Ớt là một loại gia vị quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt, có thể ăn trực tiếp hoặc thêm vào các món ăn giúp tăng hương vị đặc trưng. Việc trồng cây ớt cũng không quá khó, vì vậy nhiều gia đình vẫn tự trồng ớt để ăn vừa làm cảnh tô điểm thêm cho không gian sống. Tuy nhiên để cây ớt sai quả, ít sâu bệnh không phải ai cũng biết cách. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn kinh nghiệm trồng ớt sai quả, cây xanh tốt sử dụng lâu dài.
Nội dung bài viết
Kỹ thuật trồng ớt tại nhà
Thời vụ trồng ớt
Miền núi, trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Vụ Thu Đông: Gieo vào tháng 7 – 8, trồng tháng 8 – 9. Gieo trồng trong vụ sớm phải làm luống cao, tiêu nước tốt, che cho vườn ươm.
Vụ Đông Xuân: Gieo vào tháng 8 – 9, trồng tháng 9 – 10. Gieo trồng trong vụ sớm phải làm luống cao, tiêu nước tốt, che cho vườn ươm.
Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 11, trồng tháng 12 đến tháng 1 năm sau. Ở miền núi phía Bắc không nên gieo trồng vụ này vì lúc ra hoa, đậu quả thường gặp nhiệt độ thấp.
Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ
Ớt có thể trồng quanh năm, tuy nhiên, trong sản xuất thường canh tác ớt vào các thời vụ sau:
Vụ sớm: Gieo tháng 8 – 9, trồng tháng 9 – 10, bắt đầu thu hoạch tháng 12 – 1 và kéo dài đến tháng 4 – 5 năm sau. Vụ này ớt trồng trên đất bờ líp cao không ngập nước vào mùa mưa. Ớt trồng mùa mưa đỡ công tưới, thu hoạch trong mùa khô dễ bảo quản, chế biến và thời gian thu hoạch dài, tuy nhiên, diện tích canh tác vụ này không nhiều.
Vụ chính (Đông Xuân): Gieo tháng 10 – 11, trồng tháng 11 – 12, bắt đầu thu hoạch tháng 2 – 3. Trong vụ này cây sinh trưởng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh.
Vụ Hè Thu: Gieo tháng 4 – 5, trồng tháng 5 – 6, thu hoạch 8 – 9. Mùa này cần trồng trên đất thoát nước tốt để tránh úng ngập và chọn giống kháng bệnh thán thư.
Chuẩn bị trước khi trồng ớt
Chuẩn bị vật liệu trồng
Ớt là loại cây có khả năng phát triển mạnh, có bộ rễ chùm lớn. Khi cây vào giai đoạn phát triển mạnh sẽ cho ra nhiều nhánh nên cần không gian chậu đủ lớn để phát triển.
Trồng ớt trong thùng xốp/chậu nhựa là cách được nhiều người áp dụng. Trước tiên bạn cần đục nhiều lỗ ở dưới đáy thùng/chậu để cây có thể thoát nước. Đồng thời đặt thùng xốp cao hơn một chút so với mặt đất khi trồng. Đối với thùng xốp: chiều dài, chiều rộng và chiều cao cần lớn hơn 25 cm là trồng được 1 cây. Đối với chậu tròn: đường kính đáy chậu lớn hơn 25 cm, chiều cao từ 25 cm trở lên.
Chuẩn bị đất trồng ớt
Ớt có thể trồng trên nhiều loại đất, tuy nhiên để cây sinh trưởng tốt cần chọn loại đất tơi xốp, giàu mùn và dinh dưỡng, sạch mầm bệnh. Khi mới lấy đất trồng ớt về không nên dùng ngay mà bạn nên dọn sạch cỏ, cung cấp nước để đất ẩm. Bạn nên bón thêm một ít vôi bột để khử trùng, phân NPK để làm giàu dưỡng chất của đất trồng và khử sạch vi khuẩn.
Bạn có thể mua đất nền, chất tạo xốp, phân bón ở các cửa hàng bán cây cảnh hoặc phân bón. Sau đó, bạn trộn theo các tỷ lệ như sau: Trộn 5 phần đất nền + 2 phần giá thể tạo xốp + 3 phần phân bón hữu cơ (phân chuồng hoai mục/phân vi sinh/ phân trùn quế.
