bo-voi-voi-hai-lua-8

Bọ vòi voi hại lúa – sâu hại mới trên cây lúa

Theo thông tin từ bạn Ly Dếch ở tỉnh Điện Biên gửi cho trang cộng đồng mobiAgri, đã xuất hiện một loài sâu hại mới lần đầu được thấy ở Điện Biên gây hại lúa. Loài sâu bọ này có tên là bọ vòi voi.

Bài viết hôm nay, TS Nguyễn Văn Biếu – Chuyên gia mobiAgri, sẽ cung cấp một số thông tin để bạn đọc hiểu về đối tượng gây hại mới này.

Bọ vòi voi hại lúa có nguồn gốc từ Mỹ và đã từng xuất hiện gây hại ở Quỳ Hợp, Nghệ An năm 2012, tại Đông Triều, Quảng Ninh 2017… Nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu… đã coi Bọ vòi voi hại lúa là loài sâu hại nguy hiểm vì có thể gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa. Dù Bọ vòi voi mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng nguy cơ cao sẽ trở thành đối tượng gây hại đáng kể cho nghề trồng lúa trong thời gian tới nếu không được chú trọng từ bây giờ.

Qua Google dịch, thuật ngữ Rice Water Weevil được dịch là “mọt lúa nước”. Theo TS Nguyễn Văn Biếu nên sử dụng thuật ngữ Bọ vòi voi hại lúa cho loài này vừa nói lên được đặc trưng phân loại, vừa nêu được lúa là ký chủ chính của loài sâu hại này.

Phân loại

Bọ vòi voi hại lúa (Bọ vòi voi) có tên khoa học là Lissorhoptrus oryzophilus Kuschel, 1952 (tên tiếng Anh: Rice Water Weevil – RWW) thuộc họ vòi voi (Curculionidae), bộ cánh cứng (Coleoptera).

bo-voi-voi-hai-lua

Hình ảnh do anh Ly Dếch cung cấp cho mobiAgri

Đặc điểm sinh học của bọ vòi voi hại lúa

Bọ vòi voi thuộc nhóm biến thái hoàn toàn, có đủ 4 pha sinh trưởng: Trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành trong quá trình sinh trưởng.

Giai đoạn trứng: Bọ trưởng thành đẻ trứng vào trong các bẹ lá nằm gần mặt nước, trứng có hình thon ô van, có màu trắng vàng, kích thước 0.8 x 0.14 mm và thường được đẻ vào bẹ lá lúa phần gần mặt nước. Giai đoạn trứng kéo dài 4 – 9 ngày.

bo-voi-voi-hai-lua-3

Giai đoạn sâu non: sâu không có chân, thân màu trắng. Khi mới nở, sâu tuổi 1 chỉ dài khoảng 1 cm, tuổi 4 dài tới 8 mm, và đầu màu nâu, mới nở rơi ngay xuống nước và tìm đến sống ở rễ lúa, gây hại rễ và phần cây lúa dưới mặt nước. Giai đoạn sâu non kéo dài 28 – 35 ngày dài khoảng. Thời gian sâu non kéo dài 2-3 tuần và sâu có 4 tuổi.

bo-voi-voi-hai-lua-4

Giai đoạn nhộng: Kén kín nước do sâu tạo ra bằng tơ, đất bùn có hình dạng ovan và thường thấy ở vùng rễ lúa, sâu hóa nhộng bên trong kén. Giai đoạn nhộng kéo dài 1-2 tuần và sau đó Bọ vòi voi trưởng thành phá kén chui ra.

bo-voi-voi-hai-lua-6

Giai đoạn trưởng thành: Sau khi qua giai đoạn nhộng, nhông chuyển thành Bọ vòi voi trưởng thành, bọ có thể bơi trên mặt nước và leo lên cây ăn mô lá lúa, tạo thành những vết trắng loang lổ, tìm cặp đôi và sinh sản. Bọ tương đối nhỏ, kích thước chỉ khoảng 2,8 x 1,2 – 1,8 mm, màu nâu sẫm, có vòi dài đặc trưng của họ vòi voi. Bọ vòi voi trưởng thành có khả năng sống 30 – 60 ngày tùy thuộc vào thức ăn, môi trường, ưa thích hoạt động vào chiều mát và ban đêm, qua đông trong cỏ dại khi nhiệt độ xuống thấp. Bọ cái trưởng thành sau giao phối có khả năng đẻ tới trên 200 trứng. Thời gian sống của trưởng thành khoảng 40 – 50 ngày.

bo-voi-voi-hai-lua-5

Tổng vòng đời của Bọ vòi voi (từ trứng đến trứng) từ 4 – 6 tuần phụ thuộc vào thức ăn, môi trường….

