Cách trồng chanh dây sai trĩu quả thu hoạch mỏi tay không hết

Chanh dây hay còn gọi là chanh leo, mỗi vùng miền sẽ có những tên gọi khác nhau. Hiện nay ở nước ta đã có rất nhiều hộ dân trồng loại trái này, không chỉ cung cấp thị trường trong nước mà còn xuất khẩu nước ngoài. Hiệu quả kinh tế nâng cao khi người dân nắm chắc được những kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng và điều trị bệnh ở cây chanh leo. Bài viết dưới đây, mobiAgri sẽ chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh dây sai quả và đơn giản nhất.

Cách trồng chanh leo đúng kỹ thuật

1. Thời vụ trồng

Cây chanh leo phát triển thích hợp ở nhiệt độ từ 16 – 30°C. Với mỗi vùng miền lại có một thời vụ nhất định để phù hợp với sinh trưởng của cây. Chanh leo có thể trồng quanh năm nếu chủ động được che chắn, nước tưới. Tây Nguyên thời điểm trồng thích hợp là đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến đầu tháng 5. Phía Bắc trồng từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Đồng bằng sông Cửu Long trồng đầu mùa mưa tháng 5 – 6.

2. Chuẩn bị đất trồng, mật độ trồng

Chuẩn bị đất trồng

Với đất mới khai hoang: Cần cày, rà rễ, cày sâu 20 – 25 cm. Sau đó phơi đất, bón vôi bột, bừa kỹ cho đất tơi, nhặt sạch gốc, rễ cây, cỏ dại vệ sinh đồng ruộng.

Với đất thuần: Bón vôi bột, làm đất nhỏ, tơi xốp.

Tiến hành phân lô thửa, mỗi lô có chiều rộng khoảng 100 m, chiều dài tùy theo địa hình, nhưng không quá 300 m, diện tích mỗi lô tối đa 3 ha.

Đào hố, khoảng cách, mật độ trồng

Kích thước hố trồng 60 x 60 x 60 cm, khoảng 800 – 1.000 hố/ha. Bón lót hố bằng toàn bộ phân chuồng (nếu có) và phân lân. Tùy theo điều kiện đất đai, địa hình và khả năng thâm canh, có thể trồng các mật độ: 1.660 cây/ha: Khoảng cách 3 x 2 m. 1.330 cây/ha: Khoảng cách 3,0 x 2,5 m. 1.100 cây/ha: Khoảng cách 3 x 3 m. 850 cây/ha: Khoảng cách 3 x 4 m.

3. Lên luống, làm bồn

Lên luống

Chiều cao luống: 0,15 – 0,20 m. Mặt luống rộng rộng: 3,0 – 3,5 m. Làm bồn giữ phân, tưới nước trên đất đốc.

Làm bồn

Đây là một biện pháp chăm sóc đặc biệt trong kỹ thuật trồng chanh leo. Làm bồn để duy trì độ ẩm, giúp quá trình bón phân và tưới nước hiệu quả hơn, chống rửa trôi, xói mòn các chất dinh dưỡng hữu cơ trong đất. Làm bồn cao 10 – 15 cm, cách gốc 0,5 – 1,0 m khi cây bước vào thời kỳ cho quả.

4. Làm giàn chanh leo

Kiểu giàn mướp (quy mô nhỏ)

Dùng cột gỗ hoặc bê tông có đường kính 10 – 20 cm (cọc bê tông có thể đổ theo hình trụ vuông). Độ dài cột khoảng 2,6 – 2,8 m; độ cao từ 1,8 – 2,0 m; khoảng cách cột này cách cột kia 4 – 5 m. Các cột chôn cẩn thận và dùng đá chèn chân cột, tránh hiện tượng lốc và gió bão, các cột góc có dây kéo về 2 phía.

Dùng dây thép có đường kính 3 – 4 mm làm dây kết nối ngang dọc nối các đầu cột với nhau. Dùng dây thép có đường kính 1,5 – 2,0 mm nối ngang với diện tích 0,8 – 1,0 m². Khi cây chanh leo bắt đầu leo lên giàn, dùng các cọc tre nhỏ có đường kính 3 – 4 cm chống. Cột chống vừa có tác dụng chống vừa có tác dụng cho cây leo. Nhiều quả có thể dùng cột tre chống thêm vào khoảng cách giữa các cột chính của giàn hoặc tại các vị trí giàn xung yếu. Cách làm giàn này là phổ biến nhất.

Kiểu chữ T (quy mô lớn)

Có hai kiểu giàn chữ T, giàn cọc đơn và giàn cọc đôi.

