Kinh nghiệm trồng tỏi tây đơn giản, xanh tốt ít sâu bệnh

Hành tây là còn gọi là hành ba rô loại rau gia vị trong nhiều món ăn ngon. Tỏi tây là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ phòng chống và điều trị ung thư, vì vậy loại rau này được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường nguồn rau trôi nổi, không rõ nguồn gốc không đảm bảo. Vì vậy bạn có thể tự trồng tỏi tây tại nhà, giúp bạn an tâm chế biến bữa ăn cho cả gia đình.

Thời vụ trồng tỏi tây

Tỏi tây là loại tỏi dùng để ăn lá, thân nên tỏi tây có thể được gieo trồng rất nhiều vụ trong một năm, có thể trồng quanh năm, nhưng thời điểm thích hợp nhất để trồng tỏi tây bao gồm 2 vụ chính:

Vụ Đông trồng từ tháng 9 – 10, thu hoạch từ tháng 11 – 12.

Vụ Xuân trồng từ tháng 2 – 3, thu hoạch từ tháng 4 – 5.

Chuẩn bị trước khi trồng

Chuẩn bị dụng cụ trồng

Chuẩn bị khay trồng thông minh hoặc thùng xốp hoặc chậu nhựa, chậu xi măng… có lỗ thoát nước.

Độ sâu của các dụng cụ trồng từ 20 – 25 cm.

Chuẩn bị giá thể

Tỏi tây rất dễ chết vì ngập úng nên đất trồng phải tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn có thể mua các loại đất được trộn sẵn ở các cửa hàng bán phân bón, trang trại hoa cây cảnh.

Giá thể được trộn gồm:

5 phần đất nền + 3 phần giá thể tạo xốp + 2 phần phân bón.

Hoặc trộn 4 phần đất nền + 1 phần giá thể tạo xốp + 1 phần phân bón.

Cho giá thể đã trộn vào dụng cụ trồng cây, độ dày giá thể từ 12 – 15 cm.

Sau khi trộn xong, san phẳng bề mặt đất, nhấn nhẹ các góc của chậu

Chuẩn bị cây giống

Trồng tỏi tây nên trồng từ cây con. Bạn không nên gieo trực tiếp từ hạt vì thời gian chăm sóc cây con khá dài, bạn phải tốn công chăm sóc và nhiều chi phí khác.

Khi cây giống mọc được 20 – 25 ngày, có 2 – 3 lá thì nhổ, cắt bớt một ít rễ và lá ngọn.

Kỹ thuật trồng tỏi tây

Để thân cây tỏi tây trắng, mềm (phần ăn chính), thì đoạn thân phía dưới cần được che sáng. Vì vậy, tỏi tây cần được gieo, trồng sâu.

Các bước trồng tỏi tây

Bước 1: Nhúng rễ cây con vào dung dịch nấm đối kháng Trichoderma hoặc chiết xuất dung dịch tỏi đã pha để hạn chế bệnh hại và kích thích bộ rễ phát triển.

Bước 2: Trồng theo khoảng cách đã định, cây cách cây khoảng 15 cm, dùng ngón tay moi một hố sâu khoảng 10 – 12 cm, rộng 4 – 5 cm để đặt cây con.

Bước 3: Đặt cây con vào hố trồng và giữ cây con thẳng đứng. Cây con được trồng sâu để phần thân trắng phát triển thuận lợi.

Bước 4: Hai bàn tay ấn nhẹ đất xung quanh gốc cây con.

Bước 5: Dùng tay xoa phẳng đất mặt luống. Tiếp tục trồng cây khác.

Lưu ý

Đất trước khi trồng phải đủ ẩm.

Trồng cây con vào những ngày râm mát hoặc lúc chiều mát.

Trồng ngay hàng thẳng lối, đúng khoảng cách, mật độ đã xác định.

