Cách trồng cây mận tại nhà sai trĩu quả

Cây mận là loại cây ăn quả khá quen thuộc và trồng nhiều ở nước ta. Để cây mận sinh trưởng và phát triển tốt cho năng suất cao thì bà con cần nắm rõ quy trình kỹ thuật trồng đúng cách. Hôm nay, mobiAgri sẽ hướng dẫn bạn cách trồng cây mận sai quả.

Cây mận có khả năng chịu lạnh tốt nên thường được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta. Theo đó, khi trồng ở các khu vực này cây mận sẽ phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao hơn. Cây mận khá dễ trồng, sớm cho thu hoạch nên đây là cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cho người dân miền núi. Vậy bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết cách trồng cây mận cho năng suất cao nhé.

Đặc điểm chung về cây mận 

Cây mận là loại cây thân gỗ, phân cành nhiều và thấp, tán rộng 2-2,5m. Rễ của cây mận tập trung ở tầng đất 20-40cm và lan rộng theo đường chiếu tán. Rễ mận có khả năng nảy chồi mạnh nên bạn sẽ thấy quanh gốc có những mầm mọc từ rễ. Dựa vào đặc điểm này, bạn có thể bấm rễ tạo thành cây con. Về mùa Đông lá thường rụng chỉ để lại cành và cây sẽ ra lộc vào mùa Xuân.

Chồi lá và chồi hoa phát sinh từ ngọn cành và kẽ lá. Hoa mận tự thụ phấn và rất khó đậu quả nên thường được trồng xen với các giống mận khác nhau và nên thả ong để tăng khả năng thụ phấn cho hoa.

Nhiệt độ phù hợp cho cây mận sinh trưởng và phát triển tốt là 22-24oC. Nếu nhiệt độ cao trên 35oC thì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của mận. Cây mận có khả năng chịu được nhiệt độ thấp 0oC. Do bộ rễ của cây mận ăn nông nên yêu cầu độ ẩm không khí và độ ẩm đất trồng mận phải cao.

Chuẩn bị trước khi trồng cây mận

Thời vụ trồng mận

Thời vụ có thể trồng mận là vào tháng 2-3 (vụ Xuân) và tháng 8-9 dương lịch (vụ Thu). Trong đó, thời điểm trồng thích hợp nhất là vụ Xuân khi cây mận chuẩn bị đâm chồi sẽ có tỷ lệ sống cao nhất.

Chọn giống mận

Chọn những cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, bạn có thể trồng bằng cây ghép hoặc cây có rễ trần. Với cây con rễ trần cần có chiều cao từ 35cm trở lên, đường kính gốc 0,6-0,8cm, tuổi từ 12-24 tháng. Với cây ghép thì đường kính đo trên trên mắt ghép là từ 0,6-0,7cm, cây không sâu bệnh, cụt ngọn.

cay-giong-man

Đất trồng mận

Cây mận không kén đất có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là trồng trên đất màu mỡ, tơi xốp, dễ thoát nước nhưng giữ ẩm tốt.

Kỹ thuật trồng mận

Mật độ trồng

Mật độ thích hợp nhất để trồng mận là khoảng 500-625 cây/ha tương ứng với khoảng cách trồng từ 4 – 5 m/cây.

Kích thước hố trồng mận phù hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 50x60x70cm hoặc 60 x 60 x 60 cm. Trường hợp đất có độ dốc nhỏ hơn 7% thì hố trồng bằng mặt đất còn nếu đất dốc lớn hơn thì trồng thấp hơn mặt đất 10-20cm.

Bón lót trước khi trồng mận

Việc cần thiết để cây mận sinh trưởng và phát triển tốt là bạn cần bón lót trước khi trồng với liều lượng mỗi hố là từ 0,2-0,5kg lân, 20-30kg phân hữu cơ và 0,5-1kg vôi bột. Trộn đều hỗn hợp với lớp đất mặt rồi cho xuống hố và lấp đất lại trước khi trồng 15-30 ngày. Nếu trong đất có mối thì cần xử lý, tiêu diện ngay tránh gây hại cho cây về sau.

Hướng dẫn trồng

Trước tiên, bạn tiến hành đào một hố nhỏ giữa vị trí định trồng. Dùng dao cắt dọc đáy túi đựng bầu rồi đặt vào vị trí vừa đào và nén chặt đất xung quanh. Bạn có thể sử dụng cọc hoặc dây nilon để cố định cây.

