Kinh nghiệm trồng sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Sầu riêng là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao, hương thơm rất đặc trưng được nhiều nước Đông Nam Á ưa chuộng. Hiện nay tại nhiều vùng của nước ta đã trồng sầu riêng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng cao. Những giá trị kinh tế của cây sầu riêng đem lại không thể phủ nhận, giúp người dân vươn lên làm giàu, là thế mạnh của vùng. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao thì người trồng phải đảm bảo kỹ thuật cao, hãy cùng tìm hiểu thêm thông ngay tại bài viết.

Thời vụ trồng Sầu riêng

Ở Nam Bộ và Tây Nguyên, sầu riêng có thể trồng được quanh năm nếu chủ động được nguồn nước và điều kiện trồng trọt. Tuy nhiên trong thực tế sản xuất, bà con thường trồng sầu riêng vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) để giảm chi phí tưới nước. Không nên trồng lúc mưa dầm vì cây sẽ chậm phát triển hoặc chết do nghẹt rễ.

Tây Nguyên, Đông Nam bộ trồng từ tháng 4 đến tháng 5. Miền Tây Nam bộ trồng từ tháng 6 đến tháng 7. Duyên hải Nam Trung bộ trồng từ tháng 9 đến tháng 10.

Thiết kế vườn trồng Sầu riêng

Trồng cây chắn gió cho vườn sầu riêng

Tùy vào đặc điểm đất đai, khí hậu cụ thể, mỗi vùng sẽ lựa chọn cây trồng chắn gió phù hợp.

Cây chắn gió thường là những cây có thân to, khỏe như dừa, bạch đàn, phi lao… được trồng dọc theo phía ngoài bờ bao. Bộ rễ của chúng chủ yếu mọc trên bờ bao có tác dụng làm vững chắc thêm bờ bao, không gây hại đất trong vườn trồng. Đồng thời có tác dụng che chắn gió cho cây trong vườn, giảm việc rụng hoa, quả, tổn thương lá và đổ cây.

Đối với vùng Tây Nguyên cây chắn gió có thể là cây muồng đen, cây mít hoặc cây bơ.

Đắp bờ bao

Làm vành đai bảo vệ và chống ngập lũ trong mùa mưa, ngăn mặn trong mùa nắng. Chủ động nuôi xen tôm, cá trong mương.

Là nơi trồng các hàng cây chắn gió. Chiều cao của bờ thường căn cứ vào đỉnh lũ cao nhất trong vùng để không bị ngập. Mặt bờ bao cần rộng và chắc chắn.

Đặt cống

Sau khi đắp bờ bao, để chủ động mức nước trong vườn, ở bờ bao cần phải đặt cống để lưu thông nước giữa trong vườn với bên ngoài vườn. Vườn lớn thường dùng các ống cống bằng bê tông chắc chắn có đường kính 40 – 50 cm để đặt cống đầu mối cho vườn.

Ngoài cống đầu mối, trong vườn cần lắp thêm hệ thống dẫn nước nhỏ để điều tiết nước giữa các mương trong vườn và mương chính dẫn ra cống đầu mối. Các ống cống có thể làm bằng ống nhựa hay thân cây đục rỗng.

Xẻ mương (chủ yếu ở Tây Nam bộ)

Ở các vùng đất dễ bị ngập úng trong mùa mưa, thiếu nước trong mùa nắng để tránh ngập úng trong mùa mưa, có mương để tưới và tiêu nước trong mùa khô.

Tỷ lệ mương/liếp thường là 1/2. Vách bên của mương và mặt bên của liếp phải có độ nghiêng thích hợp để tránh sạt lở. Độ nghiêng có góc 30 – 45 độ. Ở những vùng thấp thì cần đào mương nhằm mục đích:

Tăng độ dày tầng canh tác. Có hệ thống mương thông nhau để thoát nước. Rửa phèn và cung cấp nước cho vườn khi cần thiết. Độ sâu và rộng của mương tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng vườn, thông thường mương rộng 1,5 – 2,0 m; sâu 1,0 – 1,2 m.

