Cây cóc là loại cây ăn trái có vị chua ngọt, giúp thanh nhiệt, giải độc, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhưng không phải ai trồng cũng mang lại năng suất cao. Vậy hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách trồng cây cóc sai quả quanh năm nhé.
Cây cóc trồng khá đơn giản, tỷ lệ đậu quả cao, cho quả quanh năm nên được nhiều người ưa chuộng và có thể trồng chậu thích hợp cho gia đình ở phố. Cây cóc được trồng nhiều ở khu vực miền Nam nhưng vài năm gần đây cây cóc được gia tăng diện tích ở miền Bắc. Loại cây này ra hoa quanh năm nên nếu được chăm sóc tốt thì cây sai quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn.
Nội dung bài viết
Đặc điểm chung về cây cóc
Tên khoa học của cây cóc là Spondias mombin L, thuộc họ đào lộn hột. Cây cóc thuộc thân gỗ, có nhiều nhánh, gỗ giòn dễ gãy. Lá to, có hình thuôn dài, 2 bên mép lá có răng cưa. Đầu mùa khô, lá chuyển vàng rồi rụng.
Hoa mọc thành những chùm nhỏ màu trắng, dài tới 30cm, có mùi thơm dịu. Quả mọc từng chùm từ 2-12 quả, màu xanh và chín chuyển màu vàng. Quả có vị chua ngọt, giòn, thịt ở giữa mềm, bên trong là hạt cứng gai dạng sợi bao quanh.
Cây cóc là loại cây ưa nắng, vì thế bạn nên trồng nơi nhiều ánh nắng thì cây sẽ cho quả nhiều hơn.
Công dụng của cây cóc
- Lá cóc non có vị chua được sử dụng để ăn sống hoặc nấu canh chua, chế biến món gỏi.
- Quả cóc non có hạt mềm ngâm nước đường ăn rất ngon, giòn. Quả cóc xanh ăn sống kèm muối ớt.
- Cóc non hay cóc xanh được muối chua như làm các món cà pháo, dưa chua.
- Sử dụng quả cóc làm nước giải khát mùa hè rất thơm ngon. Nó còn dùng để chế biến rượu, ngâm rượu uống.
- Ngoài ra, trong quả cóc có nhiều vitamin C còn giúp chị em giảm cân, tốt tiêu hóa, đẹp da.
- Trái cóc còn có tác dụng như vị thuốc trị đau họng, tiêu chảy, xương khớp.
Chuẩn bị trước khi trồng
Thời vụ trồng
Cây cóc có thể thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau nên được trồng quanh năm. Nhưng thời điểm trồng tốt nhất ở khu vực miền Nam là đầu mùa mưa, ở miền Bắc trồng vào tháng 2-4 dương lịch.
Lưu ý, bạn cần tránh trồng cóc vào thời điểm nắng nóng hoặc rét đậm.
Đất trồng và mật độ trồng
Cây cóc không kén đất có thể trồng trên nhiều loại đất nhưng cây phát triển tốt nhất trên đất thịt nhẹ, phù sa, có hàm lượng mùn cao, tơi xốp, thoát nước tốt.
Để tăng cường hàm lượng dinh dưỡng trong đất, bạn nên trộn đất với phân chuồng, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn,… hoặc mua đất sẵn đã qua xử lý tại các cửa hàng. Ngoài ra, bạn nên bón lót với phân rồi phơi ải đất 7-10 ngày để ngăn ngừa mầm bệnh có trong đất.
Tùy vào mức đầu tư và quá trình thâm canh mật độ trồng sẽ khác nhau. Thông thường mật độ từ 250 – 600 cây/ha, khoảng cách giữa cây với cây là 4-6m.
Đào hố và bón lót:
Trước khi tiến hành đào hố trồng cóc, bạn cần làm sạch cỏ và dọn tàn dư thực vật còn sót lại trên vườn. Hố trồng cóc có kích thước đường kính 30-50cm, sâu tùy bầu giống nhưng thường là từ 30-40cm.
Bón lót: Mỗi gốc cây có bón khoảng 40-50kg phân chuồng hoai mục và 1-2kg lân. Trộn đều lượng phân với đất rồi cho xuống ¾ hố và lấp hố.
Chọn giống cây cóc
Cây cóc trồng bằng hạt sẽ lâu cho quả nên khuyến cáo bạn chọn cây giống chiết hay ghép cành sẽ nhanh cho quả hơn. Cây giống nên mua tại các cửa hàng giống uy tín và chú ý chọn cây giống khỏe, không sâu bệnh.
Cách trồng cây cóc
Đầu tiên, bạn cần cơi hốc nhỏ theo kích cỡ bầu giống, sau đó dùng dao cắt vỏ bầu và đặt cây giữa hố, thực hiện nhẹ nhàng tránh làm vỡ bầu cây giống. Tiếp theo, lấp đất để cố định cây và vun cao hơn mặt bầu từ 2-3cm.
