Cách trồng su hào củ to, ít sâu bệnh, đạt năng suất cao

Su hào là loại rau củ được ưa chuộng, chứa nhiều chất xơ, vitamin rất tốt cho sức khỏe. Loại cây này tương đối dễ trồng và ít tốn công chăm sóc. Su hào có 2 loại xanh và tím, tuy nhiên su hào xanh dễ trồng hơn, hiên nay nước ta cũng chủ yếu trồng loại này. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý tới bạn cách trồng, chăm sóc su hào đúng kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả vụ trồng.

Cách trồng su hào năng suất cao

1. Thời vụ

Miền núi, trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng

Vụ Thu Đông: Gieo vào tháng 7 – 8, trồng 8 – 9.

Vụ Đông Xuân: Gieo vào tháng 8 – 9, trồng 9 – 10.

Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 11 – 12, trồng tháng 12 đến tháng 1 năm sau.

Những vùng có khí hậu mát mẻ như Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) có thể trồng quanh năm.

Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ

Đối với vùng này su hào được trồng chủ yếu trong vụ Đông xuân. Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10, trồng tháng 11, bắt đầu thu hoạch tháng 2 – 3. Riêng Đà Lạt (Lâm Đồng) có khí hậu mát mẻ nên có thể trồng quanh năm.

2. Chuẩn bị trước khi trồng su hào

Chuẩn bị đất

Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương; không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân có hại như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, công nghiệp, bụi công nghiệp. Đất trồng thích hợp là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng. Đất chủ động tưới, tiêu. Hàm lượng kim loại nặng trong đất không vượt mức tối đa cho phép. Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống mặt luống rộng 1,0 – 1,2 m; cao 20 – 25 cm. Nếu trồng vào những tháng mưa nhiều cần làm luống cao để hạn chế cây bị ngập úng. Rãnh luống 20 – 25 cm để thuận lợi cho việc tưới tiêu nước.

Làm đất kỹ và lên luống.

Chuẩn bị phân bón lót

Tiêu chuẩn phân bón:

Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho su hào.

Lượng phân bón lót cho 1 ha:

Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với mỗi ha khối lượng như sau: Phân chuồng ủ hoai mục: 20 – 25 tấn/ha. Lượng phân NPK: 30 – 40 kg N + 80 – 100 kg P2O5 + 20 – 25 kg K2O Nếu không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Rạch hàng bón phân.

Cách bón:

Sau khi đất đã được lên luống xong, rải phân lên mặt luống hoặc có thể bón theo hàng, sau đó dùng cào/cuốc để lấp kín phân.

3. Cách trồng cây

Khoảng cách trồng hàng cách hàng 35 – 40 cm, cây cách cây 60 – 70 cm tùy từng giống.

Cách trồng cây

Nhổ cây ra khỏi bầu.

Đào lỗ sâu khoảng 2 – 3 cm và đặt cây xuống. Lấp đất nhẹ nhàng xung quanh cây con và tưới nước thật kỹ. Không nén đất bằng tay.

Chú ý:

Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng cây cần lấp kín gốc và ấn nhẹ gốc, tưới đủ ẩm cho cây ngay sau khi trồng. Nếu đất ẩm cũng cần tưới nước để cây được chặt gốc, giữ cây được tươi.

Cách chăm sóc cây su hào

Lượng phân bón

Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ su hào được bón phân với lượng như sau:

Lượng phân bón lót cho 1 ha:

Phân chuồng ủ hoai mục: 20 – 25 tấn/ha. Lượng phân NPK: 30 – 40 kg N + 80 – 100 kg P2O5 + 20 – 25 kg K2O

Lượng phân bón thúc cho 1 ha:

Lượng phân NPK: 30 – 40 kg N + 40 – 55 kg K2O. Lần 1: Sau khi trồng 7 – 10 ngày (cây hồi xanh), lượng phân bón 20 – 25 kg N + 20 – 25 kg K2O. Lần 2: Sau khi trồng 20 – 25 ngày, lượng phân bón 10 – 15 kg N + 20 – 30 kg K2O.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Phương pháp bón:

Bón lót: Sau khi đất đã được lên luống xong, rải phân lên mặt luống hoặc có thể bón theo hàng, sau đó dùng cào/cuốc để lấp kín phân.