Lên liếp

Vườn chỉ trồng một loại cây sầu riêng và trồng trên liếp theo hình tam giác, liếp xây dựng theo hướng Bắc Nam. Nếu vườn ngoài trồng sầu riêng còn trồng xen các loại khác, chọn hướng liếp theo Đông – Tây. Xây dựng hướng liếp luôn song song hay thẳng góc với đê bao để dễ dàng trong việc điều tiết nguồn nước vào vườn. Giữ đúng khoảng cách cây trồng hợp lý.

Các kiểu lên liếp:

Lên liếp theo kiểu cuốn chiếu: Khi lên liếp, chúng ta lấy lớp đất dưới của mương thứ nhất để lên mặt liếp thứ nhất, sau đó trải đều lớp đất mặt của mương thứ nhất lên trên lớp đất liếp thứ nhất, cứ tiếp tục như vậy cho đến liếp cuối cùng.

Lên liếp và đắp mô trên liếp: Ở những vùng đất thấp, sau khi lên liếp, còn phải đắp các mô trên liếp để tránh cây bị úng ngập trong mùa mưa. Chiều rộng mặt liếp và khoảng cách giữa các mô tùy thuộc vào mật độ trồng cây. Khoảng cách giữa các mô và khoảng cách giữa các hàng mô thường từ 7 – 10 m.

Lên liếp đắp đất theo băng:

Lên liếp đơn: Lớp đất mặt đào ở mương được trải dài thành băng ở giữa dọc theo liếp, sau đó lớp đất dưới của mương được đắp vào hai bên của băng lớp đất mặt đó. Mặt liếp đơn thường rộng từ 4 – 5 m, mương rộng 2 – 2,5 m, chiều cao mô trên 1,5 m (Hàng năm bồi đắp, mở rộng mô theo tán cây).

Lên liếp đôi: Mặt liếp đôi rộng 9 – 10 m, trên mặt liếp được trải hai băng lớp đất mặt của mương song song và cách nhau 7 – 8 m. Lớp đất dưới của mương trải cạnh hai băng lớp đất mặt này để tạo thành mặt phẳng của liếp, mương rộng 4 – 5 m. Hoặc lên liếp đôi có mương phụ ở giữa liếp, mương phụ có chiều rộng 1 – 1,5 m cũng có tác dụng tưới hay tiêu nước cho cây.

Lưu ý: Đất ở mặt liếp rất dễ bị rửa trôi, nên phải có biện pháp trồng cây xen để che phủ đất, tránh bị xói mòn, đồng thời giữ độ ẩm và tăng dinh dưỡng cho đất.

Chuẩn bị trước khi trồng Sầu riêng

1. Xác định khoảng cách cây trồng

Xác định khoảng cách trồng cây

Ở vùng đất thấp (Miền Tây Nam bộ), phải đào mương, lên liếp: Nếu liếp đơn thì đắp mô ở giữa liếp và mô cách mô 8 – 10 m. Nếu liếp đơn khoảng cách 2 hàng mô từ 6 – 7 m, trong một hàng: Mô cách mô 8 – 10 m. Ở Tây Nguyên, khoảng cách cây cách cây từ 6 – 8 m, hàng cách hàng từ 7 – 8 m.

Chuẩn bị mô, hố

Đắp mô và hố theo khoảng cách trồng đã định đối với từng vùng đất.

Đắp mô nên thực hiện trước khi trồng 15 – 20 ngày

Đắp mô trồng sầu riêng thường được tiến hành ở vùng đồng bằng, vùng đất thấp chủ yếu ở vùng Tây Nam bộ. Các vùng Cao nguyên và Miền núi do có địa hình cao nên không cần phải đắp mô. Mô thường đắp thành hình tròn có đường kính 0,6 – 0,8 m; cao 0,3 – 0,5 m tùy theo địa hình cao hay thấp. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mô nên có chiều cao 0,4 – 0,8 m và rộng từ 1,2 – 2,2 m. Đất đắp mô là đất ruộng, đất phù sa sông rạch … Tùy điều kiện đất đai từng vùng mà làm mô cho thích hợp. Đất được đưa về phơi khô.

Trộn đều 1 – 2 kg vôi bột + 10 kg hỗn hợp phân hữu cơ hoai gồm phân dơi trộn tro trấu, xơ dừa (hoặc 20 – 30 kg phân xanh đã ủ hoai mục) + 1 kg phân lân và thuốc trừ côn trùng với lượng đất đủ đắp một mô. Thuốc trừ côn trùng có thể sử dụng: Chế phẩm vi sinh chứa Metarhizium anisopliae var: Metament 90 DP; Hoạt chất Thiamethoxam: Actara 25WG.

