Hoa tử đằng là loại hoa đẹp, được trồng để trang trí sân vườn hay cổng nhà, ban công, khuôn viên công cộng,… Hình ảnh hoa tử đằng tim tím, nở thành từng chùm tạo nên khung cảnh lãng mạn đã đi vào trong bao bộ phim ảnh. Vẻ đẹp cùng hương thơm quyến rũ của loài hoa này khiến nhiều người muốn trồng tại nhà. Giống cây này có nguồn gốc từ Châu Á và hiện tại được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong bài viết này hãy cùng mobiAgri đi tìm hiểu thông tin về hoa tử đằng, kỹ thuật trồng hoa đúng cách để mang lại vẻ đẹp lãng mạng cho khu vườn của bạn.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu thông tin cây hoa tử đằng
Cây hoa tử đằng thuộc họ đậu, tên khoa học là Wisteria sinensis. Tên tiếng Anh của loài cây này là Chinese wisteria. Nó được cho là có nguồn gốc từ châu Á và được trồng rộng rãi tại Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, loài cây này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng 6-7 năm gần đây. Thường nở hoa vào tháng 4, tháng 5 và tháng 6, hoa tử đằng mọc thành những chùm hoa lớn có màu sắc rực rỡ và bắt mắt, tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng cho cảnh quan vườn nhà và khuôn viên công cộng.
Hoa tử đằng là dạng cây thân leo, lá mềm, thuôn dài khoảng từ 15 đến 35cm và có hình dạng lông chim đối xứng. Vào cuối thu hoặc đầu đông, lá của hoa tử đằng thường rụng, sau đó nảy chồi ra hoa. Rễ của hoa tử đằng là loại rễ cọc, không phân rễ phụ, điều này giúp rễ cây đâm sâu vào lòng đất, sống lâu năm.
Đặc điểm của hoa tử đằng là thường nở thành những chùm hoa nhỏ, rủ xuống tạo ra vẻ đẹp quyến rũ nhẹ nhàng, thường có chiều dài khoảng từ 10cm đến 80cm. Các loài hoa tử đằng có màu sắc đa dạng như tím, trắng, hồng và sở hữu một mùi hương đặc trưng khiến nhiều người mê đắm. Thông thường, cây tử đằng sẽ ra hoa sau khoảng 4 – 5 năm khi được trồng.
Chuẩn bị trước khi trồng hoa tử đằng
Thời vụ trồng: Thời gian trồng hoa tử đằng thích hợp từ tháng 3- tháng 4 hàng năm. Thời tiết khoảng thời gian này khá mát mẻ, độ ẩm phù hợp thích hợp để trồng hay nhân giống hoa tử đằng.
Đất trồng: Cây hoa tử đằng có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhìn chung khá dễ trồng và thích nghi. Cây có thể phát triển trên đất cằn cỗi, tuy nhiên nếu trồng trên đất tơi xốp được trộn thêm phân bón. Bạn có thể giúp đất trở nên giàu dinh dưỡng, tăng khả năng thoát nước bằng cách trộn thêm phân bón, xơ dừa, mùn cưa.
Dụng cụ trồng: Cây hoa tử đằng là loại cây thân gỗ, lâu năm vì vậy nên trồng trực tiếp ra đất. Nếu trồng trong chậu phải chọn chậu lớn và tiến hành đổi chậu hàng năm, để phù hợp với kích thước phát triển của cây.
Chọn giống trồng: Cây tử đằng có thể được trồng từ cây chiết hoặc hạt giống. Để chiết cây tử đằng, bạn nên chọn cây mẹ có độ phát triển tốt, cứng cáp, mập mạp và không bị sâu bệnh. Nếu bạn muốn trồng từ hạt giống, hãy lựa chọn những hạt to, đều, mẩy và không có dấu hiệu sâu bệnh để đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển sau này của cây.
Kỹ thuật trồng hoa tử đằng
Có thể trồng hoa tử đằng bằng 2 cách, trồng bằng hạt hoặc chiết cành trồng cây con. Cụ thể từng phương pháp nhân giống được giới thiệu dưới đây.
Kỹ thuật trồng tử đằng bằng hạt
Để trồng cây tử đằng từ hạt giống, bạn cần ngâm hạt trong nước từ 24-30 giờ để vỏ nứt. Sau đó vớt ra rửa lại với nước sạch, rồi đem đi ủ trong chậu cây hoặc luống đất với mùn. Cách ủ đơn giản nhất, được nhiều người áp dụng, đó là rắc hạt giống vào chậu, phủ một lớp mùn mỏng lên trên. Hàng ngày cấp ẩm bằng cách phun sương để kích thích khả năng nảy mầm. Nên đặt chậu ở nơi có ánh sáng để giúp hạt nảy mầm nhanh hơn.
