Sau tết, bạn đừng vội bỏ đi cây đào. Bởi nếu biết cách trồng đào sau tết, bạn có thể tận dụng cây để chưng tết sang năm.
Ở khu vực miền Bắc, miền Trung, khi Tết đến, đào là loại cây không thể thiếu của mỗi gia đình. Tuy nhiên, khi Tết qua đi mọi người hầu như đều vứt bỏ cây đào đó. Với hướng dẫn của Tiến sĩ Phạm Thị Liên – chuyên gia Hoa cây cảnh, mobiAgri sẽ giúp bạn tận dụng được cây đào này cho mùa Tết năm sau vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường.
Hoa đào thường được chưng vào mỗi dịp tết đến xuân về với ý nghĩa giúp xua đuổi tà ma, mang đến cho gia chủ một năm mới an lành, hạnh phúc. Ngoài ra, hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi và nảy nở. Đây cũng là biểu tượng cho sự thuận hòa và đoàn kết hay sự an khang và thịnh vượng. Cũng bởi nhiều ý nghĩa tốt đẹp như vậy mà hầu hết trong các gia đình đều chưng những cây đào trong ngày tết cổ truyền.
Nội dung bài viết
Cách trồng đào sau tết đúng kỹ thuật
Tuy nhiên, sau khi hoa đào đã tàn, nhiều gia đình thường bỏ cây đi. Điều này khá lãng phí bởi bạn có thể tận dụng cây cũ để chưng cho tết sang năm. Nhờ cách trồng đào sau tết dưới đây, bạn sẽ có một cây hoa đào khỏe mạnh, thế đẹp và ra hoa đúng thời điểm.
Gom cây
Trước hết, bạn cần thực hiện gom cây đào sau tết. Khoảng từ 15 âm lịch, những cây hoa đào đã kém rực rỡ, hoa bắt đầu rụng và tàn lụi dần. Bạn cần đi thu gom những gốc đào đẹp sau tết đã đỡ tốn tiền mua giống lại nhẹ công ươm trồng. Những gốc đào được thu gom thường là gốc đào to, thế đẹp. Đây là những gốc đào được nhiều nhà vườn săn lùng và họ tốn hàng năm trời mới trồng được những gốc đào to, thế đẹp.
Làm tươi cây sau khi bị kiệt sức
Những gốc đào sau khi được thu gom sẽ cần có thời gian “hồi sức”. Do đó, chủ nhà cần để cây trong bóng mát, tưới nước đầy đủ, sau vài ngày mới hạ đất trồng bầu. Thời gian “hồi sức” thường mất khoảng vài tuần.
- Nên tiến hành phục hồi cây càng sớm càng tốt (nên bắt đầu từ ngày 5 – 10/1 âm lịch, muộn nhất là ngày 20/1 âm lịch).
- Đặt cây vào nơi râm mát tránh ánh nắng trực tiếp. Cắt bớt cành lá, tưới nước cho cây
- Sau 5 – 7 ngày, trồng cây lại vào đất hoặc trồng vào chậu.
- Khoảng 2 – 3 tuần cây hồi sức, bắt đầu tiến hành chăm sóc, cắt tỉa tán, thế theo ý muốn của người trồng. Việc chăm sóc, cắt tỉa rất đơn giản vì các cây đều có sẵn dáng, thế.
Chuẩn bị đất
Chọn khu đất cao ráo trong vườn, thoát nước tốt. Trước khi trồng cây đào bạn nên làm đất tơi xốp, đánh luống cao khoảng 25cm, tạo thêm rãnh để thoát nước tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng phân bón giúp cây phát triển rễ mới khỏe mạnh hơn, giúp cây sống được lâu hơn.
Đất trồng đào tơi, xốp, thành liếp cao, tránh ngập úng. Đất thích hợp nhất là đất thịt pha sét có độ pH từ 6 – 7,5. Khoảng cách trồng tùy thuộc vào tán của cây to hay nhỏ, khoảng cách đảm bảo cho cây không bị che lấp nhau nhưng tránh quá thưa gây lãng phí đất.
Đánh bầu
Bạn nên lưu ý công đoạn đánh bầu, chuyển đất từ cây đào trong chậu ra vườn trồng. Bạn có thể để đào trong chậu cũ nhưng nên thêm vào đó hỗn hợp đất mới. Đất được thêm vào có tỉ lệ 3 phần đất trộn, 1 phần phân bón hữu cơ.
Cách chăm sóc sau khi trồng đào sau tết
Sau khi trồng lại đào sau tết, bạn cần chăm sóc đúng cách để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa trong năm sau.
Cắt tỉa cành
Trồng xong cây đào, bạn cần cắt cành ngay lần đầu tiên. Bạn cần cắt sát cành lớn để những cành nhỏ nảy lên nhiều hơn, cho nhiều hoa hơn. Nếu để cành quá già, việc cắt sẽ trở nên khó khăn hơn và hoa cũng sẽ kém hơn. Đều đặn mỗi tháng bạn cần cắt nhẹ một vài lần cho tới tháng 6 âm lịch mới dừng.
Thúc cây và hãm cây
Không phải lúc nào những cây đào cũng sẽ ra hoa đúng vào thời điểm mong muốn. Do đó, bạn cần dựa vào tình hình phát triển của cây và thời tiết từng năm để lên lịch thúc và hãm cây phù hợp.
Thúc cây
Việc thúc cây thường diễn ra vào khoảng tháng 12 âm lịch, khi các nụ hoa chưa nhú, hoa lúc này khả năng sẽ nở chậm. Do đó bạn cần tưới phân đạm hay ure vào gốc cây, tưới thêm nước nóng khoảng 35 độ C.
Hãm cây
Vào khoảng tháng 11 âm lịch, nếu thấy nụ hoa đã lớn, bạn cần hãm sự phát triển của cây bằng cách che nắng, tạo bóng tối để cây phát triển chậm lại. Ngoài ra, bạn cũng có thể hãm cây vào tháng 8 âm lịch. Bạn dùng sao sắc khía một vòng cho đứt vỏ, lộ phần gỗ ở gần cổ của cây đào. Sau 1 tuần lá sẽ hơi chuyển sang xanh nhạt và rủ xuống. Đây là lúc bạn đã hãm cây thành công.
Bứt lá
Nếu muốn hoa đào nở đẹp vào dịp tết, bạn cần tuốt lá của cây. Đối với hoa bích đào thời gian tuốt khoảng từ đầu đến giữa tháng 11 âm lịch. Còn hoa bạch đào thường tuốt từ đầu đến giữa tháng 10 âm lịch.
Lưu ý khi tuốt không làm hỏng mắt hoa ở cuối nách của lá. Do đó, để cẩn thận bạn nên bứt từng lá để khỏi ảnh hưởng đến mầm hoa.
Phòng bệnh
Trong quá trình trồng, cây đào thường mắc các bệnh phổ biến như rụng lá, vàng lá do nhện đỏ; lở cổ rễ hay đốm lá, bị rệp ăn lá… Với từng bệnh bạn cần dùng các loại thuốc phù hợp để phòng trừ.
Tạo tán và tạo thế
Ngoài ra, để tạo thế cây đào bạn cần tiến hành liên tục. Khoảng từ 5 đến 7 ngày bạn cần tiến hành uốn, buộc các cành non vào nhau để tạo theo thế đã định. Bên cạnh đó, cũng cần cắt bỏ những cành ngoài ý muốn để cây được đẹp hơn.
Trên đây là cách trồng đào sau tết đúng kỹ thuật, giúp cây ra hoa đúng tết đẹp không kém nhà vườn. Vậy nên, biết tận dụng những cây đào cũ, bạn sẽ có những chậu hoa đẹp mà tiết kiệm chi phí.