Kỹ thuật trồng cây bơ đơn giản hiệu quả đạt năng suất cao

Bơ là loại trái cây cận nhiệt đới có giá trị dinh dưỡng cao tốt dáng, đẹp da, bổ trí não,… Với nhiều công dụng tuyệt vời từ loại trái này nhiều người đã tự trồng để có nguồn thực phẩm sạch phục vụ gia đình. Nhiều vùng ở nước ta đã trồng bơ thành công, là cây chủ lực của vùng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của vùng.

Tuy nhiên, để trồng cây bơ đạt hiệu quả cao và cho trái ngon, cần phải áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách trồng cây bơ đơn giản và những bí quyết để giữ cho cây của bạn luôn xanh tươi và đậu quả đầy trĩu ngay dưới bài viết này.

Thời vụ thích hợp trồng bơ

Cây bơ là cây trồng thích hợp trong điều kiện nhiệt đới có nhiệt độ từ 24 – 30°C, độ ẩm không khí vào khoảng 75 – 80% nên trồng được quanh năm nếu chủ động được nguồn tưới và điều kiện trồng trọt.Tuy nhiên, trồng bơ thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa của các vùng để giảm chi phí tưới nước.

Thời điểm trồng bơ là mùa mưa tháng 5, 6 dương lịch. Nếu có điều kiện tưới nước bà con có thể trồng sớm vào đầu mùa mưa hay cuối mùa mưa đều được.

Nếu trồng vào thời điểm không phải mùa mưa thì cần tưới nước cho đầy đủ, triển khai việc làm bồn tưới nước cho cây, kết hợp với việc tủ gốc bằng rơm rạ hay cỏ cây thực vật có sẵn tại địa phương. Cần có biện pháp che chắn gió, nắng kịp thời.

Chuẩn bị trước khi trồng cây bơ

Lựa chọn đất trồng bơ

Yêu cầu đất trồng cây bơ

Tầng đất dày: Tối thiểu 2 m, không có tầng sét, tầng kết von quá cạn. Rút nước nhanh, không ngập, úng tạm thời, cục bộ. Thoáng khí, hàm lượng oxy cao.

Vùng đất bazan ở Tây Nguyên rất thích hợp để trồng bơ.

Độ pH: 5,0 – 6,5. Đất không bị nhiễm mặn, kiềm. Chất hữu cơ tầng đất mặt trên 2%. Tại Việt Nam cây bơ có thể trồng được tại nhiều vùng sinh thái. Tuy nhiên để cây trồng cho năng suất cao và chất lượng ngon, Tây Nguyên là vùng trồng thích hợp hơn cả, đặc biệt là trên đất bazan tầng canh tác dày, thoát nước tốt, chất hữu cơ cao. Trên những chân đất phù hợp trồng cây dài ngày như cà phê, cao su, ca cao, điều, sầu riêng… cũng có thể trồng được cây bơ.

Làm đất

Vệ sinh vườn trồng:

Đối với đất canh tác cây trồng ngắn ngày: Trên đất đã trồng cây nông nghiệp ngắn ngày hoặc chỉ có cỏ dại ta chỉ cần dọn sạch cỏ tại vị trí đào hố khoảng 1 m2 để chuẩn bị cho việc đào hố.

Đối với đất trồng cây dài ngày: Trên đất trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê hoặc một số loại cây ăn quả khác nếu muốn chuyển đổi sang trồng bơ ta cần tiến hành các bước sau: Chặt hạ và dọn sạch cây trên mặt đất. Đào gốc cây và đưa ra khỏi vườn. Lấp bằng các hố của gốc cây cũ. Trường hợp định trồng xen cây nông nghiệp vào trong vườn bơ thì ta tiến hành cày đất, bừa đất tơi nhỏ.

Thường xuyên vệ sinh vườn trồng bơ.

Đối với đất khai hoang: Đối với đất khai hoang trồng mới ta làm như sau: Phát sạch cây bụi và cỏ dại, để giải phóng mặt bằng vào đầu mùa khô. Thu gom xác thực vật, đá… cho vào hai bên bờ lô hoặc có thể gom xác thực vật lại thành băng để đốt. Không nên đốt trải đều trên toàn bộ diện tích sẽ ảnh hưởng đến vi sinh vật có lợi trong đất.

