứ 20 – 55 sau khi hoa nở sẽ làm rụng quả và tăng tỉ lệ quả méo mó.

Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc sầu riêng mang lại hiệu quả, kinh tế cao. mobiAgri chúc bà con có một vụ mùa sầu riêng bội thu.

Biên tập bởi mobiAgri

2/5 - (5 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!