Đặc điểm gây hại của bọ vòi voi trên cây lúa

Bọ vòi voi thích nghi sống trong môi trường nước. Bình thường, sâu non bọ vòi voi hại lúa ăn phá rễ lúa, làm cho bộ rễ lúa bị hư hại. Bọ trưởng thành ăn mô lá lúa, để lại các vết xước dọc theo phiến lá. Tuy nhiên gây hại nặng nhất là giai đoạn sâu non khi sống trong đất và ăn rễ lúa. Vào mùa đông, Bọ vòi voi trú ẩn trong các bờ cỏ ven ruộng.

bo-voi-voi-hai-lua-2

Cánh đồng lúa, cây lúa và bộ rễ lúa bị Bọ vòi voi gây hại (Ảnh: Internet)

Những công bố trên thế giới cho thấy Bọ vòi voi có thể gây hại 20-50% năng suất và thậm chí làm mất trắng hoàn toàn. Tuy nhiên, do loài Bọ vòi voi mới xuất hiện ở Việt Nam nên chưa có nhiều nghiên cứu về ngưỡng kinh tế, mức độ gây hại…

Ký chủ và ký sinh

– Ký chủ: Hầu hết các loài thực vật trong bộ Hòa thảo (họ hòa thảo Poaceae và họ Cyperaceae) là thức ăn ưa thích của Bọ vòi voi như: cỏ gấu, cỏ lác, cói, ngô, lúa…

– Ký sinh và Thiên địch: Do chưa có công bố nghiên cứu nào tại Việt Nam nên bài này sẽ cung cấp thêm một số kết quả từ nước ngoài.

Các quan sát đồng ruộng từ các tài liệu nước ngoài cho thấy Bọ vòi voi thường bị nấm ký sinh côn trùng B. bassiana, Metarhizium anisopliaeHirsutella jonesii; Tuyến trùng ký sinh Mermithid. Loài ong Tetrastichus oryzae ký sinh trứng Bọ vòi voi.

Thiên địch chính của Bọ vòi voi gồm: một số loài chim, ếch, chuồn chuồn (ăn sâu non)…

Đáng tiếc là các loài ký sinh thiên địch mới chỉ đóng vai trò đóng góp vào đa dạng sinh học, chưa được nghiên cứu nhiều về khả năng hạn chế Bọ vòi voi ngoài sản xuất.

Biện pháp phòng trừ bọ vòi voi hại lúa

Dựa vào các hiểu biết về đặc điểm sinh học, gây hại của loài Bọ vòi voi và các nguyên lý Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), các biện pháp cần thực hiện để quản lý tổng hợp Bọ vòi voi là:

– Luân canh: Thực hiện thay đổi cây trồng không phải thức ăn của Bọ vòi voi như các loại rau…

– Làm sạch cỏ dại quanh ruộng, nơi Bọ vòi voi có thể sinh sống, nhân số lượng và trú ẩn.

– Cần bảo vệ các loài ký sinh, thiên địch bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hóa học BVTV (nếu thấy chưa cần thiết sử dụng).

– Sử dụng giống kháng với Bọ vòi voi (đáng tiếc là chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam về giống kháng Bọ vòi voi)

– Sau khi thu hoạch lúa, nên sử dụng các chế phẩm vi sinh phân giải nhanh nguồn tàn dư: gốc, rễ, thân…) còn sót lại trên ruộng. Các chế phẩm này thường chứa các loài: Bacillus, Lactobacillus, Streptomyces, Saccharomyces, Trichoderma, Cellulomonas… có khả năng phân hủy nhanh rơm rạ, vừa giúp cắt nguồn thức ăn ưa thích của Bọ vòi voi, vủa trả lại dinh dưỡng tốt cho đất.

– Cày sâu, bừa kỹ trước khi gieo cấy: Giải pháp này có tác dụng diệt nguồn sâu non, nhộng còn sót lại trên ruộng.

– Gieo trồng cây bẫy (có thể là giống lúa Bọ vòi voi ưa thích) trước vụ lúa chính để thu hút Bọ vòi voi đến và tập trung tiêu diệt.

– Tìm diệt bọ trưởng thành qua đông ở những vùng có mùa đông lạnh.

– Thay đổi chế độ nước luân phiên cạn – ngập trong Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI là giải pháp rất tốt cần áp dụng để hạn chế và diệt Bọ vòi voi (Nếu điều kiện thủy lợi cho phép).

– Ưu tiên sử dụng các chế phẩm vi sinh chế phẩm vi sinh có chúa nấm B. bassiana và Metarhizium anisopliae để gây bệnh và tiêu diệt Bọ vòi voi.

– Khi mật độ Bọ vòi voi quá lớn và gây hại nặng, có thể sử dụng hóa chất BVTV có gốc hoạt chất thiamethoxam, diamide, neonicotinoids… nhưng cần đọc kỹ và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chuyên gia mobiAgri Nguyễn Văn Biếu 

Tiến sĩ khoa học Nông nghiệp chuyên ngành Bệnh cây và BVTV

Bà con có thể gọi điện trực tiếp hoặc đặt câu hỏi cho TS.Biếu tại ứng dụng mobiAgri. Tải ngay ứng dụng mobiAgri để khám phá nhiều thông tin nông nghiệp thú vị và được các chuyên gia cây trồng hỗ trợ tư vấn cách trồng cây hiệu quả.

2.2/5 - (12 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!