Đào hố

Ở những khu vực có địa hình cao, phải đào hố để trồng.

Đào hố ít nhất trước khi trồng 1 tháng.

Mỗi hố cần: 20 – 30 kg hỗn hợp phân hữu cơ hoai mục gồm phân dơi trộn tro trấu, xơ dừa (hoặc 30 – 40 kg phân xanh đã ủ hoai mục), 1 kg supe lân, 1 kg vôi, thuốc trừ côn trùng (hoạt chất Imidacloprid: Confidor 200OD, … ).

Hố trồng thường có chiều sâu x dài x rộng là 60 x 60 x 60 cm. Khi đào để riêng 3 lớp đất (lớp dưới, lớp giữa và lớp trên mặt). Xử lý hố trồng sầu riêng: Phun Confidor 200OD 0,1% vào hố (0,5 lít/hố) để trừ kiến, mối và rắc 0,3 – 0,5 kg vôi vào đáy hố, xung quanh hố và xung quanh miệng hố. Sau khi rắc thuốc và vôi, đổ 1/3 lớp đất dưới xuống hố. Trộn đều lượng phân chuồng, lân với lớp đất mặt và lớp đất giữa. Cho lượng đất phân đã trộn xuống hố, dùng cuốc phá thành hố lấp đất lên phân. Đối với vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên thì cào lớp đất mặt để riêng vào hố và trộn đều với phân hữu cơ. Lấp hố theo thứ tự tầng đất đã để riêng khi đào hố (lớp đất giữa rồi đến lớp đất đáy).

Chuẩn bị cây giống

Xác định lượng cây giống: Căn cứ vào khoảng cách trồng và diện tích trồng để chuẩn bị cây giống đủ trồng. Cây giống lấy về cần được trồng ngay, không nên để cây bị héo, rễ khô. Tiêu chuẩn cây giống phù hợp với từng phương pháp nhân giống.

2. Chọn đất trồng

Chọn đất trồng

Sầu riêng được trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Đất hơi phèn có độ pH từ 4,5 – 6 vẫn trồng được. Độ pH lí tưởng từ 6 – 6,5; một số vùng có độ pH từ 5 – 5,5 sầu riêng vẫn phát triển khá tốt.  Vùng đất xám và đất đỏ bazan ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ, sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt. Vùng đồng bằng Nam bộ phải trồng sầu riêng trên đất có xẻ mương, làm liếp và mô cao để tránh úng vào mùa mưa và có nước để tưới vào mùa khô.

Đất trồng sầu riêng phải đảm bảo chủ động đủ nước tưới trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa cũng như có thể tạo khô hạn để xử lý cây ra hoa nghịch vụ. Ở Tây Nam bộ vườn cần phải có bờ bao, cống chắn, có hệ thống mương liếp thông nhau để tiêu thoát nước.

Làm đất

Bước 1: Dọn cỏ dại và tàn dư cây trồng

Cỏ dại và tàn dư cây trồng có nhiều tác hại đối với đất trồng, chính vì vậy, trước khi trồng trọt, phải dọn sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng. Có thể dọn cỏ dại và tàn dư cây trồng như sau:

Dùng phương pháp cơ học

Dùng cuốc, liềm, dao để dọn cỏ dại và tàn dư cây trồng. Dọn cỏ dại và tàn dư cây trồng bằng máy cắt cỏ.

Xử lý cỏ dại và tàn dư thực vật

Tận dụng cỏ dại và tàn dư thực vật làm thức ăn cho gia súc. Ủ cỏ thành phân hữu cơ: Bà con băm nhỏ cỏ và tàn dư thực vật bỏ vào đống ủ. Khi ủ cần tạo nhiều lớp ủ gồm cỏ dại/tàn dư, phân chuồng, mỗi lớp dày 0,4 m. Luôn giữ đủ ẩm trong quá trình ủ. Cứ tiếp tục ủ từng lớp nguyên liệu như vậy cho đến hết. Sau ủ khoảng 3 tháng, cỏ dại và tàn dư cây trồng hoai hoàn toàn sẽ nát vụn và có màu đen thì sử dụng được.