Cách chăm sóc cây tỏi tây

Bón phân cho cây tỏi tây

Bón thúc bằng phân hữu cơ

Mua phân hữu cơ tại cửa hàng bán phân bón:

Bạn nên mua phân hữu cơ nguồn gốc động vật xử lý nhiệt (như Fetiplus, Melgert, Nature,…), hoặc phân hữu cơ vi sinh của các hãng như Sông Gianh, Bình Điền, Humix…

Cách bón: Đọc kỹ thời hạn và hướng dẫn cách bón phân trên bao bì đối với từng loại phân.

Tự làm phân hữu cơ tự làm tại nhà:

Làm nước phân hữu cơ từ vỏ chuối: Mỗi tuần tưới 1 lần.

Làm nước phân hữu cơ từ vỏ củ khoai tây: Mỗi tuần tưới 1 lần. Trước khi tưới pha thêm 1 lít nước nữa.

Bón bằng phân hữu cơ được ủ tại nhà: Bón phân hữu cơ đã ủ xung quanh gốc cây. 20 ngày bón 1 lần, lần bón cuối cùng trước khi thu hoạch 10 ngày. Bón 1,5 – 2 kg kết hợp với 80 – 100 gram phân đậu tương ủ khô cho 1m².

https://cdn.weatherplus.vn/VMS/CMS/image/detail_post/bón%20phân%20nước_1623651760.jpg

Bón phân đậu tương ủ khô: Rắc trực tiếp lên mặt chậu hành 300 gram phân đậu tương cho 1m² sau đó phủ 1 lớp mỏng giá thể lên trên. Vì phân đậu tương ủ khô có thể có mùi nhẹ nên chúng ta cần ngưng bón khoảng 3 ngày trước khi thu hoạch rau.

Bón thúc bằng phân vô cơ

Lượng bón và cách bón thúc cho 1m² như sau:

Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 7 – 10 ngày, bón 5 – 10 gram Urê hoặc Humix, Komix cho 1 m².

Bón thúc lần 2: Sau trồng 15 – 20 ngày, bón 10 – 12 gram NPK (loại 16-16-8-13S) + 5 gram Urê hoặc Humix, Komix cho 1 m².

Bón thúc lần 3: Sau trồng 30 ngày, bón 10 – 12 gram NPK (loại 16-16-8-13S) + 5 gram Urê hoặc Humix, Komix cho 1 m².

Bón thúc lần 4: Sau trồng 40 ngày, tưới 10 – 12 gram NPK (loại 16-16-8-13S) + 5 gram Urê cho 1 m².

Trong quá trình sinh trưởng của cây tỏi, nếu thấy cây mềm yếu, lá có hiện tượng hơi vàng, bạn cần tưới thêm phân bổ sung.

Bón cho cây vào chiều mát.

Nếu bón trực tiếp: Đào đất giữa 2 hàng cây lên, rải đều phân bón vào 2 rãnh đất sau đó lấp đất lại và tưới nước cho cây.

Nếu tưới: Hòa tan lượng phân trên trong 2 lít nước, tưới cho khoảng 20 – 30 cây. Hạn chế tưới trực tiếp lên lá và gốc cây mà chỉ tưới xung quanh gốc.

Sau khi tưới phân xong, nên phun nước lại để tránh phân làm cháy rễ/lá cây.

Lưu ý: Trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày, ngừng bón phân.

Trồng giặm cây tỏi tây

Giặm cây

Sau khi trồng 5 – 7 ngày, cây tỏi mọc và hồi xanh, cần kiểm tra chậu trồng để giặm cây giống mới thay vào chỗ cây bị chết.

Việc giặm phải được thực hiện sớm để cây mọc đồng đều.

Làm cỏ

Làm sạch cỏ trong chậu trồng tỏi để hạn chế cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với tỏi.

Nhổ cỏ nhẹ nhàng, tránh ảnh hưởng đến cây tỏi.

Xới và bổ sung giá thể

Rễ tỏi tây dạng sợi và nông. Bạn chỉ nên xới vừa đủ sâu để cắt bỏ cỏ dại bên dưới bề mặt đất. Xới nhẹ quanh mép chậu, không xới sâu và sát ảnh hưởng đến rễ tỏi.

