Cách trồng cây Thanh long đúng kỹ thuật đạt năng suất cao

Thanh long là loại trái cây thanh mát, vị ngọt dễ ăn rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay trái thanh long có thể dùng làm trà, làm bánh mỳ, mứt, kẹo hoặc ăn trái cây tươi. Nhiều vùng ở nước ta đã trồng thanh long thành công, trở thành loại cây kinh tế, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu nước ngoài.

Tuy nhiên, để trồng cây thanh long đạt hiệu quả cao và cho trái ngon, cần phải áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu cách trồng thanh long đúng kỹ thuật đơn giản, sai quả, đạt chất lượng đáp ứng người dùng.

Thời vụ trồng thanh long

Cây thanh long có thể trồng được quanh năm, nhưng có 2 thời điểm chính xuống giống thích hợp nhất là tháng 10 – 11 và tháng 5 – 6 dương lịch.

Bà con thường trồng thanh long vào tháng 10 – 11 dương lịch, ưu điểm của vụ này là: Nguồn hom giống dồi dào do trùng vào lúc tỉa cành. Lợi dụng được độ ẩm vào cuối mùa mưa. Ở các vùng đất thấp thì mùa này tránh được nguy cơ ngập úng. Tuy nhiên, trồng mùa này có nhược điểm là cây chưa lớn đủ để có thể chống chịu nắng hạn, vì vậy cần chú trọng tưới nước và giữ ẩm cho cây trong mùa nắng tới.

Ở những vùng thiếu nước tưới thì nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5). Xuống giống trong thời gian này sẽ gặp khó khăn vì là mùa thanh long ra hoa nên thiếu hom, phải có kế hoạch giâm hom từ trước.

Tiêu chuẩn chọn đất trồng thanh long

Tiêu chuẩn đất trồng

Đất cát

Đặc điểm đất cát để trồng thanh long:

Thành phần cơ giới nhẹ, khe hở giữa các hạt lớn nên thoát nước dễ, thấm nước nhanh nhưng giữ nước kém. Thoáng khí, vi sinh vật hán khí hoạt động mạnh làm cho quá trình khoáng hoá chất hữu cơ và mùn xảy ra mãnh liệt. Vì vậy, xác hữu cơ rất dễ bị phân giải, nhưng đất cát thường nghèo mùn. Đất cát nóng nhanh lạnh nhanh, nên gây bất lợi cho cây trồng và vi sinh vật phát triển.

Đất cát khi khô thì rời rạc nên dễ cày bừa, ít tốn công, rễ cây phát triển dễ nhưng cỏ mọc cũng nhanh. Khi đất cát gặp mưa to hay do nước tưới sẽ bị bí chặt. Đất cát chứa ít keo, làm cho khả năng giữ nước, phân kém. Khi bón phân quá nhiều sẽ làm cây bị lốp đổ và mất dinh dưỡng do rửa trôi.

Đất cát trước đây thường trồng các cây lấy củ như: Khoai lang, khoai tây và lạc các cây rau đậu (dưa, đậu, đỗ các loại…), các cây công nghiệp như cây thuốc lá. Nhưng hiện nay nhiều vùng có diện tích đất cát khá lớn, đã chuyển đổi sang trồng cây thanh long phát triển khá tốt.

Các loại đất cát trồng được thanh long:

Những vùng đất cát vàng có diện tích lớn trong cả nước hiện nay đó là vùng đất của tỉnh Bình Thuận. Vùng này đã được khai thác trồng nhiều loại cây có giá trị như: Cây nho, nha đam, thanh long. Vùng đất cát ven biển đang có xu hướng chuyển đổi sang trồng cây thanh long. Những vùng đất cát trắng tại một số địa phương có thể là tiềm năng để phát triển trồng thanh long.

Đất đỏ, đất xám

Đặc điểm của đất đỏ, xám để trồng thanh long:

Đất đỏ (Ferralsols) và đất xám (Acrisols) là những nhóm đất chính ở một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Những hạn chế khá phổ biến trên nhóm đất đỏ là độ chua đất, hàm lượng dinh dưỡng thấp, khả năng cố định lân cao và đặc tính điện tích biến đổi, sự thoát nước theo chiều sâu là chiều dòng chảy chính.

