Nấm hương là loại nấm được nhiều người ưa thích và có giá trị kinh tế cao. Cách trồng nấm hương không khó, chỉ cần bà con tuân thủ đúng kỹ thuật sau đây.
So với việc trồng các loại rau, trồng nấm hương đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà nấm hương mang lại cao hơn rất nhiều so với nhiều nông sản khác.
Muốn trồng nấm hương, bà con cần xử lý nguyên liệu tốt, tiếp đó, cần lưu ý về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tưới nước… Trong bài viết dưới đây, MobiAgri sẽ giới thiệu chi tiết về cách trồng nấm hương với nguyên liệu mùn cưa và trên thân gỗ.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu về nấm hương
Nấm hương hay còn có tên gọi khác là nấm đông cô, chúng có tên khoa học là Lentinula edodes. Loài nấm này có nguồn gốc từ Đông Á.
Nấm hương có hình dạng giống như một cái ô, với đường kính chỉ khoảng từ 4 đến 10cm có màu nâu nhạt, khi đã già tuổi, nấm hương có màu nâu sậm hơn. Đặc trưng của loại nấm này có chân đính vào giữa tai của nấm.
Loại nấm này mọc tại nhiều khu rừng ở Việt Nam và cũng được trồng tại nhà với giá thành khá cao. Nhờ những thành phần có trong nấm hương, các loại vitamin và khoáng chất mà ngày nay, nấm hương ngày càng được ưa chuộng.
Thời điểm thích hợp trồng nấm hương
Việc trồng nấm hương có thể tiến hành tại các phòng ươm với các nguyên liệu từ mùn cưa và từ gây gỗ. Nếu trồng từ thân gỗ, thời giant hu hoạch sẽ từ khoảng từ 3 đến 6 tháng trên 1 năm. Thời gian trồng bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch. Nếu trồng trên mùn cưa, bà con có thể bắt đầu trồng từ tháng 10 đến khoảng tháng 1 dương lịch năm sau.
Chi tiết cách trồng nấm hương trên mùn cưa
Cách trồng nấm hương trên mùn cưa khá phổ biến hiện nay. Cách trồng chi tiết như sau:
Xử lý nguyên liệu
Chọn mùn: Bà con cần chọn loại mùn không có tinh dầu, không bị mốc hay chứa dầu mỡ hoặc hóa chất. Ngoài ra, độ ẩm của mùn cần đạt 70% và sau 2 ngày bà con đảo đống một lần. Ủ liên tục trong vòng 6 ngày.
Trộn nguyên liệu: Mùn cưa ủ xong bà con trộn cùng các loại nguyên liệu khác. Với 300kg mùn trộn 1,5% vôi bột vào túi ni-lông, chia vào các túi khoảng 1,5kg một túi và nút cổ túi lại bằng ống nhựa với bông, sau đó đem đi thanh trùng.
Hấp mùn: Hấp mùn cưa trong dụng cụ chuyên dụng khoảng 90 phút với nhiệt độ 121 độ C. Sau khi đã thanh trùng các túi mùn, bà con để vào nơi khô ráo cho nguội hẳn.
Cấy giống
Tiếp đó, bà con tiến hành cấy giống nấm hương, 1 chai giống khoảng 400g cấy được từ 20 đến 25 túi mùn. Bà con cần lưu ý phải chọn giống cấy đúng với độ tuổi, giống nấm cần sạch, không nhiễm vi sinh vật hay nấm mốc, các loại vi khuẩn.
Ủ tơ nấm
Sau khi đã cấy giống xong, bà con tiến hành đưa bịch phôi vào nhà nuôi sợi. Bà con đặt các bịch phôi xếp chồng lên nhau trên kệ. Nhà nuôi có nhiệt độ khoảng 26 độ C, độ ẩm không khí khoảng 70%, tối và kín gió nhưng phải thông thoáng.
Sau khoảng 45 ngày, tơ nấm lan kín bịch phôi tạo thành màu trắng đồng nhất.
