Thời gian gần đây, rất nhiều người dân đang quan tâm và tìm hiểu về kỹ thuật trồng chanh tứ quý. Vậy bà con cần lưu ý gì khi trồng chanh tứ quý, kỹ thuật trồng và chăm sóc ra sao để sai quả quanh năm? Cùng mobiAgri tìm hiểu kỹ thuật trồng chanh tứ quý chuẩn VietGap.
Chanh tứ quý hay còn gọi là chanh tứ mùa có sức sống khỏe có thể cho quả quanh năm giống như tên gọi của nó, chanh không hạt và rất nhiều nước. Kỹ thuật trồng chanh tứ quý rất đơn giản, chỉ sau 1 năm trồng cây đã có thể ra hoa đậu quả. Tuy nhiên, để chanh tứ quý ra quả tập trung, chất lượng quả tốt thì bà con cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong bài viết sau đây nhé.
Nội dung bài viết
Đặc điểm chung chanh tứ quý
Tên khoa học của chanh tứ quý Citrus x latifolia (Yu. Tanaka) Tanaka, thuộc họ cam quýt. Ở Việt Nam, chanh tứ quý còn có tên gọi khác là chanh không hạt.
Chanh tứ quý có được nhập từ California (Mỹ) về Việt Nam vài năm gần đây. Chanh không có hạt, không gai, sức sống khỏe, trái mọc thành chùm, vỏ mỏng, nhiều nước. Trong ngành công nghiệp, chanh tứ quý được sử dụng làm hương liệu chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng. Ngoài ra, chanh tứ quý được dùng làm đồ uống giải khát, vị chua mùi thơm.
Chuẩn bị trước khi trồng
Thời vụ trồng
Tùy theo đặc điểm khí hậu từng vùng mà thời gian trồng chanh tứ quý sẽ khác nhau:
Đồng bằng Bắc Bộ: Từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau.
Nam Trung Bộ và miền núi phía Bắc: Trồng cuối mùa mưa.
Miền Nam: Trồng quanh năm.
Đất trồng và mật độ trồng
Chanh tứ quý không kén đất nhưng tốt nhất là đất thịt tơi xốp, nhiều mùn và thoát nước tốt. Chanh không chịu được úng nên cần lên luống cao hoặc đào kênh thoát nước.
Để xử lý tàn dưa tồn tại trong đất, hạn chế sâu bệnh phát triển, bà con cày lật đất sau 40-45cm rồi phơi ải.
Tiến hành lên luống rộng 2m. Rãnh sâu 30cm và rộng 50cm.
Đào hố và bón lót
Đào hố trồng chanh với kích thước 40 x 40 x 40m, hố cách hố 2,5m.
Bón lót trước khi trồng: 20-30kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg phân lân, 0,1kg kali, vôi bột 1-1,5kg. Tiến hành trộn đều đất và phân, rải vôi lên mặt hố và lấp đất lên. Sau đó, cho nước vào đầy hố, khoảng 10-15 ngày sau là có thể trồng.
Vị trí trồng
Bà con nên trồng xa các vườn cây có múi bị nhiễm bệnh do virus, vi khuẩn như bệnh loét, vàng lá greening.
Đặc biệt chú ý, không trồng trên đất đã từng trồng cây có múi có triệu chứng nhiễm tuyến trùng hoặc bệnh nấm Phytophthora.
Chọn giống chanh
Tiêu chuẩn để chọn cây giống chanh tứ quý: Cây được nhân giống từ cây mẹ sạch bệnh; Cây giống có chiều cao 50-60cm (vị trí ghép). Cây giống không sâu bệnh, không có lá dị dạng. Bà con chú ý chọn mua cây giống ghép ở cửa hàng sản xuất uy tín.
Kỹ thuật trồng chanh tứ quý
Sau khi đã đào hố, bón lót, bà con đặt bầu rồi lấp đất. Tiếp theo, cắm cọc chéo vào cây và buộc lại tránh bị gió làm cây ngã đổ gây chết cây. Sau đó, bà con dùng cỏ khô, mùn rác phủ kín gốc rồi tưới đẫm nước ít nhất 1 lần/ngày cho tới khi cây phục hồi sinh trưởng. Tùy theo nhu cầu của cây và thời tiết để điều chỉnh lượng tưới phù hợp.
Nếu bà con trồng bằng cây chiết thì chú ý đặt nghiêng cây theo hướng ít nhánh để bên nhiều nhánh tạo tán sau này. Nếu trồng bằng cây ghép thì xoay mắt ghép về hướng gió chính. Khi cây bén rễ, bà con bón phân đậu tương với liều lượng 0,2kg. Phân đậu tương là hỗn hợp gồm 70% hạt đậu tương đã nghiền và 30% lân, ủ lên men xanh mới bón. Định kỳ 2 tháng sau bón nhắc lại phân đậu tương 1 lần.