Giàn chữ T cọc đơn

Khoảng cách cọc cách cọc 3 m. Thanh ngang dài 1,2 – 1,5 m. Có thể đặt chữ thanh ngang ở đầu trên cọc hoặc cách đầu cọc 0,5 m. Chiều cao đỉnh cọc tới mặt đất là 2,5 m; chôn sâu 0,5 m.

Giàn chữ T cọc đôi

Trồng cọc thành từng đôi cách nhau 1 m, thanh ngang 2,5 – 3,0 m. Mỗi đôi cọc cách nhau 4,0 – 4,5 m. Mỗi hàng cọc cách nhau 3,0 – 3,5 m.

Dùng dây kẽm loại 3 – 4 ly, buộc nối các đầu cọc, đầu thanh ngang với nhau. Kẽm nhỏ hơn 1 – 2 ly buộc thành các đường song song trên thanh ngang, mỗi dây cách nhau 50 cm.

4. Cách trồng chanh leo

Nên trồng cây trong điều kiện trời râm, mát. Đào 1 lỗ nhỏ ở giữa hố đã chuẩn bị, bóc bỏ túi, bầu. Tránh không để vỡ túi bầu, nên dùng dao nhỏ sắc rạch bầu, bóc túi bầu.

Đặt cây vào lỗ, lấp đất nhỏ, lèn nhẹ cho đất tiếp xúc tốt với bầu rễ, cây trồng xong cổ rễ ngang với mặt đất, làm bồn tủ gốc, tưới đẫm nước sau khi trồng.

Cách chăm sóc cây chanh leo đúng kỹ thuật

1. Chăm sóc thời kỳ chưa lên giàn và lên giàn

Thời kỳ chưa lên giàn

Làm cỏ sạch sẽ, tưới nước khi gặp thời tiết khô, hạn. Mỗi cây chọn một nhánh tốt nhất trên mắt ghép, các nhánh khác cắt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho cây phát triển nhanh lên giàn.

Thời kỳ lên giàn

Làm cỏ để tránh cỏ dại tranh chấp dinh dưỡng, hạn chế sâu bệnh. Kết hợp sau mỗi lần làm cỏ nên bón phân, buộc dây. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh để có biện pháp phòng bệnh kịp thời.

2. Tưới nước và thoát nước

Chanh leo cần nhiều nước đặc biệt giai đoạn ra hoa và có quả. Tưới bằng cách phun mưa hoặc nhỏ giọt hoặc tưới vào rãnh, đảm bảo cung cấp đủ ẩm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Lượng nước tưới, số lần tưới tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết, thông thường từ 7 – 10 ngày/lần tưới, 20 – 30 lít/gốc, đảm bảo độ ẩm đất từ 50 – 60%. Lên luống, làm rãnh thoát nước mùa mưa, không để úng cục bộ.

3. Bón phân

Lượng phân bón nguyên chất cho 1 hốc/năm

Chanh leo giai đoạn kiến thiết cơ bản 1 – 6 tháng sau trồng: Bón phân hóa học NPK tỷ lệ 2-2-1,5.

Giai đoạn kinh doanh  từ 7 tháng sau trồng trở đi: Bón phân hóa học NPK tỷ lệ 2-1-4.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Lưu ý

Phân lân và phân chuồng bón chia đều 2 lần vào các thời điểm: Miền Bắc bón vào tháng 2 và tháng 9. Miền Nam bón vào đầu mùa mưa (tháng 4, 5) và giữa mùa mưa (tháng 7, 8).

Phương pháp bón

Giai đoạn kiến thiến cơ bản (1 – 6 tháng sau trồng)

Bón lót: Thực hiện bón trước khi trồng từ 25 – 30 ngày. Đào hố xong xử lý đất bằng vôi, dùng phân chuồng hoai trộn lẫn với phân lân, vôi hoặc dùng phân hữu cơ vi sinh để bón lót.

Bón thúc: Bón lấp xung quanh bồn, tránh gây đứt rễ.

Giai đoạn kinh doanh (7 tháng sau trồng trở đi)

Đào rãnh cách gốc 1,0 – 1,2 m; trộn đều các loại phân, bón xong lấp kín đất. Lần bón thứ hai không chồng lên vị trí lần trước.

Nếu không gặp mưa phải tưới nước sau khi bón. Phun thêm các loại phân bón qua lá có chứa các trung, vi lượng như Ca, Mg, S, B, Mo, Fe để thúc đẩy cây sinh trưởng phát triển, kích thích ra hoa đậu quả sau các lần thu hoạch.

