cach-trong-hoa-phong-lu-thao

Chuyên gia hướng dẫn cách trồng hoa phong lữ thảo

Hoa phong lữ thảo với hương thơm dịu nhẹ và vẻ đẹp quyến rũ, là một trong những loại cây trồng phổ biến trong vườn. Những chậu hoa phong lữ thảo không chỉ làm đẹp góc vườn của bạn mà còn là tạo ra không gian thư giãn  với hương thơm dễ chịu của nó. Trong bài viết hôm nay TS. Nguyễn Văn Biếu – chuyên gia cố vấn của mobiAgri sẽ hướng dẫn bạn đọc kỹ thuật trồng và chăm sóc chi tiết loài hoa đẹp này.

Vài nét về đặc điểm thực vật của cây phong lữ

Hoa phong lữ có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và hiện được trồng phổ biến ở miền khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phong lữ (tên khoa học là Pelargonium zonale L.) thuộc họ Mỏ hạc và còn được gọi bằng tên tiếng Việt khác như hoa phong lữ thảo, Thiên Trúc Quỳ, hoa mỏ sếu và tên tiếng Anh là Geranium.

cach-trong-hoa-phong-lu-thao3

Phong lữ thuộc nhóm cây bụi, sống nhiều năm, thân thảo, tròn, mọng nước, thân có nhiều lông tơ, có 2 loại là hoa phong lữ đứng và hoa phong lữ rủ. Hoa có hai dạng: đơn có 5 cánh và hoa kép nhiều màu. Nhóm mọc đứng có thể cao tới 1 m và nhóm mọc bò. Thân thường hóa gỗ ở gốc theo thời gian trồng. Phiến lá hình tròn, mọc đối, xẻ thùy dạng chân vịt, mép có răng cưa. Mặt trên phiến lá thường có vết vòng màu nâu nhạt. Kích thước lá từ 2-8cm, cuống dài 5-6cm. Hoa tự tán giả, cân đối, có thể ra hoa quanh năm nhưng thường nở rộ vào mùa xuân. Quả dạng mỏ sếu chứa hạt bên trong hạt.

Đến nay, các nhà vườn đã lai tao, chọn lọc và đã tạo ra được nhiều giống hoa phong lữ với nhiều màu sắc đẹp, sặc sỡ như đỏ, hồng, tím, trắng… Mùi thơm hoa phong lữ rất đặc trưng, là sự kết hợp giữa mùi trái cây, bạc hà, thông… được nhiều người yêu thích.

Từ lá và hoa có thể dùng làm thuốc chống suy nhược cơ thể, có thể dùng để khử trùng, làm giảm đau, chiết được nước hoa, tinh dầu có mùi thơm và có khả năng đuổi muỗi, phòng trừ các loại nấm mốc, vi khuẩn gây hại. Lá cũng có thể phơi khô và dùng làm trà thảo mộc tốt cho sức khỏe.

Cách nhân giống hoa phong lữ

cach-trong-hoa-phong-lu-thao4

Có thể trồng hoa phong lữ bằng hạt, cành giâm hoặc nhân giống cây con bằng kỹ thuật nuôi cấy mô .

Cách trồng hoa phong lữ thảo bằng hạt khá phổ biến nếu có nguồn hạt giống tốt từ các cửa hàng có uy tín. Có thể gieo hạt trên hàng 2×2 cm trên giá thể sạch, giàu dinh dưỡng. Chú ý bảo đẩm đủ ẩm sau khi gieo. Sau 4 ngày đến 6 hạt sẽ nảy mầm và có thể chuyển ra trồng vào chậu khi cây con được 3 lá.

Cách trồng hoa phong lữ tại nhà

Khi trồng hoa phong lữ tại nhà, có thể chọn cành từ cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, sử dụng dao hoặc kéo đã khử trùng để cắt. Nên chọn các đoạn cành bánh tẻ có 2 đến 3 mắt mầm, không có nụ hoa ở phía trên, dài khoảng 10cm để giâm cành tạo cây hoa phong lữ mới. Nên dùng dung dịch kích rễ có sẵn trên thị trường như N3M, Atonik, kích rễ Bimix Super Root, Roots 2… và sử dụng theo hướng dẫn sẽ bảo đảm tỷ lệ cây sống cao sau khi giâm vào bầu đất sạch, đủ dinh dưỡng.