Mỗi lần xới thường tiến hành kết hợp với các lần bón thúc.

Xới vào những ngày khô ráo.

Tỏi có thể xới từ 3 – 4 lần tùy theo từng giống:

Lần 1: Sau trồng 10 – 15 ngày, xới sâu rộng khắp mặt luống, kết hợp bón thúc đạm lần 1.

Lần 2: Sau trồng 25 – 30 ngày, kết hợp với bón thúc lần 2.

Lần 3: Sau trồng 40 – 45 ngày xới hẹp xung quanh gốc, bón thúc lần 3.

Mỗi lần xới, bổ sung thêm giá thể vào gốc cây để thuận lợi cho các trục trắng phát triển dài ra và mềm.

Tưới nước đủ cho cây

Tùy theo điều kiện thời tiết, những ngày đầu sau trồng, tưới cho cây hàng ngày 1 hoặc 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.

Các ngày sau, tưới 1 ngày/lần hoặc 2 – 3 ngày/lần.

Duy trì độ ẩm 75 – 80%. Tưới dưới gốc, không tưới lên lá. Độ ẩm đất dưới 50% (lớp đất trên mặt khô trắng) cần tưới ngay, trên 80% cần tiêu nước.

Thử độ ẩm bằng tay bằng cách nắm đất nếu có nước chảy qua kẽ tay là độ ẩm cao. Nếu tơi, rời là khô. Nếu nắm lại đất không tở ra là độ ẩm phù hợp.

Lưu ý: Khi tưới bạn xem xét độ thấm của nước, nước tưới phải thấm đến hết tầng rễ ở trong chậu. Nếu nước chưa thấm hết tầng rễ thì bạn vẫn phải tiếp tục tưới. Nếu tưới vượt quá tầng rễ và thấm qua chậu thì bạn phải tăng số lần tưới và giảm lượng nước tưới mỗi lần.

Giữ ẩm cho cây tỏi tây

Tỏi trồng trong nhà có giàn che và được trồng sâu, bạn không cần tủ gốc cây, nhưng cần bổ sung thêm giá thể để tăng chiều dài của phần thân trắng dưới gốc.

Nếu có điều kiện, bạn có thể tủ thêm vào gốc cây 6 – 7 cm rơm rạ băm nhỏ (dài 4 – 5 cm) để che sáng và giữ ẩm cho gốc cây.

Thu hoạch, bảo quản tỏi tây

Tiêu chuẩn cây tỏi tây thu hoạch

Thân cứng, màu trắng, dài hơn 7,5 cm.

Phần mọc trên cùng, được gọi là lá cờ, phải có màu xanh (chồi xanh), không có lá héo.

Thu hoạch

Nhổ tỉa 3 – 4 lần cách nhau 3 – 5 ngày. (Số lần nhổ tỉa có thể nhiều hơn tùy giống)

Thu hoạch tỏi tây bằng cách xoắn nhẹ và kéo chúng khỏi đất. Bạn cũng có thể đào và nhấc cây lên.

Thu hoạch vào những ngày râm mát, lúc sáng sớm hoặc chiều tối.

Sơ chế

Tỏi tây sau khi thu hoạch được bó thành từng bó, đem về nơi sơ chế, đặt nơi thoáng mát, tránh ánh sáng.

Cắt bỏ rễ, lá già và rửa sạch bằng nước sạch.

Bảo quản

Trong gia đình, bảo quản tỏi tây bằng cách bọc nilon, cất tủ lạnh.

Bạn có thể tận dụng thùng xốp, chậu cây hay một mảnh vườn nhỏ để thử sức trồng tỏi tây. Với kinh nghiệm và kỹ thuật trồng khá đơn giản đã được giới thiệu, chúc bạn sẽ thành công khi trồng tỏi tây tại nhà.

5/5 - (1 vote)

    Để lại một Bình luận

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Tin tức - sự kiện

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!