Chăm sóc cây mận sau trồng

Tưới nước: Giai đoạn mới trồng cần tưới nước thường xuyên định kỳ 1-2 lần/tuần. Khi cây chuẩn bị ra hoa cần giữ gốc khô ráo. Vào thời kỳ cây mang trái thì cần cung cấp nhiều nước để nuôi quả. Tùy theo thời tiết và nhu cầu của cây mà điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp.

Tỉa cành, tạo tán: Bạn cần thường xuyên cắt tỉa bỏ cành già cỗi, cành vượt, cành sâu bệnh để tạo độ thông thoáng giúp cây quang hợp và hạn chế sâu bệnh phát triển. Bạn nên cắt tỉa và chỉ để chiều cao cây khoảng 3,5m trở lại để dễ dàng chăm sóc, thu hoạch quả.

Bồi đất cho cây: Vào đầu mùa khô, tiến hành bồi thêm đất cho cây bằng bùn mương, đất khô,… dày từ 2-3cm, đồng thời kết hợp bón phân xung quan tán cây.

Bón phân: Bón phân hữu cơ hoai mục như phân bò, dê, rơm rạ mục từ 10-15kg. Bón quanh tán cây hay đào hố ở giữa tán rồi bón phân và lấp đất lại.

Với phân vô cơ: Năm thứ nhất chia ra 4-5 lần bón với lượng 500g phân NPK 16-16-8. Sang năm thứ 2, bạn bón gấp đôi lượng phân của năm thứ nhất, chia làm 3-4 lần bón. Giai đoạn cây cho hoa, nuôi trái cần bón 1,5-3kg NPK 20-20-15, bón nhiều lần và cắt bớt khoảng 50-60% bông trái để tập trung dinh dưỡng nuôi quả khỏe. Ngoài ra, bạn cũng cần bổ sung kali, canxi để trái có màu đẹp, ngọt hơn. Sau khi thu hái quả xong thì bón tiếp 0,5-1kg NPK 20-20-15 để cây nhanh phục hồi cho hoa trái đợt tiếp theo.

Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mận

Sâu ăn lá: Sâu cắn phá đọt non, để xử lý bạn có thể dùng 1 trong các thuốc:  Desic 2,5 ND, Vifast 5ND, Basudin 50EC,…

Rầy mềm, rệp dính, rệp sáp: Gây hại làm cành lá quăn keo, muội hóng làm đen trái. Sử dụng 1 trong các thuốc sau: Supracide 40ND, Bassan 50ND, Polytrin 10ND,…

Sâu đục thân, đục cành: Ấu trùng sâu đục vào thân, cành khiến cành khô và gãy ngang. Để xử lý sâu đục thân bạn có thể bắt thủ công hoặc sử dụng các loại thuốc như Vicarp 10H, Vibasu 10H, Regent,… hay dùng thuốc lưu dẫn xịt phòng cho cây.

Sâu đục trái: Sâu đục vào trái làm ảnh hưởng đến phẩm chất trái. Bạn chỉ nên dùng thuốc có độc tính thấp để phun như Vertmec 1,8 ND, Polytrin P440 ND, Treon,… phun vào giai đoạn trái còn nhỏ.

Ruồi đục trái: Tấn công gây hại quả khi gần chín làm hư thối quả. Bạn có thể sử dụng các chất dẫn dụ sinh học Vizubon- D hay Protêin thủy phân để bẫy ruồi. Cách diệt ruồi này sẽ không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng túi nilon bọc trái.

Bệnh: Cây mận có ít bệnh thường bạn cần chú ý phòng bệnh ở giai đoạn sau khi ra trái tránh quả bị thối nhũn và có thể sử dụng 1 trong các thuốc sau: Tilt 250 ND, Ridomyl MZ 72 BHN, Score 250 ND,… theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Thu hoạch

Ở các tỉnh đồng bằng, mùa thu hoạch mận vào tháng 5-6 còn ở miền núi là tháng 7-8. Dấu hiệu quả chín là màu xanh nhạt chuyển dần sang vàng nhạt rồi đỏ hoặc tía tùy giống. Trong quá trình thu hái bạn cần thực hiện nhẹ nhàng tránh làm dập nát, sây sát dễ khiến quả nhanh hỏng. Quả sau khi thu hái cần cho vào sọt lót rơm rạ hoặc đặt trong hộp cứng, thùng gỗ để vận chuyển không dập nát. Bạn cần bảo quản quả mận nơi khô ráo, thoáng mát.

Tóm lại, cách trồng mận và kỹ thuật chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cũng như chất lượng quả. Chúc bà con áp dụng đúng các kỹ thuật canh tác mà mobiAgri vừa chia sẻ ở trên để có vườn mận sai quả.

1/5 - (2 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!