Dưa chuột là loại rau quả dễ trồng, không tốn quá nhiều công chăm sóc, có thể dùng chế biến món ăn, đồ uống hay để làm đẹp. Điều kiện khí hậu ở nước ta rất thích hợp để trồng loại rau quả này, có thể trồng quanh năm với cách trồng, chăm sóc khá đơn giản. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống dưa leo khác nhau, tùy thuộc vào sở thích của bạn mà lựa chọn giống để trồng. Tại bài viết dưới đây bạn có thể tìm hiểu cách trồng dưa chuột đơn giản nhất, dễ áp dụng, dễ thành công đạt năng suất và chất lượng.
Dưa chuột có thể trồng nhiều vụ trong năm tùy theo đặc điểm khí hậu từng vùng, nhưng trồng tập trung chủ yếu trong 2 vụ chính sau:
Vụ Xuân hè: Gieo hạt giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, thu hoạch từ trung tuần tháng 4 đến hết tháng 5.
Vụ Thu đông: Gieo hạt từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, thu hoạch tháng 11 đến tháng 12.
Riêng các tỉnh phía Nam, thời vụ trồng rộng hơn, có thể gieo từ tháng 9 đến tháng 11, thu hoạch hết tháng 1.
Chuẩn bị trước khi trồng dưa chuột
Giá thể
Giá thể là hỗn hợp các thành phần: Xơ dừa (30%), trấu hun (20%), phân trùn quế/bã nấm hoai mục (50%).
Hỗn hợp giá thể.
Giá thể được tái sử dụng lại sau mỗi vụ trồng. Cách ủ lại giá thể: Giá thể sau mỗi vụ được bổ sung thêm phân trùn quế/bã nấm hoai mục (10%), xơ dừa (10%), trấu hun 10%. Sử dụng chế phẩm ủ giá thể như Trichoderma, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi ủ 6 tháng, giá thể được đem sử dụng cho vụ trồng mới. Có thể dùng giá thể Tribat bán sẵn trên thị trường, tuy nhiên mua giá thể đã phối trộn sẽ tăng chi phí.
Phân bón lót
Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.
Nên dùng các loại phân hữu cơ đã qua xử lý.
Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho dưa chuột.
Cây giống
Cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn.
Cây giống phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn cây con khi đem trồng: cây phải đồng đều, bắt đầu ra lá thật hoặc được 1 lá thật, không dập nát, cây mập, khỏe và sạch sâu bệnh.
Dụng cụ trồng
Chọn chậu có đường kính ít nhất 25 cm và độ sâu tương đương. Nếu muốn trồng nhiều cây trong cùng một chậu, bạn cần chậu có đường kính ít nhất 50 cm và có dung tích 20 lít.
Đa dạng các loại chậu trồng, nhưng cần chọn loại có lỗ thoát nước.
Nếu đặt chậu cây ngoài trời, nên chọn chậu to hơn để giữ độ ẩm hiệu quả hơn. Tuy dưa chuột là giống cây ưa nước, nhưng nước úng có thể làm tổn thương rễ cây, do đó nên tìm chậu có sẵn lỗ thoát nước. Nếu chậu cây không có lỗ thoát nước, hãy dùng khoan để khoan lỗ dưới đáy chậu.
Cách trồng dưa chuột
Nên trồng cây vào buổi chiều mát, khi trồng cần lấp kín gốc và ấn nhẹ gốc, tưới đủ ẩm cho cây ngay sau khi trồng. Khoảng cách đặt bầu: hàng cách hàng 0,8 m (với 1 hàng bầu/luống), bầu cách bầu 30 – 40 cm. Mật độ: 30.000 – 32.000 cây/ha, tương đương trồng khoảng 3 cây/m².
Chế độ chăm sóc cây dưa chuột
Bón phân
Lượng phân bón nguyên chất cho cả vụ
Lưu ý: Tùy thuộc vào giống, vùng sản xuất, mùa vụ, chân đất lượng phân có thể thay đổi. Tùy thuộc vào pH của đất thì nên bón vôi với lượng thích hợp. Nếu đất sét nhiều chất hữu cơ: pH từ 3,5 – 4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha; pH từ 4,6 – 5,5 bón 1 tấn vôi/ha; pH = 5,6 – 6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha; pH > 6,5 không cần bón vôi. Đối với đất cát, ít chất hữu cơ: pH = 3,5 đến 4,5 bón < 1 tấn vôi/ha; pH = 4,6 – 5,5, bón < 0,5 tấn vôi/ha; pH = 5,6 – 6,5, bón < 250 kg vôi/ha; pH > 6,5 không cần bón vôi.
Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây
Phương pháp bón
Bón lót: Sau khi đất đã được lên luống xong, có thể rạch theo hàng với độ sâu 20 cm và bón phân. Lấp đất kín phân để trồng cây, bón lót trước khi trồng 1 – 2 ngày.
Bón thúc:
Đợt 1: Sau khi mọc 15 – 20 ngày, cây có 5 – 6 lá thật. Có thể hòa nước tưới hoặc bón theo hốc cách gốc cây 10 cm. Sau bón lấp kín phân, tưới nước đủ ẩm để hoà tan phân, kết hợp vun xới phá váng.
Đợt 2: Sau mọc 30 – 35 ngày.
