Cây vạn tuế là loại cây cảnh được nhiều người ưa chuộng và trồng nhiều bởi nó phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Nếu chú ý cách trồng và chăm sóc tốt, cây vạn tuế sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Hôm nay, mobiAgri sẽ hướng dẫn bà con cách trồng cây vạn tuế đúng kỹ thuật.
Cây vạn tuế may mắn được xếp vào danh sách top 5 cây cảnh quyền lực nhất Việt Nam. Những cây vạn tuế mang trong mình hình dáng vững chắc, uy nghiêm và là một trong những cây có tuổi thọ cao nhất. Với ý nghĩa mang lại sức sống mãnh liệt, tài lộc, hạnh phúc đến với gia chủ, cây vạn tuế ngày ngay được chọn để trồng làm cảnh sân vườn, cây xanh công trình.
Nội dung bài viết
Đôi nét cơ bản về cây vạn tuế
Đặc điểm hình thái
Cây vạn tuế có tên khoa học là Cycas revolute, thuộc họ Thiên tuế, tên gọi khác là cây đuôi phượng, cây chuối chịu lửa và có xuất xứ từ miền Nam Nhật Bản.
Cây vạn tuế có thân hình trụ vững chãi, chiều cao từ 2-4m, không có gai, ít phân nhánh, vỏ thân xù xì. Lá vạn tuế mọc xung quanh trên đỉnh, có gai, hình giống lông chim, nhọn về phía đâu. Phiến lá cứng, màu xanh đậm, khi đâm vào tay sẽ làm đau.
Hoa cây vạn tuế là hoa đơn tính, mọc trên ngọn thân, trong đó hoa đực hẹp và dài hơn nhìn giống trái ngô, còn hoa cái to hơn có phủ lông màu hung vàng nhìn khá giống hình bán cầu. Mọi người nghĩ cây vạn tuế không có quả nhưng thực chất là có. Quả cây vạn tuế có hình cầu giống quả cau cảnh màu da bò, trong có hạt hình trái doan rất cứng màu cam.
Công dụng của cây vạn tuế
Với hình dáng nổi bật và trang trọng nên cây vạn tuế được ưu ái đặt ở những khu vực trung tâm, trang nghiêm như lăng bác, công trình tưởng niệm, khu di tích văn hóa, các trụ sở ban ngành thành phố. Bạn có thể trồng những cây vạn tuế có kích thước vừa phải để làm cảnh trước nhà hay trồng cây vạn tuế mini để trang trí bàn làm việc, đặt phòng khách để làm tăng vẻ trang trọng cho ngôi nhà.
Trong y học cổ truyền, cây vạn tuế có tác dụng như một vị thuốc chữa được một số bệnh. Lá cây vạn tuế sao khô giúp giải độc, hoa có công dụng bổ tinh ích thận. Hạt cây vạn tuế có thể giúp điều hòa huyết áp. Tóm lại, các bộ phận trên cây vạn tuế đều có thể chữa bệnh.
Cách trồng cây vạn tuế
Thời vụ trồng
Thời điểm thích hợp gieo trồng cây vạn tuế là tháng 3-4 (vụ Xuân) hoặc tháng 8-9 (vụ Thu). Đây là thời điểm có khí hậu thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển tốt nhất.
Giống
Để cây vạn tuế phát triển khỏe mạnh thì việc chọn giống là yếu tố quan trọng. Cây giống được chọn cần đảm bảo to khỏe, không bị sâu bệnh, có đầy đủ bộ phận rễ, thân, lá…
Bạn cũng có thể mua các cây giống vạn tuế tại các cửa hàng uy tín.
Đất trồng
Đất trồng phù hợp cho cây vạn tuế sinh trưởng tốt là đất thịt. Chú ý chọn đất sạch, nhiều dinh dưỡng phối trộn phân chuồng hoai mục, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại trong đất. Sau đó, trộn đề và ủ trong khoảng 1 tháng trước khi trồng vạn tuế.
Kỹ thuật trồng vạn tuế
Cây giống mua về, bạn tiến hành đặt gốc cây xuống đất sao cho phần đất chạm vào phần củ phình to của cây, sau đó nén nhẹ đất xung quanh để cố định cây chắc chắn. Tuy nhiên, bạn không nên trồng quá sâu hoặc quá nông sẽ không tốt cho cây phát triển.
Sau khi trồng xong, bạn cần tưới nước cho cây để giữ ẩm và duy trì tưới 1 tháng giúp cây ổn định phát triển khỏe mạnh.
Bí quyết chăm sóc vạn tuế
Tưới nước
Trên thực tế, cây vạn tuế có sức sống khỏe và dễ chăm sóc. Giai đoạn mới trồng đến khi cây được 1 tháng, bạn cần tưới nước thường xuyên khoảng 2-3 ngày/lần để cây nhanh chóng bám vào đất. Vào những tháng tiếp theo thì tùy theo điều kiện thời tiết và nhu cầu của cây mà bạn điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp.
Bạn chú ý cây vạn tuế tuy có sức sống khỏe nhưng nếu làm cây khô héo sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây làm cây còi cọc, ra lá kém.
Ánh sáng
Giai đoạn đầu, bạn chú ý khi cây ra lá non cần đảm bảo không làm gãy hay gập lá. Cây vạn tuế ưa sáng nên đặt cây ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp sau đó tiếp xúc nắng dần dần.
Nếu trồng cây vạn tuế ở trong nhà, văn phòng không có nắng thì mỗi tuần cần mang cây phơi nắng tự nhiên 2 lần vào buổi sáng trong thời gian từ 6h-9h.
Tỉa cành
Lưu ý, bạn cần cắt bỏ tán cây để cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp và hạn chế sâu bệnh. Không nên trồng nhiều cây vạn tuế ở các dự án công trình sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển lá và sinh trưởng của cây.
Vào mùa xuân, bạn cần cắt tỉa lá già để tăng sức sinh trưởng và chiều cao cho cây.
Bón phân
Trong 1 tháng đầu sau khi trồng cây vạn tuế, bạn nên bổ sung một trong các loại phân bón kích thích mọc rễ như Axit Humic 322 , Seasol, Org Hum, Acroot,… Bón định kỳ mỗi lần cách nhau 7-10 ngay để giúp cây nhanh ra rễ và tăng khả năng hồi phục.
Là loại cây cảnh lâu năm nên có tốc độ tăng trưởng chậm, vì thế bạn không cần quá lo lắng về dinh dưỡng chỉ cần bón một lượng NPK vừa đủ để cây xanh hơn.
Sâu bệnh hại
Cây vạn tuế sống rất khỏe nhưng cũng sẽ bị tấn công của một số loại sâu bệnh hại như rệp sáp, bệnh bò nóng. Nếu phát hiện cây bệnh thì bạn có thể sử dụng một số loại thuốc để phòng trừ như Dichlorophos nồng độ 0.1%, Monocrotophos, Rogor.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cách trồng cây vạn tuế mà mobiAgri muốn chia sẻ đến bạn. Hi vọng rằng với những kiến thức đơn giản, dễ hiểu ở trên thì bạn có thể áp dụng thành công và mang lại phong thủy tốt đẹp cho gia đình mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể cập nhật những nội dung hữu ích khác trên website của chúng tôi trong quá trình sản xuất.