Đất bazan là loại đất có độ phì nhiêu cao ở vùng nhiệt đới và có khả năng thích nghi với việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu…

Các loại đất đất đỏ, xám trồng được thanh long:

Đất đỏ nâu ở vùng Tây Nguyên có nhiều triển vọng phát triển trồng cây thanh long. Đất đỏ vàng ở vùng Tây Nguyên có diện tích khá lớn, hiện chưa được khai thác, do vậy đây cũng là cơ hội để bố trí được cây trồng thích hợp cho vùng đất tiềm năng này phát triển cây thanh long.

Đất sỏi, đất đồi

Nhóm đất có thể tận dụng để trồng thanh long, nhờ thoát nước tốt và nhiều nắng:

Nhiều vùng đất đá sỏi chưa khai thác được trong trồng cây, nhưng cây thanh long lại có thể sống tốt ở những vùng này, vì vậy có thể vừa khai thác hiệu quả kinh tế vừa phủ được màu xanh trên nơi này khá hiệu quả. Vùng đất dốc rộng, nguồn nước tưới cho cây trồng chủ yếu nhờ mưa, những nơi này là có thể phát triển vùng sản xuất thanh long chuyên canh trong tương lai, vì đất rộng, thoát nước tốt, và có thể nắng nhiều thích hợp cho cây thanh long phát triển.

Những vùng đất dốc trước đây sản xuất trồng những cây rau màu, ngày nay có thể chuyển thành những vùng trồng thanh long khá tốt và sẽ phát triển nhanh thành vùng chuyên canh thanh long sau này.

Đất thịt

Đất thịt nhẹ và đất thịt trung bình có chế độ nước, nhiệt, không khí điều hoà thuận lợi cho các quá trình lý hoá xảy ra trong đất. Mặt khác, cày bừa, làm đất càng nhẹ nhàng. Đa số cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi trên loại đất này. Hiện nay trên những vùng đất thịt nhẹ và thịt trung bình được nông dân trồng nhiều loại cây trồng có giá trị, như: cam, quýt, sầu riêng, nhãn…

Những vùng đất này có nhiều dinh dưỡng, thuận lợi cho cây trồng chất lượng cao sinh trưởng và phát triển. Cây thanh long có thể phát triển tốt trên những vùng đất này, trong điều kiện phải xẻ mương lên liếp cao để thoát nước tốt trong mùa mưa.

Các vùng đất thịt tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản như: nhãn, sầu riêng, chôm chôm… Vùng đất thịt tại Chợ Gạo – Tiền Giang, Châu Thành – Long An đang có định hướng phát triển nhanh diện tích trồng thanh long.

Đất sét

Tại nhiều nơi những vùng đất sét có diện tích khá lớn, nhưng chưa được khai thác để trồng cây ăn trái, rau màu. Riêng cây thanh long lại có thể sống được ở những vùng đất này, nhưng hiệu quả không cao, do đất quá chặt, khó thoát nước và nước tưới bị nhiễm phèn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây thanh long.

Chọn vị trí đất trồng

Vị trí đất trồng thanh long

Địa điểm trồng nếu tập trung theo từng nhóm hộ là tốt nhất, để thuận tiện cho việc thu hoạch, mua bán hoặc trao đổi thông tin. Cây thanh long được trồng phổ biến ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ở miền Bắc cũng có nhiều nơi trồng được, đặc biệt là Quảng Ninh. Cây thanh long sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có cường độ ánh sáng khá cao, phù hợp với nhiều loại đất như: đất xám bạc màu, đất phù sa, muốn cây cho năng suất cao, đất phải có tầng canh tác tối thiểu từ 30 – 50 cm.

Thanh long là cây chịu hạn nhưng nếu thiếu nước cây sẽ tăng trưởng chậm, khả năng ra hoa, đậu quả kém, năng suất thấp. Do đó phải đảm bảo tưới nước đầy đủ và tủ gốc vào mùa nắng. Chọn địa hình thuận lợi cho việc trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch vận chuyển và tập trung gần điểm thu mua, để dễ dàng tập kết nguyên liệu thanh long cho xử lý sau thu hoạch và tiêu thụ.

