Cùng mobiAgri khám phá bí quyết trồng cây kim tiền thủy sinh tại nhà – từ cách chọn giống, trồng, chăm sóc đến những lưu ý quan trọng để cây phát triển tươi tốt và mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Nội dung bài viết
Giới thiệu về cây kim tiền thủy sinh
Cây kim tiền (tên khoa học Zamioculas zamiifolia,Họ Ráy Araceae, Bộ Trạch tả Alismatales) có nguồn gốc từ đông châu Phi (từ Kenya đến Nam Phi), nơi có khí hậu khắc nghiệt (Tên tiếng Anh: Zanzibar gem, ZZ plant, Zuzu plant…). Tại Việt Nam, loài cây này còn có nhiều tên gọi khác như: cây phát tài, kim tiền phát lộc hay cây kim phát tài.
Đặc điểm thực vật
Cây kim tiền là loài cây bụi thân thảo lâu năm, thường mọc thành bụi, cao tới 1m, có lá xanh mướt, thân dạng rễ củ mập, mọc ngầm dưới đất, bộ rễ chùm, lá dạng lá kép, cuống lá mọng nước, mỗi lá có một số cặp lá hình elip và mọc đối xứng. Số lượng nhiễm sắc thể: 2n = 34. Cây ưa ánh sáng vừa phải, chịu bóng râm, có khả năng trữ nước trong thân, lá nên chịu hạn tốt, ít đòi hỏi chăm sóc dù không phải là thực vật sa mạc (như xương rồng). Ít bị sâu bệnh gây hại hơn các loài cây khác.
Ý nghĩa của kim tiền trong phong thủy
Cây kim tiền là cây cảnh trong nhà được nhiều người ưa thích có lẽ vì ten gọi “kim tiền”. Kim tiền có nghĩa là đồng tiền, người ta cho rằng khi trồng cây kim tiền trong nhà, gia chủ sẽ luôn gặp may mắn về tiền bạc, con đường thịnh vượng ngày càng rộng mở.
Cây kim tiền thủy sinh hợp với người mệnh Thủy, Kim, Mộc.
Lợi ích của việc trồng cây kim tiền thủy sinh
Khả năng thích nghi cao, phù hợp trồng trong nhà, công sở:
Cây kim tiền có khả năng chịu hạn rất tốt, bí quyết là ở những chiếc lá mọng nước, có hàm lượng nước cao bất thường, tới trên 91%. Khả năng này cùng với khả năng quang hợp ngay cả ở ánh sáng yếu, đã giúp cây kim tiền được lựa chọn là một trong những loại cây trồng trong nhà phổ biến nhất gần đây.
Khả năng lọc không khí hàng đầu:
Cây kim tiền còn là một trong những loại cây hàng đầu được NASA gợi ý sử dụng để lọc không khí trong nhà. Trong quá trình sống, ngoài thải ra oxy nhờ quá trình quang hợp và nhờ chu trình quang hợp CAM, cây còn có khả năng tiêu thụ cả CO2 vào ban đêm.
Ngoài ra, cây kim tiền có khả năng hút nhiều loại khí độc với sức khỏe con người như CO2, xylen, toluen… làm cho không khí trong lành hơn và tốt cho hệ hô hấp, tăng cường lưu thông máu, giảm căng thẳng của người.
Cách nhân giống cây kim tiền thủy sinh
Mặc dù là loài thực vật có hoa lưỡng tính, có thể hình thành hạt nhưng chưa ai rõ cách cây phát tán hạt trong tự nhiên và cũng chưa có nghiên cứu về nhân giống cây này từ hạt. Điểm ưu việt là cây rất dễ dàng nhân giống vô tính theo các cách dưới đây:
Nhân giống bằng cách tách cây:
Chọn những bụi kim tiền tốt, tưới đất ẩm và nhổ khỏi đất, sau đó, tiến hành tách từng cây trồng ra chậu mới.
Nhân giống bằng giâm cành:
Chọn những chiếc lá khỏe gần sát gốc rồi cắt cả phần cuống. Sau đó, cắm cành kim tiền vào nước (nếu có thuốc kích rễ tỷ lệ sống sẽ cao hơn) khoảng 2 giờ rồi cắm sâu 1cm vào chậu đất và tưới đẫm nước. Sau đó, duy trì độ ẩm đất bằng cách tưới phun sương 2-3 lần/ngày. Sau khoảng 1 tháng lá sẽ ra rễ và phát triển thành cây mới.
Cách ươm cây kim tiền bằng lá:
Bằng cách ngắt các lá con khỏi cành và giâm vào đất, từ gốc lá cũng sẽ hình thành mô sẹo, ra rễ và mầm mới. Khi cây cón đã phát triển hoàn thiện, sẽ nhổ và đưa cây vào chậu mới.
Chuyên gia hướng dẫn cách trồng kim tiền thủy sinh
Một số bạn trẻ thắc mắc “cây kim tiền có trồng trong nước được không?”. Theo TS. Nguyễn Văn Biếu – chuyên gia của mobiAgri cho biết: Kim tiền là một loài cây cảnh đẹp, hoàn toàn có thể trồng trong nước (thủy sinh). So với trồng kim tiền trên đất truyền thống, trồng cây kim tiền thủy sinh đang là phương pháp cho hiệu quả thẩm mỹ cao hơn.
Khi trồng thủy sinh, rễ cây sẽ được đưa ngập vào trong nước để hấp thụ những chất dinh dưỡng có trong môi trường thủy sinh. Để nước có đủ dinh dưỡng cho cây phát triển, cần hòa dinh dưỡng vào dung dịch thuỷ sinh để cung cấp theo nhu cầu của cây, giúp cây có thể phát triển tốt.
