Cách trồng khoai tây đúng kỹ thuật tại nhà cho năng suất cao

Khoai tây là loại củ nhiều dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Ngoài ra khoai tây còn được sử dụng làm nguyên liệu để làm đẹp da, tóc. Trồng khoai tây không khó, dù theo quy mô nhỏ hay sản xuất kinh doanh. Để có được một vườn khoai tây đạt năng suất cao và chất lượng tốt, cần phải áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu về cách trồng khoai tây và những kỹ thuật để giữ cho vườn rau của bạn luôn xanh tươi và phát triển mạnh mẽ.

Thời vụ trồng khoai tây

Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ

Vụ chính: Trồng từ 15/10 đến 15/11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau. Vụ Xuân (thường trồng để làm giống): Trồng tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau.

Miền núi phía Bắc

Vùng núi thấp dưới 1000 m: Vụ Đông trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1 năm sau. Vụ xuân (thường trồng để làm giống) trồng tháng 12, thu hoạch cuối tháng 3. Vùng núi cao trên 1000 m: Vụ Thu đông trồng đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ xuân (thường trồng để làm giống) trồng tháng 2, thu hoạch tháng 5.

Vùng Bắc Trung Bộ

Chỉ trồng vụ Đông: Trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1.

Vùng Tây Nguyên

Vụ mùa chính: Trồng tháng 12 – 01, thu hoạch tháng 4 – 5. Vụ mùa nghịch: Trồng trong mùa mưa từ đầu tháng 6 đến tháng 7, thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 11.

Chuẩn bị trước trồng khoai tây

Chuẩn bị đất trồng

Chọn đất

Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt. Vùng quy hoạch khoai tây tập trung, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước. Đất có tầng canh tác dày, độ màu mỡ cao, pH KCL từ 5,2 – 6,0.

Chọn vùng đất cách ly xa cây họ Cà, cách ly các ruộng khoai tây trồng bằng giống khác. Không nên trồng khoai tây trên chân đất vụ trước bón nhiều vôi vì rất dễ bị bệnh ghẻ.

Làm đất

Dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước. Nếu đất còn ướt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Nếu đất khô tiến hành cày bừa và lên luống. Đất sau khi gặt lúa xong, cắt dạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống. Cày bừa kỹ, làm đất nhỏ, tơi. Lên luống cao 20 cm.

Luống đôi: Rộng 1,4 m, mặt luống 90 cm, rạch 2 rãnh, sâu 15 cm, rãnh cách rãnh 35 cm, rãnh cách mép luống 25 cm.

Luống đơn: Rộng 0,7 m, mặt luống 35 – 40 cm, rạch 1 rãnh ở giữa, sâu 15 cm.

Khoai tây trồng trên đất dốc không cần lên luống, chỉ cần đánh rãnh, rãnh cách rãnh 45 – 50 cm.

Chuẩn bị phân bón lót

Lượng phân bón lót cần chuẩn bị cho 1 ha: Phân hữu cơ hoai mục 15 – 20 tấn (hoặc 1.200 – 1.400 kg Phân hữu cơ vi sinh), 40 – 50 kg N, 80 – 120 kg P2O5. Để khoai tây có năng suất cao, chất lượng củ tốt cần phải bón phân hữu cơ. Phân hữu cơ có thể tự ủ hoặc mua. Phân hữu cơ phải được ủ hoai mục, không sử dụng phân hữu cơ ủ với vôi để tránh khoai tây bị ghẻ củ.

Chuẩn bị phân hữu cơ.

Phân hữu cơ ủ với chế phẩm vi sinh.

Bón phân lót vào rãnh hoặc rải phân giữa 2 hàng đặt củ (đối với luống đôi) rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Ruộng trồng khoai tây bổ củ không bón lót Đạm và Kali.

Chuẩn bị cây giống

Lượng củ giống cần cho 1 ha

Kích thước củ giống

Kích thước củ giống phải đều để cây sinh trưởng đồng đều tiện chăm sóc, năng suất cao và sản phẩm thu hoạch cũng đồng đều. Thường trong sản xuất trồng loại 30 – 40 củ/kg. Nếu kích thước củ không đều cần phân loại để trồng riêng cho tiện chăm sóc. Nếu củ giống quá to thì có thể bổ củ để tiết kiệm giống và hạ được giá thành.

Loại bỏ các củ khoai thối, hỏng.

Nguồn khoai giống

Củ khoai giống hiện nay chủ yếu có 2 loại: Khoai bảo quản trong kho lạnh và khoai mới thu hoạch.