Hoặc trộn 4 phần đất nền + 1 phần giá thể tạo xốp + 1 phần phân bón. Có thể trộn thêm 50 – 70 gram lân supe, 6 gram kali clorua, 2 gram calcium nitrat cho lượng giá thể để trồng 4 cây ớt. Hoặc có thể thay thế bằng phân NPK hỗn hợp để bón. Sau khi trộn xong, cho giá thể vào vật dụng để trồng, độ dày giá thể từ 25 – 30 cm. Đổ cách mép trên của chậu, khay, thùng 2 cm. San phẳng bề mặt giá thể, ấn nhẹ, chú ý ấn nhẹ ở các góc chậu.
Chuẩn bị cây giống
Cây cao trung bình 15 – 20 cm, tương đương 4 – 6 lá thật (khoảng 35 – 45 ngày sau gieo tuỳ theo thời vụ). Cây to, khoẻ mạnh, mập, cứng cáp, không sâu bệnh, dập nát và đúng giống. Trong trường hợp đặc biệt cũng có thể trồng khi cây con được 2 – 3 lá thật nhưng cần chăm sóc cẩn thận vì cây còn non, yếu dễ nhiễm bệnh và khó thích nghi với môi trường bất thuận.
3. Cách trồng ớt
Trồng ớt rất đơn giản, chỉ trong tích tắc là bạn sẽ hoàn thành.
Khâu trồng cây trong chậu bạn cần thực hiện các bước dưới đây:
Bước 1: Sau khi cho đất đã được trộn đều vào chậu, bạn khoét 1 lỗ nhỏ rồi cho cây vào. Mỗi lỗ nhỏ cách nhau khoảng từ 50 – 70 cm.
Bước 2: Đặt cây vào lỗ, sâu khoảng 3 – 4 cm. Phần thân dưới sẽ mọc thêm rễ để cây thêm chắc khỏe và có thể phát triển tốt hơn.
Bước 3: Sau khi trồng xong tưới đậm nước cho cây.
Lưu ý:
Bạn nên trồng vào ngày râm mát hoặc buổi chiều. Nếu trồng cây trong chậu hoặc thùng xốp thì nên cho cây ra ngoài tiếp xúc ánh nắng dần dần, sau đó mới tiếp tục cho cây tiếp xúc ánh nắng hoàn toàn từ 6 – 8 giờ/ngày. Nên đục thủng lỗ của chậu hoặc thùng xốp để cây thoát nước, tránh ngập úng.
Cách chăm sóc cây ớt
1. Bón phân cho cây ớt
Bạn có thể bón phân hữu cơ hoặc vô cơ. Tuy nhiên, để có nguồn ớt sạch bạn nên dùng phương pháp bón phân hữu cơ.
Bón thúc cho ớt bằng phân hữu cơ
Nguồn phân:
Bạn có thể mua phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh của các hãng như Sông Gianh, Bình Điền, Humix… tại các cửa hàng phân bón hoặc tự ủ phân hữu cơ tại nhà. Cách làm nước phân hữu cơ từ vỏ chuối và vỏ khoai tây như sau: Thái nhỏ 1 vỏ quả chuối ngâm vào trong 1 lít nước sạch để 1 ngày sau đó lấy nước tưới cho cây đủ ẩm.
Lấy vỏ của 3 củ khoai tây ngâm trong 1 lít nước sạch để 2 ngày sau đó lấy nước tưới cho cây, tưới đủ ẩm. Trước khi tưới pha thêm 1 lít nước nữa.
Kỹ thuật bón phân:
Với nguồn phân mua từ cửa hàng phân bón, bạn thực hiện như hướng dẫn trên bao bì. Với phân hữu cơ làm từ vỏ chuối hoặc vỏ củ khoai tây: mỗi tuần tưới 1 lần, tưới đủ ẩm, không để đọng nước trong thùng, chậu.
Với phân hữu cơ ủ từ các sản phẩm hữu cơ loại thải trong nhà: Bón lần đầu khi cây hồi xanh (sau 7 – 10 ngày trồng) và các lần sau cách lần trước khoảng 15 ngày. Lượng bón 1 kg/hốc. Thời kỳ ra hoa, quả: Khi cây ra hoa rộ (khoảng 30 – 35 ngày sau trồng) và sau lần thu hoạch lứa quả đầu tiên. Lượng bón 1,5 kg/hốc. Cách bón: Bón trực tiếp vào giữa 2 hàng cây. Sau đó phủ lớp giá thể (khoảng 1 cm) lên phân bón.