Trước khi sử dụng phân hữu cơ phải loại bỏ vật cứng hay cỏ dại và tàn dư cây trồng phân hủy không hoàn toàn bằng sàng có kích thước 2 – 2,5 cm. Cũng có thể ủ mùn trên nền đất hay ủ trên nền bằng gạch hoặc nền xi măng. Khi ủ thành đống trên nèn phải để đáy đống ủ không bị úng hay ngập nước bằng cách đào rãnh qua giữa nền, phủ một lớp lưới trước khi bắt đầu chất các lớp nguyên liệu hoặc xếp cây dưới đáy đống ủ.

Dùng thuốc trừ cỏ

Trường hợp đất trồng có nhiều loại cỏ lâu năm, tầng cỏ dại dày, phải sử dụng thuốc trừ cỏ có tính chất khai hoang để xử lý. Hiện nay một số thuốc trừ cỏ có tính chất khai hoang thường được dùng như sau:

Hoạt chất Glufosinate Ammonium: Basta 15 SL, Glusat 200SL, Sinate 150SL. Hoạt chất Diuron: BM Diuron 80 WP, D-ron 80 WP.

Bước 2: Làm đất

Sau khi dọn sạch mặt bằng, đất được san ủi bằng phẳng, cày xới tạo thông thoáng.

Cách trồng cây Sầu riêng

Đào lỗ trồng cây

Ở miền Tây Nam bộ: Trước khi đào lỗ trồng cây cần đảo phân trên mô hoặc hố. Sau đó đào lỗ rộng hơn kích cỡ bầu cây giống ở giữa mô hoặc hố.

Ở vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ: Dùng cuốc móc hố đủ rộng và sâu để đặt bầu cây giống.

Đặt cây

Dùng dao hoặc kéo bén cắt rời phần đáy bầu và cắt bỏ phần rễ cái bị cong (nếu có) sau đó dùng dao rạch một đường trên bao bầu cây (bao nilon) từ miệng bầu xuống đáy bầu trước khi đặt cây. Đặt bầu cây vào chỗ lỗ mới khoét sao cho bầu cây ngang hoặc cao hơn miệng hố hoặc mặt mô 2 – 3 cm. Nhẹ nhàng tháo bọc nilon ra, tránh làm vỡ bầu gây hư hại rễ cây.

Cho đất vào xung quanh bầu đến gần ngang mô trồng hoặc miệng hố là được, cho đất đến đâu nén chặt kết hợp tưới nước đến đấy để cho cây đứng vững, đủ ẩm. Không cần dùng đất quá mịn dễ làm đất bị nén. Không nên đợi lấp đất đầy hố rồi mới nén chặt và tưới một lượt, nước sẽ không ngấm đều khắp bầu cây, đất chung quanh cây không được dẽ chặt, cây dễ bị nghiêng ngã. Phủ đất ở bên ngoài thấp hơn miệng bầu cây 1 chút để khi tưới nước không đọng lại trong bầu cây gây thối rễ. Trong quá trình lấp đất cần chú ý điều chỉnh cho thân cây ở tư thể thắng đứng vuông góc với mặt đất.

Cắm cọc, buộc dây giữ cây

Dùng cọc, que cắm gần gốc để cố định cho cây đứng thẳng. Cọc được vót nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45 – 50 độ so với thân cây. Dùng dây nilon, dây nhựa để cột. Không dùng dây chuối khô, lạt dừa,… có tính giữ ẩm có thể phát sinh nấm bệnh hại cây. Dùng dây cột chặt vừa phải cọc với thân cây không gây tổn thương lớp vỏ thân chỗ tiếp xúc. Thông thường ta buộc cọc chống cây khoảng 2/3 chiều cao thân cây là vừa.

Hi vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu về quy trình chuẩn bị trồng và tiến hành trồng sầu riêng. Cũng như bổ sung thêm kiến thức hữu ích cho việc trồng trọt loại cây này. Tuy nhiên, để đạt năng suất, chất lượng cao bạn nên tham khảo thêm ý kiến của người có kinh nghiệm lâu năm và đội ngũ chuyên gia.

3/5 - (4 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087. Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Giấy phép thiết lập Mạng xã hội trên mạng số 145/GP-BTTTT cấp ngày 30/05/2024 bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.

    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Lê Quang Minh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!