Khoai bảo quản trong kho lạnh đã hết thời gian ngủ nghỉ:

Bẻ mầm đỉnh: Khoai ra khỏi kho lạnh thường củ chỉ có duy nhất một mầm đỉnh và dạng mầm giá rất yếu, do đó phải bẻ mầm này đi và dải mỏng củ trên nền nhà để các mầm khác phát triển (có 3 – 5 mầm). Sau 5 – 10 ngày mầm mọc dài 2 – 15 mm, mầm xanh, lúc này đem trồng là tốt nhất.

Củ giống sau khi bẻ mầm đỉnh.

Khoai giống mới thu hoạch (chủ yếu là khoai nhập từ Trung Quốc, khoai thu hoạch tháng 8, tháng 9): Củ khoai vẫn còn đang trong giai đoạn ngủ nghỉ nên cần phải xử lý để khoai mọc mầm.

Hầu hết các lô giống khoai mới thu hoạch này đều đã được các đơn vị kinh doanh xử lý phá ngủ trước khi bán cho người trồng.

Cách xử lý phá ngủ

Nhờ kỹ thuật phá ngủ khoai tây để làm giống đã làm tăng hệ số nhân giống khoai tây và làm trẻ hóa củ giống vì thời gian bảo quản trong kho khó khăn, nâng cao chất lượng củ giống; chống sự thoái hóa giống khoai tây do bảo quản thời gian dài trong điều kiện nhiệt độ cao của mùa hè. Hiện nay có một số kỹ thuật phá ngủ củ khoai tây mới thu hoạch như sau:

Cách 1: Chọn củ đều, không nhiễm bệnh, phun dung dịch Gibberellin + Thioure vài lần cho Gibberellin và Thioure có thể ngấm vào củ được.

Tiếp đó, khoai tây được dựa xuống hầm đất và được đậy kín để xử lý khí CS2 hoặc khí Rindit trong 3 – 4 ngày. Sau đó ủ ẩm và ấm. Khoai tây vừa thu hoạch có thể nảy mầm trên 90% trong 7 – 10 ngày.

Cách 2: Chọn củ đều, không nhiễm bệnh, phun dung dịch Gibberellin và Thioure vài lần. Sau đó ủ ấm và ẩm. Cứ hai ngày phun 1 lần dung dịch Lufain-91 (là chế phẩm kích thích nảy mầm và phá ngủ các loại hạt, củ). Phương pháp này có thể làm khoai tây mới thu hoạch nảy mầm trên 90% trong 10 – 12 ngày. Cách này thời gian ra mầm chậm hơn nhưng không mất thời gian đào hầm, tỷ lệ thối ít hơn cách 1, mầm khỏe hơn.

Bổ củ giống để trồng

Điều kiện để bổ củ: Củ to trên 40 mm, tương đương trên 80 gram (18 – 25 củ/kg).

Cách bổ: Dùng dao sắc, lưỡi dao mỏng đã được xử lý qua nước xà phòng đặc, cồn 90 độ hoặc hơ dao qua lửa để bổ, vết cắt sẽ không bị dập, xước.

Bổ dọc củ khoai (kiểu bổ cau). Một củ có thể bổ thành 2 hoặc nhiều miếng, đảm bảo miếng nào cũng có 2 – 3 mầm và có khối lượng trên 25 gram để dinh dưỡng trong củ được phân đều trong các miếng cắt.

Sau khi bổ được 10 – 15 củ hoặc sau khi bổ phải củ bị bệnh cần phải nhúng dao vào nước vôi, xà phòng đặc hoặc cồn để tránh lây bệnh sang củ khác.

Có 2 cách bổ củ:

Bổ tách rời: Các miếng bổ được cắt rời ra. Để chống sự xâm nhập của nấm và vi khuẩn, hạn chế thấm nước để củ không bị thối cần xử lý vết cắt của củ theo các cách sau:

Nếu trồng ngay hoặc sau 1 – 2 ngày trồng: Chấm vết cắt vào xi măng. Nếu trồng sau cắt 3 – 5 ngày: Chấm tro bếp đã hoai.

Bổ củ cắt dính: Bổ trước trồng 7 – 10 ngày. Các miếng cắt không rời nhau ra còn dính với nhau ở phần cuối củ, vết cắt tự se lại.

Sau khi bổ xong chưa trồng cần rải đều củ, để nơi thoáng mát, phủ bao tải ẩm lên trên để giữ ẩm, khi mặt cắt se khô mới đem trồng.

Kỹ thuật trồng khoai tây tại nhà

Xác định mật độ trồng

Số thân chính/m² mọc trực tiếp từ củ đều có khả năng sinh ra củ, do đó trong sản xuất giống chúng ta lấy số thân chính/m² làm chỉ tiêu đánh giá mật độ trồng. Củ giống càng to thì mầm/củ sẽ càng nhiều, để tỷ lệ củ to nhiều số thân chính/m² đạt từ 13 – 20 thân.

1 m² cần trồng 4 – 5 củ hoặc tương đương để có số thân chính/m² đạt 16 – 20 thân. Khoảng cách củ cách củ 30 – 35 cm.

2 cách trồng khoai tây đơn giản

Cách trồng khoai tây từ nguyên củ, không bổ

Đặt củ vào rãnh đã rạch sẵn theo khoảng cách củ cách củ 30 – 35 cm. Đặt củ nằm ngang, mầm củ hướng lên trên. Không đặt củ trực tiếp lên phân lót. Đất khô cần tưới nước trước khi đặt củ.

Độ sâu lấp củ sau trồng: Đất khô lấp sâu, đất ướt lấp nông, trung bình từ 3 – 5 cm, lấp kín củ và mầm củ.

Có thể phủ 1 lớp rơm rạ lên trên mặt luống dày khoảng 7 – 10 cm. Không sử dụng rơm rạ ở ruộng lúa bị bệnh khô vằn (nấm bệnh khô vằn làm cho khoai bị bệnh lở cổ rễ). Tưới nước ướt đều lên mặt luống làm ẩm rơm rạ và đất, nếu độ ẩm đất cao không cần tưới.

Cách trồng khoai tây bổ củ

Khoai tây bổ củ cần được ở nơi riêng biệt (ruộng riêng, luống riêng) để tiện chăm sóc. Ruộng trồng khoai tây bổ củ không bón lót Đạm và Kali. Đặt củ vào rãnh đã rạch sẵn. Đặt mặt cắt nghiêng hoặc ngửa, tuyệt đối không đặt mặt cắt củ xuống đất.

Tưới đủ ẩm, không tưới đẫm nước dễ gây thối củ. Phủ đất lên củ khoảng 3 – 5 cm, lấp kín mầm củ. Đất khô nóng lấp sâu; đất ẩm, mát lấp nông. Có thể phủ 1 lớp rơm rạ lên trên mặt luống dày khoảng 5 – 7 cm.

Chế độ chăm sóc cây khoai tây

Tưới nước

Thời điểm tưới

Tùy theo độ ẩm của đất và thời tiết để tưới, có 3 lần tưới quan trọng: Lúc trồng, tưới lần 1 và lần 3. Khi tưới nước thường kết hợp với xới xáo, làm cỏ, bón phân, vun đất. Trong thời gian 70 ngày sau trồng, khoai tây luôn được duy trì độ ẩm 70 – 80%.  Không nên để ruộng khoai lúc khô, lúc ướt vì như vậy dễ làm nứt củ.

Lúc trồng: Tưới đủ ẩm khi trồng, cho cây mọc đều. Nếu độ ẩm đất dưới 75% thì phải tưới trước khi trồng.

Tưới lần 1: Tưới sau trồng 20 – 30 ngày (cây cao khoảng 20 – 25 cm), để ra tia củ nhiều. Tưới sau khi đã bón thúc và vun lần 1 (sau bón phân 2 – 3 ngày), nếu đất khô.

Tưới lần 2: Sau khi đã bón thúc và vun lần 2 (sau bón phân 2 ngày), nếu đất khô.

Tưới lần 3: Sau tưới lần 2 khoảng 15 – 20 ngày, củ đang phát triển, để củ phình to, nếu đất khô.

Dừng tưới trước 70 ngày kể từ khi trồng hoặc trước thu hoạch 20 – 25 ngày. Nếu trời mưa thì phải tháo kiệt nước, không để nước đọng ở rãnh.

Cách tưới

Tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa được áp dụng ở những nơi có điều kiện cơ sở vật chất cao.

Tưới phun mưa.

Tưới gánh chỉ áp dụng với diện tích nhỏ.

Tưới gánh.

Tưới vòi phun được áp dụng ở những nơi ruộng khoai gần nguồn nước.

Tưới vòi phun.

Tưới rãnh là phương pháp tưới nước phổ biến cho khoai tây hiện nay.

Cách tưới rãnh:

Đối với đất cát pha, cho n­ư­ớc vào rãnh ngập 1/2 luống, mỗi lần chỉ nên cho vào 3 – 4 rãnh, khi đủ nư­­ớc thì cho nư­­ớc vào tiếp 3 – 4 rãnh khác, lấp đầu rãnh cũ, tháo đầu rãnh mới, như vậy nước thấm đều vào luống.


Tưới rãnh cho ruộng khoai.

Đối với đất thịt, cho nư­­ớc vào rãnh ngập 1/3 luống và cho nư­­ớc vào cùng một lúc nhiều rãnh hơn, vì đất thịt thấm nước chậm hơn. Khi các luống đã có màu thẫm thì có thể tháo nước ở rãnh. Không tưới rãnh khi ruộng khoai tây có cây bị bệnh héo xanh vi khuẩn để tránh lây lan ra diện rộng.

Bón phân

Lượng phân bón nguyên chất

Phân hữu cơ hoai mục 15 tấn, 130 kg N, 90 kg P2O5, 120 kg K2O. Tùy theo độ phì của đất, đặc tính của giống có thể điều chỉnh mức phân bón tăng hoặc giảm 15 – 20% cho phù hợp. Trồng khoai tây cần phải có phân hữu cơ, bón tập trung giai đoạn đầu và cần chú ý kết thúc bón khi cây ra tia củ.

Tỷ lệ lượng phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây

Lưu ý: Kết thúc bón phân khi khoai ra tia củ (thân ngầm) khoảng 30 – 35 ngày sau mọc mầm. Tuyệt đối không dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu để tưới.

Phương pháp bón

Bón lót:

Luống đôi: Rạch 2 rãnh, sâu 15 cm, rãnh cách rãnh 35 cm, rãnh cách mép luống 25 cm. Bón phân hữu cơ và phân vô cơ đã được trộn đều vào rãnh hoặc rải phân giữa 2 hàng rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân.

20 – 25 ngày bón phân và vun lần 1.

Luống đơn: Rạch 1 rãnh ở giữa, sâu 15 cm. Bón phân hữu cơ và phân vô cơ đã được trộn đều vào rãnh rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Ruộng trồng khoai tây bổ củ và vụ xuân ở miền Bắc không bón lót Đạm và Kali.

Bón thúc:

Rắc phân giữa 2 cây hoặc rắc xung quanh gốc cây, cách gốc 7 – 10 cm. Sau đó lấp đất, bón xong tưới ẩm. Tuyệt đối không được bón phân sát gốc.

35 – 40 ngày bón phân lần 2.

Một số công thức phân bón thường dùng trong sản xuất

Phân đơn: Lượng bón cho 1 sào Bắc Bộ (360 m²) cần:

Phân chuồng hoai mục: 500 – 700 kg hoặc phân hữu cơ vi sinh: 100 – 150 kg/sào. Đạm Urê: 8 – 10 kg; Supe Lân: 15 – 20 kg; Kali Clorua 6 – 7 kg.

Phân tổng hợp

*Công thức 1:

Loại phân

Phân bón lót: NPK 9:9:12 bón 25 kg/sào. Phân bón thúc: NPK 22:5:11 bón 10 – 12 kg/sào.

Cách bón

Bón lót: 5 tạ – 7 tạ phân chuồng mục + 25 kg NPK 9:9:12

Đánh rạch, rải phân chuồng và phân NPK 9:9:12 theo rạch hoặc hốc, sau đó lấp đất rồi đặt củ giống và tưới ẩm.

Bón thúc: 10 – 12 kg NPK 22:5:11

Bón sau trồng 25 – 30 ngày. Bón rắc xung quanh gốc, cách gốc 10 cm. Sau lấp đất, bón xong tưới ẩm.

*Công thức 2:

Loại phân

Phân bón lót: NPK 16:16:8+13S từ 10 – 12 kg/sào. Phân bón thúc: NPK 16:8:14+12S từ 15 – 19 kg/sào.

Cách bón

Bón lót: NPK 16:16:8+13S.

5 tạ – 7 tạ phân chuồng mục +10 – 12 kg NPK. Đánh rạch, rải phân chuồng và phân NPK 16:16:8+13S theo rạch hoặc hốc, sau đó lấp đất rồi đặt củ giống và tưới ẩm.

Bón thúc:  NPK  16:8:14+12S.

