Tỏi ta là loại gia vị quen thuộc trong mỗi bữa ăn người Việt, tỏi ta rất nhiều tinh dầu, thơm, củ chắc. Ngoài dùng để làm gia vị chế biến thực phẩm, tỏi ta còn dùng làm vị thuốc chữa bệnh. Hiện nay rất nhiều vùng nước ta trồng tỏi ta hiệu quả, đạt năng suất cao, chất lượng đạt chuẩn nổi tiếng như tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang,… Kỹ thuật trồng tỏi ta không khó, dễ áp dụng, ai cũng có thể trồng hãy tìm hiểu ngay thông tin tại bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Thời vụ trồng tỏi ta
Miền núi, trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ
Trồng trong vụ Đông sớm, tốt nhất trồng từ 15/9 đến 5/10.
Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ
Trồng từ tháng 9 đến tháng 10.
Chuẩn bị trước khi trồng, cách trồng
Tỏi là loại cây dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, tốn ít chi phí. Cây dễ thích nghi với mọi điều kiện về diện tích đất trồng, nên bạn có thể trồng chúng trong các thùng xốp, đặt ở ngoài ban công hay bên hiên nhà đều được. Đất trồng tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và giàu chất dinh dưỡng.
Chuẩn bị vật liệu trồng
Vật dụng trồng có thể sử dụng như chậu/thùng xốp/khay nhựa… Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình để lựa chọn các vật dụng trồng có kích thước, chất lượng khác nhau. Vật dụng trồng cần đảm bảo thoát nước tốt, chiều cao chứa giá thể trồng từ 20 cm trở lên để cây sinh trưởng phát triển tốt. Nếu trồng chậu xốp, bạn nên khoét 6 – 8 lỗ/chậu để cây có thể thoát nước, không nên khoét lỗ quá to sẽ bị trôi đất.
Tỏi rất cần ánh nắng để phát triển. Vì vậy, chậu trồng nên đặt nơi nhiều nắng như gần cửa sổ, ban công, sân thượng… Chậu trồng tỏi cần tránh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đất. Do đó, bạn nên kê cao 4 góc để cây được thông thoáng.
Chuẩn bị đất/giá thể
Đất trồng là yếu tố rất quan trọng khi bạn trồng rau trong thùng xốp. Nếu sử dụng đất trồng chứa nhiều dưỡng chất, tơi xốp,… bạn sẽ có được chậu tỏi năng suất cao, chất lượng tốt. Bạn có thể mua các loại đất sạch được đóng túi, chuyên dùng để phục vụ nhu cầu trồng rau tại nhà. Hoặc bạn có thể tự chuẩn bị đất trồng.
Cách trộn đất như sau:
Bước 1: Lót một lớp giá thể như xơ dừa hoặc các loại xơ quả để chậu cây dễ thoát nước mà vẫn giữ lại những chất dinh dưỡng tốt cho cây.
Bước 2: Cho đất thịt pha trộn với phân chuồng hoại mục, tro trấu, xơ dừa và bón lót bằng phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh hoặc phân trùn quế.
Bước 3: Cho đất trồng ra khay/chậu với độ dày khoảng 20 đến 30 cm là vừa đủ, sau đó san phẳng giá thể và tiến hành trồng.
Lưu ý: Có thể dùng một số loại phân NPK Con Cò, NPK Bình Điền… để bón lót cho tỏi.
Cách trồng tỏi ta
Cắm các nhánh tỏi trên thùng/chậu đã được chuẩn bị giá thể theo khoảng cách 8 – 10 cm. Ấn sâu xuống đất ngập 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên.
Cách chăm sóc cây tỏi ta
Tưới nước
Cần thường xuyên kiểm tra, tưới nước định kỳ cho tỏi, không để cho cây bị thiếu nước hoặc úng nước. Mùa nắng, tỏi cần được tưới 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát.
Mùa mưa, tùy thuộc vào thời tiết để tưới, tránh tưới quá nhiều nước khiến cho cây còi cọc, sinh trưởng kém. Khi tỏi còn nhỏ, nếu gặp trời mưa cần được che chắn để tránh ngập úng cho cây. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng cần tưới 2 – 3 lần/ngày. Vào mùa đông chỉ cần tưới 1 lần/1 – 2 ngày. Bạn có thể tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, bã cà phê, bã chè để tưới và bón cây hàng ngày.
Chế độ bón phân
Đối với tỏi trồng trong chậu có thể bón thúc 2 – 3 lần.
- Thúc lần 1: Sau trồng 30 ngày tưới thúc lần 1.
- Thúc lần 2: Sau trồng 60 ngày (cây bắt đầu phình củ).
- Thúc lần 3: Sau khi trồng 80 ngày (giai đoạn củ phát triển).
Bạn có thể dùng một số loại phân như NPK Con Cò, NPK Bình Điền hoặc phân vi sinh, phân trùn quế… để bón thúc cho tỏi. Cách bón: Ngâm phân, hòa với nước để tưới.
Thu hoạch, sơ chế, bảo quản
Thu hoạch củ sau khi trồng 120 – 125 ngày. Khi cây vừa tàn lá gốc, lá phía trên cũng bắt đầu khô, thân tóp lại và xuất hiện nhánh tỏi nhỏ (tỏi gió), lá vàng úa có thể bắt đầu thu hoạch.
Nhổ củ, rũ sạch đất, bó thành chùm treo trên giàn ở chỗ thoáng để bảo quản. Nếu số lượng lớn bạn cần để vào kho, trên giàn nhiều tầng. Thu hoạch vào ngày không mưa, chọn những củ to, chắc, không bị bệnh, bó thành bó phơi khô.
Sau khi thu hoạch cần hong cho tỏi được khô vỏ củ và thân, lá.
Vị trí bảo quản tỏi phải luôn thông thoáng và khô ráo, tránh dùng túi nhựa hoặc hộp kín để bảo quản vì như vậy sẽ ngăn chặn sự lưu thông không khí, khiến tỏi dễ bị ẩm mốc. Bạn nên đựng trong túi lưới, rổ để đảm bảo độ thông hơi. Tuyệt đối không nên để tỏi ở những nơi có nhiệt độ quá thấp (dưới 10 độ) hoặc nhiệt độ quá cao, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Bài viết trên đây đã giới thiệu tới những ai đang có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng tỏi ta. Mong rằng với những chia sẻ tại bài viết sẽ giúp bạn giảm thiểu kinh phí trồng nhưng mang lại hiệu quả cao khi trồng tỏi ta.