Mặt khác, khi trồng cây kim tiền trong nước, dụng cụ trồng cây thường được chọn là những bình thuỷ tinh trong suốt, giúp người chơi có thể chiêm ngưỡng và theo dõi được cả quá trình sinh trưởng và phát triển của bộ rễ của cây. Chính sự đặc biệt này đem lại một vẻ đẹp hoàn toàn khác so với cây trồng trong đất.
Để trồng cây kim tiền thủy sinh, có thể thực hiện theo những bước sau:
- Bước 1: Chọn cây giống từ những bụi cây khỏe mạnh trên đất hoặc cây thủy sinh. Nếu cây lấy từ cây trồng trên đất, cần làm sạch bộ rễ, cắt bỏ những rễ nhỏ, rễ hư và chú ý giữ vệ sinh vết cắt để tránh nhiễm bệnh bằng cách rửa sạch dụng cụ trước khi sử dụng bằng nước có pha thuốc khử trùng, sau đó để hong cho ráo nước. Chú ý khi rửa sạch rễ, không được làm tổn thương các rễ lớn và làm hư phần trên của cây.
- Bước 2: Có thể chọn bình trồng cây bằng thủy tinh hoặc vật liệu khác. Về dung dịch dinh dưỡng, nên mua chế phẩm dinh dưỡng trồng cây thủy sinh bán sẵn và chỉ sử dụng mỗi lần 2-3 giọt theo hướng dẫn trên lọ dung dịch dinh dưỡng. Chỉ nên đổ dung dịch dinh dưỡng cách mặt trên miệng bình 3-4 cm
- Bước 3: Đưa nhẹ nhàng cây vào bình nuôi và chỉ đưa phần rễ cây ngập trong nước, sử dụng sỏi sạch, xốp hay vật liệu khác để giữ cố định cây trong bình và đặt vào nơi có ánh sáng vừa phải. Chú ý nên đưa cây ra vị trí có nắng 2-3 tuần/lần để giúp thúc đẩy quá trình quang hợp của cây và để cây phát triển mạnh mẽ và xanh tốt hơn.
♥XEM THÊM: Chăm sóc cây kim tiền vàng lá
Yêu cầu sinh thái để cây kim tiền thủy sinh phát triển khỏe mạnh
- Nhiệt độ: Nhiệt độ lý tưởng để cây sinh trưởng, phát triển là 22 – 28ºC nhưng cây cũng có biên nhiệt độ thích nghi rộng.
- Ánh sáng: Là cây chịu bóng dù vẫn cây vẫn chịu được ánh nắng trực xạ. Khi trồng trong nhà, mỗi tháng, nên ít nhất đưa cây ra ngoài nắng 1 lần.
- Đất: Kim tiền thích đất có dộ mùn cao, thoát nước tốt, pH đất khoảng 5,5 – 6,5.
- Nước: Dù có khả năng trữ nước trong thân củ, cành, lá nhưng cây vẫn có thể rụng lá khi hạn kéo dài. Khi trồng làm cảnh trên chậu đất, cây chỉ cần tưới nhẹ hoặc phun sương 1-2 lần/tuần. Tuy vậy, không được tưới quá nhiều hoặc sử dụng chậu thoát nước kém sẽ làm cho bộ rễ không hô hấp được và dễ nhiễm nấm bệnh.
- Phân bón: Cứ 2-3 tháng, nên hòa phân để tưới hoặc rắc phân tổng hợp quanh gốc.
Những lưu ý khi chăm sóc cây kim tiền thủy sinh
- Thỉnh thoảng, các bạn cần dùng khăn ướt lau sạch bụi bẩn dính bám trên lá.
- Nếu thấy có lá, cành bị vàng úa, nên cắt tỉa và tiêu hủy ngay để tránh lây lan sang cành khác.
- Cây cũng có thể bị một số ít loài sâu bệnh xâm nhiễm gây hại và cần được theo dõi và xử lý kịp thời.
- Chú ý thay nước cho cây theo chu kỳ 7-10 ngày/lần. Chỉ sử dụng nước sạch và nhỏ thêm 2-3 giọt dung dịch dinh dưỡng.
- Khi thấy cây có dấu hiệu lá bị vàng do thiếu sáng, cần đưa ngay cây ra vị trí có nhiều ánh sáng hơn. Nếu lá vàng do thiếu dinh dưỡng, có thể tăng lượng dinh dưỡng cho dung dịch.
- Khi thấy cây có dấu hiệu bị thối rễ, cần nhanh chóng thay nước, xử lý cắt bỏ phần rễ hư để tránh bệnh lây lan, thay nước mới hàng ngày đến khi thấy cây đã khỏi bệnh mới chăm sóc lại bình thường.
- Nước sử dụng nuôi cây, nếu là nước máy, cần chú ý phơi và để ít nhất qua đêm để các chất xử lý nước như Clo, Canxi Hidroxide và Florua bay hết.
Hy vọng hướng dẫn chi tiết về cách trồng cây kim tiền thủy sinh từ TS. Biếu sẽ giúp các bạn trồng cây kim tiền thủy sinh thành công. Các bạn có thể tham gia mục Cộng đồng tại ứng dụng mobiAgri để chia sẻ kinh nghiệm trồng cây kim tiền của bản thân, cũng như liên hệ trao đổi cùng chuyên gia của mobiAgri để được tư vấn thêm các vấn đề nông nghiệp cần thiết.
TS.Nguyễn Văn Biếu
Biên tập bởi mobiAgri