Sau khoảng 4-7 ngày, hạt sẽ nảy mầm và khi cây non cao khoảng 10cm, bạn nên tách từng cây ra thành các chậu riêng để cây có không gian phát triển. Với cây non dưới 1 tháng tuổi nên đặt chúng ở bóng râm, tuy nhiên cây vẫn cần phải nhận được ánh nắng mặt trời với lượng vừa đủ.
Khi cây phát triển lớn hơn, bạn có thể đem đi phơi nắng khoảng 5-8 giờ mỗi ngày. Nên tưới nước thường xuyên cho cây vì tử đằng là giống cây ưa ẩm, lá mỏng và thoát nước nhanh.
Kỹ thuật trồng tử đằng bằng cách chiết cành
Chiết cành để sử dụng cây con trồng là phương pháp phổ biến, hiệu quả. Chọn chiết cành giống từ những đoạn cây chưa phát triển thành thân gỗ, có ít nhất 2-3 bộ lá trên đoạn cắt và có chiều dài khoảng 15cm. Sau đó, cắt đoạn cây và cắm sâu 1/2 cành giâm xuống luống đất hoặc bầu đất đã chuẩn bị trước đó. Để cây mọc rễ nhanh hơn, bạn có thể nhúng cành giâm vào hormone kích thích mọc rễ N3M trước khi cắm xuống đất. Cây nên được trồng ở nơi có ánh sáng nhẹ và thường xuyên được tưới nước.
Sau khoảng từ 2 đến 5 tuần, cây hom cành sẽ ra rễ. Lúc này, bạn nên sử dụng cọc chống để giữ cho cây thẳng và không bị đổ khi cây phát triển cao hơn. Khi cây đã đạt 1 năm tuổi, bạn có thể trồng nó vào chậu hoặc trồng trực tiếp xuống đất.
Chế độ chăm sóc cây hoa tử đằng
Điều kiện về độ ẩm: Cây tử đằng có thể sống trong điều kiện cằn cỗi và khô, nhưng để cây sinh trưởng mạnh mẽ thì đất cần phải có độ ẩm vừa phải, đất màu mỡ và độ thoát nước tốt. Tưới nước cho cây thường xuyên, khoảng 1-3 ngày/lần tùy thuộc vào thời tiết. Tránh tưới quá nhiều nước, vì nếu cây ở trong tình trạng ngập nước quá lâu, rễ cây có thể bị thối và gây chết cây.
Điều kiện về ánh sáng: Cây tử đằng thích hợp với ánh sáng mặt trời trực tiếp. Nếu trồng cây trong bóng râm, cây sẽ phát triển chậm và khó nở hoa. Khi mới trồng cây, cần phải tắm nắng cho cây thường xuyên khoảng 5-8 giờ mỗi ngày để cây phát triển tốt. Khi cây đã lớn, bạn có thể để cây ở ngoài trời.
Làm giàn để cây phát triển: Cây tử đằng là loại cây có thân gỗ, nên khi cây trưởng thành, nó có trọng lượng rất nặng. Khi làm giàn cho cây, cần đảm bảo dàn có thể chịu được trọng lượng của cây. Bạn có thể sử dụng tường rào bê tông, sắt thép, lưới B40 hoặc gỗ áp lực có đường kính ít nhất 15cm để làm dàn cho cây.
Phòng chống sâu bệnh cho cây: Những loại bệnh thường gặp ở cây tử đằng như: Chết mầm non, úng rễ, thối rễ, bệnh đốm lá, sâu bệnh và côn trùng, bọ cánh cứng Nhật Bản tấn công. Bạn có thể sử dụng thuốc diệt nấm hữu cơ hoặc thuốc trừ sâu để phòng trị sâu bệnh hại. Cần thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện và xử lý các bệnh hại kịp thời trước khi gây ra thiệt hại lớn hơn.
Lưu ý: Hoa tử đằng sở hữu vẻ ngoài tuyệt đẹp, tuy nhiên cũng chứa một lượng độc tố lớn trừ bông hoa. Vì vậy nếu sơ ý ăn phải lá hay quả của loại cây này thì sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, thậm chí có thể mất mạng nếu ăn với liều lượng lớn và không xử lý kịp thời. Vì vậy nếu bị ngộ độc do loại cây này hãy đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị.
Như vậy thông qua bài viết bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về loài hoa tử đằng. Cách trồng hoa tử đằng có thể thay đổi tùy theo kinh nghiệm hay góc nhìn của chuyên gia. Tuy nhiên bạn có thể áp dụng cách trồng phổ biến nhất, được giới thiệu trong bài.