Đợt 3: Sau mọc 45 – 50 ngày (sau khi thu quả đợt đầu), hòa nước tưới hoặc rắc phân cách xa gốc dưa chuột 10 cm kết hợp tưới thấm vào buổi chiều mát.
Bón bổ sung hoặc phun bổ sung các loại phân bón lá, phân vi lượng đặc biệt Borat sau khi cây hồi xanh đến trước khi thu hoạch để cây sinh trưởng phát triển tốt hơn. Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất
Phân đơn: Phân Urê, Supe Lân, Kalisunfat…
Phân tổng hợp: NPK 16-16-8, NPK 28-10-10, NPK 20-20-20, NPK 17-9-27…
Tưới nước
Khi cây mới trồng, thường xuyên tưới nhẹ nước cho cây mau bén rễ hồi xanh. Thường xuyên duy trì đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường.
Vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước.
Làm giàn, tỉa cành, tạo tán
Sau trồng 25 – 30 ngày tiến hành cắm giàn cho dưa chuột. Khi cây bắt đầu ra tua cuốn, khi cây có thân lá phát triển tốt, thường xuyên buộc cây để tránh cây đổ, gục ngã bảo vệ các tầng quả không bị chạm đất gây bụi bẩn, dễ nhiễm sâu bệnh. Có thể sử dụng các loại cọc như tre, nứa, gỗ, sắt hoặc bê tông,… để làm giàn, tùy theo diện tích trồng. Chuẩn bị lưới để giăng lên giàn.
Khi chuẩn bị, cần chú ý chọn cọc thích hợp để tạo độ cao của giàn. Độ cao cây cọc khoảng 1,5 – 2,5 m. Giàn đặt ngoài trời, bạn lưu ý sử dụng loại dây chắc, bền có thể chịu được thời tiết nắng và mưa gió.
Cách làm giàn
Chú ý làm giàn dưa chuột phải chắc chắn, dưa có thể leo bám mà không bị đổ. Giàn càng chắc, gốc cây càng cố định tốt, giúp cây phát triển tối ưu, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao hơn. Nếu trồng trong thùng xốp tại nhà, cũng có thể làm giàn nghiêng tựa gần vào vách tường, lan can rồi cắm cọc giăng lưới cho cây leo.
Làm giàn kiểu chữ A
Bước 1: Cố định các cọc tre xuống đất, tạo khung sườn của giàn như hình chữ A. Liên kết khung sườn giàn lại với nhau bằng dây kẽm hoặc dây cước.
Bước 2: Dùng các tấm lưới vắt lên xà ngang bên trên khung sườn của giàn, kéo căng và trải lưới giàn đều nhau, sau đó cố định lưới bằng cách dùng dây cước buộc vào khung sườn của giàn.
Làm giàn đứng
Bước 1: Cắm các cọc xuống đất theo kiểu hình 2 chữ I, mỗi cọc song song với nhau và cách nhau khoảng 2 – 3 m.
Bước 2: Giăng dây vào nóc trên của các cọc và phía dưới mép chân cọc tạo khung sườn cho giàn.
Bước 3: Giăng lưới cho giàn, buộc các góc lưới vào các dây chằng liên kết trên – dưới cột của khung sườn của giàn. Cột cố định dây, luồn biên vào dây chằng liên kết trên, các mối cột cách nhau 0,5 m.
Bước 4: Dùng tấm lưới lớn, kéo căng ra như trải bạt che nắng để phủ nóc cho giàn. Nếu không muốn phủ nóc thì bạn có thể bỏ qua bước này.
Thường xuyên buộc cây dưa chuột lên giàn để tránh cây gãy ngọn, mọc um tùm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Giai đoạn khi cây leo lên giàn, cần chú ý chỉnh sửa dây phân bố đều, tỉa bỏ những nhánh gốc, nhánh nhỏ, nhánh sâu bệnh để giàn cây được thông thoáng và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Tỉa, giặm
Một tuần sau khi trồng, bạn chú ý kiểm tra cây. Nếu thấy cây nào héo và khó hồi phục hãy nhổ bỏ và trồng lại.
Khi trồng lại, bạn lấy cây giống từ nguồn dự phòng khi gieo giống, nếu không có thì mua cây giống mới. Cây trồng giặm được chọn phải đạt tiêu chuẩn: Cây to, khỏe, cứng cáp, rễ thẳng, không dị hình, không sâu bệnh, không dập nát, cây sau gieo 10 – 13 ngày.
Thu hoạch dưa chuột
Dùng các xô nhựa, khay, sọt sạch để thu quả. Quả sau khi phân loại được xếp vào khay, sọt có kích thước phù hợp.
Tránh để quả bị giập nát, xây sát hoặc tiếp xúc với đất. Chuyển quả về nơi sơ chế để bao gói. Trước khi đóng gói cần loại bỏ các quả bị sâu bệnh, xây xát, phân cấp quả, đóng theo túi (0,5 kg, 1 kg, 2 kg).
Có thể dùng bao bì bằng màng co hoặc túi polyetylen có đục lỗ để đựng. Ghi nhãn theo quy định. Bảo quản sản phẩm nơi thoáng mát.
Như vậy bài viết trên đã tổng hợp kiến thức trồng dưa chuột tại nhà, bằng kỹ thuật đơn giản đã được hướng dẫn bạn có thể tự trồng và cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Chúc bạn trồng thành công, đạt hiệu quả cao khi áp dụng những thông tin đã được chia sẻ tại bài viết.