Bón thúc: Phân có thể bón theo hốc hoặc ngâm, hòa với nước để tưới.

Lưu ý:

Su hào bị nứt củ là do bón nhiều phân, đặc biệt là phân Đạm vào giai đoạn gần thu hoạch, kết hợp với tưới nước quá nhiều khiến cho củ phát triển quá nhanh gây ra tình trạng nứt.

Để tránh tình trạng su hào bị nứt củ cần bón đủ lượng phân và bón cân đối, không nên bón quá nhiều phân Đạm và tưới quá nhiều nước khi cây đang giai đoạn hình thành cũ dễ nứt.

2. Tưới nước, làm cỏ, vun xới

Sử dụng nguồn nước mặt (hồ, ao) hoặc nước ngầm để tưới. Hàm lượng một số hoá chất và kim loại nặng trong nước không vượt mức tối đa cho phép. Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn để tưới trực tiếp cho su hào.

Dùng doa tưới.

Sau khi trồng phải tưới nước ngay, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau 3 – 5 ngày, tưới 1 lần phụ thuộc vào độ ẩm đất. Có thể tưới bằng doa, tưới vòi, tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt. Khi gặp mưa to phải rút hết nước, không để ngập úng. Nên tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân để tiết kiệm chi phí công lao động.

Tưới rãnh.

Lưu ý:

Tưới rãnh sau khi mặt luống đã thấm nước đều phải tháo kiệt nước đọng trong rãnh. Không tưới tràn gây úng và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Sau trồng 10 – 12 ngày, cây hồi xanh thì xới phá váng kết hợp làm cỏ.

3. Trồng giặm

Một tuần sau khi trồng, chú ý kiểm tra cây. Nếu thấy cây nào bị héo, cây sinh trưởng kém và khó hồi phục hãy nhổ bỏ và trồng lại.

Khi trồng lại, lấy cây giống từ nguồn dự phòng khi gieo giống, nếu không có thì mua cây giống mới. Cây trồng giặm phải đạt tiêu chuẩn: cây to, khỏe, cứng cáp, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát.

Thu hoạch su hào

Thời điểm thu hoạch

Một số yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm thu hoạch như: Thời vụ trồng su hào trái vụ, loại giống, thời tiết, kỹ thuật chăm bón. Thời gian sinh trưởng của từng giống, từng thời vụ. Thời gian từ trồng đến thu hoạch là 45 – 60 ngày. Khi thấy mặt củ đã bằng lá non, dừng sinh trưởng là lúc thu hoạch thích hợp.

Cách thu hoạch

Nhổ củ khỏi mặt đất, dùng dao sắc cắt bỏ gốc, loại bỏ các lá sâu bệnh, lá già. Xếp vào thùng, sọt, túi nilon để đưa về nơi râm mát, kho lạnh, để sơ chế đóng gói trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Sơ chế, vận chuyển

Khi sơ chế, vận chuyển không ngâm nước quá lâu, không làm giập nát dễ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây thối củ.

Tiêu chuẩn củ chất lượng

Củ tươi, màu trắng nhạt đến đậm, không có sâu, bệnh và tồn dư những chất không cho phép theo quy định an toàn thực phẩm.

Thời vụ cây su hào sinh trưởng tốt nhất vào khoảng tháng 8, có thể trồng sớm hơn. Tuy nhiên vào thời gian này vừa đúng vụ, điều kiện thời tiết, độ ẩm, ánh sáng thích hợp giúp cây su hào mập, non, ngọt hơn. Người trồng cũng ít phải sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu nếu trồng đúng vụ, giúp thực phẩm xanh sạch hơn. Bài viết trên đây đã giới thiệu tới bạn cách trồng su hào đúng kỹ thuật, chúc bạn trồng thành công dù theo quy mô sử dụng cho gia đình hay kinh doanh sản xuất.

Đánh giá bài viết

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!