Lần 1: 10 – 12 kg/sào – Bón sau trồng 20 ngày. Lần 2:  5 – 7 kg/sào – Bón sau trồng 40 – 45 ngày. Bón rắc xung quanh gốc, cách gốc 10 cm. Sau lấp đất, bón xong tưới ẩm.

Giặm, làm cỏ, vun gốc

Trồng giặm

Sau trồng từ 7 – 10 ngày cần kiểm tra, nếu ruộng khoai tây mọc không đều, bị mất khoảng cần tiến hành trồng giặm ngay.

Ruộng khoai mới trồng.

Bới hốc khoai không thấy mọc mầm, bị thối hoặc không có khả năng nảy mầm cần trồng thay thế ngay.

Ruộng khoai sau trồng 7 ngày.

Cây trồng thay thế lấy từ nguồn giống để lại làm dự phòng hoặc có thể sử dụng mầm khoai tây để giặm (tách từ những củ có 4 mầm trở lên). Lưu ý: khi tách mầm phải cẩn thận không ảnh hưởng đến mầm còn lại trên cây. Khi giặm xong chú ý tưới nước đủ ẩm để mầm mọc nhanh.

Tỉa mầm

Khi cây cao 5 – 10 cm, tỉa mầm còi cọc ở những khóm có 4 mầm trở lên. Dùng kéo cắt tỉa, không ngắt bằng tay.

Ruộng khoai sau trồng 14 ngày.

Xới xáo, làm cỏ, vun gốc

Khi vun gốc thường kết hợp thực hiện sau khi xới xáo, làm cỏ và bón phân. Thường vun 3 lần.

Lần 1: Xới nhẹ, nhổ sạch cỏ, bón phân thúc lần 1, vun cao 15 – 20 cm, không để tia củ hở trên mặt đất. Lấy đất ở rãnh áp thẳng vào gốc cây, lấp đến cổ lá (ấm gốc) để tránh tia củ gặp sáng thành cây, ít củ.

Vun gốc lần 1.

Lần 2: Nhổ sạch cỏ, bón phân thúc lần 2, vun cao 35 – 40 cm, không được để hở tia củ và củ.

Vun gốc lần 2.

Không để hở củ và tia củ.

Lấy đất ở rãnh vun cho luống to và cao, dày cố định luôn, vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây. Vét đất ở rãnh để khi ruộng bị nước sẽ nhanh khô.

Lần 3: Củ đang phát triển, nếu thấy có hiện tượng bị hở củ cần vun đất lấp kín củ.

Sơ đồ mô tả vun gốc khoai tây.

Thu hoạch khoai tây

Tiêu chuẩn thu hoạch

Thu hoạch là khâu quan trọng cuối cùng trên đồng ruộng. Để có sản l­ượng cao, mã củ đẹp cần phải để cho khoai già đầy đủ. Khi củ đạt độ chín sinh lý, thân lá chuyển vàng tự nhiên, là vàng khoảng 80%, lá bắt đầu rạc, vỏ củ nhẵn bóng và rắn chắc.

Ruộng khoai đủ điều kiện thu hoạch.

Không nên thu hoạch khoai còn non, sản lượng giảm nhiều, tinh bột trong củ thấp, vỏ củ dễ bị xây xát, mã xấu. Thư­ờng khi khoai đư­ợc 60 – 70 ngày tuổi là giai đoạn lớn của củ. Chỉ 20 – 25 ngày sau, sản l­ượng sẽ tăng lên tới 25 – 30%.

Lưu ý trước khi thu hoạch

Cắt gọn thân lá trước thu hoạch 7 ngày.

Ngừng tưới nước trước 20 – 25 ngày thu hoạch khoai, nếu trời mưa phải tháo kiệt nước. Trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày nên cắt cách gốc 15 – 20 cm giúp hạn chế bệnh truyền từ thân lá vào củ. Thu hoạch vào ngày tạnh ráo, mặt đất khô. Dỡ củ và hong khô vỏ ngay trên ruộng, giúp hạn chế khoai dính đất, vỏ củ bị xây xát, dập vỡ củ trong lúc thu hoạch, vận chuyển.

Hong khô khoai trên đồng ruộng.

Không rửa khoai, không để khoai xanh vỏ.

Bài viết trên đây đã chia sẻ chi tiết cách trồng khoai tây, theo từng giai đoạn. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên quý bạn sẽ áp dụng thành công khi trồng tại nhà dù theo quy mô nào.

5/5 - (1 vote)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!