Rau muống là loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: Xào tỏi, nộm rau muống, dùng để lẩu,… Chính vì sự phổ biến của loại rau này nên hiện nay rất nhiều người sử dụng kích thích để thúc đẩy tăng trưởng, nhanh thu hoạch. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm, tổn hại cho sức khỏe. Rau muống không quá khó để trồng thành công, vì vậy bạn có thể tận dụng diện tích nhỏ hoặc thùng xốp để trồng tại nhà.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng rau muống
Rau muống có thể trồng quanh năm, thời vụ chính từ tháng 2 đến tháng 8. Rau muống trồng theo vụ có: Vụ Xuân nên gieo hạt từ tháng 2. Vụ Hè trồng bằng nhánh từ tháng 4 đến tháng 8.
Chuẩn bị trước khi trồng
Giá thể
Giá thể trồng rau muống trong chậu gồm xơ dừa (30%), trấu hun (20%), đất phù sa hoặc đất thịt nhẹ giàu dinh dưỡng (50%).
Phân bón lót
Lượng phân bón lót cho 1 m² trồng trong chậu hoặc thùng xốp có độ cao 30 – 40 cm: 2 kg phân chuồng hoai mục + 0,005 kg P2O5 + 100 gram vôi. Phân chuồng hoai mục có thể thay bằng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân trùn quế, Lân.
Giống
Hạt giống
Sử dụng hạt giống có độ thuần và độ nảy mầm cao trên 85%. Lượng hạt giống 8 – 10 gram hạt/m², gieo hàng cách hàng 7 – 10 cm.
Đoạn hom giống
Chọn đoạn bánh tẻ không sâu bệnh và dập nát, ngọn giống còn tươi, chiều dài 15 – 25 cm, có từ 3 – 4 đốt. Lượng đoạn hom giống để trồng từ 60 – 80 đoạn hom/m², tương đương 0,6 – 0,8 kg/m².
Dụng cụ trồng
Dùng thùng xốp, chậu nhựa, khay với kích thước khác nhau để trồng rau muống.
Độ sâu của khay, chậu hoặc thùng đảm bảo 20 – 40 cm để chứa được nhiều giá thể cho rễ phát triển sâu, giúp cây hút được nhiều dinh dưỡng nhanh cho thu hoạch. Chậu hoặc thùng xốp phải có lỗ thoát nước ở đáy chậu.
Cách trồng rau muống
Trồng bằng hạt
Ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỉ lệ 2 sôi – 3 lạnh trong khoảng 2 – 3 tiếng. Vớt hạt giống ra rổ để ráo nước, ủ trong khăn ẩm 2 – 3 ngày. Trong khi ủ, mỗi ngày đảo hạt 1 lần hoặc vảy nước vào hạt. Hạt nảy mầm thì đem gieo.
Gieo vãi
Gieo đều tay, sau khi rắc hạt xong, lấp đất lại, tưới nước, đậy mặt chậu để giữ ẩm.
Gieo theo hàng
Rạch hàng với khoảng cách hàng cách hàng 10 – 15 cm. Sau 3 – 5 ngày, lá mầm sẽ chồi lên khỏi mặt đất. Khi cây con có 4 – 5 lá thật, tiến hành tỉa bớt cây để duy trì mật độ thích hợp giúp rau phát triển khỏe mạnh, năng suất cao.
Sau gieo 25 – 30 ngày có thể thu hoạch lứa đầu. Các lứa sau thu cách nhau 10 – 15 ngày tùy điều kiện chăm sóc và nhiệt độ.
Trồng giâm cành
Cành rau muống sau khi đã ngắt bớt lá để đoạn thân nhanh bật rễ và bật mầm, đoạn thân được vùi xuống đất sâu khoảng 5 cm.
Tốt nhất là đoạn vùi xuống đất có 1 – 2 đốt vì rễ sẽ mọc ra ở ngay phần cuống lá (đầu các đốt). Phần cành bên trên để dài khoảng 10 – 20 cm. Mỗi hom từ 2 – 3 cành, khoảng cách hom cách hom 10 – 15 cm/hom, hàng cách hàng 20 cm tùy điều kiện đất. Nên trồng rau muống vào buổi chiều mát. Sau khi trồng thường xuyên tưới giữ ẩm. Mật độ trồng có thể biến động từ 60 – 80 đoạn hom/m². Sau khi gieo hoặc trồng nên đặt chậu vào chỗ mát để kích thích bật mầm và ra rễ.