Địa hình và độ cao có liên quan đến chiều sâu mực thủy cấp và khả năng thoát thủy của đất, là các yếu tố rất quan trọng của vấn đề đào mương lên liếp trồng cây ăn trái. Tốt nhất là địa hình thuận lợi cho việc bố trí được cơ giới hóa trong sản xuất, để giảm được chi phí, tăng chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Làm cỏ, vệ sinh vườn

Vườn trồng thanh long có thể chọn lựa nhiều cách để phòng trừ cỏ dại: Làm cỏ bằng tay. Làm cỏ bằng máy. Sử dụng thuốc hóa học phun xịt: Chỉ dùng hóa chất diệt cỏ tại vùng đất chuẩn bị trồng thanh long (phun thuốc trước khi trồng 2 – 3 tháng và trước khi cắm trụ), trong quá trình trồng thanh long không sử dụng thuốc hóa học trừ cỏ dại. Chỉ sử dụng thuốc trong danh mục nhà nước cho phép, không chọn lọc nhóm thuốc gốc Glyphosate.

Chuẩn bị đất trồng

Vùng đất đồng bằng

Hiện nay vùng đất đồng bằng, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng ngoài việc thích hợp để phát triển vùng cây ăn trái, còn có thể trồng được cây thanh long, bên cạnh đó nhờ nguồn nước dồi dào giúp cho việc tưới tiêu cho cây thanh long thuận tiện.

Để giúp cây thanh long phát triển trên vùng đất đồng bằng, bắt buộc phải đào mương lên liếp cao, để tránh ngập úng vào mùa mưa. Đất cần phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Nếu cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất phèn như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ sâu róm…

Dùng 600 – 1000 kg phân chuồng/1000 m² và vôi bột thích ứng, cũng như các chất hữu cơ khác để cải tạo đất khi trồng thanh long.

Vùng đất dốc

Tại một số tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận vừa có đất dốc vừa có đất cát ven, các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Quảng Ninh… Độ dốc dưới 15 độ có thể trồng thanh long. Công việc chuẩn bị đất tương đối khó khăn, thông thường người trồng cắm cọc, đào lỗ xuống trụ. Sau khi chôn xong trụ thì đặt hom.

Những vùng đất dốc khi trồng thanh long, nên bố trí trồng theo đường đồng mức, nơi này cây thanh long phát triển khá tốt, không sợ ngập úng, chỉ chú trọng nước tưới và khâu thu hoạch vận chuyển.

Vùng đất dốc đá và cát có thể trồng thanh long khá phù hợp, vì đất nhiều cát, nắng to, ít bị ngập úng, nhưng thiếu nước tưới khi bón phân cho cây, nhất là khi cây ra hoa, nên có thể làm ảnh hưởng chất lượng trái nếu không đáp ứng đầy đủ yêu cầu chăm sóc.

Vùng đồi

Tại Bình Thuận và một số tỉnh có đất đồi khi có điều kiện hầu hết các chân đất đều được bà con khai thác trồng thanh long như đất rừng, các khu vườn tạp. Phần lớn là đất xám bạc màu, nhiều cát. Có nơi khai thác tới sát chân núi. Công việc chuẩn bị đất tương đối đơn giản: Cắm cọc, đào lỗ xuống trụ. Sau khi chôn xong trụ thì đào âm quanh trụ sâu độ 10 – 20 cm, đường kính 1,5 m; bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên sau đó đặt hom.

Vùng đất bằng đa số là đất đồi nên thường công tác chuẩn bị đất trồng thanh long tương đối dễ thực hiện. Vùng đất đồi thuận tiện cho bố trí trồng diện rộng, đặc biệt cây thanh long sẽ phát triển rất tốt, nhờ đầy đủ ánh sáng và đất thoát nước tốt. Vùng đất đồi cát có thể trồng thanh long, nhưng thiếu nước và khó giữ phân bón.

Khử trùng đất trồng

Lượng vôi cần sử dụng cho từng loại đất căn cứ vào 3 yếu tố sau đây: Tùy thuộc vào độ chua của đất (độ pH). Đất bị chua nhiều cần bón nhiều vôi, đất ít chua bón ít vôi hơn. Đất sét bón nhiều vôi nhưng nhiều năm mới bón lại trong khi với đất cát thì không nên bón một lần với lượng quá nhiều vì nó có thể làm ức chế sự hấp thụ một số dưỡng chất khác.