Sau khi trồng xong nên phủ rơm rạ lên trên để giữ ẩm cho đất. Và bạn có thể cắm chéo cọc buộc vào thân cây để hạn chế đổ ngã do gió. Tiếp theo, bạn tưới nước giữ ẩm tạo cho rễ cây phát triển nhanh.
Chăm sóc cây cóc
Tưới nước: Tưới nước hàng ngày cho cây con sau trồng 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Tùy theo nhu cầu, điều kiện thời tiết để điều chỉnh lượng tưới phù hợp. Cần cung cấp đủ nước cho cây, nhất là vào giai đoạn mùa khô, khi quả chín.
Làm cỏ: Thường xuyên làm cỏ dại kết hợp bón phân để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây cóc. Xới sạch cỏ dại quanh gốc 1 lần/vụ và phơi khô tủ vào gốc cây nhằm giữ ẩm cho cây.
Cắt tỉa, tạo hình
Để hạn chế cây cao quá gây khó khăn cho việc chăm sóc, thu hoạch về sau, bạn cần tiến hành cắt ngọn thường xuyên. Giai đoạn sau thu hoạch thì cần cắt tỉa cành yếu để cây tập trung phát triển cành khỏe cho vụ sau.
Phân bón
Giai đoạn kiến thiết cơ bản (cây chưa thu hoạch): Liều lượng bón cho 1 gốc/năm: 0,2-0,3 kg đạm và 0,1 kg kali. Bón làm 2 đợt là đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Ngoài ra, bạn cần bón bổ sung phân hữu cơ từ 1-3kg vào tháng 9-10.
Giai đoạn kinh doanh (cây cho thu hoạch): Liều lượng bón cho 1 gốc/năm: 1,5-2 kg đạm và 1 kg kali. Chia làm 2 đợt bón vào tháng 6 – 7 và tháng 9 – 10 dương lịch. Ngoài ra, bạn cần bón bổ sung phân hữu cơ từ 3 – 5kg vào tháng 9 – 10.
Sâu bệnh hại
- Bệnh thán thư: Triệu chứng bệnh làm thối đen quả, rụng hoa, thối đen hoa. Để phòng bệnh, bạn phun từ khi hoa nở bằng thuốc Benlat C hoặc Score 250 EC 1 lần/tuần.
- Bệnh phấn trắng: Triệu chứng bệnh gây hại lá, hoa, quả. Có thể sử dụng Anvil 5SC, Rhidomila MZ 72WP để phun trừ.
- Bệnh muội đen: Nhà vườn có thể dùng các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng như Bassa 50EC, Trebon 2,5 EC.
- Bệnh cháy lá: Bệnh chủ yếu phát triển mạnh vào mùa mưa và gây hại nặng trên lá. Để phòng trừ, nhà vườn cắt bỏ lá bệnh và phun Ridomil MZ 72 WP, Kasumin 2L.
- Sâu đục thân, cành: áp dụng biện pháp thủ công bằng cách dùng bẫy đèn bắt sâu trưởng thành. Phương pháp hóa học là tiêm vào lỗ sâu thuốc có tính xông hơi mạnh hay nội hấp như Actara 25 WG, Padan 95SP, sau đó bịt lỗ bằng đất sét tiêu diệt sâu non.
- Rầy xanh: Rầy tiết dịch gây hại chủ yếu vào mùa nắng nóng khiến cây Cóc kém phát triển. Để phòng trừ có thể sử dụng Bassa 50EC, Trebon 2,5 EC.
- Ruồi đục quả: Ruồi đẻ trứng dưới vỏ, sâu non ăn thịt quả làm thối và rụng quả. Để trị ruồi đục quả, bạn sử dụng 1 trong các loại thuốc Sherpa 25EC, Padan 95SP, Lục Sơn 0,26 DD.
Thu hoạch
Cây cóc ra quả khoảng 3 – 5 tháng sau trồng và cho quả ổn định sau 2 năm. Chú ý khi thu hái quả cóc, bạn cần dùng dao hoặc kéo cắt cả chùm quả. Nên thu hái lúc trời râm mát, khô ráo. Nếu cần vận chuyển đi xa thì nên cho vào thùng hoặc sọt.
Như vậy, mobiAgri đã chia sẻ tới bạn về cách trồng cây cóc và những công dụng mà nó mang lại. Hi vọng rằng bạn sẽ áp dụng thành công và đạt hiệu quả cao. Nếu có bất kỳ vướng mắc gì trong quá trình trồng hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi sẽ có đội ngũ chuyên gia nông nghiệp trả lời sớm nhất cho bạn.