Chôm chôm là loại trái cây giàu dinh dưỡng, dễ ăn được trồng nhiều ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Việc tuân thủ đúng quy trình trồng chôm chôm sẽ giúp nâng cao hiệu quả, năng suất kinh tế. Hãy tìm hiểu thêm thông tin cách trồng loại cây này, để có thêm kiến thức trong quá trình trồng trọt của bạn.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng chôm chôm
Tùy theo điều kiện thời tiết, khả năng cung cấp nước mà quyết định thời vụ trồng khác nhau.
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) hoặc cuối mùa mưa (tháng 10 – 11).
- Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bắt đầu trồng từ tháng 4 – 6 dương lịch.
- Duyên Hải Nam Trung Bộ trồng vào tháng 9 – 10 dương lịch.
Chuẩn bị trước khi trồng chôm chôm
1. Chuẩn bị đất trồng
Tùy vào địa hình, vùng trồng mà tạo bồn hay lên liếp. Tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thông thường chuẩn bị đất trồng là tạo bồn để tủ gốc, giữ ẩm và dùng để tưới nước trong mùa khô, làm mô thoát nước trong mùa mưa. Tại Đồng bằng sông Cửu Long đào mương lên liếp để trồng, tiến hành đắp mô trên liếp, mô đất có thể có kích thước: mặt mô 0,7 – 0,8 m; đáy mô 1,0 – 1,2 m; chiều cao mô trên 0,5 m (hằng năm đắp mô rộng theo tán cây).
Lên liếp ở vùng thấp, trũng.
Vật liệu đắp mô theo tỷ lệ 1/4 phần phân chuồng hoai + 3/4 phần đất màu mỡ. Công tác chuẩn bị mô để trồng cây cần thực hiện hoàn chỉnh trước trồng 15 – 20 ngày. Đào lỗ trồng có kích thước bằng với kích thước bầu đất cây con, trộn lớp đất vừa đào với 50 – 100 gram phân NPK (20-20-15 hoặc 15-15-15) và thuốc sát trùng theo khuyến cáo để bảo vệ bộ rễ tơ.
2. Chuẩn bị hố trồng
Hố trồng có kích cỡ 70 x 70 x 70 cm, khi đào hố nên để riêng đất mặt.
Bón lót mỗi hố 5 – 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai, 200 – 300 gram Super Lân, trộn đều với đất mặt. Sử dụng 0,3 – 0,6 kg vôi trộn đều với hỗn hợp đất mặt + phân lấp đầy hố. Hố trồng phải chuẩn bị xong trước khi trồng cây từ 15 – 20 ngày.
Kỹ thuật trồng cây chôm chôm
1. Khoảng cách trồng cây chôm chôm
Khoảng cách cây trồng tuỳ theo loại đất, mức độ cơ giới hóa và canh tác, khoảng cách cây trên hàng từ 5 m đến 8 m, giữa hàng từ 6 m đến 10 m. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trồng khoảng cách thích hợp 5 x 6 m, 5 x 7 m hoặc 6 x 8 m. Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đất tốt, tầng canh tác dày, khoảng cách thích hợp 7 x 7 m, 8 x 9 m.
2. Cách trồng cây chôm chôm
Trồng cây
Cắt bỏ đáy vật liệu làm bầu, đặt cây vào hố và lấp đất vừa chặt, ngang mặt bầu cây con. Không được lấp đất cao hơn mặt bầu vì sẽ làm tổn thương cây.
Cắm cọc giữ cây
Chuẩn bị vật liệu
Chuẩn bị cọc: Dùng các vật liệu tre, nứa, gỗ để làm cọc có đường kính 1,5 – 2,0 cm; dài 1,0 – 1,2 m. Tuỳ theo kích thước của cây giống, điều kiện thời tiết khí hậu của vùng mà có thể chuẩn bị số lượng và kích thước cọc cho thích hợp. Số cọc chuẩn bị ít nhất là bằng số lượng cây trồng và nhiều nhất là gấp 3 lần số lượng cây cần trồng. Dây buộc: Dùng các loại dây mềm như nilon, lạt tre…
Vật liệu cọc cắm
Cọc cắm có thể sử dụng tre, nứa, gỗ. Thường thì sử dụng cọc cắm bằng tre vì tre có độ dẻo dai, dễ sử dụng.