Chăm sóc rau muống
Tưới nước
Tưới rau phải dùng nước sạch, không được dùng nước giếng khoan nhiễm kim loại nặng, nước thải sinh hoạt, nước thải khu công nghiệp hoặc nguồn nước mặt bị ô nhiễm.
Sau khi trồng hoặc gieo hạt, tưới đủ ẩm 1 – 2 lần/ngày. Khi cây mọc mầm hoặc đã hồi xanh, 2 – 3 ngày tưới một lần, tưới phun cho cây. Tuy nhiên, để rau đạt năng suất cao và chất lượng tốt thì cần giữ ẩm thường xuyên độ ẩm 80 – 100% đặc biệt vào mùa khô và nắng.
Vào mùa mưa, nếu mưa to có thể che phủ bằng vòm nilon, tấm bìa hoặc lưới để hạn chế rau bị dập nát và thối hỏng. Sau khi cây được 3 – 4 lá thật hoặc sau khi trồng 7 ngày, cần làm cỏ, bón phân thúc, xới nhẹ.
Bón phân
Lượng phân bón tính theo nguyên chất
Nếu không có phân hữu cơ (phân trâu, bò hoai mục) có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh với tỷ lệ 10:1. Hạn chế sử dụng phân đơn, nên dùng phân tổng hợp như NPK 16-16-8. Có thể sử dụng phân bón qua lá như đầu trâu MK 30-10-5, Nutrimix để cây hấp thụ nhanh, phân bón có thành phần hữu cơ như Rong biển, Humic, Komic phun và bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Tỷ lệ phân bón cho từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây
Phương pháp bón
Bón lót
Bón lót toàn bộ phân chuồng (phân hữu cơ vi sinh), Lân và 20% K2O khi làm đất.
Bón thúc
Bón sau khi trồng 7 – 10 ngày sau khi trồng hoặc khi cây có 3 – 4 lá thật (đối với rau muống gieo hạt). Sau 2 – 3 lứa hái lại bón phân một lần (1 tháng/lần). Phân được ngâm và hòa ra tưới cho cây vào chiều mát, sau khi tưới nên tưới nhẹ lại bằng nước để tránh phân bám lên bề mặt lá gây cháy lá.
Không bón phân lúc trời mưa to dễ bị trôi đi chất dinh dưỡng. Luân phiên các đợt bón phân hóa học và bón phân qua lá. Cần kết thúc bón phân trước thời điểm thu hoạch rau muống tối thiểu là 5 – 7 ngày để đảm bảo chất lượng rau, an toàn với người dùng khi sử dụng.
Thu hoạch rau muống
Tiêu chuẩn thu hoạch
Cây cao 30 – 40 cm, có 9 – 12 lá. Ngọn rau không dập nát, ít sâu bệnh. Tuân thủ đầy đủ thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV, hóa chất, phân bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thời điểm thu hoạch
Sau khi trồng khoảng 20 – 30 ngày, rau muống bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu. Các lứa sau cứ 10 – 15 ngày cho thu hoạch 1 lần. Một tháng thu hoạch 2 – 3 lần. Thu hoạch khi thời tiết thuận lợi, tránh thu hoạch vào lúc trời mưa để hạn chế xây sát và nhiễm bẩn sản phẩm.
Cách thu hoạch
Dụng cụ thu hoạch phải đảm bảo vệ sinh. Dùng dao cắt gần sát gốc hoặc dùng tay hái (cách gốc 3 – 4 cm). Phần thân thu hoạch dài 25 – 30 cm (tùy từng giống). Nếu để cây quá cao khi thu hoạch, rau hay bị già và chất lượng giảm.
Trên đây là hướng dẫn trồng rau muống, chăm sóc, thu hoạch bằng những cách đơn giản nhất. Trồng rau muống sạch không hề khó, vừa có không gian xanh mướt lại có nguồn thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn gia đình. Chúc bạn áp dụng những kiến thức trên thành công khi trồng rau muống tại nhà.