Một số công thức phân bón thường dùng

Giai đoạn kiến thiết cơ bản (1 – 6 tháng sau trồng)

Phân đơn bón cho 1 hốc/năm: Ure: 0,45 kg; super Lân: 1,25 kg; KCl: 0,3 kg.

Phân tổng hợp bón cho 1 hốc/năm: NPK 20-20-15: 1 kg; KCL: 0,035 kg.

Giai đoạn kinh doanh (7 tháng sau trồng trở đi)

Lượng phân đơn: Ure: 1kg; super Lân: 1,5kg; KCl: 1,6kg.

Sử dụng phân tổng hợp: NPK 20-20-15: 1,2 kg; Ure: 0,5kg; KCL: 1,3 kg.

4. Tỉa nhánh, bấm ngọn

Tỉa nhánh

Mỗi cây chọn nhánh khoẻ nhất để cho cây nhanh leo lên giàn, cắt bỏ toàn bộ các nhánh khác.

Bấm ngọn

Khi cây leo lên giàn 1 m tiến hành bấm ngọn, để cây ra cành cấp 1, mỗi cây để lại 5 – 6 cành cấp 1 và phân đều trên giàn, cành cấp 1 bò đều trên giàn tiếp tục bấm cành cho cây ra nhiều cành cấp 2 cấp 3 cấp 4.

5. Tỉa cành lá

Cắt tỉa cành, tỉa lá là khâu quan trọng trong cả quá trình chăm sóc chanh leo, nên bạn cần chú ý cắt tỉa đúng lúc, đúng kỹ thuật. Trong mùa mưa cây sinh trưởng mạnh, thông thường 2 tuần phải cắt tỉa 1 lần, mục đích tạo nhiều cành thứ cấp từ thân chính.

Hoa sẽ ra trên các cành thứ cấp, phải hái bớt lá, cắt tỉa nhánh xen kẽ, luôn luôn đảm bảo độ thông thoáng. Cây có quả, hái toàn bộ số lá già, cắt tỉa cành vô hiệu, thời gian bắt đầu cắt tỉa, sau trồng từ 4 – 5 tháng và khi bước vào thu hoạch.

Khi những cành phân nhánh bám theo dây kẽm thì không bấm ngọn đối với cành này, để nuôi những cành thứ cấp ra hoa, đậu quả. Khi những cành thứ cấp ra hoa và đậu quả rủ xuống, nuôi từ 4 – 6 quả trên 1 cành, cắt ngọn cành buông xuống, cắt cách quả cuối cùng khoảng 2 mắt lá.

Cắt tỉa những cành sát đất và cành già để kích thích chồi non mọc sau. Không được để cành đan chéo vào nhau (cành chính trên dây kém, cành phụ buông xuống phía dưới đất). Sau mỗi đợt thu hoạch quả cần cắt bỏ các cành đã thu quả, các cành sâu bệnh, các cành vô hiệu, tạo điều kiện phát triển các cành thứ cấp mới. Sau 1 năm ra quả cần cắt, đốn hết cành cấp 3, cấp 4 trên mặt giàn. Cắt toàn bộ các cành rủ xuống dưới giàn, sau khi cắt vệ sinh sạch sẽ các cành trên giàn và dưới đất.

Thu hoạch, bảo quản chanh leo

Để đạt năng suất cao nhất thì chỉ nên khai thác kinh doanh cây chanh leo 2 năm. Sau 2 năm thu hoạch quả, cần cải tạo vườn và trồng mới lại. Một năm thu hoạch 5 – 7 lứa, tùy điều kiện chăm sóc. Khi quả chuyển màu từ xanh sáng sang màu phớt hồng tiến hành thu hái.

Quả chín sinh lý, vỏ quả có màu tím, chất lượng quả đảm bảo cho chế biến. Sau thu gom 1 – 2 ngày, quả có màu tím thì đem chế biến. Khi thu hái quả nên bỏ quả vào thùng, sọt rồi đặt nơi khô ráo, mát mẻ. Quả trước khi đem chế biến phải làm sạch, loại bỏ sâu bệnh, không chất đống, vận chuyển đến nơi chế biến trong ngày. Nếu để lâu phải có kho lạnh bảo quản chanh leo.

Việc thực hiện đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc sẽ giúp người trồng ổn định thu hoạch trong vòng 2 năm. Sau đó người nông dân cần phải cải tạo đất, để trồng vụ chanh leo mới. Bài viết trên đây đã chia sẻ tới bạn kinh nghiệm trồng chanh leo cho hiệu quả cao. Hi vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp ích cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu, trồng chanh leo năng suất cao.

3.7/5 - (4 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!