Tùy thuộc vào lượng chất hữu cơ trong đất: đất nhiều hữu cơ bón nhiều vôi, nhiều năm phải bón lại, ngược lại nếu đất ít hữu cơ nên bón lượng ít hơn nhưng nên bón vôi thường xuyên hơn. Đối với đất sét, nhiều chất hữu cơ: nếu độ pH từ 3,5 – 4,5 cần bón 2 tấn vôi/ha, pH từ 4,6 – 5,5 bón 1 tấn vôi/ha, pH từ 5,6 – 6,5 bón 0,5 tấn vôi/ha, pH trên 6,5 không cần bón vôi. Đối với đát cát, ít chất hữu cơ: nếu độ pH từ 3,5 – 4,5 bón dưới 1 tấn vôi/ha, pH từ 4,6 – 5,5 bón dưới 0,5 tấn vôi/ha, pH từ 5,6 – 6,5 bón dưới 250 kg vôi/ha, pH trên 6,5 không cần bón vôi.

Sau vài năm nếu bà con muốn bón vôi lặp lại thì cũng nên kiểm tra lại độ pH trước khi quyết định lượng vôi cần bón cho thích hợp.

Thời điểm bón vôi:

Đối với vườn cây kiến thiết cơ bản (chưa cho thu hoạch) có thể bón bất cứ vào thời điểm nào trong năm, tuy nhiên tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Đối với các vườn đang cho trái, chỉ nên bón sau khi đã thu hoạch xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, phòng trừ sâu bệnh… nhằm làm giảm độ chua của đất sau 1 năm cây trồng khai thác đất.

Vôi thường được sử dụng để bón lót là chính, đồng thời sát trùng được đất trồng, và cung cấp canxi cho cây cứng cáp.

Bón vôi đúng cách:

Bón rải đều lượng vôi đã được xác định cho từng loại đất trên mặt liếp rồi dùng cuốc xới sâu 5 – 10 cm để trộn đều vôi với đất rồi tưới nước từ từ, tưới nhiều lần cho vôi hòa tan trong đất mới có tác dụng tốt.

Thiết kế hệ thống thủy lợi, trụ trồng

Thiết kế hệ thống mương, liếp vùng đất cao và bằng

Trên vùng đất cao (vùng đồi, núi) thường không cần đào mương, chỉ cần cung cấp nước tưới cho cây, nhất là vào mùa khô. Vùng đất cao và bằng khả năng bị ngập úng rất ít, thường xác định vị trí trồng, sau đó đào lỗ đặt trụ. Nước tưới thường đào giếng và dùng máy bơm tưới. Vì vậy cần xác định kích thước trồng cây thanh long (theo mật độ, khoảng cách cho từng giống) trước khi đào lỗ dựng cột và trồng.

Thiết kế hệ thống mương, liếp vùng đất thấp

Các vùng đất thấp như đất phù sa, đất phèn, đất mặn, đất phèn mặn và đất than bùn, có địa hình thấp bằng phẳng, thoát nước kém, độ cao biến động từ 0 – 2 m, phần lớn cao không quá 1 m so với mực nước biển. Mực thủy cấp rất gần mặt đất ngay cả trong mùa nắng, trung bình từ 50 – 80 cm.

Hàng năm vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về, kết hợp với mưa tại chỗ đã làm nước sông dâng cao gây ngập lũ. Tuy nhiên điều kiện thiên nhiên thuận lợi, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhân dân có nhiều kinh nghiệm tốt trong canh tác… Nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long nên ngành trồng cây ăn trái ở nước ta nói chung và trồng cây thanh long nói riêng phát triển khá nhanh. Trồng cây ăn quả cũng như thanh long ở vùng này bắt buột phải đào mương lên liếp cao, để tránh ngập úng vào mùa mưa.

Tiêu chuẩn chọn trụ trồng

Tiêu chuẩn trụ trồng

Thời gian trồng trụ: Thường trồng trụ sau khi đã đắp mô và ươm cây giống (trước trồng cây 1 tháng). Trụ có tuổi thọ cao, trụ dễ làm, trụ không nóng vào mùa khô, ít nhiễm sâu, bệnh. Rễ thanh long bám trên trụ dễ dàng, thuận tiện khi di chuyển, không cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, nước.