Cắm và buộc cọc để giữ cây
Đóng cọc và cố định cây: Cọc được vót nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45 – 50 độ so với thân cây. Điểm tiếp xúc của thân cây với cọc ở trạng thái tự nhiên để khi cố định cây vào cọc không làm ảnh hưởng xấu đến tư thế cây và bộ rễ. Dùng dây buộc chặt vừa phải cọc với thân cây không gây tổn thương lớp vỏ thân. Thông thường ta buộc cọc chống cây khoảng 2/3 chiều cao thân cây là vừa.
Lưu ý
Không nên buộc quá chặt cây con vào cọc cắm, buộc chặt sẽ làm cây con bị tổn thương. Cắm cọc giữ cây khỏi đổ và che bóng cho cây, chú ý không che quá 50% ánh sáng đến với cây.
Kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm
1. Tưới nước, làm cỏ
Tưới nước
Cung cấp đủ nước cho cây vào các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Nguồn nước tưới không bị nhiễm mặn (NaCl dưới 1 gram/lít nước). Mới trồng tưới ít nhất 2 – 3 lần trong tuần, lượng nước khoảng 15 – 20 lít/cây/lần tưới, chu kỳ tưới khoảng 2 – 3 tuần/ đợt, tùy điều kiện thời tiết. Chôm chôm cho quả vào giai đoạn khô hạn nên cần tưới đủ nước cho cây. Với phương pháp tưới thủ công lượng nước khoảng 60 – 80 lít/cây, tưới nhỏ giọt khoảng 20 – 25 lít/cây, chu kỳ tưới khoảng 3 – 4 tuần/đợt tùy thuộc điều kiện thời tiết, đất đai và tuổi cây để điều chỉnh phù hợp.
Mùa mưa lũ, thoát nước kịp thời trên vườn cây. Tủ gốc giữ ẩm vào mùa khô, dùng lá, cỏ hoặc các phụ phẩm sau thu hoạch.
Làm cỏ
Làm cỏ thường xuyên bằng tay, bằng máy hoặc phun thuốc hoá học. Trồng xen các loại cây ngắn ngày họ đậu, cây phân xanh, cây ăn quả như chanh, đu đủ, ổi… và bồi thêm đất cho mô.
2. Tỉa cành tạo khung tán
Bấm ngọn khi cây ghép trồng đạt chiều cao từ 70 – 100 cm. Tỉa cành giữ lại 3 – 5 cành khỏe, cách đều nhau và tạo thành góc lớn với thân. Thường xuyên tỉa cành phát triển từ thân cây gốc ghép. Cắt tỉa, tạo bộ khung tán cân đối theo các hướng.
Sau thu hoạch cắt, tỉa những gié hoa còn lại, cành mọc thẳng từ thân cành chính, sâu bệnh, cành đan chéo ngoài tán, cành dưới tán, cành trong tán. Khi năng suất bắt đầu giảm, thường sau 20 năm tuổi, cắt ngang những cành chính, giảm chiều cao đến khoảng 1/3, hoặc cách mặt đất 30 – 50 cm. Dùng sơn bảo vệ mặt cắt, khi những cành non phát triển từ dưới mặt cắt, tỉa giữ lại một số cành khoẻ thích hợp. Khi cành đạt đường kính từ 0,5 cm tiến hành ghép đổi giống. Làm như vậy cây sẽ bắt đầu cho quả 2 năm sau.
Cắt, tỉa thông thoáng vườn cây sau thu hoạch.
3. Bón phân giai đoạn kiến thức cơ bản
Lượng phân bón nguyên chất
Lưu ý
Tùy vào điều kiện đất đai, nguồn lực sẵn có để bổ sung, điều chỉnh lượng phân chuồng thích hợp theo từng năm. Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh theo khuyến cáo trên bao bì. Căn cứ vào pH của đất để bón vôi nếu đất chua thì nên bón vôi 1 lần 0,5 – 1,0 kg bón vào đầu mùa mưa, đất có pH trên 6,5 thì không nên bón thêm vôi.
Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây
Lưu ý
Cây ra tược non (lộc non) đầu tiên mới tiến hành bón phân. Chia nhỏ làm nhiều lần bón (3 – 4 lần).