Chăm sóc chanh tứ quý sai quả
Tưới nước: Bà con cần tưới đủ nước cho cây nhất là giai đoạn mới trồng, mùa khô, khi trái phát triển và quả sắp chín. Mùa mưa, bà con không cần tưới nước mà chú ý thoát nước để không bị ngập úng.
Làm cỏ dại: Để hạn chế cỏ dại phát sinh cạnh tranh dinh dưỡng với cây chanh, bà con nên phủ gốc bằng cỏ, rác, cây phân xanh,… Sau mỗi trận mưa to cần xới phá váng cho đất thông thoáng.
Cắt tỉa, tạo hình: Thường xuyên cắt bỏ cành mọc rậm rạp sát gốc, cành già, cành tăm, cành vượt để cây thông thoáng, tăng khả năng quang hợp giúp cây phát triển đủ sức mang trái. Ở giai đoạn bón thúc cây nên thêm đất mới vào dày 2-3cm kết hợp bón phân hữu cơ hoai mục.
Phân bón: Để cây chanh tứ quý ra nhiều quả thì bà con cần bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân, cụ thể bà con bón 20-30 kg phân chuồng và 1- 2 kg tro/hốc/ năm. Định kỳ 1-2 lần/năm.
Với phân hóa học, liều lượng bón cho mỗi cây như sau:
Năm 1: Bón 0,3-0,5kg NPK 16-16-8 và 0,5-1,0 kg sulfat đạm
Năm 2: Bón 1,0-2,0kg sulfat đạm và 0,3-0,5kg NPK 16-16-8.
Từ năm 3 trở đi: 2,0-2,4kg sulfat đạm và 0,5kg NPK (16-16-8) kết hợp với 1 kg vôi bột.
Do việc thu hái quả rải rác nên chia ra bón từ 4-5 lần/năm.
Sâu bệnh hại:
- Sâu vẽ bùa: Sâu thường gây hại ở giai đoạn lá non. Để phòng trừ bà con có thể dùng các loại thuốc có tính nội hấp như: Sevin 80WP, Cymbush, Padan 95SP, Lannate…
- Rầy chổng cánh: Là trung gian truyền bệnh vàng lá Greening. Để điều trị rầy, bà con phun 1 trong các loại thuốc sau: Applaud MIPC 25%, Bassan 50ND, BTN, Trebon 10ND, Admire 50ND,…
- Rầy mềm: Chích hút nhựa chồi non, lá non. Xử lý rầy mềm bằng cách sử dụng 1 trong các loại thuốc Bassan 50ND, Polytrin 40EC, Trebon 10ND, Supracide 40EC,…
- Nhện đỏ: Để phòng trừ, bà con dùng 1 trong các thuốc sau: Confidor, Danitol, Kelthane,… nhằm tiêu diệt ấu trùng và thành trùng của nhện đỏ.
- Bệnh loét, ghẻ: Bệnh chủ yếu gây hại nặng vào mùa mưa, bà con có thể phun phòng bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper Zin, Zineb 80 BHN, Copper B, Bordeux, Kasuran,…
- Bệnh thối gốc – chảy nhựa: Bệnh hại thân và rễ, một số loại thuốc phòng trị là Captan 75 BHN, aliett 80 BHN, Copper Zine,…
- Bệnh vàng lá gân xanh: Để phòng bệnh, bà con có thể trồng xen với ổi.
Thu hoạch
Quả chanh chín sinh lý thu hoạch sau khoảng 4,5 tháng từ khi lộ quả, khi vỏ quả chuyển màu xanh sáng. Chú ý không làm trầy xước, giập vỏ quả. Sau đó, phân loại và xếp quả trong thùng xốp hay hộp carton, giữa các lớp quả lót thêm giấy mềm để tránh cọ sát quả làm ảnh hưởng tới chất lượng.
Thu hoạch quả chín hoàn toàn sau khoảng 6 tháng từ khi lộ quả, vỏ quả chuyển từ xanh sáng sang vàng chanh. Để thu hái quả chín hoàn toàn thì trước đó bà con cần thu tỉa 30-40% quả chín sinh lý.
Với kỹ thuật trồng chanh tứ quý vô cùng đơn giản ở trên thì bạn có thể dễ dàng trồng được những cây chanh tứ quý ngay tại vườn nhà để có trái ăn quanh năm. Chúc bà con áp dụng thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất từ việc trồng chanh tứ quý. Ngoài ra, nếu có câu hỏi thắc mắc gì hãy để lại bình luận bên dưới để được giải đáp sớm nhất.