Hành tây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, các loại vitamin rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể dễ dàng trồng hành tây tại nhà với phương pháp kỹ thuật vô cùng đơn giản, năng suất cao. Để đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, xin mời tìm hiểu chi tiết cách trồng hành tây tại bài viết dưới đây
Nội dung bài viết
Thời vụ gieo trồng hành tây
Hành tây ăn củ là chính nên thời vụ gieo trồng phụ thuộc nhiều vào thời kỳ hình thành củ. Củ hành tây phát triển tốt ở nhiệt độ 18 – 20°C, thời gian chiếu sáng tối thiểu 10 tiếng/ngày. Với thời tiết ở nước ta, vụ cho hành tây năng suất cao nhất là vụ thu đông. Vụ xuân hè năng suất thấp hơn.
Vụ thu đông (vụ chính): Vụ sớm, gieo vào cuối tháng 8, trồng cuối tháng 9. Chính vụ gieo từ giữa tháng 9, trồng từ giữa tháng 10 đến hết tháng 10. Vụ muộn, gieo cuối tháng 9, trồng cuối tháng 10 đến đầu tháng 11.
Vụ xuân hè (trái vụ): Gieo tháng 3 – 4, trồng tháng 4 – 5.
Chuẩn bị trước khi trồng hành tây
Chuẩn bị dụng cụ trồng
Chuẩn bị khay trồng hoặc thùng xốp, chậu nhựa, chậu xi măng, chai nhựa có lỗ thoát nước. Độ sâu của các dụng cụ trồng 15 – 20 cm.
Chuẩn bị giá thể
Hành rất dễ chết vì ngập úng nên đất trồng phải tơi xốp, thoát nước tốt. Có thể mua các loại đất được trộn sẵn ở các cửa hàng bán phân bón, các trang trại hoa – cây cảnh.
Cách trộn giá thể trồng hành tây: 5 phần đất nền + 3 phần giá thể tạo xốp + 2 phần phân bón. Hoặc 4 phần đất nền + 1 phần giá thể tạo xốp + 1 phần phân bón. Cho giá thể đã trộn vào dụng cụ trồng, độ dày giá thể từ 12 – 15 cm. San phẳng bề mặt đất, nhấn nhẹ, chú ý nhấn ở các góc của chậu.
Chuẩn bị cây giống
Trồng hành tây nên trồng từ cây con. Bạn không nên gieo trực tiếp từ hạt vì thời gian chăm sóc cây con khá dài, bạn phải mất nhiều chậu để gieo, tốn giá thể, tốn công chăm sóc và các chi phí khác.
Tiêu chuẩn cây giống: Cây mọc được 30 – 35 ngày, có 2 – 3 lá thì nhổ, cây cứng, lá xanh, không sâu bệnh, không dị tật thì đem trồng.
Cách trồng hành tây tại nhà
Để hành tây có củ to, cần trồng hành đúng kỹ thuật, đảm bảo mật độ, hạn chế cây chậm hồi phục sau trồng. Các bạn thực hiện các bước trồng hành tây được thực hiện như sau:
Bước 1: Nhúng rễ cây con vào dung dịch nấm đối kháng Trichoderma hoặc chiết xuất dung dịch tỏi đã pha để hạn chế bệnh hại và kích thích bộ rễ phát triển.
Bước 2:Tùy theo độ rộng của chậu hoặc khay, thùng xốp có thể trồng từ 2 cây trở lên trong 1 chậu, đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 15 – 20 cm. Khi trồng dùng ngón tay moi một hố sâu khoảng 3 – 5 cm, rộng 4 – 5 cm để đặt cây con.
Bước 3: Đặt cây con vào hố trồng. Một tay giữ cây con thẳng đứng, một tay lấp đất nhỏ vào hố xung quanh cây con (2 – 3 cm).
Bước 4: Hai bàn tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây con.
Bước 5: Dùng tay xoa phẳng đất mặt luống. Tiếp tục trồng cây khác.
Lưu ý:
- Đất trước khi trồng phải đủ ẩm.
- Nên trồng vào những ngày râm mát hoặc lúc chiều mát là tốt nhất.
- Trồng ngay hàng thẳng lối, đúng khoảng cách, mật độ đã xác định.
Cách chăm sóc hành tây
Tưới nước
Cây hành tây có bộ rễ kém phát triển, kém chịu điều kiện yếm khí, kém chịu úng do vậy các biện pháp kỹ thuật liên quan đến chế độ tưới nước là rất quan trọng. Tùy theo điều kiện thời tiết, những ngày đầu có thể tưới nước cho cây mỗi ngày/12 lần vào sáng sớm và chiều mát.
Các ngày sau tưới mỗi ngày/lần hoặc 2 – 3 ngày/lần, duy trì độ ẩm 70 – 80%. Tưới dưới gốc, không tưới lên lá. Độ ẩm đất dưới 50% (lớp đất trên mặt khô trắng) cần tưới ngay, trên 80% cần tiêu nước.
Cách thử độ ẩm bằng tay: Nắm đất nếu có nước qua kẽ tay là độ ẩm cao. Nếu đất tơi, rời là khô; nếu nắm lại đất không tở ra là độ ẩm phù hợp.
Khi tưới bạn xem xét độ thấm của nước, nước tưới phải thấm đến hết tầng rễ ở trong chậu, thùng. Nếu nước chưa thấm hết tầng rễ thì bạn vẫn phải tiếp tục tưới. Nếu tưới vượt quá tầng rễ và thấm qua thùng chậu thì bạn phải tăng số lần tưới và giảm lượng nước tưới mỗi lần.
Giặm cây
Sau khi trồng 5 – 7 ngày, cây hành mọc và hồi xanh, cần kiểm tra chậu trồng để giặm những cây bị chết bằng cây giống mới vào nơi thiếu cây. Việc giặm phải được thực hiện sớm để cây mọc đồng đều.
Làm cỏ
Cỏ được làm thường xuyên. Khi làm cỏ cần kết hợp loại bỏ cây bệnh, lá bệnh, luôn để cây được thông thoáng. Dùng tay nhẹ nhàng nhổ cỏ tránh để ảnh hưởng đến cây hành.
Xới và bổ sung giá thể
Xới nhẹ không ảnh hưởng đến rễ cây khi thấy giá thể có hiện tượng bị dí chặt. Bổ sung thêm giá thể để lấp kín chân cây hành, kết hợp với các lần bón thúc.
Xới vào những ngày thời tiết không mưa. Xới nhẹ quanh mép chậu, không xới sâu và sát ảnh hưởng đến rễ hành tây.
Hành tây có thể xới từ 3 – 4 lần tùy theo từng giống:
- Lần 1: Sau trồng 10 – 15 ngày, xới sâu rộng khắp mặt luống, kết hợp bón thúc đạm lần 1.
- Lần 2: Sau trồng 25 – 30 ngày, bón thúc lần 2.
- Lần 3: Sau trồng 40 – 45 ngày xới hẹp xung quanh gốc, bón thúc lần 3.
Bón phân
Bạn nên mua phân hữu cơ nguồn gốc động vật xử lý nhiệt (như Fetiplus, Melgert, Nature,…), hoặc phân hữu cơ vi sinh của các hãng như Sông Giang, Bình Điền, Humix… hoặc cũng có thể tự làm phân hữu cơ tự làm tại nhà.
Cách thu hoạch và bảo quản hành tây
Thu hoạch
Khi thấy lá hành đã chuyển sang màu vàng, có 70 – 80% cây tự đổ nghiêng, rủ xuống thì tiến hành thu hoạch. Nhổ cả cây, tránh dập nát. Sau khi làm sạch đất cát, loại bỏ lá già, lá bị sâu, phơi nắng 1 – 2 giờ rồi buộc túm treo trên dây trong nhà nơi thoáng mát.
Sơ chế
Khi thấy vỏ ngoài của củ đã khô, mỏng chuyển màu vàng nâu sáng thì cắt bỏ thân lá, chỉ để đoạn thân dài khoảng 3 – 4 cm.
Bảo quản
Bảo quản trong nhà đặt nơi cao, khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên kiểm tra loại bỏ các củ có triệu chứng hư thối tránh lây nhiễm.
Để tạo điều kiện giúp cây hành tây sinh trưởng tốt, hiệu quả cao hãy tìm hiểu kỹ thuật và chăm sóc hữu ích tại bài viết này. Việc áp dụng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp việc canh tác đồng bộ, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống của người nông dân.