Phương pháp bón
Bón lót
Bón phân lót lúc chuẩn bị hố trồng. Trộn đều phân bón với đất mặt sau đó lấp đầy hố.
Bón thúc
Hoà phân tưới gốc hoặc xới đất nhẹ kết hợp bón phân, cách gốc 15 – 30 cm và tưới nước.
Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất
Phân đơn bón cho 1 hốc/năm
- Năm 1: Ure 435 g; Lân super 1250 g; KCl 300 g.
- Năm 2: Ure 652 g; Lân super 1875 g; KCl 450 g.
- Năm 3: Ure 870 g; Lân super 2500 g; KCl 600 g.
Phân tổng hợp bón cho 1 hốc/năm
Sử dụng phân bón NPK 20-20-15.
- Năm 1: 1 kg chia đều cho 4 lần bón.
- Năm 2: 1,5 kg chia đều cho 4 lần bón.
- Năm 3: 2 kg chia đều cho 4 lần bón.
Bón phân theo tán cây và lấp đất.
4. Bón phân thời kỳ kinh doanh
Lượng phân bón nguyên chất
Lưu ý
Tùy theo vùng, đất, giống lượng phân bón mỗi loại trên có thể tăng giảm 10 – 20%. Tùy vào điều kiện đất đai, nguồn lực sẵn có để bổ sung, điều chỉnh lượng phân chuồng thích hợp theo từng năm. Nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng 5 – 10 kg phân hữu cơ vi sinh. Căn cứ vào pH của đất để bón vôi nếu đất chua thì nên bón vôi 1 lần 0,8 – 1,0 kg bón sau khi thu hoạch và cắt tỉa cành, đất có pH trên 6,5 thì không nên bón thêm vôi.
Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây
Có thể phun thêm phân bón chống rụng quả non: Master Gro (6-30-30), Master Gro (15-30-15), Thiên Nông, COMBI… khi quả đạt đường kính 1 cm (khoảng 4 – 5 tuần sau đậu quả) phun 3 – 4 lần cách nhau 10 – 15 ngày.
Cách bón
Xới nhẹ, rải quanh gốc theo hình chiếu tán cây và tưới nước.
Thu hoạch chôm chôm
Thu hoạch quả
Độ chín tại thời điểm thu hoạch có yếu tố quyết định đối với chất lượng quả. Thu quả ở 100 – 110 ngày sau khi đậu quả, theo giống (quả có đường kính 2 – 3 mm). Quả có màu sắc đẹp màu vỏ bắt đầu chuyển từ màu vàng sang màu đỏ, các chỉ tiêu sinh hóa đạt giá trị tối ưu. Vệ sinh, dọn sạch vườn cây trước thu hoạch.
Cắt tỉa, dọn sạch vườn cây trước thu hoạch.
Nên thu hoạch quả vào sáng sớm hoặc chiều mát thời tiết khô ráo. Không nên dùng móc để hái quả gây tổn thương vỏ quả, vỏ sẽ trở nên thâm đen, ảnh hưởng đến chất lượng bên trong, màu sắc bên ngoài của quả. Không để quả trực tiếp trên mặt đất mà phải dùng dụng cụ chứa. Dụng cụ chứa được chèn lót bằng các vật liệu sạch như giấy báo hay bao nhựa, tuyệt đối không sử dụng bao phân, thuốc BVTV để chứa, đựng quả. Cần bảo quản, che mát quả sau khi thu hoạch bằng các tấm bạt hay để quả dưới bóng mát (tán cây, mái hiên nhà) và không để quả dưới trời mưa.
Bảo quản quả
Trong điều kiện nhiệt đới, màu sắc của vỏ và râu vỏ quả chôm chôm bắt đầu xấu đi khoảng 3 ngày sau thu hoạch. Tồn trữ quả ở nhiệt độ 10 – 15°C trong túi PE có đục lỗ giữ được 10 ngày, trong túi PE dày kín có thể giữ được 12 ngày.
Đóng gói chôm chôm xuất khẩu.
Như vậy bài viết trên đã tổng quan cách trồng chôm chôm theo đúng kỹ thuật. Trồng chôm chôm không khó nếu bạn áp dụng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên hãy bổ sung thêm kiến thức từ các chuyên gia, để có tầm nhìn bao quát hơn trước khi bắt tay vào canh tác loại cây này.