Chọn cách làm đất:

Đất bằng phẳng có kết hợp trồng xen cây ngắn ngày: Trên đất này khả năng rửa trôi, xói mòn thấp, cần tiến hành cày bừa kỹ toàn bộ diện tích để diệt các loại cỏ, mầm mống sâu bệnh, đồng thời cải thiện chế độ nhiệt, nước, không khí và dinh dưỡng cho đất.

Đất đồi dốc: Cần tiến hành làm đất tối thiểu để hạn chế xói mòn rửa trôi. Nghĩa là ta chỉ đào hố để trồng, nếu có trồng xen thì chọc lỗ gieo hạt, không cần phải cày đất. Nếu cày, bừa kỹ trên đất dốc vào mùa mưa đất bị xói mòn mạnh hơn, làm cho lớp đất mặt bị trôi hết, đất sẽ nghèo kiệt dinh dưỡng.

Đất trũng thấp hoặc nơi có mực nước ngầm cao: Việc làm đất tốn nhiều công sức hơn, bà con phải chú ý để khi trồng bơ rễ  không bị úng nước. Ở đồng bằng sông Cửu Long người ta đắp thành các mô đất cao để hạ thấp mực nước ngầm xuống dưới 2 m.

Thiết kế vườn trồng

Thiết kế đường đi lại

Đường liên đồi: Là đường nối liền giữa các đồi với nhau, đây là loại đường lớn, thường rộng hơn 6 m. Thường áp dụng cho các vườn bơ có quy mô rộng lớn trên 100 ha, để các loại xe cơ giới lớn chuyên chở vật liệu như cây giống, phân bón và quả.

Đường liên lô: Là đường nối liền giữa các lô với nhau, thường áp dụng cho các vườn bơ quy mô nhỏ hơn 100 ha, đường rộng khoảng 4 m.

Đường lô: Là đường đi lại trong các lô, để tiện cho việc chuyển chở vật tư và sản phẩm vào, ra trong lô, đường rộng khoảng 2 m.

Thiết kế vườn cây

Xác định khoảng cách và mật độ trồng

Tùy theo địa hình, điều kiện đất đai… và giống để lựa chọn mật độ thích hợp, có thể chọn một trong số khoảng cách, mật độ sau: Cây cách 7 m x 7 m, mật độ là 204 cây/ha. Cây cách 8 m x 8 m, mật độ là 156 cây/ha. Cây cách 9 m x 9 m, mật độ là 123 cây/ha. Cây cách 10 m x 10 m, mật độ là 100 cây/ha.

Trường hợp điều kiện chăm sóc kém, đất xấu, đất dốc thì nên trồng dày (7 m x 7 m), nếu đất tốt, bằng phẳng, điều kiện chăm sóc tốt thì nên trồng thưa (10 m x 10 m). Phổ biến hiện nay, người ta thường chọn khoảng cách trồng bơ là 9 m x 9 m.

Thiết kế vườn

Trên đất bằng phẳng, ta nên bố trí vườn cây theo ô bàn cờ. Trên vùng đất đồi dốc ta nên thiết kế vườn cây theo đường đồng mức và bố trí cây trồng theo kiểu nanh sấu (kiểu cài răng lược).

Đào hố, bón phân, xử lý đất

Đào hố

Kích thước hố: 60 cm x 60 cm x 60 cm. Khi đào, ta để lớp đất mặt sang một bên và lớp đất phía dưới sang một bên.

Bón phân

Lượng phân cần chuẩn bị bón lót cho 1 hố trồng bơ như sau: 15 kg – 20 kg phân hữu cơ; 0,5 kg – 1 kg Lân super hay phân lân nung chảy; 0,5 kg vôi. Trộn lượng phân hữu cơ, lân, với 1/2 lớp đất mặt, đổ xuống hố và nèn chặt. Sau đó, rải đều vôi và trộn với đất khắp mặt hố.

Xử lý đất

Để phòng trừ một số loại côn trùng trong đất phá hại cây con khi mới trồng cần tiến hành xử lý đất. Chọn thuốc để xử lý: Tuỳ vào vùng đất có nguy cơ bị loại côn trùng nào sẽ phá hại ta có thể chọn 1 trong các loại thuốc sau: Thuốc trừ mối, thuốc Furadan. Rải thuốc vào hố, rồi lấp đầy đất lên mặt hố.

Kỹ thuật trồng bơ năng suất

Tiến hành trồng cây

Chuẩn bị cây giống

Nên vận chuyển cây giống ra lô đồng thời với thời điểm trồng để đỡ công bảo quản và đảm bảo chất lượng cây giống.

