Cây vối được biết đến là loại đồ uống được nhiều người yêu thích, ngon miệng, vị ngọt thanh và tốt cho sức khỏe. Vậy cách trồng cây vối có khó không, mời bà con cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Cây lá vối được trồng nhiều ở nông thôn là đồ uống, ngày nay dân thành thị cũng rất thích trồng cây này để làm cảnh và có lá vối sạch đun nước uống. Trong thành phần của lá vối có chứa tanin, vitamin, khoáng chất, mùi thơm vì nó có tinh dầu. Nước lá vối giúp thanh nhiệt, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn trị bệnh gout… Cách trồng cây vối rất đơn giản, bạn hãy tham khảo ngay nhé.
Nội dung bài viết
Khái quát chung về cây vối
Đặc tính thực vật học
Cây vối có tên khoa học là Cleistocalyx operculatus, họ sim, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước châu Á, khu vực Trung Quốc.
Cây vối thuộc loại thân tầm trung, cây trưởng thành cao trung bình từ 9-14m. Thân tròn, chia thành các cành, nhánh, vỏ bên ngoài màu nâu đen. Lá vối màu xanh, hình bầu dục, đầu lá có mũi nhọn ngắn, lá dài 15cm, mặt dưới lá có đốm màu nâu và chấm đen, nếu vò lá vối có mùi thơm nhẹ.
Hoa vối gần như không có cuống, màu trắng, mọc thành cụm ở kẽ lá. Mỗi cụm hoa có từ 3-5 hoa, hình tháp. Cây vối thường ra hoa vào tháng 5-7. Quả hình elip hoặc bầu dục, có kích thước từ 8-11mm, vỏ quả hơn nhăn, quả non có màu xanh khi chín chuyển sang màu tím đỏ.
Đặc tính sinh thái
Cây vối ưa sáng và có khả năng thích nghi với nhiều kiểu thời tiết và môi trường sống khác nhau.
Cây vối có thể chịu hạn tốt, thích hợp trồng trên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Độ pH đất thích hợp để trồng vối là 5-6,5. Cây vối rất dễ trồng và không mất nhiều công chăm sóc, ít bị sâu bệnh hại.
Công dụng của cây vối
Nói đến công dụng của vối thì đầu tiên là dùng lá vối làm nước uống như một vị thuốc hữu ích giúp thanh mát cơ thể. Lá vối có thể giảm được các nguy cơ nhiễm khuẩn, các virus hay cảm cúm. Theo dân gian thì tắm lá vối còn chữa khỏi các bệnh lở loét, ngứa ghẻ da. Không chỉ giúp thanh mát cơ thể thì lá vối còn có công dụng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, đường ruột, đại tràng.
Vỏ và thân cây vối được sử dụng để chữa bệnh ngoài da hay sát khuẩn vết thương, loét ngoài da. Trong Đông y, người ta sử dụng nụ vối để chữa bệnh tiểu đường và giảm mỡ máu rất hiệu quả. Bên cạnh đó, nụ vối còn được dùng để pha nước uống giúp tốt cho hệ tiêu hóa, thanh mát cơ thể. Ngoài ra, nếu cây vối được phát triển trong điều kiện thuận lợi có thể cao 15m để làm bóng mát.
Chuẩn bị trước khi trồng vối
Thời vụ trồng vối
Cây vối có thể được trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất là trồng vào đầu mùa Xuân với các tỉnh miền Bắc hoặc trồng vào đầu mùa mưa với các tỉnh phía Nam.
Chọn giống vối
Bạn nên chọn cây vối khỏe mạnh, có lá màu xanh đậm, thân cây mập, búp lá non, có nhiều ngọn và không bị sâu bệnh hại. Do vậy, bạn cần chọn mua giống tại các cửa hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
Đất trồng và vị trí trồng
Cây vối không kén đất có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng cần giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Để tiết kiệm thời gian bạn có thể dùng loại đất sạch đã phối trộn sẵn để trồng cây, đồng thời bổ sung phân bón hữu cơ giúp cây phát triển tốt.
Cây vối ưa sáng nên thích hợp trồng nơi thoáng và nhận được nhiều ánh sáng.
Đào hố và bón lót
Đào hố theo kích thước bầu cây tương ứng, thông thường là khoảng 40x40x40cm. Cần dọn dẹp sạch cỏ dại và rắc vôi để xử lý mầm bệnh, đồng thời bón lót thêm phân chuồng hoai mục, mùn hoặc 1 số loại phân hữu cơ khác. Việc đào hố và bón lót cần thực hiện trước khi trồng 1 tháng.
Kỹ thuật trồng vối
Trước tiên, bạn hãy xé bỏ vỏ nilon bên ngoài bầu cây vối giống, chú ý thực hiện nhẹ nhàng tránh bị nứt bầu hoặc vỡ bầu. Tiếp theo, bạn đặt bầu xuống hố đã đào sẵn rồi lấp đất xung quanh bầu, vừa giữ cây cho thẳng vừa tiến hành lấp đất nèn chặt xung quanh không để cây nghiêng ngả. Ở giai đoạn đầu mới trồng, bạn có thể dùng cọc buộc vào để bảo vệ cây tránh bị ảnh hưởng xấu của mưa gió làm đổ ngã.
Chăm sóc cây vối sau trồng
Tưới nước: Yếu tố không thể thiếu và vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây vối là nước, nhất là giai đoạn đầu mới trồng. Bạn nên tưới nước định kỳ 2 ngày/lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khoảng 3 tháng sau trồng khi cây cứng cáp thì bạn có thể giảm lượng nước tưới để phù hợp với cây. Chú ý kiểm tra độ ẩm của đất để kịp thời cung cấp cho cây phát triển thân lá.
Ánh sáng: Đây cũng là yếu tố quan trọng bởi cây vối ưa sáng nên bạn cần dọn sạch cỏ dưới gốc, cắt tỉa cành vàng úa, cành già để cây vối nhận được ánh sáng tốt nhất.
Bón phân: Nếu có điều kiện thì bạn nên bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục định kỳ 3 tháng 1 lần với liều lượng 100g/1 gốc/1 lần. Hoặc sử dụng phân bón vô cơ NPK 15-15-15 với liều lượng 50-100g/1 gốc/1 lần định kỳ 6 tháng đến 1 năm.
Phòng trừ sâu bệnh hại: Trên cây vối có một số loại sâu ăn lá, rệp thường tấn công ăn hại lá vối. Bạn có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc như Tasieu, Regent,… phun định kỳ cách lý từ 7-14 ngày với liều lượng theo khuyến cáo cảu nhà sản xuất.
Thu hoạch
Sau khi trồng cây vối được 2 tháng thì cây ra lá non và bạn có thể hái lá và hãm trà để uống.
Như vậy qua bài viết trên bạn đã biết được cách trồng cây vối cũng như những công dụng tuyệt vời của nó. Cây vối không chỉ mang tới sự tươi mát mà còn dùng lá trong nhiều việc hữu ích. Không những thế, cách trồng cây vối rất đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc nên bạn có thể trồng ngay tại sân vườn nhà.