Bón thúc cho ớt bằng phân vô cơ
Thúc lần 1: Khi cây bén rễ khoảng 7 – 10 ngày sau trồng.
Trộn đều 10 gram lân super + 3,6 gram đạm urê bón cho 1 m² đất. Bón cách gốc cây 10 – 15 cm kết hợp vun xới. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm.
Thúc lần 2: Khoảng 20 – 25 ngày sau trồng, lúc hoa bắt đầu có nụ.
Dùng 11 gram đạm urê + 9 gram kaliclorua bón cho 1 m² đất, bón vào giữa 2 hốc kết hợp vun xới đợt 2. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm. Có thể hòa lượng phân trên với 2 lít nước tưới cho 4 cây.
Thúc đợt 3: Khi cây ra hoa rộ khoảng 30 – 35 ngày sau trồng.
Trộn đều 12 gram đạm urê + 12 gram kali clorua bón cho 1 m² (tương đương 4 gốc ớt).
Thúc đợt 4: Sau khi thu lứa quả đầu.
Trộn đều 5 gram đạm urê + 8 gram kali clorua bón cho 1 m² (tương đương 4 gốc ớt). Sau mỗi đợt thu hoạch tiếp theo bón lượng như đợt 4 để nuôi quả cho lứa sau. Cách bón: Bón vào giữa 2 hốc vào lúc chiều mát. Lấp kín phân bằng 1 lớp giá thể dày 1 cm. Có thể hòa lượng phân trên với 2 lít nước tưới cho 3 – 4 cây.
2. Tưới nước cho cây ớt
Sau khi trồng
Cần tưới nước liên tục trong 7 ngày sau khi trồng, mỗi ngày tưới 1 – 2 lần tuỳ thuộc theo độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết. Tưới cách gốc 7 – 10 cm và tưới vào buổi sáng hoặc buổi chiều. 1 lít nước tưới cho 4 – 5 hốc.
Sau khi cây bén rễ
Tưới nước 2 – 3 ngày 1 lần. Tưới đủ ẩm, không để đọng nước. 1 lít nước tưới cho 4 – 5 hốc.
Khi cành lá phát triển nhiều
Lúc này số lượng nước tưới ở mỗi lần tưới cần được tăng dần lên, lần sau nhiều hơn lần trước. 1 lít nước tưới cho 2 – 3 cây.
Khi có hoa, quả còn nhỏ
Đây là giai đoạn cần nhiều nước nhất. Nếu ít nước hoa dễ bị héo, quả non rụng nhiều. Tuy nhiên, không nên tưới dư thừa nước dễ làm cho ớt bị sâu bệnh và tổn hại bộ rễ cây. Bạn hãy luôn đảm bảo đất thông thoáng, không bị ngập úng. Lượng nước tưới: 0,5 – 0,7 lít/gốc.
Lưu ý:
Giai đoạn từ sau trồng đến ra hoa yêu cầu độ ẩm đất là 70 – 80%. Giai đoạn ra hoa đậu quả, độ ẩm đất thích hợp từ 80 – 90%. Vào mùa mưa bạn cần chú ý để rút hết nước trong thùng/chậu kịp thời, tránh để cây bị ngập úng quá lâu dẫn đến thối rễ và chết cây.
3. Vun gốc làm cỏ cho cây ớt
Vun gốc
Đợt 1: Sau khi cây hồi xanh.
Đợt 2: Sau trồng 25 – 30 ngày, xới lần 2 kết hợp làm cỏ.
Đợt 3: Sau trồng 35 – 40 ngày, xới lần 3 kết hợp làm cỏ.
Cách làm: Cho thêm giá thể vào thùng, chậu ớt đảm bảo cho mặt giá thể luôn cách mép trên của thùng, chậu 2 cm.
Lưu ý: Các đợt làm cỏ, xới xáo có thể kết hợp bổ sung thêm phân NPK, đặc biệt trong giai đoạn trước khi ra hoa tạo quả. Có thể bón phân vào gốc hoặc ngâm rồi hòa nước để tưới.