Cẩn thận đặt cây vào cạnh hố, mỗi hố đặt một cây. Nên rải cây giống ở vị trí xa đường trước, vị trí ở gần rải sau, để tránh đi lại ở khu vực đã rải cây rồi hoặc đã trồng rồi sẽ làm hư hỏng cây. Nên rải cây vừa đủ trồng trong ngày, không nên rải cây trước nhiều ngày trên vườn.

Kỹ thuật trồng

Trước khi trồng, đảo đất và phân: Dùng cuốc đảo đều đất và phân trong hố, trộn thêm 0,2 kg Đạm urê + 0,2 kg Kali Clorua cho 1 hố. Đào 1 lỗ sâu, rộng bằng với kích thước của bầu cây ở giữa hố đã bón phân để đặt cây vào đó trồng.

Cắt đáy bầu: Dùng dao rạch vòng tròn bỏ đáy túi nilon, vị trí cắt cách đáy bầu 1 cm – 2 cm, cắt bỏ những rễ mọc dài ra khỏi bầu đất. Rạch bầu: Rạch dọc từ đáy lên 10 cm hoặc đến giữa bầu.

Đặt bầu và lấp đất: Đặt mặt bầu thấp hơn mặt đất 5 cm, có ngọn quay về hướng gió và lấp đất đã trộn phân vô cơ bằng 1/2 bầu cây, sau đó rút túi nilon từ từ nện chặt phần đất đã lấp xung quanh bầu. Tiếp tục lấp đất cho đến khi đất phủ hết mặt bầu, ta nén chặt đất quanh bầu, tưới nước đẫm.

Lưu ý

Không nên đợi lấp đất đầy hố rồi mới nén chặt, làm như vậy đất xung quanh bầu cây không được chặt, một thời gian sau do tưới hoặc mưa làm cho đất sụt lún, cây dễ bị nghiêng ngã. Trong quá trình lấp đất, cần điều chỉnh cho thân cây ở tư thể thắng đứng vuông góc với mặt đất. Khi trồng nên xen kẽ các giống nhóm hoa A và B.

Khi trồng các giống bơ ghép cần gỡ bỏ sạch cây còn dây ghép để tránh hiện tượng dây ghép bó cứng làm ảnh hưởng đến sự phát triển thân, tạo thành vết hằn khiến cây dễ gãy đổ. Trồng xong cần cắm cọc cố định cây, che nắng gió cho cây, tủ gốc cho cây.

Trồng xen

Thời điểm trồng xen

Thường trồng xen vào những năm đầu tiên trồng bơ. Lúc này cây bơ còn nhỏ, khoảng đất trống còn nhiều, có thể tận dụng những khoảng trống giữa các hàng kép để trồng xen.

Chọn loại cây có tác dụng che phủ đất

Loại cây có tác dụng che phủ đất trồng bơ có nhiều loại nhưng phổ biến là đậu tương, đậu xanh, lạc, cỏ stylo, cây ngô, sắn,….

Cỏ đậu stylo rất giàu dinh dưỡng.

Để tăng hiệu quả kinh tế và tăng độ phì của đất nên trồng xen với cây họ đậu như: Lạc, đậu tương, đậu lấy hạt các loại…. Trồng cây họ đậu không những làm thảm phủ mà còn cung cấp một lượng lớn phân xanh trả lại cho đất trồng. Cây họ đậu có khả năng tạo sinh khối lớn, với hàm lượng dinh dưỡng có trong thân, lá cao nên khả năng giữ ẩm, tăng độ phì nhiêu cải tạo đất tốt, tăng lượng đạm tự nhiên giảm chi phí đầu tư chăm sóc cho nông dân.

Trồng xen các cây họ đậu trong vườn bơ mang tính hiệu quả kép.

Hầu hết các loài cây họ đậu đều có khả năng cố định đạm là nhờ vi khuẩn Rizobium (vi khuẩn cố định đạm) có trong đất không bị ngập và thoáng khí. Vi khuẩn này giúp tạo nốt sần trưởng thành, nó sẽ cung cấp chất đạm lại cho cây sử dụng.

Như vậy bài viết trên đây đã giới thiệu tổng quan cách trồng bơ, từ giai đoạn chuẩn bị đến khi tiến hành. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ góp phần giúp bạn đạt năng suất cao, chất lượng quả loại 1 khi bắt tay vào trồng bơ.

3.7/5 - (3 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!