Cây quất là cây cảnh quen thuộc được chưng trong dịp tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chăm sóc cây quất trong chậu sau tết tại nhà.
Vào dịp cuối năm, bên cạnh hoa đào, hoa mai, người dân còn chưng cây quất cảnh đón tết. Cây quất có tên khoa học là Fortunella japonica, thuộc chi cam chanh. Chúng thuộc loài thân gỗ, cao từ 1 đến 1,5m. Thân của cây quất dẻo dai, có nhiều nhánh tỏa ra xung quanh. Cây quất có lá mọc xum xuê và tươi tốt suốt trong năm. Hoa của chúng có màu trắng, quả quất còn được dùng là gia vị trong món ăn hoặc một phương thuốc để chữa bệnh.
Nội dung bài viết
Ý nghĩa của cây quất
Vào năm mới, bên cạnh hoa đào và hoa mai, người dân còn trồng cây quất tết để trang trí. Ngoài ra, cây quất còn mang ý nghĩa tốt đẹp, rước may mắn và tài lộc vào nhà cho gia chủ. Một cây quất đẹp ngoài thế cây còn hội tụ đủ 5 yếu tố về ngũ hành như kim, mộc, thủy, hỏa thổ. Hoa màu trắng tượng trưng cho hành kim, quả vàng tượng trưng cho hành hỏa, lá và quả cây mọng nước thuộc hành thủy và đất trong chậu là hành thổ.
Khi cây quất tập hợp đủ yếu tố ngũ hành sẽ mang đến sự cân bằng. Chúng cũng là biểu tượng của sự may mắn, bình an, sung túc, đủ đầy.
Cách chăm sóc cây quất trong chậu sau tết
Sau khi chưng tết, nhiều gia đình thường bỏ cây quất đi. Tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc cây quất trong chậu sau tết, bạn có thể tận dụng để chơi tết năm sau. Dưới đây là một vài kỹ thuật đảm bảo cây quất sẽ tươi tốt quanh năm và sẽ ra hoa, kết quả đúng vào thời điểm tết.
Trồng lại cây
Trước khi trồng lại 10 ngày, bạn cần chuẩn bị sản phẩm hỗ trợ bộ rễ. Sau khi đánh cây quất từ trong chậu ra vườn, bạn dùng sản phẩm này tưới đẫm tán lá, tưới đẫm gốc cây. Sau khoảng 10 ngày, bộ rễ cây đã được phát động và các rễ mới cũng đã được hình thành. Bạn vặt khoảng một nửa hoặc quá nửa số lá cây và tiến hành trồng cây.
Đào một hố đất rộng, sau đó trồng cây quất lên. Đảm bảo đất đã có đủ dinh dưỡng, được bón thêm khoảng 1kg phân vi sinh hoặc 3kg phân chuồng hoai mục.
Sau khoảng 1 tuần khi trồng lại cây quất, bạn xới quanh gốc cho đất tơi xốp và tưới hoặc bón phân khoáng cách gốc 30cm cho quất nhanh phát triển.
Cắt tỉa cây
Với những cây quất cũ, khi cây sinh trưởng tốt, bạn có thể để nguyên thế cây hoặc tạo thế cây mới. Khi cắt tỉa cây, bạn nên dùng dao, kéo sắc chuyên dụng và tỉa, tạo thế cây vào những ngày nắng ấm. Định kỳ khoảng 7 đến 10 ngày bạn cần cắt tỉa và tạo thế cây một lần. Cho tới khi cây đạt được thế hoặc được tán cây như mong muốn.
Đảo quất
Vào khoảng tháng 5 dương lịch, bạn cần tiến hành đảo quất. Trước khi đảo, cần đảm bảo tưới đủ ẩm, đầm đất xung quanh gốc để đảm bảo không bị vỡ bầu khi đào hoặc đánh cây quất lên. Tùy thuộc vào độ to hoặc nhỏ của cây mà bầu đất cũng được đánh phù hợp. Khi đánh cây, bạn dùng cuốc, thuổng moi đất cách gốc tầm 60cm, sau đó đào thêm rãnh sâu khoảng 40cm và tỉa bỏ bớt đất.
Tạo quả và lộc cho cây
Nếu muốn tán cây chỉ có một loại quả chín, bạn có thể đánh bầu vào nơi râm mát, tránh gặp mưa. Sau 10 ngày, khi các lá đã héo và rụng gần hết, bạn đem trồng và chăm sóc như bình thường. Vào khoảng tháng 8 cây sẽ ra hoa, kết quả và dịp tết sẽ chín vàng. Tuy nhiên, đối với nhiều người, một cây quất có đủ quả xanh, chín và có hoa sẽ mang đến nhiều ý nghĩa hơn. Do đó, khi đánh bầu quất, họ sẽ để trong bóng râm khoảng 7 ngày, lúc đó lá cây héo và rụng khoảng 1 nửa thì trồng lại.
Khi cây kết quả ở lứa hoa đầu và lứa hoa thứ hai vào tháng 8, họ sẽ vặt bớt 1 nửa lượng quả non, cắt ngọn non, một nửa số lá cây và bón thúc thêm phân đạm, phân kali. Việc làm này giúp cây tiếp tục ra hoa, kết quả và phát lộc. Đảm bảo cuối năm cây sẽ lại có đủ hoa, quả xanh và quả chín. Tuy nhiên đây là kỹ thuật chăm sóc khá khó và cần phải tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ.
Trên đây là cách chăm sóc cây quất trong chậu sau tết đơn giản tại nhà. Nếu bạn thích chưng quất cảnh trong những ngày đầu năm mới, hãy thực hành ngay kỹ thuật trồng trên đây, vừa đảm bảo có cây cảnh đẹp chơi tết, vừa tránh lãng phí và tốn kém.