Làm cỏ
Cỏ được làm thường xuyên. Khi thấy trong thùng, chậu có cỏ bạn cần nhổ bỏ ngay.
4. Làm giàn, tỉa cành cho cây ớt
Làm giàn
Khi cây cao 30 – 40 cm cần làm giàn để nâng đỡ cây.
Nguyên liệu: Dùng cọc bằng gỗ, tre, cây sặt, thân cây trúc, nứa, sắt, nhựa…
Kích cỡ cọc làm giàn: Chiều dài cọc khoảng 1 m, cây chắc không bị gãy, dập.
Cách làm: Cây ớt mang nhiều quả gặp gió mạnh dễ đổ ngã nên cắm cọc để chống đỡ. Mỗi cây ớt cắm 1 cây cọc, có thể buộc cây vào cọc để đỡ cây không bị đổ.
Tỉa nhánh
Thường xuyên tỉa bỏ lá già ở gốc, lá bị bệnh và cành vô hiệu (cành không có quả để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh hại.
Khi trồng được 20 – 25 ngày, tiến hành tỉa bỏ cành lá mọc ở phần gốc sát mặt đất, cành vượt, những nhánh gốc dưới chạc 3 của cây, những cành yếu ớt, cành nhiễm sâu bệnh để tạo thông thoáng, hạn chế phát triển sâu bệnh giúp cây cho năng suất cao. Nên cắt tỉa cành lúc nắng ráo. Vết cắt không dập xước, không làm rụng lá, gãy xước các cành khác. Thu gom các cành đã cắt bỏ đem đi nơi khác tiêu hủy.
5. Trồng giặm ớt
Trồng giặm là việc cần thiết để đảm bảo thay thế cây mới kịp thời vụ.
1 tuần sau khi trồng, bạn chú ý kiểm tra cây. Nếu thấy cây nào héo và khó hồi phục hãy nhổ bỏ và trồng lại. Khi trồng lại bạn lấy cây giống từ nguồn dự phòng lúc gieo giống, nếu không có thì mua cây giống mới.
Cây trồng giặm được chọn phải đạt tiêu chuẩn: Cây to, khỏe, cứng cáp, rễ thẳng. Cây không dị hình, sâu bệnh, dập nát. Cây sau khi gieo 20 – 30 ngày.
Thu hoạch ớt
1. Tiêu chuẩn thu hoạch ớt
Ớt có thể thu hoạch khi còn xanh tùy vào mục đích sử dụng. Ớt cay thường thu hoạch khi chín.
Độ chín thu hoạch
Độ già của ớt xanh có thể được xác định dựa trên kích cỡ, độ cứng và màu sắc, nếu để quả chín tiếp sau thu hoạch thì cần ít nhất 50% màu đã được hình thành.
Thời gian thu hoạch
Quá trình thu hoạch có thể kéo dài hàng tháng, tốt nhất là nên thu hoạch vào buổi sớm trong ngày.
Không nên thu hoạch trong hoặc sau khi mưa vì điều kiện ẩm ướt sẽ tạo thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển và đẩy nhanh quá trình hư hỏng của quả.
2. Cách thu hoạch ớt
Phương pháp thu hoạch: Ớt được hái bằng tay. Quả được tách khỏi cành và cần đảm bảo cuống quả được giữ lại nguyên vẹn. Chỉ thu hoạch những quả đã đạt yêu cầu về màu sắc và kích cỡ, những quả mềm do quá chín cũng được hái xuống nhưng sẽ loại ra. Trong quá trình thu hoạch, người thu hái cần đeo găng bảo vệ tay vì dầu Capsaicin trong quả ớt có thể gây bỏng gắt. Người thu hái cần cẩn thận không tiếp xúc tay với mặt, mắt.
Trồng ớt tại nhà giúp bạn có trái ớt tươi sử dụng quanh năm, không sợ thuốc trừ sâu, không phải đi mua ngoài chợ. Ngay cả khi bạn không có nhiều diện tích đất vườn, bạn cũng có thể tự trồng được chậu ớt xinh xắn tô điểm thêm cho khu vực ban công, cửa sổ của ngôi nhà. Bài viết trên đây đã chia sẻ những bí quyết trồng ớt cực đơn giản, ai cũng có thể trồng thành công.