Để nhân giống cây vú sữa có rất nhiều cách, trong đó cách chiết cây vú sữa được xem là cách có tỷ lệ cây sống cao, nhanh thu hoạch trái.
Nội dung bài viết
Đặc điểm của cây vú sữa
Cây vú sữa có tên khoa học Chrysophyllum cainito. Đây là cây trồng quen thuộc ở nước ta và mang lại giá trị kinh tế cao. Một số loại vú sữa đặc sản cũng được xuất khẩu ra nước ngoài. Cây vú sữa có thân gỗ thường xanh, với chiều cao trung bình khoảng 10 mét. Lá cây có hình bầu dục dài, màu xanh hoặc xanh tím.
Quả vú sữa ra theo mùa, thường được trồng ở vùng Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ để làm kinh tế. Ở các nhà vườn tại những khu vực này, bà con áp dụng nhiều phương pháp nhân giống vú sữa khác nhau như chiết, ghép hoặc gieo hạt. Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm khác nhau.
Cách chiết cây vú sữa
Trong số các phương pháp nhân giống, cách chiết cây vú sữa được đánh giá có hiệu quả cao, nhanh thu hoạch trái. Để thực hiện phương pháp này, cần lưu ý một số điểm sau:
Thời điểm
Thời điểm chiết cây rất quan trọng, quyết định tới quá trình sinh trưởng của cây. Thời điểm thích hợp được chọn giúp cây nhanh ra rễ, mầm cây mọc tốt hơn, giảm ảnh hưởng không tốt tới cây mẹ và vẫn đảm bảo cây mẹ có năng suất trong các vụ tới.
Thời điểm thích hợp nhất để thực hiện chiết cây là vào mùa xuân, sau khi mùa quả kết thúc. Thời điểm này khí hậu tương đối ấm áp nên giúp cây phát triển tốt hơn. Đặc biệt, bà con không nên thực hiện chiết cây vào mùa đông vì mùa này thời tiết lạnh, cây không phát triển tốt.
Cách chiết
Chọn cành
Bạn cần lựa chọn cành khỏe mạnh để chiết, cành bánh tẻ không quá non hoặc không bị quá già sẽ được lựa chọn. Những cành này cần đảm bảo có đường kính khoảng 2cm và đã có một cố cành con.
Độ dài của cành chiết trong khoảng 50 đến 60cm để đảm bảo cho cây con phát triển mà không gây ảnh hưởng xấu tới cây mẹ. Bạn nên lưu ý không chiết nhiều cành từ một cây mẹ, có thể chiết khoảng 5 cành từ cây mẹ để đảm bảo cây mẹ vẫn phát triển tốt.
Lột vỏ
Khi đã xác định được cành chiết, bà con cần loại bỏ bớt các cành già cỗi, lá già và khoanh vị trí chiết, lột vỏ cây. Sử dụng dao sắc, khoanh nhẹ hai đường song song khoảng 2cm xung quanh cành chiết. Sau đó, rạch thêm một đường ở giữa 2 vết cắt và loại bỏ vỏ cây. Cạo nhẹ nhàng xung quanh khu vực đã bóc vỏ.
Tạo bầu đất
Đất được sử dụng trong quá trình tạo bầu là loại đất thịt, có khả năng thoát nước tốt. Bạn có thể sử dụng đất sét pha với đất thịt để tăng khả năng giữa nước trong đất. Khi tạo bầu, bạn có thể cho thêm rơm, mùn và phân hữu cơ trộn đều với nước để tạo độ ẩm và độ tơi xốp.
Bó bầu
Sau khi đã khoanh cành chiết, lột vỏ cây, bà con tiến hành bó bầu và bọc nilon. Sử dụng các bầu đất đã được chuẩn bị để bọc vào khu vực cành đã lột vỏ.
Tiếp đó, bà con sử dụng nilon có màu trong để quấn lại khu vực bọc bầu đất. Việc này giúp bà con quan sát quá trình phát triển của rễ được tốt hơn so với việc sử dụng nilon màu. Khi bọc nilon cần đảm bảo nilon bọc kín toàn bộ bầu đất và cố định chắc chắn ở hai đầu.
Những lưu ý khi thực hiện chiết cây vú sữa
Khi chiết cây vú sữa, bà con cần lưu ý một số điểm sau để cành sau khi chiết nhanh ra rễ, được thừa hưởng những đặc tính tốt từ cây mẹ. Chọn cây mẹ: một trong những yếu tố để nhân giống được những cây con khỏe mạnh là chọn cây mẹ tốt, năng suất cao, chọn được cành chiết phù hợp. Tuy nhiên, bà con không nên tiến hành chiết cành ở cây đã già, nên chiết ở cây non.
Chọn cành chiết: nên chiết cành ở phần trên tán cây, chọn những cành xiên, có nhiều ánh sáng, cành có lá mọc dày. Không nên chọn cành chiết ở đỉnh ngọn hoặc những cành vượt mọc ở thân vì sẽ khó ra rễ hơn. Kích thước cành: cành lý tưởng để thực hiện chiết có đường kính từ 1 đến 3cm, tuổi của cành được khoảng 1 đến 3 năm. Không nên chiết nhiều: một cây mẹ chỉ nên chiết khoảng 5, 6 cành, không nên chiết nhiều khiến cây mẹ suy kiệt. Chưa kể, việc chiết nhiều cành cũng gây nên tình trạng chiết vô số, chiết những cành nhỏ, chưa đạt yêu cầu khiến cành chiết dù ra rễ nhưng sẽ không sinh trưởng tốt.
Với cách chiết cây vú sữa trên đây, bà con sẽ nhân giống những cây vú sữa con khỏe mạnh, nhanh ra trái, đạt năng suất cao tương đương cây mẹ. Từ đó, hiệu quả kinh tế của việc trồng vú sữa sẽ cao hơn.