Cách trồng và chăm sóc
Khi tơ nấm lan kín bịch, bà con tiến hành đưa vào nhà trồng. Nhà trồng có độ ẩm khoảng 80% và nhiệt độ từ 20 đến 26 độ C. Lúc này bà con không nên phun nước trực tiếp vào bịch phôi, tránh hỏng nấm, chỉ nên dùng dạng phun sương hoặc tưới ẩm nền.
Phòng trồng cần có ánh sáng khuếch tán, tránh ánh nắng trực tiếp, kín gió và sạch sẽ. Bà con bỏ bịch ni-lông và xếp phôi nấm lên giá kệ để tiến hành thu hái nấm.
Thu hoạch
Sau khoảng 15 ngày, nấm bắt đầu lên, đường kính đạt khoảng 3cm bà con có thể tiến hành thu hoạch. Việc thu hoạch tiến hành dùng dao hoặc kéo cắt cuống để tránh làm vỡ mùn cưa.
Sau khi thu hoạch đợt 1, bà con chăm sóc, phun sương tạo độ ẩm trong nhà trồng nấm để thu hoạch đợt tiếp theo. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng.
Quá trình thu hoạch chân nấm phải sạch, nếu không dễ phát sinh dịch bệnh hại nấm.
Chi tiết cách trồng nấm hương trên thân cây gỗ
Để trồng được nấm hương trên thân cây gỗ, nguyên liệu quan trọng nhất là thân gỗ thích hợp.
Chọn thân gỗ
Bà con có thể lựa những đoạn gỗ thẳng, cắt thành từng khúc có đường kính từ 5 đến 20cm, chiều cài khoảng 1 mét. Gỗ được cắt không bị xây xát lớp vỏ và được để trong nhà sạch sẽ, sau khoảng 9 ngày có thể trồng được.
Gỗ cũng không nên có tinh dầu, không có sâu bệnh và loại gỗ thích hợp nhất là dẻ, sồi…
Kỹ thuật cấy giống
Gỗ đem về bà con rửa sạch, dùng nước vôi quét đều lên hai đầu. Sau đó, bà con lấy khoan tạo một lỗ trên đoạn gỗ khoảng 1,5cm, sâu 3cm, cách 15cm khoan một lỗ, các lỗ nên khoan so le lẫn nhau.
Tiếp đó, bà con tra giống nấm hương đầy miệng lỗ. Lượng giống 3kg/m3 gỗ.
Xếp gỗ thành đống, cách mặt đất khoảng 15cm, ở bên trên cùng dùng bao tải gai ẩm để phủ kín toàn bộ đống ủ.
Chăm sóc
Hàng ngày, bà con tưới nước cho đống ủ, lượng nước tưới vừa đủ ướt bao tải, không nên tưới quá nhiều nước sẽ ngấm vào thân gỗ làm chết giống.
Đều đặn 2 tháng 1 lần, bà con tiến hành đảo đống gỗ, mỗi lần đảo cần kiểm tra độ ẩm của gỗ. Nếu như thấy quá khô bà con có thể tiến hành phun nước nhẹ xung quanh tân gỗ sau đó có thể cho ủ đống lại.
Phòng bệnh
Thời gian ủ đống, bà con cần quan sát các dấu hiệu bệnh hại như mốc, chuột phá hay côn trùng. Nếu đoạn gỗ nào có dấu hiệu bệnh cần được lấy ra tránh lây lan cho những đoạn gỗ khác.
Thu hoạch
Sau khoảng 6 đến 16 tháng ươm, nấm hương sẽ bắt đầu hình thành quả thể. Bề mặt gỗ lúc này sẽ xuất hiện những chấm hồng nhạt.
Bà con dựng thân gỗ theo hàng, trong nhà có mái che. Khi tai nấm có đường kính khoảng 3cm, bà con có thể thu hoạch. Việc thu hoạch có thể kéo dài tới nửa năm. Quá trình thu hoạch bà con cũng cần cắt sát chân nấm.
Trên đây là cách trồng nấm hương đúng kỹ thuật với nguyên liệu từ mùn cưa và thân gỗ. Nắm chắc kỹ thuật này, bà con có thể tiến hành trồng và thu hoạch nấm hương có năng suất cao mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác.