Cây chè hay còn gọi là cây trà xanh, loại cây này được trồng để lấy lá làm nguyên liệu pha trà, chế biến đồ uống, bánh kẹo,… Ở nước có nhiều loại chè ngon, nổi tiếng của các vùng như: Chè Thái Nguyên, chè Bảo Lộc, chè Tây Bắc, chè Hà Cối Quảng Ninh,… Tùy vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mà mỗi loại chè của các vùng có hương vị đặc trưng khác nhau. Bạn cũng có thể tự trồng cây chè tại nhà, đảm bảo nguồn cung sạch, lá xanh tốt nếu tham khảo kỹ thuật trồng chè sau đây.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng chè
Thời vụ trồng chè tùy thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Chè thường được trồng vào cuối mùa mưa, trời râm mát, đất đủ ẩm. Ở các vùng phía Bắc trồng chè tốt nhất là tháng 8 – 10 cuối mùa mưa, khi đó đất đủ ẩm, trời râm mát. Cũng có thể trồng vào tháng 2 – 3 (mưa xuân).
Vùng Tây Bắc mùa mưa kết thúc sớm nên thời vụ trồng sớm hơn 1 – 2 tháng (bắt đầu từ tháng 6 – 8, kết thúc tháng 10). Vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có thể kéo dài thời vụ trồng đến cuối tháng 11. Trồng khi đất đủ ẩm, sau khi mưa trời râm mát. Nếu sau trồng gặp hạn thì cần phải tưới nước cho chè mau bén rễ.
Vùng phía Nam, chủ yếu thuộc Tây Nguyên có khí hậu ôn hòa, thời vụ trồng từ tháng 5 đến tháng 8. Đây là thời điểm đầu mùa mưa, đất đủ ẩm rất thích hợp để trồng chè.
Chuẩn bị cây giống, vật tư trước trồng
Cây giống
Lượng cây giống
Tính toán đủ số lượng cây giống cho diện tích trồng (Căn cứ vào kế hoạch diện tích trồng mới, quy trình trồng). Trồng 1 – 2 cây/hốc, tương đương khoảng 30.000 đến 35.000 cây/ha (cả dự phòng 10%).
Tiêu chuẩn cây giống
Cây đủ 8 – 12 tháng tuổi, cao trên 20 cm, có từ 6 lá thật trở lên, đường kính thân trên 4mm. Thân hoá nâu 2/3 về phía gốc, phần ngọn xanh thẫm. Lá chè to, dày, xanh đậm, bóng láng, không có nụ hoa. Cây giống khỏe và không mang nguồn sâu bệnh hại.
Chuẩn bị vật tư, dụng cụ cần thiết
Chuẩn bị các dụng cụ vận chuyển, cuốc, xẻng, dao, dụng cụ tưới nước, vật liệu tủ gốc, thước mét, cọc tiêu…
Kỹ thuật trồng cây chè
Mật độ trồng
Tuỳ thuộc vào điều kiện giống, đất đai, khả năng cơ giới hoá, khả năng đầu tư mà xác định mật độ, khoảng cách trồng chè khác nhau. Mật độ trung bình thường là 2,0 – 2,5 vạn cây/ha. Nếu trồng thưa thì mật độ từ 1,5 – 2,0 vạn cây/ha. Nếu trồng mau (dày) thì mật độ từ 2,5 – 2,8 vạn cây/ha.
Vườn chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Như Cố – Bắc Kạn.
Mật độ trồng phụ thuộc vào yếu tố giống
Giống lá nhỏ trồng dày (mau), lá to sinh trưởng mạnh trồng thưa. Nếu trồng mau thì lá to che cớm lẫn nhau không tốt cho quang hợp. Ví dụ: Với giống lá to, sinh trưởng mạnh như: Hùng Đỉnh Bạch, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên thì mật độ trồng thích hợp là: 2,0 – 2,5 vạn bầu/ha. Với giống lá nhỏ, nhập nội như: Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Keo Am Tích thì mật độ nên trồng là: 2,5 – 2,8 vạn bầu/ha. Hay với giống chè Đài Loan (Ô Long), trồng mật độ khá cao (từ 1,8 – 2,5 vạn/ha).
Người dân ở huyện Phong Thổ – Lai Châu trồng mới giống chè Shan.
Mật độ trồng phụ thuộc vào độ dốc
Mật độ trồng thường tăng đồng biến với độ dốc. Độ dốc thấp thì trồng thưa, độ dốc cao thì trồng mau và ngược lại. Trồng mau ở độ dốc cao để chè nhanh khép tán, hạn chế xói mòn đất. Ví dụ: Giống chè Bát Tiên, nếu ở độ dốc dưới 10 độ thì nên trồng với mật độ từ 1,8 – 2,0 vạn cây/ha. Độ dốc trên 10 độ thì nên trồng mật độ 2,0 – 2,5 vạn cây/ha.