Cuối cùng, bạn giâm vào bầu đất đã chuẩn bị sẵn. Bầu đất bạn có thể trộn giá thể giâm theo công thức 3 đất sạch trồng cây : 3 phân trùn quế : 2 mụn dừa : 2 trấu hun. Đặt cành giâm ở vị trí thoáng mát và tưới đủ ẩm hàng ngày. Đất làm bầu trồng nên dùng theo tỷ lệ 3 phân trùn quế : 2 mụn dừa : 2 trấu hun. Đặt bầu, chậu giâm nên đặt ở nơi thoáng mát và chú ý tưới đủ ẩm hàng ngày.

cach-trong-hoa-phong-lu-thao2

Hoa phong lữ trồng vào mùa nào?

Hoa phong lữ là loài cây có nguồn gốc vùng nhiệt đới, từ trồng đến ra hoa chỉ khoảng 3 tháng (khi trồng bằng cành giâm) và 3-4 tháng nếu gieo từ hạt. Cây sẽ ra hoa khi có không khí lạnh.

– Ở các tỉnh miền Bắc, nên trồng hoa phong lũ vào mùa thu đông. Gieo hạt từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch hàng năm.

– Ở những nơi có khí hậu mát mẻ như Sơn La, Mộc Châu, Sapa, Đà Lạt… có thể trồng quanh năm.

Mẹo chăm sóc hoa phong lữ giúp hoa nở rực rỡ

Có thể tự phối trộn giá thể hay đất trồng phong lữ theo công thức: 1/2 đất (đất phù sa, đất màu); 1/4 xỉ than ( mùn cưa, xơ dừa); và 1/4 phân chuồng hoai mục (phân vi sinh), trộn đều và nên xử lý sử dụng chế phẩm vi sinh có nấm, vi khuẩn đối kháng chaetomium, Tricoderma, EM  hoặc khử trùng đất bằng các dung dịch khử trùng có sẵn ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

– Vị trí đặt chậu cây: Hoa phong lữ có thể chịu bóng nên có thể đặt trong nhà, khu cực gần cửa sổ hay ban công. Tuy nhiên, để hoa ra nhiều và đẹp, vẫn nên định kỳ đưa cây ra nắng nhẹ.

– Tưới nước: Phong lữ là loài thực vật chịu hạn tốt nên chỉ cần tưới đủ ẩm, không để chậu cây ngập nước và làm úng rễ.

– Bón phân: Chú ý bón đủ dinh dưỡng để cây ra nhiều hoa và cho hoa lên màu đẹp. Ưu tiên NP trong giai đoạn cây sinh trưởng và NK thời ký chuẩn bị và ra hoa.

– Cắt tỉa: Phong lữ thường ra mỗi đọt hoa khoảng hơn 2 tuần. Sau khi hoa tàn, nên dùng dao sắc cắt bỏ đến phần thân cây sát gốc, xới xáo lại mặt đất trên bầu, bón thêm phân, tiếp tục tưới đủ nước để cây ra chồi chuẩn bị cho lứa hoa sau.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách trồng hoa phong lữ thảo từ TS Nguyễn Văn Biếu, mobiAgri mong rằng sẽ sớm nhận được những phản hồi từ bạn đọc để khoe những chậu cây phong lữ tuyệt đẹp của nhà mình trong thời gian tới.

Biên tập bởi mobiAgri

3/5 - (2 votes)

    Copyright 2023 – MobiFone

    Trung tâm Dịch vụ số MobiFone – Chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone

    Giấy ĐKKD: 0100686209-087
    Đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 16/06/2023 cấp bởi Sở KHDT thành phố Hà Nội.

    Phát triển và vận hành sản phẩm: Công ty cổ phần giải pháp thời tiết WeatherPlus

    DMCA.com Protection Status

    Khám phá

    Liên hệ

    Trụ sở: Số 01 Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội

    Tải ứng dụng

    error: Content is protected !!