Các loại trụ trồng thanh long

Trụ trồng bằng gỗ

Cây trụ thường được chọn có đường kính trên 25 cm, dài 2,5 – 2,7 m, sau khi chôn trụ cao khoảng 2,0 m. Hiện nay xu hướng của nông dân là hạ thấp trụ xuống, nghĩa là sau khi chôn trụ xong còn cao trung bình từ 1,6 m đến 1,8 m, còn đường kính sử dụng chỉ còn khoảng 15 cm. Chọn loại gỗ tốt, chịu được nắng, mưa: Các loại gỗ thường sử dụng trước đây là Căm Xe, Cẩm Liên, Cà Chắc, Sao Đen… Ngày nay các loại trụ gỗ này không khuyến cáo trồng, vì phá rừng ảnh hưởng đến môi trường.

  • Ưu điểm: Cây thanh long bám rễ tốt, rễ không bị nóng.
  • Nhược điểm: Tốn công, tốn chi phí, cần loại gỗ chắc. Khó tìm nguyên liệu để sử dụng. Trụ trồng bằng cây gỗ hiện không còn nhiều, do cây gỗ ngày càng khan hiếm. Do vậy nhiều nơi chuyển sang trồng bằng loại trụ khác, như trụ bê tông cốt thép.

Trụ trồng bằng cây sống

Cây me tây (Ảnh minh họa).

Cây sống sử dụng làm trụ trồng thanh long thường chọn những cây nhanh lớn, ít cạnh tranh dinh dưỡng với thanh long như: Cây dông nem, cây cồng (me tây)…

  • Ưu điểm: Tận dụng nguồn cây tại địa phương sẵn có. Tiết kiệm chi phí. Cây thanh long bám rễ khí sinh tốt, mùa nắng có thể che bớt nóng.
  • Nhược điểm: Phải thường xuyên tỉa nhánh, cây cao khó chăm sóc, thu hoạch. Khi trồng lâu dễ đổ ngã do rễ yếu và bị rễ thanh long hút hết dinh dưỡng của cây, thời gian trồng trụ trồng chậm (chờ cây trụ sống mới trồng thanh long).

Trụ trồng bằng bê tông cốt thép

Trụ trồng thanh long được người dân thiết kế và đổ trụ tại vườn trồng để giảm công khiêng trụ. Trụ có kích thước dài 2,0 – 2,1 m; cạnh vuông tối thiểu 15 – 15 cm. Khi trồng, phần trên mặt đất cao khoảng 1,4 – 1,5 m; phần chôn dưới mặt đất khoảng 0,6 m, phía trên trụ có 2 – 4 cọng sắt ló ra dài 20 – 25 cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cành thanh long.

  • Ưu điểm: Thời gian trồng trụ nhanh, khai thác lâu năm, chỉ trồng 1 lần. Hiệu quả kinh tế hơn trụ khác, chiều cao của trụ ở ruộng, vườn có độ đồng đều cao, thuận lợi cho việc bố trí để xử lý ra hoa.
  • Nhược điểm: Vào mùa nắng rễ khi sinh thanh long bị nóng có khả năng rễ không bám được vào trụ. Giá thành trụ cao.

Hiện nay có 2 loại trụ trồng bằng xi măng cốt thép: loại trụ có đổ sẵn phần chữ thập trên đầu trụ và loại chỉ đổ chừa 1 phần sắt trên đầu trụ (20 – 25 cm) sau đó bẻ cong về 4 hướng. Gác lốp xe (với diện tích ít) hoặc không gác lốp xe. Trụ bê tông cốt thép sau khi trồng trụ xong gắn lốp xe để cành thanh long mọc đến đỉnh trụ qua vòng bánh xe xòe ra chung quanh.

Hiện nay các nhà chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân nên đầu tư vốn để trồng thanh long bằng trụ bê tông cốt thép. Loại trụ này thuận lợi cho chuyên chở, trồng nhanh chóng, hiệu quả lâu dài. Bà con có thể trồng kiểu hàng rào, để tận dụng diện tích và hiệu quả kinh tế.