Mật độ trồng phụ thuộc vào điều kiện cơ giới
Nơi có điều kiện cơ giới hoá trồng thưa hơn trồng thủ công. Lý do chính ở đây là để thuận tiện cho việc sử dụng các công cụ cơ giới khi chăm sóc, thu hoạch chè. Ví dụ: Giống chè Kim Tuyên, nếu trồng trong điều kiện thủ công thì mật độ thích hợp là: 2,5 – 2,8 vạn bầu/ha. Nếu trồng trong điều kiện cơ giới thì mật độ thích hợp là: 2,0 – 2,5 vạn bầu/ha.
Mật độ trồng phụ thuộc vào khả năng đầu tư
Hiện nay tiền đầu tư cho cây giống chiếm tỷ lệ còn cao. Để giảm số tiền đầu tư này thì nên trồng 2 cây/hốc. Nếu bà con có nguồn tài chính dồi dào thì nên tăng lên 2,0 cây/hốc (trồng theo kiểu hàng kép 2 hàng nanh sấu). Tất nhiên mật độ cây sẽ tăng lên 2 lần. Với số cây đông đặc ngay từ đầu, chúng ta sẽ có một nương chè sớm cho thu hoạch, nhanh thu hồi vốn.
Khoảng cách trồng
Nhìn chung tuỳ thuộc vào điều kiện giống, đất đai, khả năng cơ giới hoá, khả năng đầu tư mà có khoảng cách trồng khác nhau. Khoảng cách hàng cách hàng dao động từ 1,2 – 1,8 m; cây cách cây dao động từ 0,3 – 0,6 m. Tùy theo điều kiện cụ thể mà chúng ta điều chỉnh các khoảng cách này sao cho phù hợp. Muốn có mật độ cây cao thì chúng ta điều chỉnh khoảng cách hẹp lại và ngược lại. Muốn có mật độ cây thấp thì chúng ta nới rộng các khoảng cách này ra. Khoảng cách trồng: 1,75 m x 0,6 m x 2 cây/hốc thì mật độ đạt được tương ứng là 19.200 cây/ha. Khoảng cách trồng: 1,25 m x 0,3 m x 1 cây/hốc thì mật độ đạt được tương ứng là 2,8 vạn cây/ha.
Giống chè lá nhỏ trồng khoảng cách hẹp hơn giống lá to. (Ví dụ: giống Trung Quốc lá nhỏ nên trồng khoảng cách: 1,3 m x 0,3 m x 1 cây/hốc. Giống Assam thì nên trồng khoảng cách: 1,75 m x 0,6 m x 2 cây/hốc).
Ở độ dốc cao hơn 10 độ thì thu hẹp khoảng các trồng để tăng mật độ. Nếu độ dốc nhỏ hơn 10 độ thì nới khoảng cách trồng ra và mật độ sẽ giảm xuống. Nếu độ dốc dưới 15 độ: Hàng cách hàng 1,4 – 1,5 m, cây cách cây 0,4 – 0,5 m. Nếu độ dốc trên 15 độ: Hàng cách hàng 1,2 – 1,3 m, cây cách cây 0,3 – 0,4 m.
Lưu ý:
Mật độ, khoảng cách trồng chè là những chỉ số rất biến động. Người làm nghề cần tìm hiểu kỹ đặc điểm của giống chè, điều kiện đất đai, khả năng cơ giới hóa và các điều kiện liên quan khác để lựa chọn được mật độ, khoảng cách trồng hợp lí. Theo khuyến cáo, với giống chè Trung Quốc lá nhỏ, các giống mới LDP1, LDP2 (Lâm Đồng 1, Lâm Đồng 2)) thì mật độ khoảng cách trồng hợp lí nhất là 1,2 – 1,3 m x 0,4 – 0,5 m x 1 cây/hốc. Hoặc hàng kép 2 hàng nanh sấu 0,6 m x 0,6 m x 1,5 m.
Với các giống chè lá to sinh trưởng thân cành khỏe như PH1, 1A (biến chủng của Assam) nên trồng mật độ 1,4 – 1,5 m x 0,4 – 0,5 m x 1 cây/hốc. Giống chè Đài Loan hiện đang trồng ở Lâm Đồng với khoảng cách như sau: Kích thước trồng hàng đơn: hàng cách hàng là 1,3 m, cây cách cây là 0,35 m. Kích thước trồng hàng kép: Khoảng cách hàng đơn là 1,4 m, hàng kép là 0,4 m và cây cách cây là 0,35 m.
