Sầu riêng là loại cây trồng rất mẫn cảm với mặn, nếu tưới nước có độ mặn 0.5‰ 2 lần là cây bắt đầu có biểu hiện xào lá, cháy rìa lá, cây chậm sinh trưởng
Hiện nay, các vườn cây sầu riêng tại một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhiều vườn cây cháy lá, bị chết khô, một số khắc phục kịp thời vẫn có thể duy trì, tuy nhiên hậu quả kéo dài làm cho đất và cây trồng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, nó tác động rất lớn đến sinh trưởng và năng suất cây sầu riêng.
Bước vào thời điểm nắng nóng kết hợp nhiều vùng đang nhiễm mặn, việc khan hiếm nguồn nước ngọt để tưới cho các cây trồng rất dễ nhận thấy ở nhiều nhà vườn hiện nay. Cách đây 1 tháng, chú Huỳnh Văn Khôn (Kế Thành, Kế Sách, Sóc Trăng), canh tác 150 gốc sầu riêng Ri 6 và Monthong 2,5 năm, không nghĩ rằng nước sông nhiễm mặn và tưới cho vườn cây, sau 3 – 5 ngày cây vàng lá rụng lá khá nhiều, thậm chí trơ cành như hình dưới. Nông dân nhờ các cán bộ kỹ thuật cấp tốc xuống đo thì độ mặn đã đạt ngưỡng 0,9 ppt.
Việc dư thừa muối trong đất sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu của hỗn hợp đất, độ mặn của đất tăng cao đến mức sức hút nước của đất nếu cao hơn sức hút nước của rễ thì chẳng những cây không lấy được nước trong đất mà còn mất nước ngược lại vào đất.
Nếu cây không hút được nước trong khi đó quá trình thoát hơi nước của lá vẫn diễn ra bình thường làm mất cân bằng nước gây nên hạn sinh lý, cây mất nước, khô lá và chết. Ngoài ra việc cháy lá còn do sự vận chuyển Na+ lên mặt lá thông qua việc bốc thoát hơi nước, Na+ đọng trên mặt lá khi gặp nắng cũng xảy ra tình trạng cháy lá.
Làm thề nào để phục hồi các vườn sầu riêng đang nhiễm mặn, hạn chế tình trạng cháy lá, cứu cây là nỗi trăn trở của nhiều bà con trồng sầu riêng tại Kế Thành, Kế Sách, Sóc Trăng
Hôm nay, mobiAgri sẽ hướng dẫn bà con giải pháp hỗ trợ phục hồi vườn sầu riêng đang nhiễm mặn và sau nhiễm mặn.
Bước 1: Tỉa các cành nhánh đang bị bệnh, khô cành, các cành tăm cành bơi, cành vô hiệu để giảm tải áp lực bốc thoát hơi nước, giảm tải áp lực lên hệ rễ
Tiến hành phun rửa vườn bằng các Đồng Kẽm hoặc gốc Metaxyl, hexaconazole, Propamocar, kết hợp chất thấm sâu C10.
Bước 2: Nếu có nước ngọt tranh thủ cho vào mương tiến hành tưới rửa liên tục 3 – 5 ngày, tưới 2 – 3 lần/ngày. Mỗi lần 15 – 30 phút. Mục đích để rửa trôi muối tích tụ trong đất
Sau đó bón vôi loại CaO 1kg/cây theo hình chiếu tán cây và tưới nước ngọt để vôi tan đều trong đất đẩy Natri bám trên keo đất ra ngoài.
Hoặc bà con có thể pha 2kg vôi đá cho 200 lít nước, ngâm 1 đêm sau đó lấy nước vôi tiến hành tưới cho cây.
Bước 3: Bổ sung dinh dưỡng các gốc axit amin, axit Fulvic, trung vi lượng CuZnCa thông qua tưới gốc để rễ dễ hấp thu dinh dưỡng, tạo tiền đề rễ khỏe.
Phía trên lá bổ sung các nhóm phân bón lá có chứa chất điều hòa sinh trưởng Brassiostreiroid, vitamin B1, các trung vi lượng kết hợp Kali hữu hiệu cao để tỷ lệ K/Na cao làm hạn chế sự hấp thu Na+ vào cây, đồng thời tăng tính chống chịu cho cây.
Lưu ý: Trong giai đoạn này không xới mô đất và bón phân hóa học.
Bước 4: Sau 7 – 10 ngày xử lý bước 3 tiến hành phun lá các dòng sản phẩm có hàm lượng NPK sinh học kết hợp Canxi, Silic, các dòng phân bón lá hữu cơ có axit amin, axit fulvic…giúp tăng sức chống chịu và giúp cây khỏe.
Sau 10 – 15 ngày kể từ Bước 3 tiến hành lặp lại quy trình tưới gốc như Bước 3.
Sau 2 đợt bón phân/tưới gốc và 3 đợt phun phân bón lá, cây sẽ phục hồi và tiến hành chăm sóc như bình thường.
Kính chúc Quý bà con thành công!
ThS. Lê Thanh Hùng
Biên tập bởi mobiAgri