Kỹ thuật trồng thanh long năng suất

Xác định mật độ, khoảng cách trồng

Xác định mật độ để có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ trụ, thời gian đặt trụ và trồng cây. Cây thanh long là cây ưa sáng và cần nhiều ánh nắng, nếu trồng mật độ dày cành đan chéo nhau khó đi lại chăm sóc.

Nên trồng với khoảng cách là 3 x 3 m (hàng cách hàng 3 m, trụ cách trụ 3 m), mật độ 1.100 trụ/ha. Có thể trồng dày hơn nhưng không dưới 2,5 x 2,5 m hoặc thưa hơn 3,5 x  3 m (hàng cách hàng 3,5 m, trong hàng trụ cách trụ 3 m). Có thể bố trí trồng xen các loại cây ngắn ngày khác nhưng phải đảm bảo cho thanh long nhận đầy đủ ánh sáng.

Đào hố, đắp mô, đặt trụ vào hố

Đào hố đặt trụ theo khoảng cách và mật độ đã định trước, độ sâu từ 40 – 50 cm để chôn trụ trồng, không bị ngã. Hố có thể đào bằng tay hoặc bằng máy.

Đối với vườn đắp mô, có thể đặt trụ trước hoặc sau đắp mô đều được. Thông thường đắp mô trước rồi mới đặt trụ. Kích thước mô: Vùng đất thấp, sau khi lên liếp phải đắp mô để cây không ngập úng. Một số nơi đất thấp, người trồng còn đắp mô trồng trụ và cây trước một năm sau mới lên liếp. Chiều cao mô: 30 – 40 cm, rộng 70 – 80 cm để nước không đọng trên mô.

Trụ được đặt ở giữa hố và mô. Khi đặt trụ vào hố hoặc mô phải chú ý đến cao trình của trụ, vì sẽ liên quan đến việc xử lý cây ra hoa sau này (bố trí đèn xử lý cây ra hoa), bên cạnh đó còn liên quan đến quá trình tạo tán tỉa cành về sau, do vậy các trụ phải có cùng độ cao nhất định. Hiện nay một số nơi như Bình Thuận đã xây trụ bằng gạch, nhưng không bền như trụ bê tông cốt thép.

Bón lót

Đào 3 hoặc 4 hố xung quanh trụ, theo cạnh phẳng của trụ, đào trước trồng 15 ngày. Nếu bón lót phân trước khi trồng thì hố đào sâu 20 cm, rộng 30 – 40 cm, trộn đều 5 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 kg Super lân hoặc 0,3 kg NPK loại 20:20:15 bón cho 1 hố sau đó lấp đất đầy hố. Trước khi trồng, đảo hỗn hợp phân và đất trong hố. Tạo một hố sâu hơn bầu 2 – 4 cm. Làm phẳng đáy hố và rắc thuốc trừ sâu bệnh sau đó phủ lớp đất lên thuốc dày 5 cm.

Cách trồng cây thanh long

Trồng cây là khâu quan trọng cần đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật để cây sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Mỗi trụ đặt 3 hoặc 4 hom theo từng mặt trụ.

Đặt hom cạn 2 – 3 cm, đặt phần lõi (đã gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài) xuống đất để tránh thối gốc. Với hom có bầu: Dùng dao lam bóc vỏ bầu cây trước khi trồng sao cho không bị vỡ bầu. Khi trồng nên áp phần phẳng của hom vào mặt trụ tạo điều kiện thuận lợi cho cành ra rễ dễ bám sát vào trụ. Sử dụng đất mặt tơi xốp lấp hố, ấn đất đảm bảo có độ chặt vừa phải, không làm vỡ bầu cây khi lấp đất. Sau khi trồng dùng dây cột hom vào trụ để tránh gió làm lung lay và đổ ngã.

Ở các vùng đất cao đất khô và hết mưa thì cần tủ gốc để giữ ẩm. Tủ gốc bằng rơm, rạ, cỏ khô, bột xơ dừa. Tưới nước vừa đủ ẩm gốc.

Với những kỹ thuật trồng thanh long được chia sẻ tại bài viết, mong rằng bạn có thể ứng dụng thành công khi trồng thực tế. Ngoài ra người trồng nên tham khảo thêm kinh nghiệm của người trồng lâu năm, cùng ý kiến của các chuyên gia cây trồng.

3/5 - (2 votes)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!