Cách trồng cây
Chọn những ngày sau khi mưa, trời râm mát, đất có độ ẩm 80 – 85%, trồng 2 cây hoặc 1 cây đủ tiêu chuẩn một hốc, trồng trên rãnh và hố đã bón phân lót, khoảng cách cây theo hướng dẫn đã định sẵn. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Cuốc hố
Dựa vào hố trồng đã chuẩn bị trước từ việc làm đất để xác định chính xác tâm hố trồng. Mỗi hố nên có một cọc nhỏ cắm giữa tâm đánh dấu trước khi cuốc hốc. Dùng xẻng hoặc cuốc đảo lại phân lót, dọn sạch cỏ dại nếu có, bổ hốc sâu 20 – 25 cm, rộng 20 cm.
Bước 2: Trồng cây
Dùng dao rạch bầu PE, tránh làm giập nát biến dạng bầu đất.
Đặt bầu đứng, chóp lá hướng về phía Tây đối với nương chè có diện tích nhỏ. Nếu độ dốc cao thì đặt bầu đứng, phần thân nghiêng dựa vào sườn đất. Lá mẹ chừa trên mặt đất, lấp toàn bộ cổ rễ và lấp chặt đất xung quanh. Phủ kín mặt bầu một lớp đất tơi xốp, độ dày 1 cm.
Chú ý
Bầu chè đem trồng không được khô quá khi trồng bầu đất dễ vỡ ảnh hưởng đến rễ chè. Nếu bầu đất quá ướt, bóp chặt bầu khi trồng gây bó rễ thì cây sinh trưởng kém và tỷ lệ chết cao. Khi trồng chè đặt cây quay cùng một hướng để tiện chăm sóc.
Bước 3: Chăm sóc sau trồng
Sau khi trồng xong cần tủ cỏ rác (rơm rạ hoặc cắt cây phân xanh) theo rạch rộng 40 cm, dày 8 – 10 cm để giữ ẩm, tăng mùn, hạn chế cỏ dại. Tưới nước: Tưới từ 1 – 2 lít/ cây/hốc/ngày nhất là khi gặp nắng hạn, cho cây chóng bén rễ. Đảm bảo duy trì ẩm độ 80 – 85%.
Chế độ bón lót cho cây
Đào rãnh hoặc hố trồng cây
Khi làm đất, cày sâu lật đất 40 – 45 cm, bừa san, rạch hàng sâu 15 – 20 cm, rộng 20 – 25 cm. Trường hợp không thể cày sâu được thì phải rạch hàng sâu 40 – 45 cm hoặc đào hố rộng 20 cm, sâu 25 cm. Rạch hàng và đào hố theo khoảng cách hàng đã được xác định.
Bón lót
Lượng phân và loại phân thường dùng để bón lót cho 1 ha gồm: Phân hữu cơ đã ủ hoai mục: 25 – 30 tấn + Lân supe: 600 – 800 kg. Có thể thay thế bằng phân lân vi sinh hoặc phân hữu cơ Sông Gianh theo hướng dẫn trên bao bì.
Cách bón
Trộn đều phân trước khi bón, sau đó bón phân lót vào rạch đã làm sẵn. Chia lượng phân cho từng lô. Rải đều phân xuống đáy rãnh. Đưa lớp đất mặt (khoảng 3 – 5 cm) trộn đảo đều phân với đất. Phủ một lớp đất mặt dày 3 – 5 cm lên trên cùng. Ở những nơi đất có độ dốc cao thì nên phủ một lớp nilon lên trên. Khi trồng cây chỉ việc đục lỗ và trồng cây. Thời gian bón: Trước khi trồng cây nửa tháng đến 1 tháng.
Chú ý
Phân bón và chất phụ gia đất có thể là nguồn gây ô nhiễm hóa chất và sinh học. Chỉ sử dụng những loại phân bón và phụ gia đất nào phù hợp với ngưỡng Cadimi theo quy định và có mức tạp chất thấp nhất. Không bón phân chuồng chưa qua xử lý cho cây chè. Trong trường hợp cần xử lý chất hữu cơ tại chỗ trước khi gieo trồng phải có biên bản lưu lại và ngày tháng xử lý.
Trên đây là những chia sẻ về kỹ thuật trồng cây chè, chế độ bón lót tạo điều kiện giúp cây sinh trưởng tốt. Hi vọng với những thông tin trên sẽ hữu ích cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu, hoặc muốn trồng chè tại hay sản xuất chuyên canh.